Nhu cầu tiêu thụ điện trong tương lai của Việt Nam được dự báo sẽ tăng gấp nhiều lần so với hiện nay. Do đó việc phát triển điện hạt nhân để đảm bảo nguồn cung là một trong những thách thức lớn cho sự phát triển bền vững của đất nước. Tuy nhiên, đây là cả một lộ trình dài và đầy áp lực.
Nguồn nhân lực thiếu và yếu
Để đảm bảo nguồn cung cấp điện năng cho cả nước, quốc hội đã thông qua Nghị quyết 41/2009/QH12 về chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Theo đó, dự án này sẽ gồm hai nhà máy với công suất trên 4.000 MW. Công nghệ chính là lò nước nhẹ cải tiến, thế hệ lò từ thứ ba trở lên, đã được kiểm chứng, đảm bảo tuyệt đối an toàn và hiệu quả kinh tế tại thời điểm lập dự án đầu tư. Năm 2014, sẽ khởi công xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, đưa tổ máy đầu tiên vận hành vào năm 2020.

Khi nào đủ nguồn nhân lực cao về công nghệ hạt nhân? Nguồn: Internet.
Thêm vào đó, trong tương lai sẽ có thêm nhiều nhà máy điện hạt nhân khác. Năng lượng nguyên tử còn được sử dụng rất đa dạng trong y tế, công nghiệp, nông nghiệp, thăm dò khoáng sản và nhiều ngành kinh tế khác. Theo khuyến cáo của Tổ chức Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA), nhân lực cần cho một nhà máy điện hạt nhân công suất 2.000MW cần khoảng 1.000 người có trình độ cao đẳng, đại học.
Trong điều kiện Việt Nam, để bảo đảm tiếp nhận chuyển giao công nghệ, vận hành, duy tu, bảo dưỡng nhà máy an toàn cần khoảng 1.200 người có trình độ đại học. Như vậy, số nhân lực cần cho 2 nhà máy điện hạt nhân là 2.400 người.
Ngoài ra, theo kinh nghiệm của một số nước trên thế giới có điều kiện kinh tế gần tương đồng với nước ta và với dự báo về khả năng ứng dụng kỹ thuật hạt nhân của Việt Nam, đến năm 2020 Việt Nam cần có khoảng 850 người để phục vụ việc quản lý, nghiên cứu và ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong các lĩnh vực y tế, công nghiệp, nông nghiệp, thăm dò khoáng sản, kiểm soát phóng xạ môi trường, kiểm soát an toàn bức xạ. Trong đó cần 650 người có trình độ đại học, cử nhân và 200 người có trình độ thạc sỹ, tiến sỹ.
Ông Phạm Minh Tuấn - Trưởng ban chuẩn bị đầu tư Dự án điện hạt nhân và năng lượng tái tạo thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, cho biết khi thực hiện một dự án điện hạt nhân, vấn đề an toàn luôn được đặt lên hàng đầu. Các sự cố về hạt nhân trước đây trên thế giới thường có yếu tố từ con người. Những sai sót này phần lớn lại có nguyên nhân từ những thiếu sót trong khâu đào tạo. Do vậy, nhiệm vụ quan trọng của ngành điện hạt nhân nước ta hiện nay là đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao và phẩm chất tốt.
Tuy nhiên, chúng ta chưa có chiến lược phát triển năng lượng hạt nhân và chưa có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực cho chiến lược này. Hơn nữa, thời gian qua nhu cầu sử dụng lao động các chuyên ngành hạt nhân không lớn nên số lượng sinh viên đăng ký học ngành này cũng chưa nhiều, dẫn đến nguồn nhân lực khoa học và công nghệ hạt nhân chưa theo kịp yêu cầu phát triển.
Năm 2008, cả nước có 496 cán bộ khoa học và công nghệ hạt nhân có trình độ đại học trở lên. Cả nước chỉ có 62 tiến sĩ cho cả 4 lĩnh vực: Vật lý hạt nhân, Vật lý và công nghệ lò phản ứng, Hóa học phóng xạ, Sinh học phóng xạ. Đáng nói hơn, độ tuổi của các cán bộ có trình độ tiến sĩ trung bình là 50. Trong số 12 giáo sư, phó giáo sư thì 4 người đã ở tuổi từ 60 đến 62, số còn lại cũng ở độ tuổi từ 50 đến 55. Như vậy, nguồn nhân lực khoa học và công nghệ hạt nhân của nước ta hiện tại thiếu cả về số lượng và chất lượng, nhất là rất thiếu các nhà khoa học đầu ngành.
Áp lực vốn và an toàn kỹ thuật vận hành
Nhiều chuyên gia cũng lo ngại, vấn đề xây dựng điện hạt nhân sẽ kéo theo những khoản chi phí lớn trong dự trữ ngân sách quốc gia. Bởi theo tính toán của giới chuyên môn, trung bình chi phí ban đầu cho một nhà máy điện hạt nhân cao gấp rưỡi, gấp đôi nhà máy thủy, nhiệt điện. Vì đây là khoản chi phí lớn nhất của nhà máy điện hạt nhân nên phải tính toán rất kỹ để có thể đảm bảo lợi ích lâu dài.

Hiện trường thảm họa điện hạt nhân tại Nhật Bản. Nguồn: AFP.
Được biết vào năm 2006, Tổng công ty điện lực Việt Nam (EVN) đã công bố sẽ thu xếp tài chính vốn vay cho dự án nhà máy điện hạt nhân Việt Nam theo hình thức tín dụng xuất khẩu, kết hợp vay vốn thương mại và phát hành trái phiếu nội tệ.
Phương án trên được đưa ra trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam do Viện Năng lượng phối hợp với Bộ Công nghiệp xây dựng.
Theo đó, Nhà máy đặt tại Phước Dinh, Ninh Thuận, tổng mức đầu tư dự án khoảng 3,4 tỷ USD. Dự kiến, chủ đầu tư EVN có vốn tự có 1 tỷ USD, vốn vay 2,4 tỷ USD, vay thương mại trong nước khoảng 602 triệu USD, vay nước ngoài 1,74 tỷ USD.
Tuy nhiên, trong cuộc trả lời báo chí mới đây, ông Nguyễn Chí Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, cho biết trong năm 2011 này, tỉnh tập trung vào việc chuẩn bị xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân có tổng công suất 8.000 MW, vốn đầu tư ước 10 tỷ USD, dự kiến khởi công vào năm 2014 và đưa vào hoạt động năm 2020.
Còn theo ông Phạm Minh Tuấn, Việt Nam đang kỳ vọng lớn vào nước cung cấp công nghệ cho nhà máy số 1 ở Ninh Thuận là Liên bang Nga. Ngoài ra, chúng ta cũng phải tự lo từ 15-20% vốn từ nguồn hỗ trợ chính phủ, hoặc chủ đầu tư sẽ phải vay thương mại qua phát hành trái phiếu trong và ngoài nước có bảo lãnh của chính phủ.
Bên cạnh đó, khi xây nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận, vấn đề an toàn bức xạ cũng được đông đảo công luận quan tâm. Ngành điện hạt nhân đã từng chứng kiến thảm họa nguyên tử Chernobyl năm 1986 ở Ukraina với hàng trăm nghìn người chết và bị nhiễm phóng xạ. Trong vòng 10 năm trở lại đây, nhiều sự cố rò rỉ cũng đã xảy ra tại nhiều nơi trên thế giới, khiến cho cuộc tranh luận về sự an toàn của điện hạt nhân tiếp tục là đề tài nóng bỏng.
Hay mới đây nhất là thảm họa kinh hoàng: toàn bộ 5 lò phản ứng (2 ở nhà máy Fukushima số 1 và 3 ở nhà máy Fukushima số 2 trong vùng xảy ra động đất mạnh nhất) đều ngừng hoạt động sau trận siêu động đất ngày 11/3. Nguy cơ tai hại, rò rỉ phóng xạ, đang làm nhiều triệu con người lo lắng, không chỉ ở Nhật Bản mà cả các nước khác.
Do đó, trong bất cứ viễn cảnh nào, thảm họa Chernobyl và Fukushima vẫn là bài học lớn cho mọi quốc gia đang trên con đường phát triển điện hạt nhân.
Theo Tầm Nhìn