Là con gái một thương nhân lớn, tiểu thư Mỹ Nhung khi tham gia cách mạng lấy tên Nguyễn Thị Yên Thảo (Tám Thảo), có được vỏ bọc thuận lợi để hoạt động tình báo. Ngôi nhà của gia đình cô tại số 136B đường Gia Long (nay là Lý Tự Trọng) đã nuôi chứa Thiếu tá tình báo Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang) - cụm trưởng tình báo H.63, khi ông xâm nhập nội đô, nắm tình hình chuẩn bị cho Mậu Thân 1968...
NGÔI NHÀ 136B, NHỮNG GIÂY PHÚT THÓT TIM
Với vẻ đẹp dịu dàng và rất khôn khéo trong ứng xử, Tám Thảo có được mối quan hệ tốt với các sĩ quan tình báo Mỹ nơi cô làm việc, nên cô lấy được nhiều tài liệu quan trọng, phục vụ cho trận đánh vào Bộ Tư lệnh Hải quân ngụy.
Suốt nhiều năm dài chịu đựng những con mắt nhìn soi mói, thiếu thiện cảm của nhiều người dành cho một phụ nữ đẹp đi làm ở “Sở Mỹ”, đây là thời điểm để cô ngẩng mặt tự hào trong bóng tối vì đã lập được công lớn, như vẽ sơ đồ, cung cấp sự bố trí phòng ốc bên trong, lực lượng phòng vệ, số quân trực chiến ban đêm. Ngoài ra, cô còn trao cho Tư Cang xấp ảnh trong đó cô đứng chụp chung với tên Thiếu tá Mỹ trước những tòa nhà quan trọng trong Bộ Tư lệnh Hải quân. Cô nói: “Với những bức ảnh này, anh em biệt động đặc công sẽ dễ nhận dạng mục tiêu trong chiến đấu”.
Mậu Thân 1968. Mũi tấn công vào Bộ Tư lệnh Hải quân ngụy gồm 16 chiến sĩ do Bảy Lốp chỉ huy đã vào được mục tiêu, chiến đấu anh dũng và đến 6 giờ sáng thì toàn đội hy sinh gần hết. Ngay trước ngôi nhà Tám Thảo là mục tiêu dinh Độc Lập. Từ trên căn gác, Tư Cang và Tám Thảo quan sát trận địa. Hơi cay xông vào nhà làm mắt mũi họ cay xè. Lòng họ như bị xát muối trước những mục tiêu đặc công đã xâm nhập được vào bên trong nhưng không phối hợp được với đại quân, đành phải chiến đấu trong tình thế vô cùng bất lợi. Vậy mà các chiến sĩ của ta vẫn chiến đấu kiên cường.
Trong tình huống các con đường vào thành phố bị phong tỏa gắt gao, Hai Ánh - nữ giao thông viên liên từ Củ Chi vẫn tìm cách vào thành phố, mang cho Tư Cang “chồng bánh tráng” nặng khác thường, chứa 2 khẩu súng và 27 viên đạn được ngụy trang khéo léo. Chuyến về, cô mang báo cáo tình hình sơ bộ Mậu Thân được Cụm trưởng tình báo vo tròn đặt thành viên bọc ni-lông.
Trở về ngôi nhà 136B, sau khi tháo rời từng bộ phận kiểm tra, ráp lại cẩn thận; Tư Cang đặt hai khẩu súng dưới gối phòng ngủ Tám Thảo. Còn 27 viên đạn quả là vấn đề nan giải. Tám Thảo chợt nảy sáng kiến, cho gói kỹ những viên đạn, đặt vào hũ mắm ngụy trang. Có được khẩu súng, cả hai đều cảm thấy yên tâm, tràn đầy niềm tin vào một trận dứt điểm…

Nữ tình báo Tám Thảo 1969. Ảnh TL gia đình.
Do tương quan lực lượng quá chênh lệch, các chiến sĩ biệt động dù chiến đấu vô cùng dũng cảm nhưng tình thế càng lúc càng bất lợi cho ta. Vậy là các chiến sĩ đột nhập vào dinh Độc Lập đã bị bao vây hai ngày hai đêm.
Lòng căm thù dâng cao độ, Tám Thảo khẩn thiết kêu gọi Tư Cang hãy nhằm vào những tên Mỹ đang dùng mọi sức mạnh quân sự bao vây mục tiêu, vừa uống rượu vừa hò hét mà nổ súng. Lý trí người chỉ huy mách bảo Tư Cang rằng nếu nổ súng, hậu quả sẽ khôn lường, gia đình Tám Thảo sẽ bị liên lụy. Nhưng Tám Thảo phớt lờ hiểm nguy, thúc giục: “Bắn, bắn đi anh Tư!”. Ông mím chặt môi, cho 5 viên đạn vào băng.
Với tài bắn súng “bách phát bách trúng”, dù Tư Cang sử dụng súng ngắn ở cự ly xa, những viên đạn vẫn ghim chính xác vào đầu của tên lính Nam Triều Tiên. Tiếp theo, phát súng thứ hai... Tám Thảo vội vàng đưa tay khép cánh cửa sổ, giục cụm trưởng: “Anh đi nhanh và cẩn thận. Thế nào chúng cũng lục soát cả vùng này!”.
Đúng như dự báo của Tám Thảo, dưới lòng đường, xe cứu thương, xe cảnh sát hú còi inh ỏi, hòa với tiếng giày đinh nện trên đường ghê rợn. Lệnh bao vây, lục soát cả khu nhà 136B ngay lập tức được thi hành. Nấp vào một góc thật kín đáo dưới căn nhà kho áp mái mà trước đó, cha của Tám Thảo đã chuẩn bị sẵn cho ngài “Thiếu tá Việt cộng”, trong bóng tối, Tư Cang lần từng viên đạn, nhẩm đếm. Với khẩu súng ngắn và 25 viên đạn còn lại, ông nghĩ đến việc chiến đấu với kẻ thù đến viên đạn cuối cùng. Có những tiếng chân người đạp trên mái ngói quan sát. Vậy là địch bủa lưới không chỉ dưới đường mà cả trên mái những ngôi nhà hướng khả nghi.
Ông Nguyễn Đăng Phong - cha của Tám Thảo vẫn ra vẻ bình thản ngồi tụng kinh trong căn phòng thờ. Một lúc sau, ông len qua các bành vải, bò lên chỗ Tư Cang ẩn nấp, mang cho người chiến sĩ tình báo một ít thức ăn khô, nước, giấy vệ sinh và căn dặn đừng xuống nhà, bởi các lối ra đều bị phong tỏa. Một đêm căng thẳng trôi qua.
Tư Cang dự đoán đơn vị biệt động đã rút, cũng có thể đã hy sinh hết và quân địch đã chiếm được tòa nhà... Đang suy nghĩ tìm đường thoát thì dưới nhà, một tốp lính gõ cửa, xông vào, tỏa đi lục soát mọi ngóc ngách. Chúng tiến lên căn gác, đi vào phòng ngủ của Tám Thảo và một bên là bàn thờ Phật. Chúng đòi mở tủ, lục tung từng quyển kinh sách. Vừa lúc đó, Tám Thảo vén màn bước ra, nói: “Ba để con dọn cho”.
Trông thấy người đẹp trong bộ váy ngủ mỏng manh, tên chỉ huy tốp cảnh sát dã chiến phân trần, vì nhiệm vụ buộc hắn phải hành động như thế. Cô làm bộ hờn dỗi, vừa sắp đặt những quyển sách vào tủ: “Làm như chỉ có các ông là vì nhiệm vụ, còn chúng tôi dân quèn hết chắc. Tôi cũng phụng sự cho chế độ cộng hòa như các ông, sao bị sỉ nhục và xem thường đến vậy!”.
Tên chỉ huy tỏ ra chú ý khi biết cô làm việc cho “Thiếu tá Jim đẹp trai”. Tuy khoác lác với cô nhưng hắn vẫn để mắt từng chi tiết trong nhà, buộc cô giải thích vì sao phía lối đi trong căn gác có nhiều đống ngổn ngang. Tám Thảo nói: “Vải. Gia đình tôi có sạp vải Tân Mỹ ở cửa Bắc chợ Bến Thành”. Tên chỉ huy phân bua: “Nghề nghiệp của tôi là phải hỏi mà”. Tám Thảo tỏ ra đồng cảm: “Tôi hiểu mà. Cũng như ông Jim, sếp tôi. Đi ra đường, thấy thanh niên nào ông ta cũng ngó chằm chằm, nghi là V.C”.
Tên chỉ huy lại tò mò: “Cô thường đi với thằng đó à?”. Tám Thảo mỉm cười, bí hiểm, dịu dàng: “Thỉnh thoảng thôi. Làm việc chung với nhau mà, thường là những buổi chiều tan sở, ông ta lái xe Jeep đưa tôi về nhà. Cũng như các anh, đã biết nhau thì mai này có dịp, mời anh đến nhà chơi. Gia đình tôi rất hiếu khách, nhất là những người tử tế như anh”.
Anh ta cười phá lên, buông câu đùa: “Thôi, thăm em thì rắc rối to. Biết đâu thiếu tá Jim cho anh một phát, rồi đời. Nhưng nếu chết vì một phụ nữ đẹp như em, anh chẳng tiếc. Hẹn khi khác nhé. À, em tên gì?”. “Mỹ Nhung”. Hắn chậc lưỡi xuýt xoa: “Tên đẹp, người còn đẹp hơn”. Anh ta quát tên lính đang lùng sục phía trên: “Thôi, xuống. Về tụi bây, nhà buôn lương thiện”.

Trong hang ổ kẻ thù, Tám Thảo đối mặt muôn vàn cam go, thử thách. (Tám Thảo ngày 7/6/1966).
Những tên lính kia đành bỏ dở cuộc lục soát, lục tục kéo nhau ra khỏi nhà. Cho đến lúc ấy, từ chỗ ẩn nấp, Tư Cang mới biết mình vừa thoát chết. Ông xúc động, nghẹn ngào trước sự cưu mang đến xả thân của gia đình Tám Thảo, sẵn sàng đối mặt với nguy hiểm để cứu sống ông.
Tư Cang giấu súng đạn vào chỗ kín, bò khỏi chỗ ẩn nấp, len qua mấy bành vải xuống phòng Tám Thảo. Biết ông hiện diện nhưng cô quá xúc động, ngồi bất động trên giường, trong tư thế đang đọc sách, không thốt được nên lời. “Cảm ơn, anh hết sức cảm ơn em!”. Cho đến lúc đó, Tám Thảo buông quyển sách, nắm lấy tay ông, run rẩy bật khóc: “Nguy hiểm quá anh Tư ơi! Bây giờ em mới thấy sợ!”. Ông nói: “Sao lúc nãy anh nghe em đối đáp bình tĩnh, thông minh thế”.
Tám Thảo nghẹn ngào: “Tại sao, em cũng không biết nữa. Còn bây giờ thì... anh thấy không, em vẫn chưa hết run!”. “Ôi! Người em gái đáng yêu, người đồng chí vô cùng quý mến! Trước kẻ thù thì bình tĩnh dũng cảm, với đồng đội thì chân chất thật thà”. Ông muốn ôm chặt cô vào lòng để nói lời tạ ơn nhưng cắn chặt môi, lặng lẽ vén màn bước ra phòng thờ Phật, cùng chủ nhân xếp những quyển sách bị bọn cảnh sát quăng ngổn ngang vào tủ…
Sau phút hiểm nguy, Tư Cang vẫn phải trốn biệt trong nhà Tám Thảo thêm mấy ngày nữa. Cho đến buổi sáng mồng 5 Tết, ông phải đến điểm hẹn. Không ai làm tốt vai trò hộ tống người cụm trưởng hơn Tám Thảo. Cô ngồi vào bàn trang điểm, mở tủ, lấy ra bộ quần áo dài màu hoàng yến. Tư Cang cũng ăn mặc bảnh bao, dắt chiếc Honda nữ màu đỏ ra khỏi nhà. Họ sóng đôi bên nhau, như một cặp tình nhân đi chơi Tết.
Vừa ra tới đầu ngõ, hai người đã gặp phải tên chỉ điểm. Tám Thảo cười tươi chào. Hắn cũng chào cô vui vẻ, mắt liếc nhìn người đàn ông sóng bước bên cô. Tư Cang khởi động xe Honda. Tám Thảo vén tà áo dài một cách duyên dáng, ngồi sau lưng Tư Cang. Họ hòa vào dòng người trên đường...
Nhờ thái độ thân thiện, sẵn sàng chia sẻ của Tám Thảo trong “sở làm” mà cô chiếm được cảm tình, lòng tin của nhiều sĩ quan, binh lính… Tuy nhiên, tồn tại trong lòng địch không là điều dễ dàng. Cô đã từng bị kiểm soát bằng “máy đo sự thật”, bị theo dõi, nghi ngờ là “V.C”, nhưng sự thông minh, sắc đẹp và “hoàn cảnh gia đình khá giả” đã cứu cô. Để bảo vệ đường dây tình báo trước sự khủng bố của địch, Tám Thảo được tổ chức đưa vào chiến khu, công tác tại Cục tình báo miền. Năm 40 tuổi, cô xây dựng gia đình với một sĩ quan quân đội.
HÒA BÌNH, NGÀY GẶP LẠI
Người nữ tình báo năm xưa giờ sống trong ngôi nhà riêng xinh xắn tại con hẻm đường Nguyễn Trọng Tuyển. Khi hỏi về những ngày đã qua, cô chừng mực nói: “Người Mỹ rất nghiêm túc, rất cảnh giác, rất khoa học trong sắp xếp công việc”. “Vậy do đâu cô hoàn thành được nhiệm vụ, thật khó khăn!”. “Làm tình báo là một nghệ thuật. Nghệ thuật của sự bình tĩnh, nhập cuộc, vượt lên sợ hãi. Một khi sự sợ hãi lấn át mọi giác quan thì còn tâm trí đâu để đối phó, để hoạt động. Có lẽ nữ tính đã giúp tôi rất nhiều trong công tác. Dễ gần gũi mà không lẳng lơ, tạo được sự hấp dẫn mà giữ khoảng cách mới là điều khó khăn. Khó khăn hơn là giữ được mình trong một môi trường thật dễ dàng bị cám dỗ…”.
Tôi dò hỏi: Trong những người Mỹ cô quen, người sĩ quan nào cô đặc biệt có ấn tượng? “Đó là thiếu tá Jim. Mẹ anh ta là nghệ sĩ piano. Cha là giảng viên một trường đại học. Tôi và Jim rất thích nói về văn chương, nghệ thuật. Một lần, nhìn thấy tôi ngoài phố với bộ Âu phục, Jim tỏ vẻ rất thích. Hôm sau, gặp tôi ở cơ quan, anh ta nói: Sao cô không mặc như hôm qua. Mặc Âu phục, trông cô thật trẻ trung, thật xinh. Tôi nói: Tôi là người Việt Nam. Phụ nữ Việt Nam truyền thống ra đường phải mặc áo dài. Khi đến công sở, tôi mặc áo dài để tôn trọng anh và để hàng xóm tôn trọng tôi”.

Tám Thảo gặp lại em gái Mỹ Linh trong căn cứ năm 1968.
Một người đẹp trai, lịch sự như anh ta rất dễ làm mềm lòng phụ nữ. Nhưng tôi hiểu vị trí của mình. Tôi là một chiến sĩ tình báo. Tôi gần gũi, thân thiện với anh ta nhưng tôi và anh ta đang đứng giữa hai chiến tuyến. Vẻ gần gũi, thân thiện, cởi mở của Tám Thảo tạo nên sự cuốn hút mãnh liệt, dù cô không còn trẻ nữa. Tôi buột miệng hỏi: “Còn người sĩ quan “V.C” mà cô đặc biệt có ấn tượng?”. Cô mỉm cười nói: “Tôi biết chắc em nghĩ người đó là anh Tư Cang. Thật ra, ba tôi, cả gia đình tôi rất quý anh Tư. Ba rất muốn gả tôi cho anh. Tôi nói với ba giữa tôi và anh Tư chỉ là đồng chí. Tôi biết anh Tư đã có vợ. Vợ anh cũng là một hộp thư sống của cụm tình báo, thường xuyên liên lạc với anh qua tôi. Tất nhiên, hồi đó tôi không biết “bà đầu tóc” nhờ chuyển cho anh thứ này, thứ khác là vợ anh Tư. Nhưng “bà đầu tóc” thì biết rất rõ tôi là Tám Thảo.
Nhiều lần, anh Tư chở tôi đi trên đường phố, “bà đầu tóc” nhìn thấy. Nhưng chị Tư rất tin chồng và hiểu tôi. Ngày hòa bình, anh Tư lái xe Jeep về Long Đất, quê anh. Chị Tư ngồi một bên, tôi một bên. Lòng chúng tôi dạt dào hạnh phúc, cảm nhận cái giá quá lớn của hòa bình. Tôi cũng có phần giận anh Tư Cang khi anh viết tiểu thuyết “Sài Gòn Mậu Thân 1968”, có nhiều đoạn diễn tả quá lãng mạn khiến nhiều người hiểu lầm. Sau tôi cũng hiểu, anh ấy là nhà văn, mà nhà văn thì cũng phải có chút hư cấu, lãng mạn trong tác phẩm. Tận đáy lòng, tôi xem anh Tư là một người anh trong gia đình. Chị Tư xem tôi như một người em, vừa là một ân nhân vì đã cứu anh Tư nhiều lần thoát chết trong lòng địch, như đêm Sài Gòn Mậu Thân năm 1968…”.
Trong khi thực hiện công trình nghiên cứu về phụ nữ trong Mậu Thân 1968, tôi được dự một cuộc họp mặt ngành tình báo. Cô Tám Thảo giới thiệu tôi với vợ chồng anh hùng LLVT Nguyễn Văn Tàu. Thật bất ngờ khi phu nhân ngài Đại tá anh hùng nắm chặt tay Tám Thảo nói: “Tôi xin phép hôn cô má trái để bày tỏ lòng biết ơn một cán bộ tình báo đã vượt lên mọi gian khó để hoàn thành nhiệm vụ. Còn má bên phải là để bày tỏ lòng biết ơn cô đã sinh ra chồng tôi lần thứ hai”. Họ ôm chặt nhau. Tôi chợt nhận ra gương mặt cả hai người phụ nữ đều ướt đẫm nước mắt.