Phụ nữ muốn gì ở đàn ông?

Khi một cô gái lớn lên, biết đứng trước gương để khám phá chính mình, nhận biết giới tính của mình thì đó là lúc cô bắt đầu hướng về một người đàn ông, dù cô không biết người ấy là ai và ở phương nào… Cuộc tìm kiếm bắt đầu với vô số những tiêu chuẩn hiện ra từ ý thức lẫn vô thức và cả tiềm thức. Đó là một cuộc độc hành khá dài để một người nữ nhận biết mình cần gì ở một người đàn ông…

Mỗi người đàn bà thường có một hình mẫu riêng về người đàn ông của mình, hình mẫu ấy có thể mơ hồ hay rất cụ thể mà chúng ta thường gọi là “người trong mộng”. Người ấy có thể giống với những người thân mà cô yêu quý, ngưỡng mộ hoặc những nhân vật trong sách, trong phim… Nhiều bạn gái cóp nhặt, vá víu từ nhiều hình mẫu để “thiết kế” một hình ảnh cho riêng mình. Vẽ bóng rồi mới tìm hình nên cuộc tìm kiếm ấy thật gian nan và có khi cả đời không tìm ra, lắm khi nhầm lẫn và phải trả giá…

Các cô gái trẻ thường hướng về những anh chàng đẹp trai, phong độ, có những nghề nghiệp thật oai, thời thượng hay có chức vụ, giàu có, học hành tới nơi tới chốn. Cách đây non thế kỷ, các cô gái Hà Nội từng truyền nhau câu “Phi cao đẳng bất thành phu phụ”. Các cô gái Nhật cũng một thời đưa ra tiêu chuẩn “3 cao” như dáng cao, học cao, lương cao. Còn không ít những cô gái xứ ta chạy theo phong trào lấy chồng Việt kiều, lấy chồng ngoại quốc và hiện nay là lấy chồng đại gia. Kiếm được người đàn ông như thế các cô thấy mình là người may mắn, hạnh phúc… Nhưng qua thời gian chung sống, nhiều cô “sáng mắt” ra rằng chỉ bấy nhiêu đó chưa thể mang lại hạnh phúc mà có khi còn là bất hạnh.

Đẹp trai ư? Có khi chỉ là ưu thế để đàn ông lăng nhăng, khiến bao phụ nữ khác thèm muốn. Tiền bạc nhiều dễ làm suy yếu khả năng chung thủy của đàn ông. Chức vụ cao, nổi tiếng khiến họ trở thành người của công việc, của công chúng nên giảm thiểu thời gian dành cho gia đình. Không hiếm những người đàn ông lo cho vợ con đầy đủ về vật chất và cho rằng đã làm xong bổn phận, biến vợ thành con búp bê hay bà quản gia hoặc chỉ là cái bóng của chồng… Rất nhiều tác phẩm văn học, kịch nghệ khai khác đề tài về bi kịch người phụ nữ trung niên, khi đã có tất cả họ bỗng bỏ nhà ra đi khi thấy mình chỉ là cái bóng cạnh chồng hay đã chọn nhầm. Họ chạy theo một tình yêu mới, có khi đó là một bi kịch mới.

Khi tới một độ tuổi được xem là chín chắn hơn, người phụ nữ nhận ra rằng, tiền bạc, chức vụ, học vị, tài năng hay vẻ tốt mã của người chồng nếu không được thắp sáng bằng một loại nhiên liệu hảo hạng là tấm lòng thì tất cả đều vô nghĩa. Vì khi đã bớt trẻ, bớt đẹp, người phụ nữ mới nhận ra chân tướng người đàn ông của mình… Không hiếm những ông chồng khi thấy vợ phai tàn, già cỗi hay khi có cơ hội tiếp xúc và tiếp cận với những người đẹp hơn, họ dễ rơi vào cảnh “chơi trăng quên đèn” hay “có mới nới cũ”.


Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Khổng Tử bảo: “Người phụ nữ lấy chồng lúc đẹp để nhờ lúc xấu, lấy chồng lúc trẻ để nhờ lúc già” nhưng người đàn ông không có lòng thì lúc vợ xấu, vợ già họ lại đi tìm người phụ nữ khác… Biết bao người đàn ông khi cưới được vợ rồi thì coi như “hết phim” và nghĩ rằng mình không có bổn phận gì với cha mẹ vợ, cư xử với vợ như một lãnh chúa… Nhiều phụ nữ vì con, vì sĩ diện đã chấp nhận sống bên những người chồng ích kỷ, vô tâm như vậy…

Thế nhưng cũng không hiếm những người đàn ông có lòng lại không được vợ họ nhận ra dễ dàng hay thưởng thức trọn vẹn, nhiều người đàn ông cứ như một cây cao họ chỉ lặng lẽ tỏa bóng. Trong truyện ngắn nổi tiếng Người đàn bà phù phiếm của nhà văn Chekhov, trong đó nhân vật chính là một phụ nữ thích giao du và ngưỡng mộ những người nổi tiếng, những nghệ sĩ và xem thường người chồng mình là một bác sĩ tận tụy, nhân ái, hết lòng với người bệnh. Đêm đêm ông ta thức dịch sách để có tiền cho vợ tiêu xài, sẵn lòng đi một quãng đường dài để mang cho vợ cái áo lông cừu khi bà ta bỏ quên ở nhà trong một chuyến đi chơi với những người bạn nổi tiếng. Sự phù phiếm của người vợ đã góp phần đẩy người chồng vào cái chết.

Trong cuốn tiểu thuyết Cuốn theo chiều gió của Margaret Mitchell, nữ nhà văn Mỹ, nhân vật nữ chính xinh đẹp là nàng Scarlett lúc nào cũng ôm ấp hình ảnh của chàng Ashley, thần tượng thời con gái của mình mà không nhận ra đại úy Rhett, người chồng đang chung sống mới là người đàn ông dành cho mình. Dù Rhett có tính cách trào lộng, bí hiểm, đểu cáng, đôi lúc thô lỗ dễ ghét nhưng thực sự đó là người đàn ông có lòng và yêu vợ bằng một tình yêu sâu sắc. Cho đến khi chồng giận bỏ đi, Scarlett mới nhận ra Rhett mới là người đàn ông của đời mình.

Cho nên phái nữ nhận ra tấm lòng của người đàn ông là điều không dễ, phải có thời gian lẫn sự nhạy cảm. Nhiều khi cũng phải xem xét cách người cha của họ cư xử với mẹ họ ra sao. Ở nước ta, biết bao người mẹ là nạn nhân của sự lừa dối, bội bạc, bạo hành từ người chồng… nhưng liệu họ có dạy con trai phải sống tử tế với vợ?

Người đàn bà có phước là người gặp được chồng ăn ở hết lòng với vợ con và vô phước khi gặp chồng ăn ở hai lòng, thay lòng đổi dạ hoặc bạc lòng. Người đàn ông thu hút phái nữ bằng vẻ hào hoa, tài năng, trí tuệ và tiền bạc… nhưng tất cả những tặng vật đó chỉ lấp lánh, lâu bền khi được gói ghém bằng một tấm lòng.

THÚY ÁI