Những thi hài của các ông vua Ai Cập, được ướp từ hơn hai ngàn năm trước. Ở Trung Quốc, những năm gần đây, các nhà khảo cổ đã tìm thấy trong một số ngôi mộ cổ có những xác ướp đã qua hơn hai ngàn năm… Ở nước ta, từ nhiều thế kỉ trước, trong giới tăng ni Phật giáo, thuật ướp xác cũng đã đạt đến mức tuyệt kỹ; đặc biệt là cách ướp xác giữ nguyên hình hài, thành một bức tượng độc đáo; tiêu biểu là tượng ướp xác ở chùa Đậu được phát hiện cách đây hơn 20 năm. Ở Nhật Bản, từ xa xưa, thuật ướp xác chỉ dùng trong giới tăng ni, và đến đầu thế kỷ XIX thì đã thất truyền; và, có sự trùng hợp lạ lùng trong kỹ thuật ướp xác của người Nhật Bản và người Việt Nam: Đó là ướp xác người thành những pho tượng…
Ai Cập…
Nói tới thuật ướp xác người, thì từ cổ xưa người Ai Cập đã đạt tới đỉnh cao, khiến cả thế giới khâm phục. Những thi hài của các ông vua Ai Cập, được ướp từ hơn hai ngàn năm trước, đến nay hầu như còn nguyên dạng trong các ngôi mộ cổ…

Xác ướp Ai Cập.
Ở xứ sở này, thời cổ đại, các vị vua chúa, các danh nhân, danh tướng mới được ướp xác để lưu hình hài lại cho muôn đời sau. Không chỉ ướp giữ nguyên vẹn hình hài người chết, mà trong các mộ cổ có xác ướp, người ta còn thấy có những hộp nhỏ bằng ngọc đựng những hạt giống. Những hạt giống đó cũng được bảo quản như bảo quản thi hài, khi khai quật lên, người ta đem gieo nhưng hạt giống đó, thấy vẫn nảy mầm!
Các nhà khoa học hiện đại, sau nhiều nghiên cứu công phu, vẫn chưa tìm ra bí quyết ướp xác của người Ai Cập cổ.
Trung Quốc…
Ở Trung Quốc, những năm gần đây, các nhà khảo cổ đã tìm thấy trong một số ngôi mộ cổ có những xác ướp đã qua hơn hai ngàn năm mà vẫn giữ được hình hài.
Ngay từ thời Cổ đại, người Trung Quốc cũng đã có được nghệ thuật ướp xác rất cao. Không giống kỹ thuật ướp xác Ai Cập, ở Trung Quốc, người ta phơi xác chết cho khô rồi mới bọc vải, phết sơn bên ngoài tạo thành lớp bọc thi hài rất lâu bền.
Ngoài ra, quan tài cũng được coi là một lớp bảo quản xác ướp, giữ nguyên hình dáng của thi hài. Trường hợp thi hài Trung Sơn Tĩnh Vương được tìm thấy ở Hà Bắc là một ví dụ tiêu biểu.
Khoảng giữa năm 1968, có một đoàn cán bộ nông lâm đến một khu rừng ở Hà Bắc để nghiên cứu. Tình cờ, họ thấy một ngôi đền bỏ hoang từ lâu đời. Họ phải vạch cây, đạp cỏ để tiến vào, tới sân đền thấy có một đôi sư tử đá nằm chầu vào nhau. Một người trong đoàn sờ tay lên đầu một sư tử đá, thấy lỏng lẻo, thuận tay xoay một cái, bỗng thấy tên bắn ra tua tủa. May không ai bị thương tích gì.
Và họ tiếp tục xoay cái đầu con sư tử đá đó cho đến lúc không còn tên bắn ra nữa. Đến con sư tử đá còn lại, họ tìm cách xoay đầu nó. Loay hoay thế nào mà bỗng nhiên con sư tử đá bật nghiêng ra, để lộ một cửa huyệt sâu, có bậc thang dẫn xuống.
Người ta rọi đèn pin, theo bậc thang đi xuống, vòng mấy khúc mới tới một gian hầm rộng. Ở giữa gian hầm có đặt một sập đá cẩm thạch chế tác rất tinh xảo. Trên sập đá là thi hài Trung Sơn Tĩnh Vương nằm trong một quan tài hình cơ thể người vô cùng độc đáo: gồm 2160 mảnh ngọc bích khâu kết vào nhau bằng loại chỉ làm từ vàng ròng. Xung quanh thi hài còn có nhiều châu báu, giấy bút và một số đồ dùng của vua, với hàng chữ Trung Sơn Tĩnh Vương.

Trong lịch sử nhà Tây Hán cách đây hơn hai ngàn năm, Trung Sơn Tĩnh Vương tên là Lưu Thắng, là con trai của vua Hán Văn Đế. Người ta chưa thấy có thư tịch nào ghi chép về việc mộ của những người trong hoàng tộc của triều đại Trung Sơn Tĩnh Vương. Việc phát hiện thi hài và mộ Tĩnh Vương có ý nghĩa khoa học rất lớn.
Đến tháng 12 năm 1972, phái đoàn của tổng thống Mỹ Nixon sang Trung Quốc đã được mời thăm bảo tàng cổ vật có bày quan tài Tĩnh Vương. Những người Mỹ đã vô cùng sửng sốt trước nghệ thuật ướp xác cũng như khả năng tuyệt diệu của người Trung Quốc cổ xưa trong chế tác chiếc quan tài độc đáo cho vị hoàng đế nhà Tây Hán.
Việt Nam…
Ở nước ta, từ nhiều thế kỉ trước, trong giới tăng ni Phật giáo, thuật ướp xác cũng đã đạt đến mức tuyệt kỹ. Đặc biệt là cách ướp xác giữ nguyên hình hài, thành một bức tượng độc đáo. Tiêu biểu là tượng ướp xác ở chùa Đậu được phát hiện cách đây hơn 20 năm.
Chùa Đậu ở thôn Gia Phúc, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây. Theo bi ký dựng ở chùa năm 1639, thì chùa Đậu được dựng từ thời Lý. Những kiến trúc thấy trong chùa, từ gác chuông, hoa văn gạch xây am, bia đá… đều mang dấu ấn thời Lê và Nguyễn. Có lẽ đó là do những lần trùng tu, không còn thấy dấu vết kiến trúc thời Lý.

Pho tượng Sư cụ Vũ Khắc Minh sau khi tu sửa.
Đặc biệt nhất là tại chùa Đậu có hai pho tượng hài cốt của hai nhà sư trụ trì ở đây hồi thế kỉ XVII.
Theo lưu truyền trong dân gian vùng này, một pho tượng là thi hài sư cụ Vũ Khắc Minh, còn gọi là sư Rau, bởi suốt đời sư cụ chỉ ăn rau. Trước ngày mất, sư cụ vào trong am ngồi tụng kinh, có chum nước uống và chum dầu thắp đèn để bên. Sư cụ đã dặn học trò rằng: “… sau 100 ngày, vào am mà không thấy mùi hôi tanh thì bả sơn vào ta, thấy dòi bọ thì lấp luôn cả am”.
Đúng lời dặn, các học trò vào am thấy sư cụ vẫn ngồi nguyên dạng như đang tụng kinh, và họ bả bồi hợp chất tự chế lên thi hài sư cụ, thành một bức tượng. Chất dùng để bả bồi là đất gò mối trộn với sơn sống và mùn cưa. Sau đó, phủ một lớp sơn màu cánh gián, có dát những lá bạc mỏng, và ngoài cùng phủ một lớp dầu.
Người kế tục trụ trì là nhà sư Vũ Khắc Trường, chính là một trong những người đã cho khắc dựng bia chùa năm 1639. Về bức tượng thi hài nhà sư Vũ Khắc Trường, rất tiếc là đã bị người đời sau tu sửa, đắp điếm thêm, sơn trắng, tô môi son, vẽ lông mày và mắt, mà lại bị hư hỏng nhiều.
Sau khi phát hiện được hai pho tượng thi hài chùa Đậu, với sự hỗ trợ của bệnh viện Bạch Mai, Viện khảo cổ đã có được 7 phim X-quang về pho tượng sư cụ Vũ Khắc Minh. Thấy rõ tất cả các xương, đặc biệt là 8 xương cổ tay, 7 xương cổ chân khớp với nhau rất đúng giải phẫu học; tất cả các xương sườn, xương vai, các đốt xương sống đã long ra, rơi vào khoang bụng.

Bức tượng thi hài nhà sư Vũ Khắc Trường.
Xác định đây là một người đàn ông, hộp sọ nguyên vẹn, phần xương lá mía không bị đục vỡ để lấy óc ra, đưa nước thơm vào như kiểu ướp xác Ai Cập. Pho tượng ngồi nhập thiền, cao 57cm, chỉ còn nặng 7kg. Nhìn pho tượng nguyên hình dạng với những cấu tạo vị thế, thấy ngay là lớp bồi bả rất mỏng, chỉ chừng 4mm! Như vậy, kỹ thuật ướp xác tượng chùa Đậu vô cùng độc đáo.
Nhật Bản…
Ở Nhật Bản, từ xa xưa, thuật ướp xác chỉ dùng trong giới tăng ni, và đến đầu thế kỷ XIX thì đã thất truyền. Và, có sự trùng hợp lạ lùng trong kỹ thuật ướp xác của người Nhật Bản và người Việt Nam: Đó là ướp xác người thành những pho tượng.
Tại miền Đesa, phía đông bắc đảo Honsu, có 3 ngọn núi thần là Haguro, Gasan và Yuđono. Trong núi Yuđono có ngôi đền Yuđono. Trong đền này có một hòm kính đặt xác ướp của vị đại sư Tetsumonkai.
Xác ướp như một bức tượng ngồi, đầu hơi cúi về phía trước, da khô cứng màu sẫm như bị cháy xém, hai bàn tay để ngửa trên chân khoanh lại trong tư thế ngồi nhập thiền.
Theo giáo sư Kosei Ando thì ở vùng Niigata còn có những ngôi đền lưu giữ một số tượng thi hài nữa. Như tượng thi hài hòa thượng Kochi viên tịch từ năm 1302; tượng thi hài hòa thượng Zenkai viên tịch năm 1678. Ở ngôi đền Kannoji thuộc tỉnh Murakini, có tượng thi hài hòa thượng Bukai viên tịch năm 1903.
Giáo sư Kosei Ando cho rằng đó là vị hòa thượng cuối cùng của Nhật Bản được ướp xác để trở thành Phật. Trong các hòa thượng đã trở thành Phật, thì Tetsumonkai được các tín đồ đạo Phật ở Nhật Bản nhắc đến nhiều nhất.
Theo thư tịch lưu tại chùa, Tetsumonkai sinh năm 1768. Còn những truyền tụng về ông thì khá đặc biệt: … Bởi một lần có sự tranh cãi với mấy võ sĩ đạo, không chịu được sự nhục mạ, ông giết chết hai võ sĩ đạo, rồi đi tu. Một kỹ nữ quen biết trước kia vẫn tìm theo để quyến rũ ông. Nhưng ông đã kiên quyết dứt tục, gửi cho kỹ nữ một gói nho là bộ phận sinh dục của ông cắt đi.
Theo truyền thuyết, người kỹ nữ đó sau này làm ăn rất khấm khá, và gói nho đó trở thành bùa phù hộ cho cả khu geisha(*) của nàng phát đạt. Đến cuối đời, người kỹ nữ đó đem hiến gói nhỏ đó cho một ngôi đền. Nhà sư Tetsumonkai sau khi dứt được khỏi kỹ nữ, đã tập trung vào tu hành.
Thời đó, trong vùng có dịch đau mắt lan tràn, hòa thượng Tetsumonkai đã tự móc một con mắt của mình dâng lên Phật, xin phù hộ cho dân chúng qua khỏi dịch bệnh. Cho đến năm 61 tuổi, hòa thượng Tetsumonkai quyết định tịch cốc và dặn đệ tử ướp xác mình.
Theo giám định khoa học hiện đại, xác ướp hòa thượng Tetsumonkai không có bộ phận sinh dục. Các nhà khoa học cho rằng, hòa thượng trong thời gian tịch cốc đã uống nước suối vùng Yuđono vốn có nhiều quặng thần sa. Mà những người theo đạo tu tiên ngày xưa cho rằng thần sa là nước trường sinh.
Ngoài ra, phân tích khoa học cho thấy các xác ướp có chứa rất nhiều chất thủy ngân…
Đó là xét nghiệm khoa học. Còn trong cuộc sống nhân sinh, hằng năm, cứ đến mùa hè, có đến hơn ba mươi vạn người hành hương tới vùng núi Yuđono. Họ hướng tới ngôi đền, nơi có tượng thi hài hòa thượng Tetsumonkai.
Tại đây, có dòng tu khổ hạnh để đạt tới siêu nhiên. Bởi thế, có rất nhiều bia khắc ghi tên tuổi các tín đồ của dòng tu khổ hạnh đã hóa Phật. Những người hành hương tới đây, vừa đi, vừa rắc những đồng tiền nhỏ, từ 1 yên đến 5 yên. Thi hào Matsuo Baso (1644-1694), khi tới vùng núi Yudono, viết:
Trên núi Yudono
người ta đi trên tiền bạc
và nước mắt ròng ròng…
(*) | Geisha: là các ca kỹ phòng trà, những người góp phần truyền bá nghệ thuật truyền thống Nhật Bản. Xưa kia, ở Kyoto, Tokaido… có riêng những khu vực dành cho các nàng geisha. |