Đường Lý Thái Tổ (thuộc Q.3 và 10) tuy có giá thuê mướn mặt bằng đắt đỏ nhưng lại tập họp nhiều cửa hàng in ấn, photocopy, làm thiệp và dịch thuật; không khí luôn nhộn nhịp từ 7g sáng đến 21g đêm.
Hình ảnh những ông giáo già cặm cụi bên chiếc máy đánh chữ, những bác sĩ, kỹ sư một thời khốn khó (ít việc) ôm từng chồng từ điển ngồi làm thêm việc dịch thuật từng là một ấn tượng khó phai ở “phố dịch thuật” này gần nửa thế kỷ qua.

Con đường dịch thuật này đã tồn tại gần nửa thế kỷ - Ảnh: Kolo
Bác chủ tiệm Xuân cạnh cổng vào cư xá Đô Thành kể: “Các tiệm ở đây đều do gia đình làm, có tiệm sang lại nhưng chủ mới vẫn giữ những thương hiệu cũ. Những người dịch thuật có cả các giảng viên, thầy cô gọi là “thầy dịch” và “thợ dịch” là các bạn sinh viên - học sinh.
Những thế hệ lão tiền bối dịch thuật có tiếng phải kể đến các bác Bảy Lượm, Năm Thu, Tám Khảo (đã mất hoặc tuổi cao), nay còn cô Năm Sương (Ngã Bảy) và bác Hữu Lộc (ở Mỹ Tho) vẫn thường xuyên nhận khách hàng mối từ các tiệm qua mail mỗi ngày”.
Phố dịch thuật còn có cả một chuyên viên đài phát thanh Campuchia và thầy Hùng ở chùa Ấn (chuyên về tiếng các nước Hồi giáo) càng làm phong phú thêm “con phố dịch thuật”.
“Khách hàng rất đa dạng, từ các cô dâu lấy chồng nước ngoài cần dịch thư đến nhân viên các văn phòng thuê thảo văn bản, hợp đồng, người làm hồ sơ xuất ngoại. Ngày xưa, nghề dịch thuật ở đường Lý Thái Tổ gần như độc quyền nhưng nay phải cạnh tranh rất cao với các văn phòng tư vấn, luật nên giá cả, kỹ thuật… cũng phải cạnh tranh bằng uy tín và tốc độ (thời gian hẹn). Tùy khả năng, mỗi người dịch có thu nhập tối thiểu khoảng 200.000đ/ngày.
Anh Võ Văn Lợi (42 tuổi - chủ tiệm Hồng, 316 - 318 Lý Thái Tổ) kể: “Các thầy ở đây đều gõ máy chữ chuyên nghiệp, như múa hết 10 đầu ngón tay trong khi tôi chỉ tập được sáu ngón, phải luyện tốc độ nhanh, chính xác và trình bày đẹp.
Những năm 80, người xuất ngoại nhiều nên các dịch vụ rất phát triển, từ in ấn, làm hồ sơ đến dịch thuật, tư vấn. Ban đầu chỉ có vài cửa tiệm có kinh nghiệm, lâu dần con đường này xuất hiện thêm những nhà dịch thuật trẻ và có sự thay đổi nhanh chóng về công nghệ, kỹ thuật, biến đường Lý Thái Tổ thành trung tâm trình bày dịch thuật và phục hồi những tư liệu cũ trải dài gần trọn con đường”.
Công việc dịch thuật tuy không thể làm giàu nhưng với các hộ gia đình sinh sống lâu đời trên con đường Lý Thái Tổ, nó như một thứ duyên nợ, vừa mưu sinh vừa là nét văn hóa.
Phố hoài niệm
Phố Lê Công Kiều (phường Nguyễn Thái Bình, Q.1) chỉ khoảng 400m đã có 55 cửa hàng chuyên bán đồ xưa, được mệnh danh là nơi lưu dấu, cất giữ những kỷ niệm của người Sài Gòn. Đây là con đường hiếm hoi nằm giữa trung tâm đô thị sầm uất, nhưng lại không bị ảnh hưởng bởi sự ồn ào náo nhiệt.
Cấu trúc đồng dạng và đơn giản của hai dãy nhà được xây dựng từ những năm 1920 đến nay vẫn còn năm căn giữ nguyên thiết kế cũ (nhà một trệt, một lầu, mái ngói). Phố Lê Công Kiều tập hợp đủ mặt hàng từ vật dụng cá nhân, hàng điện máy có tuổi đời cả trăm năm, đồ sành sứ, đồng thau đến đồ mỹ nghệ, giả cổ đủ nguồn gốc xuất xứ.

Khách hàng và người kinh doanh tự tìm những thú vui trong mỗi món đồ xưa trên phố Lê Công Kiều - Ảnh: Kolo
Đầu đường Lê Công Kiều - Nguyễn Thái Bình, có một quán cà phê cóc là nơi các tay thợ ảnh chụp dạo, sửa chữa máy móc, thợ sao chép hình, phục chế đồ vật tụ tập hàn huyên đủ chuyện, giao lưu với khách hàng qua lại. Có những đôi bạn già sáng sáng, chiều chiều đạp xe đến mân mê từng chồng tạp chí cũ, các đĩa nhạc, máy hát, rồi có khi rôm rả một câu chuyện không dứt.
Bác Ngọc Bích (cán bộ hưu trí) sinh sống đã lâu tại phố Lê Công Kiều chia sẻ: “Nghề kinh doanh này là một cơ duyên. Ban đầu chúng tôi có 21 con hươu của gia bảo, sau làm quen dần với việc sưu tầm từ các loại chén đĩa, lư đồng đến sành sứ mỹ nghệ, nay các con tôi đã mở rộng thêm được hai cửa hàng mới. Mỗi món đồ là một câu chuyện và hành trình sống động mà cả người bán và mua đều biết và chia sẻ cùng nhau”.
Cụ bà Nguyễn Thị Nghĩa (79 tuổi) ba đời sống trên con phố này nhớ lại: “Những năm 1975-1980, kinh tế khó khăn, khu chợ Dân Sinh - Huỳnh Thúc Kháng - Lê Công Kiều hình thành tam giác chuyên bán đồ cũ trên vỉa hè, từ ốc vít đến các đồ có giá trị, gọi là khu chợ trời. Năm 1986 - 1988 chợ vỉa hè này được quy hoạch lại, một số hộ chuyển vào trong nhà, mở cửa hàng bày bán thêm các loại hàng quý từ các nơi đổ về. Người buôn bán và khách hàng đều quen biết nhau, thường cùng thưởng ngoạn từng món hàng săn tìm được, không có sự cạnh tranh quyết liệt như các nghề kinh doanh khác”.
Nhiều khách hàng đến đây không phải để mua bán mà chỉ để thỏa mãn cơn ngắm nghía, được mân mê món hàng yêu thích. Vì thế, cái thú của nghề này bên cạnh việc kiếm tiền là được chia sẻ kiến thức, hiểu biết với mọi người.
Theo Phụ Nữ