Phải chăng đạo đức nhà giáo đã đến mức báo động?

Nguyễn Văn Tú

Ngoài việc tiếp tục thực hiện cuộc vận động Hai không ở năm học trước là: Nói không với tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục, hai năm học nay, Ngành Giáo dục – Đào tạo lại tiếp thực hiện cuộc vận động: Nói không với việc ngồi nhầm lớp của học sinh và việc vi phạm đạo đức của nhà giáo. Như vậy, đạo đức của nhà giáo thời gian qua và hiện nay đang có vấn đề, đang báo động “đỏ” nên Ngành đã phát động cuộc vận động này để chấn chỉnh lại đạo đức của nhà giáo. Nhưng trong thực tế có như thế không? Đây là một câu hỏi lớn cần phải có lời giải đáp rõ ràng, minh bạch, cụ thể, có tính thuyết phục để trả lại sự trong sáng về nhân cách của nhà giáo.

Thực tế trong thời gian qua, trên toàn lãnh thổ nước ta, mỗi tỉnh thành, mỗi huyện, xã có bao nhiêu nhà giáo nói riêng, bao mhiêu người làm công tác Giáo dục - Đào tạo nói chung vi phạm đạo đức, vi phạm tác phong, nhân cách nhà giáo? Các cơ quan pháp luật đã xử được bao nhiêu trường hợp nhà giáo vi phạm đạo đức? Các cơ quan thông tin đại chúng đã tìm hiểu và đưa ra được bao nhiêu nhà giáo vi phạm đạo đức?...

Hay là đó đây trong cả nước chỉ có vài trường hợp như một thầy giáo nào đó trong quá trình giảng dạy không kiềm chế được bản thân, hoặc suy nghĩ nông cạn, hay một phút thiếu sáng suốt, thiếu tỉnh táo, bình tĩnh nào đó hoặc ức chế tâm lí mà có hành vi chưa đúng đạo làm thầy dẫn đến việc hành xử không đúng như đánh học sinh, bắt phạt các em chạy, hay lợi dụng tình cảm của các em, trù dập điểm số đối với các em, cưỡng dâm các em, chạy bằng, bán điểm… dẫn đến công luận lên tiếng phản ứng. Xét cho cùng đó là hiện tượng cá biệt, không phải là hiện tượng mang tính phổ quát, đại trà trong Ngành giáo dục.

Nếu chỉ có vài cá nhân hoặc vài chục cá nhân trong Ngành có hành vi phạm đạo đức của Nhà giáo chứ đâu phải hầu hết địa phương nào cũng có, tỉnh thành nào cũng, trường học nào cũng có mà chúng ta phải làm ầm ĩ lên, rồi lên tiếng báo động để rồi vận động nhà giáo sống đúng đạo làm nghề trồng người.

Nói một cách khách quan nhà giáo cũng là con người bình thường như bao người bình thường khác, cũng mang trong người cái tham, sân, si, cho nên trong cuộc sống với bao cám dỗ của đời thường thì đôi lúc ai đó giữ mình không được thì bị vấp ngã cũng là điều hiển nhiên. Song con số vấp ngã ấy không quá vài chục người trong khi số lượng nhà giáo nước ta hàng mấy triệu người. Đem con số ít, có hành vi xấu ra để quy kết với số lượng người giữ phẩm chất tốt đẹp của nhà giáo để cho họ mang tiếng là mình có vấn đề đạo đức, để xã hội nhìn họ với cặp mắt không mấy thân thiện thì có nên chăng, và như vậy, họ còn tâm trí đâu mà yêu nghề, yên tâm mà dạy tốt?

Trong khi đó hằng ngày qua báo chí, thông tin đại chúng, không ít cán bộ công chức các ngành nghề khác vi phạm đạo đức, thoái hoá, sa đọa, tham nhũng... mà các Ngành đó chẳng bao giờ gióng lên tiếng chuông báo động, trong khi Ngành giáo chỉ vài con sâu mà làm cho nồi canh phải điên đảo.

Cho nên, Ngành giáo dục cần sớm xem lại cuộc vận động này. Cần phải khẳng định rằng: Đạo đức nhà giáo thời gian qua và hiện nay vẫn tốt, người thầy giáo vẫn mẫu mực, nhân cách vẫn sáng trong chứ không đến nỗi hư đốn đến mức phải báo động, phải chỉnh tu như cuộc vận động trên.

Xử sự với nhà giáo cần phải khách quan, công tâm và có văn hoá mới là động lực thúc đẩy, mới làm khởi sắc nền giáo dục của nước nhà, mới góp phần đưa đất nước đi lên. Và nói một cách khách quan, công bằng thì nếu đạo đức nhà giáo đến mức phải vận động, chỉnh chu thì nền Giáo dục của chúng ta làm sao đào tạo được một thế hệ người tiên tiến đã đưa đất nước ta phát triển về mọi mặt như hôm nay.