Phim truyền hình Dù gió có thổi: Đứa con lai “nhan sắc” Việt-Hàn

CÁT VŨ

Cho đến nay, bộ phim truyền hình Dù gió có thổi đã phát sóng được một phần tư chặng đường (lúc 21 giờ từ thứ hai đến thứ 5 hằng tuần trên HTV3) là bộ phim gốc Hàn được Việt hóa hiếm hoi nhận được lời khen ngợi của khán giả. Dù gió có thổi (The wind flows but) do Công ty cổ phần truyền thông Trí Việt mua bản quyền từ hãng KBS Hàn Quốc và được nhóm biên kịch trẻ biên dịch và thổi hồn Việt vào đến 80%. Phim do hãng Chánh Phương thực hiện với các đạo diễn Charlie Nguyễn, Thái Hòa (20 tập đầu) và Phương Điền (từ tập 21 trở về sau).

Âm hưởng phim Hàn trong Dù gió có thổi thể hiện rõ ở phương pháp biên kịch và các khuôn hình. Các cảnh đều diễn ra ngắn gọn, các kết cảnh luôn mang nhiều sức gợi, diễn biến câu chuyện được trình bày ở nhiều không gian khác nhau trong cùng một thời điểm và trước khi bước vào một không gian mới bao giờ cũng giới thiệu tổng thể cảnh quan hàm chứa không gian đó. Chẳng hạn như, nếu căn hộ ở trong một chung cư thì bao giờ hình ảnh chung cư cũng được hiện ra trước để xác định không gian. Đó là một cách làm khá đặc trưng của phim truyền hình Hàn Quốc.

Thế nhưng, ngoài các yếu tố mang tính kỹ thuật nói trên, nội dung và “không khí” của Dù gió có thổi đem đến cho người xem một cảm giác dễ chịu lẫn thú vị bởi sự đậm đà của chất Việt.


Phút vui vẻ mẹ con trong gia đình.

Nội dung phim xoay quanh chuyện gia đình bà Mỹ (NSƯT Lê Thiện). Bà là người miền Bắc, góa chồng, một mình mang hai con trai (có tên là Cần và Mẫn) vào Nam sinh sống. Người con cả tên Cần (nghệ sĩ Nguyễn Văn Phúc đóng) lấy vợ người miền Nam có 4 người con đặt tên là Khắc, Tậu, Biệt, Thự. Anh con út tên Mẫn (nghệ sĩ Anh Tuấn) vốn lười biếng, bỏ ngang việc học và sau khi lang bạt kỳ hồ trở về sống chung với mẹ trong nhà của người anh cả.

Ông Cần là chủ một xưởng may gia công, vợ (Kim Xuân) ở nhà nội trợ. Hoài Khắc (Đỗ Đức Thịnh) – con trai đầu của ông Cần, có vợ tên Dương (Hiền Mai) và hai con gái nhỏ. Hoài Tậu (Bình Minh) cùng vợ là Phượng (Lê Khánh) sống riêng trong một căn hộ chật hẹp ở chung cư. Hai người con sau là Hoài Biệt (Quý Bình) và Hoài Thự (Phương Trinh) còn độc thân. Trừ Hoài Tậu, tất cả những người còn lại đều sống chung trong ngôi nhà khang trang mới dọn về của ông Cần.

Phim không đặt vấn đề gì to tát, chỉ xoay quanh những câu chuyện quan hệ trong gia đình như vợ chồng, con cái, mẹ chồng, nàng dâu, bà cháu,… cộng với hương vị tình yêu, bè bạn ở bên ngoài nhưng tình tiết khá phong phú và nhiều sức hấp dẫn.

Ở phần nội dung, gần như kịch bản chỉ còn giữ lại cái sườn, còn tâm lý, lời thoại đã được Việt hóa hoàn toàn với nhiều chủ ý. Tỉ như trong một gia đình cha Bắc mẹ Nam, các con gọi cha là bố nhưng gọi mẹ là má. Bố nói giọng Bắc, má nói giọng Nam. Lời thoại được trau chuốt khá kỹ, ngắn gọn vừa đủ ý và chữ nghĩa khá chính xác, phù hợp với hoàn cảnh và tính cách nhân vật.

Các cảnh được cắt nhanh nên không gây sự nhàm chán cho dù bối cảnh không nhiều, quanh đi quẩn lại cũng chỉ mấy không gian quen thuộc được dựng ở phim trường. Các diễn viên càng lúc nhập vai càng nhuyễn, tạo được sự thu hút nhất là nghệ sĩ Lê Thiện trong vai bà Mỹ và Anh Tuấn trong vai chú Mẫn.


Bà Mỹ và Mẫn, con trai út, hai nhân vật nổi bật trong phim Dù gió có thổi.

Người xem tìm thấy ở phim Dù gió có thổi những câu chuyện đời thường gần gũi cũng như những bài học quen thuộc trong cuộc sống mà dù có trải nghiệm mấy cũng không thừa. Tỉ như quan hệ giữa mẹ chồng (bà Mỹ - Lê Thiện) và nàng dâu (bà Nga – Kim Xuân), có lúc vui lúc buồn, lúc chìm lúc nổi bởi người già trở tính hay hờn hay dỗi nhưng cuối cùng điều đem lại cho họ sự hòa khí vẫn là cái tình.

Hay như người đàn ông đang có gia đình êm ấm bỗng bị một cô gái trẻ si mê quyết chiếm đoạt bằng được như Hoài Khắc thì phải làm sao? Diễn viên Đỗ Đức Thịnh và Hiền Mai đã giải quyết tình huống này rất khéo trong phim. Và một câu chuyện với những diễn tiến bình bình, không có gì đột biến, liệu có kéo được khán giả. Câu trả lời nằm ở những cảnh giao đãi của hai mẹ con bà Mỹ và chú Mẫn. Bằng những câu thoại hài hước đặc trưng giọng miền Bắc, bằng cách thể hiện hóm hỉnh, duyên dáng, hai mẹ con đã gây được những tiếng cười sảng khoái và trở thành những nhân vật được chờ đợi nhất trong phim.

Trong bối cảnh phong trào sản xuất phim truyền hình nở rộ như hiện nay, kịch bản viết trong nước không đáp ứng kịp tiến độ quay và phát sóng, việc mua kịch bản nước ngoài về dàn dựng lại đang là “giải pháp tình thế” được nhiều đơn vị áp dụng. Thế nhưng vừa qua, nhiều bộ phim đã Việt hóa không thành công, diễn viên Việt, nói tiếng Việt nhưng tâm lý và những tình huống diễn ra đều xa lạ với khán giả Việt khiến dư luận không ngừng phê phán.

Có lẽ rút kinh nghiệm từ “vết xe đổ” này, những người dàn dựng lại Dù gió có thổi của Hàn Quốc đã có cách làm cẩn trọng hơn.

Mặc dù nhóm biên kịch trẻ của Trí Việt Media đã quyết tâm Việt hóa đến 80% song khi nhận kịch bản, đạo diễn và các diễn viên của phim cũng phải làm động thái tiếp theo là trước khi bấm máy, cùng nhau đọc lại, góp ý sửa chữa cách thoại, chọn cách diễn đạt hiệu quả nhất.

Nghệ sĩ Anh Tuấn cho biết, cầm kịch bản với lời thoại không ai cười nổi, thế nên để có được một chú Mẫn như trong phim, anh đã phải sáng tạo thêm nhiều tình tiết gây cười. Anh nói rằng mình may mắn gặp được một “bà mẹ” Lê Thiện diễn cũng khá hóm hỉnh nên kẻ tung người hứng rất nhịp nhàng, tạo cho phim những trận cười nhẹ nhàng vui vẻ.

Hiệu ứng mà phim Dù gió có thổi đem lại cho người xem ngày càng tích cực. Nhiều khán giả đã bày tỏ thái độ hưởng ứng trên mạng như nickname Đầu Đất nhận xét: “Mình đồng cảm với phim có lẽ vì gia đình mình giống gia đình ông Cần, đó là Bắc – Nam lẫn lộn nên văn hóa và cách ứng xử cũng pha trộn. Cách xây dựng nhân vật gần gũi với cuộc sống đời thường. Dù gió có thổi đã thổi một luồng gió mới vào phim truyền hình Việt Nam”.


Áp-phích quảng cáo phim Dù gió có thổi.

Còn nick thaithai viết: “Tôi thích phim này, hay, logic, hấp dẫn ở tất cả các tuyến nhân vật”.

Dù gió có thổi sẽ tiếp tục được dàn dựng và phát sóng cho đến giữa năm 2010. Ngoài giờ chiếu buổi tối, phim sẽ phát sóng lại 4 tập đã chiếu trong tuần vào trưa thứ bảy, chủ nhật vào lúc 11 giờ cho những khán giả bỏ lỡ.

Ngày nào có gió của ngày ấy nhưng rồi gió sẽ tan, mưa thôi về, chuyện nhà sẽ ấm lại. Đó là thông điệp được gửi đi từ Dù gió có thổi.