Phim Tết - sự giằng kéo giữa doanh thu và nghệ thuật…

Nếu như ở các nước phương Tây, các nhà làm phim tập trung cho mùa hè để đón khán giả thì ở Việt Nam những ngày Tết Nguyên Đán chính là thời cơ vàng cho các nhà sản xuất phim. Nhiều năm nay, phim Tết đã trở thành một thói quen của thị trường điện ảnh Việt Nam. Những ngày Tết là ngày phim Việt Nam ngự trị trên hệ thống rạp toàn quốc. Đó là thời gian mà khán giả Việt “về tắm ao nhà” một cách nồng nhiệt nhất…

PHIM TẾT - NGÀY XƯA VÀ BÂY GIỜ…

Có lẽ thói quen ấy đã hình thành trên dưới 20 năm nay, từ ngày các chủ phim đưa vào thị trường điện ảnh Việt Nam những bộ phim giải trí với những đề tài tình cảm, vui tươi nhẹ nhàng trong những ngày xuân và được khán giả ủng hộ nồng nhiệt. Bắt đầu từ đó, khái niệm phim Tết hình thành và đã từng gây nên những trận chiến giữa các chủ phim thị trường để giành cho được lịch chiếu tốt nhất trên mạng lưới rạp.


Cảnh trong phim Khi yêu đừng quay đầu lại.

Và cũng bắt đầu từ đấy, phim Tết đồng nghĩa với phim hài và càng ngày càng xuống cấp với những nội dung chỉ mua vui trong 3 ngày Tết.

Bây giờ ở thập niên đầu của thế kỷ XXI, túi tiền tư nhân không dừng lại ở những tập phim video kinh phí chỉ hơn trăm triệu đồng. Nhìn vào cách tổ chức sản xuất và quảng bá sản phẩm của các hãng phim tư nhân hiện nay, sẽ thấy họ điều hành công việc theo chuẩn mực của các doanh nghiệp giải trí truyền thông trên thế giới.

Các nhà sản xuất Thiên Ngân, BHD, Chánh Phương, Phước Sang biết áp dụng tri thức chuyên ngành giải trí truyền thông vào thực tế kinh doanh ở Việt Nam. Họ biết tiếp thị, biết quảng bá sản phẩm ngay từ khi mới hình thành ý tưởng… và có những chương trình hợp tác kinh doanh quốc tế hữu hiệu.

Họ kinh doanh chủ yếu là nhập phim và chiếu bóng, và thu lợi nhuận lớn cũng từ đây, còn việc sản xuất phim vẫn chỉ chủ yếu là phim Tết.

Vì thế, không ngạc nhiên khi mấy năm gần đây, các hãng phim Quốc doanh đành nhường thị phần phim Tết cho các hãng phim tư nhân, dẫu biết đó là thời gian vàng dành riêng cho phim Việt.

Nguyên nhân đầu tiên là do khâu tiếp thị khá ù lì của những người đã quen được bao cấp, nhưng nguyên nhân chính vẫn là không thể có tiền tài trợ của nhà nước cho những kịch bản phim chiếu Tết. Nên hãng phim nhà nước muốn tham gia thị trường chỉ có cách duy nhất là phải tự bỏ tiền. Cách làm này hãng phim Giải Phóng đã thử với Lọ lem hè phốChuông reo là bắn, nhưng không mấy thành công, nên đành buông tay…

PHIM TẾT = NẮM BẮT THỊ HIẾU + QUẢNG CÁO.

Mỗi năm phim Tết được xuất xưởng kéo theo khâu tiếp thị ồn ào từ nửa năm trước. Những chiêu quảng cáo chỉ nhằm vào giới trẻ và cốt gây ấn tượng được bằng nhiều chiêu thức khác nhau.

Ví như việc tổ chức cuộc thi “Nốt nhạc ngôi sao” để tuyển diễn viên cho phim Những nụ hôn rực rỡ của hãng BHD; phát động cuộc thi thiết kế Poster cho phim Nhật ký Bạch Tuyết…, hay trình làng thương hiệu Nguyễn Võ Nghiêm Minh với các giải thưởng Quốc tế từ Mùa len trâu cho Khi yêu đừng quay đầu lại của Hãng Thiên Ngân…

Hai năm liền Hãng phim Thiên Ngân đã thắng lớn với Nụ hôn thần chếtGiải cứu thần chết của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, cái tên sáng giá trên thị trường chiếu Tết. Từ chất hài còn khá rẻ tiền của Hồn Trương Ba, da hàng thịt, Dũng đã gần như lột xác với Nụ hôn thần chết, một bộ phim vừa đạt doanh thu cao nhất, vừa lãnh luôn hai giải bạc của Liên hoan phim và Cánh diều vàng.

Sau hai phim Vị đắng tình yêu của đạo diễn Lê Xuân Hoàng và Gái nhảy của Lê Hoàng, đó là bộ phim thứ ba thực hiện được ước vọng của nhiều nhà làm phim, vừa làm mưa làm gió trên thị trường, vừa làm hài lòng Ban giám khảo nghệ thuật.

Như vậy, phim Tết không phải chỉ đồng nghĩa với thứ phim hài mua vui trong 3 ngày Tết. Đó cũng là ước vọng của hãng phim Phước Sang khi Huyền thoại bất tử chen vai cùng Giải cứu thần chết trong Tết Kỷ Sửu qua…, nhưng Huyền thoại bất tử đã không thể đạt được doanh thu mong muốn dù được giới chuyên môn đánh giá cao.

ĐI TÌM LỜI ĐÁP GIỮA DOANH THU VÀ NGHỆ THUẬT…

Sự cố gắng ấy là lẽ tất yếu để mỗi thương hiệu tự nâng cấp mình, tự bay lên bằng những thước phim nghệ thuật. Nói thì dễ, nhưng thực ra, lời đáp giữa doanh thu và nghệ thuật hiện nay vẫn còn là một ẩn số.

Vì thế mà năm nay Phước Sang đã lao vào phim Tết bằng bộ phim Công chúa teen và ngũ hổ tướng nhắm vào tuổi mới lớn với hy vọng bù lại doanh thu cho bộ phim nghệ thuật Huyền thoại bất tử năm rồi.

Trong khi đó, Thiên Ngân mời một đạo diễn của dòng phim nghệ thuật làm phim Tết với hy vọng làm một cú đột phá thứ hai sau Nụ hôn thần chết. Hai bộ phim Nhật ký Bạch TuyếtKhi yêu đừng quay đầu lại song hành bên nhau của hãng phim Thiên Ngân trong mùa Tết năm nay là sự tính toán để bù đắp, bổ sung cho nhau.

Nhật ký Bạch Tuyết là bộ phim hài giải trí dành cho tuổi chịu đến rạp, nhưng Khi yêu đừng quay đầu lại thì chỉ dành cho người từng yêu mến Mùa len trâu, một bộ phim đoạt nhiều giải thưởng quốc tế, nhưng không có doanh thu ở Việt Nam.

Nhưng rõ ràng Khi yêu đừng quay đầu lại của Nguyễn Võ Nghiêm Minh đã phải chịu sự giằng kéo dữ dội giữa thị trường và nghệ thuật, dù anh đã nói cứng rằng anh không hề chịu sự chi phối nào.

Khi yêu đừng quay đầu lại là một câu chuyện tình yêu mang yếu tố kinh dị, nhưng không hề kinh dị, còn tình yêu thì nhạt nhẽo đến mức dù họ có quấn vào nhau nhưng khán giả vẫn không hề tin họ đang yêu nhau.

Tác giả muốn đề cao tình yêu, muốn cho thấy tình yêu có sức mãnh liệt đến mức một cô gái thực dụng như Nguyên Xuân khi yêu người này vẫn có thể thản nhiên ngủ với người kia chỉ vì 2 tờ giấy 500.000$, vậy mà có thể từ bỏ quyền sở hữu một ngôi biệt thự để đánh đổi sự sống cho người mình yêu.

Ý đồ ấy chỉ có thể hiểu, mà không thể cảm, bởi những chi tiết trên phim chẳng gây được chút xúc động nào trong lòng người xem. Là bởi vì đạo diễn mải mê nhát ma khán giả, mải mê chạy theo những pha kinh dị mà quên đi những tình tiết thăng hoa, những phút giây rung động thực sự của hai người đang yêu. Để đến cuối phim, tác giả đã không thể thuyết phục được người xem về cái gọi là tình yêu mãnh liệt của họ…

Với Những nụ hôn rực rỡ, Nguyễn Quang Dũng vẫn muốn chạm tay tới cái đích doanh thu và nghệ thuật mà anh đã từng với tới. Nhưng bộ phim ca nhạc kiểu này làm người ta liên tưởng tới những bộ phim ca nhạc thời thập niên 50-60 của thế kỷ trước.


Cảnh trong phim Những nụ hôn rực rỡ.

Tất nhiên, Dũng có muốn làm mới, muốn hòa trộn kiểu High School musical của đầu thế kỷ 21 với kiểu My Fair lady của giữa thế kỷ 20 để làm nên cái riêng của mình, nhưng bộ phim cứ chông chênh như được nhào từ những mảnh ghép…

Doanh thu và nghệ thuật, không ai muốn tách ra làm hai khái niệm, bởi ai làm phim cũng mơ ước đó là một thực thể thống nhất. Làm phim hay và ăn khách là cái đích của bất kỳ nền điện ảnh nào trên thế giới. Mỹ từng trao giải Oscar cho bộ phim rất kén khách Sự im lặng của bầy cừu, nhưng Oscar của Titanic thì doanh thu cao nhất thế giới - chưa tính bộ phim nổi tiếng Avatar hiện nay.

Vì vậy, doanh thu và nghệ thuật vẫn luôn là cái đích của các nhà sản xuất phim và mơ ước của người làm phim. Phim giải trí ngày Tết mục đích để thu lợi nhuận, tất nhiên, nhưng cao hơn lợi nhuận chính là đẳng cấp của mỗi thương hiệu… Mong sao sự giằng kéo của thị trường sẽ không làm mờ đi những thương hiệu đã từng bay lên trong những mùa phim Tết trước…

NGÔ NGỌC NGŨ LONG