Khách du lịch đến Thủ đô nước Pháp không thể không nhận ra một điều mới mẻ của thành phố tráng lệ này: trên đường phố Paris, chen lẫn trong những dòng nườm nượp của hàng triệu chiếc xe ôtô, là hàng trăm hàng trăm người dân Thủ đô với những chiếc xe đạp, những chiếc xe đạp giống nhau như đúc: cùng một kiểu, cùng một màu cà phê sữa nhạt, cùng một nhãn hiệu: VELIB’.
Người viết bài này xin chịu, không thể dịch nổi cái tên VELIB’ vì đó là một từ ghép từ một nửa của hai từ: “VE” là phần đầu của từ VELO nghĩa là XE ĐẠP, “LIB” là phần đầu của từ LIBRE nghĩa là TỰ DO. “Xe đạp” và “tự do”, các bạn hãy đoán xem nhãn hiệu ấy có nghĩa gì!
Người ta cũng có thể thấy rải rác khắp nơi những điểm đậu dành riêng cho những chiếc xe đạp này, với những cột dựa chắc chắn có đèn nhấp nháy xanh đỏ…
Hẳn nhiều người đã không khỏi thắc mắc vì hiện tượng này: dân Paris đang trở lại đầu thế kỷ trước hay sao?
Xin nói với các bạn: Đấy là sáng kiến của ê-kip đương chức ở Tòa Thị Chính thành phố Paris và ông Thị trưởng Delanё.
Từ khi lên nhậm chức, ông Thị trưởng Delanё - thành viên của Đảng Xã Hội Pháp (Đảng do ông Mitterent lãnh đạo trong một thời gian dài) đã thực hiện nhiễu chương trình và biện pháp về bảo vệ môi trường ở Paris: một trong những biện pháp này là việc hạn chế số lượng xe chạy bằng xăng dầu trên đường phố Thủ đô, khuyến khích các phương tiện giao thông chạy bằng điện.
Trong những đợt có ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở Paris, người ta phân ngày được chạy cho xe có biển số chẵn, biển số lẻ. Hơn nữa, tăng cường hệ thống giao thông công cộng: giảm số lượng làn đường của xe cộ cá nhân, mở rộng làn đường dành cho xe bus và xe taxi, tái lập hệ thống tàu điện nổi trên một phần trục quan trọng quanh Paris (người ta gọi là tramway). Những tramway này làm tôi nhớ đến những chiếc tàu điện ở Việt Nam năm nào, nhớ Hà Nội với chợ Hôm, phố Huế, Hàng Ngang, Hàng Bài, Hồ Hoàn Kiếm…
Tramway được thiết kế rất mỹ thuật và chạy rất êm, ta có thể ngắm nhìn phố phường. Tất nhiên, hiện nay mới chỉ có một tuyến ngắn thôi, nhưng người dân Paris rất hài lòng với phương tiện này (nhất là tôi vì thỉnh thoảng vẫn đi làm ở đài Vô tuyến truyền hình FRANCE 2 và vào Sứ quán Việt Nam, rất tiện).
Ông Thị trưởng Delanё và những cộng sự của mình đã đầu tư rất nhiều về ngân sách và nhân lực cho chương trình này.
VELIB’ cũng là một trong những ý đồ ấy: Thành phố đã và sẽ đưa vào sử dụng từ giữa tháng 7 đến cuối năm nay là hơn 20 nghìn chiếc xe đạp với gần 1.500 điểm đậu xe công cộng. Gần 400km làn đường đã được xây dựng, tu sửa cho phù hợp với loại phương tiện giao thông hai bánh này.
Người Paris và khách du lịch từ 14 tuổi trở lên có thể thuê những chiếc xe đạp ấy để đi lại trong thành phố và trả lại ở bất cứ một điểm đậu xe nào (tất nhiên, bạn phải nắm được luật giao thông như khi sử dụng mọi phương tiện khác?). Thủ tục đơn giản, bạn có thể sử dụng thẻ trả tiền của ngân hàng hoặc thẻ thuê bao. Tất cả đều tự động, giá thuê vừa phải. Nhưng bằng hình thức thuê nào thì bạn vẫn được miễn phí nửa tiếng đầu. Chiếc xe nặng 22 kg, có 3 vận tốc và rất tiện dụng.
Trong đợt lãn công của giới giao thông công cộng vừa qua, tôi phát hiện ra là rất nhiều người Paris biết đi xe đạp: Trong khi cả Paris, ngoài tuyến mê-trô số 14 tự động không người lái, hầu như không có một phương tiện giao thông công cộng nào hoạt động, đường tắc nghẽn hàng giờ vì quá nhiều ôtô, thì những chiếc xe đạp VELIB’ này thật là có giá! Vào giờ cao điểm, có những bãi đậu xe không còn một chiếc xe đạp nào. Hoặc ngược lại, tại một vài nơi tập trung quá nhiều cơ quan trụ sở người ta phải xếp hàng chờ ai đó “giải phóng” cột dựa xe để trả xe…
Qua thí điểm VELIB’ thành công ở Thủ đô, những thành phố ngoại ô của Paris cũng sẽ áp dụng sáng kiến này: đi xe đạp, một hình thức thể thao thật lý tưởng, ngoài việc tăng cường sức khỏe của mình, người dân còn góp phần vào việc bảo vệ môi trường! Thật là “một công đôi việc” như ông bà ta vẫn nói!
Qua thực tế khá hiệu quả của phong trào đi xe đạp ở thủ đô Paris, thiết nghĩ rằng, với tình trạng kẹt xe, tai nạn giao thông và ô nhiễm khói bụi ở các thành phố lớn của Việt Nam hiện nay, cũng nên phát động phong trào đi xe đạp…