Đây là câu nói của nhà văn Nguyễn Tuân nói cho tôi nghe năm 1970, ông và nhà văn Anh Đức có một tình yêu “văn chữ” thật sự trong Bức thư Cà Mau gửi cho nhau. Năm 1970, khoa Văn Trường đại học Tổng hợp khóa 12 chúng tôi làm luận văn, khi xem đi xét lại thiếu đề tài văn học miền Nam, thầy Hà Minh Đức đề nghị tôi nhận đề tài về văn học miền Nam. Tôi tìm đến Tiểu ban văn nghệ miền Nam lúc đó đóng ở 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội. Chị Ngọc Trai cho tôi xem bản thảo Hòn đất viết tay của Anh Đức. Một bản thảo sạch sẽ, chữ viết rõ nét, ngay ngắn, có lá thư kèm theo đề nghị không sửa đối thoại lẫn từ ngữ trong tiểu thuyết. Cuối cùng là lời kết: “Tôi chủ trương tìm trong văn mình ngôn ngữ trong sáng hai miền làm nên cốt cách riêng của Anh Đức, mong các anh giữ nguyên ngôn ngữ trong Hòn đất”. Đúng lúc đó Nguyễn Tuân bước vào gặp chị Ngọc Trai. Ông nhìn thấy bản thảo của Anh Đức và lá thư tay, ông nói: “Đẹp như văn Anh Đức, đã đẹp thì ta tôn trọng mà thưởng thức”. Nói xong ông cười rất vui, bởi trong các nhà văn Việt Nam, Anh Đức là người Nguyễn Tuân yêu mến bằng văn chương sau đến sự dũng cảm đi trong tuyến đầu Tổ quốc, nên ông trao đổi Bức thư Cà Mau với Anh Đức là thế. Sau lần tiếp cận với bản thảo của Anh Đức, tôi nhận viết đề tài Hòn đất và Anh Đức. Do có luận văn trên nên tôi được đi học khóa 4 của Hội Nhà văn Việt Nam, khóa đào tạo viết văn, làm báo cho chiến trường miền Nam với 61 anh em sinh viên Văn Sử.
Khi lên giảng bài cho chúng tôi về viết ký, Nguyễn Tuân nói: “đầu ngọn bút phải thấy gió lộng”. Buổi tối 11-1-1964, ngay dưới hầm trú ẩn của Hội Văn nghệ, khi băng thu âm Bức thư Cà Mau (A.Đ.) của đài Giải phóng phía nam vừa về, thì Nguyễn Tuân đã nghe dưới hầm. Người có khả năng dỡ băng và ghi lại giỏi chỉ có Trần Phúc Mộng Loan, nhưng hôm đó chị đi vắng. Nguyễn Tuân cố gắng nghe để lấy cái hồn của bức thư, sau đêm đó ông đã cầm bút: Viết cái tiếng dội Cà Mau ấy, dưới đề từ: gửi Anh Đức. Sau buổi giảng bài, chúng tôi được gặp gỡ Nguyễn Tuân để nói chuyện, lúc này nhà văn cười rất hiền hòa và nói: “Nàng Mạnh Khương tìm chồng nơi thành quách, còn Trần Phúc Mộng Loan [nhà ở phố Hàng Gà, Hà Nội - sau này là vợ của Anh Đức] tìm người yêu trên ngàn cây số đường rừng, muỗi vắt, sốt rét, bom đạn, thế mới biết tình yêu làm nên sự phi thường cho cuộc sống”. Đối với gia đình Anh Đức, Nguyễn Tuân trọng về sự dũng cảm của họ, còn về văn chương ông luôn đánh giá văn Anh Đức trong sáng và đẹp. Nguyễn Tuân vốn rất kỹ khi đánh giá văn chương của người khác. Trong một buổi khác khi nói về ngôn ngữ trong ký và trong văn chương, Nguyễn Tuân lấy lại một ví dụ về văn Anh Đức: “anh lấy lò than của mình làm công sự... người anh bám đầy than đen, ngực anh đầm đìa những máu. Trước lúc chết anh kề miệng hôn đứa con mình lần cuối, một vệt than in trên má của con anh”; nhưng nếu Anh Đức lười tìm tòi ngôn ngữ mà chỉ viết theo bản năng thì sẽ viết: một vết lọ nghẹ in trên má của con anh thì văn lại mất hay, nên từ địa phương cũng cần tính kỹ khi sử dụng. Cả hội trường chúng tôi vỗ tay rào rào. Nguyễn Tuân dạy chúng tôi ngôn ngữ trong văn chương nên dùng ra sao. Chính vì những trang thư viết về Cà Mau gửi cho Anh Đức, Nguyễn Tuân đã viết: “Ở cái chốn cuối trời cuối đất Cà Mau, ở cái chỗ ngón chân cái Tổ quốc chưa khô bùn vạn dặm…”. Hậu thế bây giờ mỗi lần ai về Cà Mau đều đi tìm “ngón chân cái chưa khô bùn vạn dặm” (N.T.), “mùi bùn non bốc lên từ các bãi bồi, vị muối trong hơi thở của các con kênh” (A.Đ.). Thật là một điều thú vị mà Anh Đức và Nguyễn Tuân đã để lại cho chúng ta một dấu ấn văn chương, con cháu cứ đi tìm cho lời giải cho vùng đất Cà Mau.
Năm 1999, Anh Đức dẫn đầu đoàn nhà văn Việt Nam mà tôi có vinh hạnh tham gia sang thăm các Hội Nhà văn Bắc Kinh, Thượng Hải, Hàng Châu, Nam Ninh, đến đâu họ cũng nhắc tới bài Bức thư Cà Mau (đã được dịch ra ở Trung Quốc) của Anh Đức; anh em văn nghệ các nước bao giờ cũng quý nhau bằng chữ nghĩa, tác phẩm. Gia đình Anh Đức trong rừng có thêm cháu Huy, những tháng ngày ở rừng, sinh con, nuôi con trong sốt rét, vợ Anh Đức có lúc bị bệnh thận nặng, anh chăm sóc gia đình, rồi lại đi xuống chiến trường lấy tài liệu viết: Bức thư Cà Mau (1965), Hòn đất (1966), Ông lão vườn chim (1970), Đứa con của đất (1976), Miền sóng vỗ (1985). Rất nhiều nhà văn cũng như bạn đọc thì cứ quả quyết với tôi: mái tóc dài của chị Sứ trong Hòn đất là mái tóc của vợ Anh Đức, điều đó tôi tin ngay bởi chị Sứ mang dáng dấp của bao người phụ nữ Việt Nam trong đó có vợ của Anh Đức là Trần Phúc Mộng Loan, nửa còn lại thân thương của nhà văn Anh Đức. Anh ra đi ở tuổi 80, cũng đã ốm nhiều năm nay, gia đình nhất là chị Loan ngày đêm chăm sóc tận tụy, nhưng phút ra đi của anh vẫn làm nhiều người giật mình. Vậy là một cây đại thụ của nền văn chương chống Mỹ Nam Bộ đã ra đi. Lê Văn Thảo viết: “Anh là nhà văn, với tài năng, sự nhẫn nại miệt mài tạo nên những tác phẩm đem lại vẻ đẹp, niềm vui cho chúng ta”. Tôi thì nghĩ anh đã về cùng Nguyễn Tuân, lại những chuyến đi dài dài cùng ông Nguyễn: “Chao ôi sung sướng vậy thay, đây đúng là cái chấm đầu chữ S hình thể cổ lai của đất nước ta trên bản đồ Đông Nam Á” (Nguyễn Tuân trong tái bút thư gửi cho Anh Đức, 1971) và anh dắt Nguyễn Tuân về Cà Mau khi đi tìm mũi chân: “là vị ngọt của con sông Hậu chở đến trong tháng nắng, là đất phân U Minh dày hai, ba thước, mùa khô thường cháy rỗng bên dưới”. Và Anh Đức nhất quyết nói với cụ Nguyễn Tuân mũi Cà Mau hiện nay như một bàn chân dũng mãnh choài ra biển giữ nguyên mảnh đất hình S của Tổ quốc Việt Nam.