Phim Tây Sơn hào kiệt - Góp tấm lòng mừng Đại lễ…

Được công chiếu đồng loạt tại các rạp trên toàn quốc vào ngày 23/4/2010, bộ phim truyện nhựa Tây Sơn hào kiệt (tác giả: Trương Huyền (Cao Đức Trường), Phạm Thùy Nhân, Huy Thành; tổng đạo diễn Lý Huỳnh) là tác phẩm điện ảnh được trình làng sớm nhất trong số những dự án chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Nội dung phim tái hiện chiến công hiển hách của vua Quang Trung đánh tan 20 vạn quân Thanh, đặt nền móng cho việc lập nên một triều đại Tây Sơn, tuy ngắn ngủi song tồn tại mãi trong niềm tự hào của dân tộc.

Sau bốn bộ phim truyện nhựa dựa theo dã sử, gồm Lửa cháy thành Đại La, Thăng Long đệ nhất kiếm, Sơn thần thủy quái Thanh gươm để lại, Tây Sơn hào kiệt là phim đầu tiên do Hãng phim Lý Huỳnh sản xuất mang nhiều yếu tố của chính sử. Với số vốn trên 12 tỉ đồng, lớn nhất trong số các phim do hãng này đầu tư từ trước tới nay, có thể nói, Tây Sơn hào kiệt là sản phẩm điện ảnh tâm huyết nhất của gia đình nghệ sĩ Lý Huỳnh.

Tuy vẫn trung thành với tiêu chí như những bộ phim trước đây, mượn câu chuyện lịch sử như một cái cớ để phô diễn võ thuật, song với Tây Sơn hào kiệt, nhà sản xuất còn muốn đưa đến cho người xem, nhất là thế hệ trẻ, một bài học lịch sử sinh động về anh hùng áo vải đất Tây Sơn. Vì vậy, ngoài việc dành cả một năm trời cho khâu chuẩn bị trước khi bấm máy, trong quá trình thực hiện, nhà sản xuất còn phải rất vất vả để có thể đưa vào phim những con số như: 20.000 lượt quân tham gia các trận đánh (trận đông nhất có 3.000 quân), 50 con voi (thuê tại Buôn Đôn), 38 con ngựa đua cao trên dưới 1,8m, 200 võ sư thuộc môn phái võ cổ truyền và Vovinam, may 2.000 bộ đồ cho bốn sắc lính (Tây Sơn, Mãn Thanh, nhà Lê, chúa Trịnh), thuê đúc 10 súng thần công,…

Các đồn lũy như Ngọc Hồi, Hà Hồi, Đống Đa đều được thực hiện ở ngoại vi TP. HCM và một số tỉnh như Bình Dương, Bình Định,… Nghệ sĩ Lý Huỳnh, ngoài công việc lo toan của một giám đốc sản xuất, một tổng đạo diễn, còn đóng vai Nguyễn Nhạc. Còn anh “con trai” Lý Hùng, với trách nhiệm là đạo diễn chỉ đạo võ thuật, vừa phải hò hét chỉ huy “ba quân” đánh đấm sao cho đúng, cho đẹp, vừa phải chỉnh tề từ phục trang cho đến tâm lý để luôn sẵn sàng vào vai Nguyễn Huệ.


Lý Hùng vào vai vua Quang Trung (Nguyễn Huệ) trong phim Tây Sơn hào kiệt.

Dư luận người xem nhìn nhận, Tây Sơn hào kiệt là một bước tiến xa so với những bộ phim lịch sử cổ trang trước đây của hãng phim Lý Huỳnh. Những màn đánh võ hiện ra khá đẹp mắt, những cảnh dàn quân đông cũng khá khí thế, ấn tượng nhất có lẽ là cảnh quân Thanh bị chết như rạ dưới lòng sông và cảnh Tôn Sĩ Nghị leo lên chiếc cầu gãy để chạy trốn. Nhưng có lẽ vì dồn hết sức cho những trận đánh nên những cảnh thể hiện sự trữ tình, nhất là giữa Nguyễn Huệ và Ngọc Hân đã không tạo được mấy cảm xúc.

Nguyễn Huệ - Lý Hùng chỉ đẹp và thu hút ở trận mạc giữa ba quân tướng sĩ, còn những lúc bên Ngọc Hân không thấy toát lên sự tinh tế, nồng nàn của kẻ đang yêu. Ngọc Hân (Thùy Lâm) cũng chỉ được ở ngoại hình thướt tha, gương mặt xinh đẹp nhưng hơi vô cảm.

Bộ phim có sự góp mặt của NSND Đoàn Dũng (Tôn Sĩ Nghị), NSND Thế Anh; diễn viên Mộng Vân, người từng đóng cặp với Lý Hùng ngày trước, rời sân quay đã lâu, nay cũng trở lại góp mặt… Cuộc hội tụ những tên tuổi một thời này, tuy có gây được sự chú ý, song hiệu quả của họ đem lại cho bộ phim không cao.

So với những bộ phim của những quốc gia có bề dày làm phim lịch sử như Trung Quốc, Hàn Quốc… bộ phim Tây Sơn hào kiệt, dẫu đã được làm hết sức vẫn như một cậu bé David đứng trước chàng khổng lồ Goliat. Thế nhưng, trong hoàn cảnh nước ta hiện nay, việc bỏ tiền túi để sản xuất một bộ phim lịch sử như nghệ sĩ Lý Huỳnh có lẽ là điều đáng khâm phục. Ngay bản thân ông, phải mất hơn 15 năm kể từ khi bộ phim dã sử Sơn thần thủy quái đóng máy, và phải quyết tâm lắm, ông mới bắt tay thực hiện được Tây Sơn hào kiệt.

Và cho dù với kinh nghiệm của một nhà sản xuất phim tư nhân luôn biết nắm hơi thở của thị trường, với Tây Sơn hào kiệt lần này, Lý Huỳnh xem đây như là cách bày tỏ tấm lòng của một gia đình nghệ sĩ đối với quê hương, góp chút “quà” mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội hơn là một thương phẩm như những bộ phim cổ trang ông từng làm trước đây.

CÁT VŨ