Phải biết xấu hổ mới có thể tiến bộ!

Mới đây, cẩm nang online Sleepingairport.net đã đưa ra nhận xét rằng, hai sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất nằm trong 10 sân bay tệ nhất châu Á. Như “đỉa phải vôi”, lập tức, có vị lãnh đạo ngành hàng không “phản pháo” cho rằng, nhận xét đó là không khách quan, là không có giá trị bởi vì là của một tổ chức không chính thức… đại loại vậy…

Cũng ngay lập tức, Bộ Giao thông Vận tải lập đoàn kiểm tra để tìm hiểu thực hư sự việc. Qua “mục sở thị”, không hề giấu diếm, chính Bộ trưởng Đinh La Thăng đã thừa nhận, đó là những nhận xét khách quan. Báo chí cũng vào cuộc sau đó, và sự thật cũng được sáng tỏ, tuy có nhiều tiến bộ so với trước đây, nhưng cũng không thể phủ nhận những yếu kém có thực đang tồn tại, đang diễn ra, làm phiền lòng hành khách.

Từ sự việc này, ngẫm ra, lâu nay, cái sự biết xấu hổ chỉ nói riêng trong bộ máy công quyền, đã bị nhiều cán bộ, công chức ở nhiều vị trí lãng quên, hoặc cố tình che đậy, lập liếm theo kiểu “cả vú lấp miệng em”, hoặc bằng mọi cách có thể để bảo vệ cái uy tín ảo tự mình vẽ ra cho cá nhân mình, ngành mình, mặc dù dư luận xã hội chê trách, chỉ trích.

Cho nên, mới có tình trạng phổ biến hết sức nguy hại đã và đang tồn tại khiến những cán bộ, đảng viên chân chính và các tầng lớp nhân dân không khỏi lo lắng, băn khoăn. Đó là:

Không ít cán bộ, công chức có quá khứ học hành không có thành tích gì đáng phục (ở đây hoàn toàn không nói đến các thế hệ cha anh đã từng tham gia kháng chiến, với người viết chỉ có sự ngưỡng mộ và kính trọng!), nếu không muốn nói là kém cỏi so với bạn bè cùng lớp, quá trình công tác cũng chẳng có năng lực gì nổi trội, vậy mà không hiểu bằng cách nào lại có trong tay bằng này bằng nọ “sang trọng”, thậm chí còn đem khoe mẽ, vỗ ngực xưng danh với thiên hạ, mà chẳng biết xấu hổ!

Một bộ phận cán bộ, công chức chỉ “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, thuộc diện 30% (hoặc nhiều hơn thế) mà những người có trách nhiệm của Quốc hội, Chính phủ đã từng thẳng thắn chỉ ra, vẫn nhận đủ lương hằng tháng, chính là tiến thuế của dân, là mồ hôi nước mắt của dân, mà không biết xấu hổ!

Một vị đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân được cử tri bầu lên, mà cả nhiệm kỳ chỉ chuyên “gật”, “bấm nút”, không phát biểu một câu nào, ý nào tại các kỳ họp để nói lên được nguyện vọng chính đáng của cử tri, không đóng góp được chút “chất xám” nào khả dĩ vào việc xây dựng chủ trương, chính sách, pháp luật của nhà nước, mà không thấy đó là nỗi xấu hổ!

Những cán bộ chức trọng quyền cao trong một nhà nước của dân, do dân, vì dân, nhân danh là công bộc của dân, lại lợi dụng địa vị của mình để tham ô nhũng nhiễu, hạch sách nhân quần, thu nhập bất chính, tậu nhà đẹp, xe sang, sống trong nhung lụa, xa lạ với đông đảo nhân dân cần lao ở đất nước này, mà không biết xấu!

Tôi còn nhớ mãi ý kiến của Giáo sư Trần Đức Thọ, quê Quảng Nam, hiện đang giảng dạy tại một trường đại học nổi tiếng tại Nhật Bản đăng trên báo Thanh Niên xuân 2007, đại ý là, Việt Nam dân số ít hơn Nhật Bản, trình độ phát triển còn kém xa Nhật Bản, nhưng lại có số giáo sư, tiến sĩ, tức là đội ngũ trí thức bậc cao quá nhiều so với Nhật Bản là cái sự lạ! Liệu những vị mua danh, mua bằng cấp có cảm thấy xấu hổ?!

Cũng tại Nhật Bản, mới đây, liên tục có hai nữ Bộ trưởng vừa mới được bổ nhiệm và là những gương mặt sáng giá trong Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe phải từ chức ngay lập tức vì bị cáo buộc lạm dụng quỹ chính trị và vi phạm luật bầu cử. Cách hành xử của hai vị nữ Bộ trưởng kia, trước hết là vì họ biết xấu hổ khi “danh” của mình không còn “chính” nữa.

Chợt nhớ lời Tuân Tử (313-238 TCN), một nhà Nho, nhà tư tưởng Trung Hoa xưa: “Người chê ta mà chê phải là thầy ta. Người khen ta mà khen phải là bạn ta. Những kẻ vuốt ve nịnh bợ là kẻ thù của ta vậy”. Một thực trạng yếu kém có nguyên nhân chính từ công tác lãnh đạo, quản lý đang sờ sờ trước bàn dân thiên hạ như thế, được chê rất đúng (trong trường hợp này là được, rất được), lẽ ra phải biết xấu hổ để nhìn lại mình và quyết tâm sửa chữa để tiến bộ, thì ngược lại, lại nhảy dựng lên, cãi chày cãi cối mà không biết xấu hổ!

Có lẽ, người ta đã quá quen với những đống thành tích được ngụy tạo, được tô vẽ đủ sắc màu đẹp đẽ, đã quá quen với những cử chỉ ngọt ngào, những lời có cánh của những kẻ chuyên nịnh nọt, luồn cúi, cơ hội, nên dị ứng với những lời chê trung thực, thẳng thắn, khách quan? Phải chăng đây cũng là một trở lực không thể xem thường trên con đường xây dựng bộ máy công quyền trong sạch vững mạnh một cách thực chất, đáp ứng được nguyện vọng tha thiết của nhân dân?

ĐỨC KHÁNG (Văn phòng Huyện ủy Sơn Tịnh, Quảng Ngãi)