Paris - Một điểm hẹn của lịch sử

Paris là nơi vào tháng 6/1919, Nguyễn Ái Quốc đã nhân danh những người yêu nước Việt Nam ở Pháp gửi bản “Yêu sách của nhân dân An Nam” tới Hội nghị quốc tế ở Versailles, trong phần mở đầu có viết: “Trong khi chờ cho nguyên tắc dân tộc sẽ từ lĩnh vực lý tưởng chuyển vào lĩnh vực hiện thực do chỗ quyền tự quyết thiêng liêng của các dân tộc được thừa nhận thật sự, nhân dân An Nam trước kia nay là xứ Đông Pháp, xin trình với các quý chính phủ trong Đồng minh nói chung và với Chính phủ Pháp đáng kính nói riêng, những yêu sách khiêm tốn sau đây…”(*).

Từ “những yêu sách khiêm tốn” ấy tới Hiệp định Genève về Việt Nam năm 1954 và tới Hiệp định Paris về Việt Nam năm 1973 là một chặng đường dài 54 năm đầy thử thách và vinh quang của lịch sử cách mạng Việt Nam gắn liền với tên tuổi Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh. Điều 1 của “Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam năm 1973” khẳng định: “Hoa Kỳ và các nước khác tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam như Hiệp định Genève năm 1954 về Việt Nam đã công nhận”.

Sau Tuyên bố của Chính phủ ta ngày 3/4/1968 sẵn sàng cử đại diện (cấp đại sứ) tiếp xúc với đại diện Mỹ để xác định điều kiện có thể bắt đầu nói chuyện hai bên, ta và Mỹ bắt đầu trao đổi về địa điểm cho cuộc nói chuyện. Ngày 4/4/1968, Mỹ gửi công hàm cho ta đề nghị hai bên tiếp xúc tại Genève. Ngày 11/4/1968, ta trả lời Mỹ, nêu Varsava là địa điểm, nhưng phía Mỹ đã từ chối vị trí này. Vụ Tây Âu-Mỹ La-tinh đã nghiên cứu tiếp và trình lãnh đạo Bộ Ngoại giao đề nghị chọn Paris làm địa điểm cho cuộc gặp. Sau khi cân nhắc kỹ càng, Bộ Ngoại giao đã báo cáo lên Chính phủ chọn Paris với những phân tích toàn diện về mặt thuận và không thuận. Chính phủ đã chấp nhận. Trước khi ta công bố chính thức, đồng chí Võ Văn Sung - Phó Vụ trưởng Vụ Tây Âu-Mỹ La-tinh được giao nhiệm vụ gặp Tổng đại diện Pháp tại Hà Nội là ông Francois de Quirielle để thông báo. Vào 12 giờ trưa ngày 2/5/1968, ta đã công bố và tám tiếng sau, phía Mỹ đã trả lời đồng ý. Chính phủ Pháp hoan nghênh ủng hộ. Ngày 13/5/1968, phiên họp chính thức đầu tiên của hai đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ đã diễn ra tại Paris. Ngày 3/6/1968, Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ tới Paris. Trong gần 5 năm đàm phán ở Paris, Chính phủ Pháp đã tạo những điều kiện thuận lợi tốt nhất có thể cho các đoàn, đặc biệt là vấn đề bảo đảm an ninh. 

pic

Bác Hồ trong chuyến thăm Pháp năm 1946

22 năm trước đó, tháng 6/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới Paris thăm chính thức CH Pháp với tư cách là thượng khách của Chính phủ Pháp. Trước khi rời Hà Nội sang Pháp, Người đã dặn cụ Huỳnh Thúc Kháng - quyền Chủ tịch nước khi đó: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Trong thời gian ở Pháp từ tháng 7 tới tháng 10/1946, Người đã trực tiếp chỉ đạo và tham gia nhiều hoạt động chính trị-xã hội nhằm tuyên truyền, thuyết phục và tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân tiến bộ và một bộ phận trong chính giới Pháp đối với những đề nghị thiện chí của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong quan hệ với Pháp và nguyện vọng chính đáng giành tự do, độc lập và thống nhất Tổ quốc. Cũng trong thời gian này, Người đã ký “Tạm ước 14/9/1946” nhằm tranh thủ thời gian hòa hoãn có thể được để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược khó tránh khỏi. Cuối năm 1946, trong khi phải chuẩn bị khẩn trương cho kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố về chính sách mở cửa sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà tư bản Pháp và các nước khác vào kinh doanh ở Việt Nam theo nguyên tắc hai bên cùng có lợi. Tư tưởng, chính sách và hoạt động ngoại giao của Người đã gây ấn tượng mạnh đối với lương tri con người, có ảnh hưởng thuyết phục và khuyến khích phong trào hòa bình và tiến bộ trong xã hội Pháp.

Trong 9 năm kháng chiến của ta, phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam ở Pháp do các lực lượng phe tả đứng đầu là Đảng Cộng sản Pháp mà Nguyễn Ái Quốc là một thành viên sáng lập, đã ngày một lan rộng, lôi cuốn thêm nhiều tầng lớp khác kể cả những người thuộc xu hướng chính trị trung và hữu. Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh giơ tay bịt nòng pháo ở bảo tàng Normandy (Pháp) trong chuyến thăm Pháp năm 1946 là một thông điệp về phản đối chiến tranh và khát vọng hòa bình của nhân dân Việt Nam, có sức lan tỏa và lôi cuốn vượt thời gian. Hành động phản chiến của Henri Martin và tấm gương dũng cảm của Raymonde Dien chặn đoàn xe lửa chở vũ khí xuống cảng chuyển sang Việt Nam có sức cảm hóa và thúc đẩy cả một trào lưu ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam vì độc lập và thống nhất đất nước trong lòng xã hội Pháp. Sau năm 1954, trào lưu ấy tiếp tục phát triển. Tháng 8/1963, Tổng thống Pháp De Gaulle đã đưa ra kế hoạch giải quyết hòa bình vấn đề Việt Nam gồm 3 điểm: 1) Mỹ rút quân khỏi miền Nam Việt Nam; 2) Trung lập hóa Nam Việt Nam; 3) Khuyến khích quan hệ văn hóa-kinh tế giữa hai miền Nam Bắc như là khởi đầu cho giải pháp chính trị. Trong chuyến thăm Campuchia tháng 9/1966, Tổng thống De Gaulle đã đọc một bài diễn văn quan trọng về chiến tranh Việt Nam, trong đó đề cập 3 nội dung nổi bật là: quyền tự quyết của người Việt Nam, rút hết quân Mỹ ra khỏi Việt Nam và thi hành một quy chế trung lập hóa tại Đông Nam Á có kiểm soát quốc tế. Cũng trong chuyến thăm lịch sử này, Tổng thống De Gaulle đã có cuộc tiếp xúc bí mật với đại diện của Mặt trận Giải phóng Dân tộc miền Nam Việt Nam. Sau khi Tổng thống De Gaulle từ chức năm 1969 và qua đời năm 1970, quan điểm giải quyết hòa bình vấn đề Việt Nam của ông vẫn được chính giới Pháp ủng hộ. Đó là cơ sở chính trị-xã hội quốc tế quan trọng hậu thuẫn cho cuộc đàm phán của ta ở Paris. 

Từ năm 1968 tới 1975, tại Pháp đã hình thành khoảng 54 tổ chức khác nhau trong phong trào nhân dân Pháp đoàn kết với nhân dân Việt Nam đấu tranh giải phóng dân tộc, trong đó nổi bật là mặt trận đoàn kết với Việt Nam chống Mỹ xâm lược do Đảng Cộng sản Pháp làm nòng cốt và Hội Hữu nghị Pháp-Việt. Đảng Cộng sản Pháp đã chuyển toàn bộ Trường Đảng trung ương Maurice Thorez tới nơi khác để lấy địa điểm cho đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sử dụng suốt thời gian ở Paris và còn cử nhiều đảng viên tới giúp đoàn trong các công việc như bảo vệ, lái xe, hậu cần… Suốt gần 5 năm, giới truyền thông Pháp nói chung và báo chí cánh tả nói riêng đã đưa tin liên tục về Hội nghị Paris về Việt Nam và dành cho hai đoàn ta sự cổ vũ và ủng hộ quý báu.

Phong trào yêu nước trong cộng đồng người Việt Nam ở Pháp có nguồn gốc từ thời Nguyễn Ái Quốc đệ trình bản “Yêu sách tám điểm” lên Hội nghị quốc tế ở Versailles, phát triển rất sâu rộng và có tác động lan tỏa ra cả Tây-Bắc Âu và Bắc Mỹ thời kỳ chống Mỹ cứu nước với nòng cốt là Nhóm Việt Ngữ. Nhiều trí thức, họa sĩ, nhạc sĩ Việt Nam đã tham gia các hoạt động của hai đoàn ta như phiên dịch, biên dịch, tuyên truyền, họp báo… Ông Phùng Công Khải là chủ một cơ sở ấn loát ở Meudon (Paris). Trong suốt gần 5 năm đàm phán Paris, ông đã đảm bảo in giúp cho hai đoàn của ta các văn kiện, tuyên bố, tài liệu tuyên truyền phục vụ cho cuộc đấu tranh của ta trên mặt trận ngoại giao. Phía Mỹ cũng phải nhờ ta in văn bản chính thức của hiệp định với hai ngôn ngữ chính thức là tiếng Việt và tiếng Anh tại xưởng của ông Khải. Paris đã trở thành một điểm hẹn của lịch sử Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.

______

(*) Hồ Chí Minh, toàn tập, NXB Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội, 2000, t.1, tr.435.

Lưu Văn Lợi (Nguyên Thư ký của Cố vấn đặc biệt Lê ĐứcThọ tại Hội nghị Paris về Việt Nam)