Tôi không thể không viết về một trong những người đang bảo vệ hồn Việt qua Tạp chí Hồn Việt. Đó là trường hợp nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ - một nhạc sĩ có nhiều đóng góp cho phong trào yêu nước, cách mạng ở các đô thị miền Nam thời chống Mỹ cứu nước…
Tôi đã từng là học trò của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ ở Đà Nẵng, cùng hoạt động trong phong trào chống Mỹ xâm lược dưới các khẩu hiệu của phong trào thơ văn âm nhạc vận động hòa bình ở các đô thị miền Nam, cùng hoạt động trong các tổ chức văn hóa dân tộc của Phật giáo với nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ.
Phạm Thế Mỹ sinh năm 1932 tại Bình Định. Tham gia kháng chiến chống Pháp thời kỳ 1945-1954. Sau năm 1954, ông được bố trí ở lại miền Nam. Ông theo học Trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn (1954-1959), dạy âm nhạc và dạy Việt văn tại các trường tư thục Phan Tây Hồ, trường Nguyễn Công Trứ, trường Bồ Đề Đà Nẵng (1959-1970).

Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ (1932-2009).
Ông tham gia các cuộc đấu tranh đô thị chống Mỹ và chính quyền tay sai Mỹ ở Đà Nẵng từ năm 1963-1968. Đặc biệt tháng 8/1964, ông cùng trí thức, sinh viên Huế tại Đà Nẵng chủ trương tờ Đứng Đầu Gió, thúc đẩy cuộc đấu tranh làm chủ Thành phố Đà Nẵng nhiều tuần. Trong thời gian ấy, ông bị bắt và bị tù nhiều lần. Sau đó, ông vào Sài Gòn, được cử làm Trưởng phòng Văn Mỹ Nghệ, Viện Đại học Vạn Hạnh cho đến ngày giải phóng (1970-1975).
Sáng tác của Phạm Thế Mỹ thuộc nhiều thể loại: Ca ngợi quê hương (Nắng lên xóm nghèo, Đường về hai thôn, Đưa em về quê hương, Trăng tàn trên hè phố…); nhạc trữ tình (Tóc mây, Áo lụa vàng, Bóng mát, Người yêu và con chim sâu nhỏ, Bến duyên lành, Thuyền hoa…); nhạc về Phật giáo (Từ bi ca, Lửa thiêng, Con đường trước mặt, Thêm một lần hoa nở…).
Tình ca của Phạm Thế Mỹ đẹp, sâu lắng, được trí thức trẻ tuổi ưa thích, nhưng ông không chạy theo thị hiếu của quần chúng mà trái lại ông sử dụng sự hâm mộ ấy để hướng quần chúng vào các chủ đề tình yêu quê hương, đất nước hoà bình, thống nhất dân tộc…
Năm 1963, ông bị chế độ Ngô Dình Diệm bắt giam, ngồi trong tù, ông lấy cảm hứng từ ý bài Bông hồng cài áo của Thiền sư Thích Nhất Hạnh sáng tác nên bài hát cùng tên. Bài hát này nổi tiếng hơn bốn mươi năm qua.
Phạm Thế Mỹ đã đầu tư nhiều công sức cho phong trào thơ văn, âm nhạc chống chiến tranh xâm lược của Mỹ, vận động hòa bình bắt đầu từ năm 1964 ở miền Nam Việt Nam. Ông dựa vào Đại học Vạn Hạnh sáng tác và dàn dựng nhạc cảnh Lời nguyện pháp trường, giống như cảnh Nguyễn Văn Trỗi ra pháp trường vậy.
Trong dòng nhạc này, Phạm Thế Mỹ nổi tiếng với các tập Hòa bình ơi, hãy đến (in chung thơ Lê Vĩnh Thọ, Luân Hoán), Trái tim Việt Nam (Đối Diện xuất bản), Việt Nam trong lòng thế giới (thơ Quốc tế, bản dịch Lê Vĩnh Thọ, Phạm Thế Mỹ phổ nhạc), trường ca: Lửa Thiêng 1963 (phổ biến hạn chế), Con đường trước mặt (Phật Tử Âu Châu xuất bản năm 1971), Trang sử mới (Sinh Viên Phật Tử Pháp xuất bản), Thêm một lần hoa nở (Viện Đại học Vạn Hạnh xuất bản), Những dòng sông anh em (phổ biến hạn chế). Nhạc kịch: Sắc lụa Trữ La, Tiếng hát dậy từ lòng đất, Thương quá Việt Nam, Rạng đông trên quê hương Việt Nam…
Phạm Thế Mỹ cũng không tránh được sự theo dõi của ngành an ninh chế độ Sài Gòn cũ khi cho ra đời nhạc phẩm Người về thành phố. Bài hát có lời ca rất cách mạng như: “Người đã đi, đi trên non cao, nay đã về trên đồng ruộng sâu, nay đã về trên thành phố mới. Cả tuổi xanh dâng cho quê hương, đem máu mình nuôi lại tình thương, đem máu mình nuôi ngày hòa bình…”; bọn an ninh đã hạch hỏi ông có phải “Người” ở đây là Hồ Chí Minh hay là “người đi kháng chiến” nay thắng lợi trở về…?
Sau Tết Mậu Thân (1968), nhiều nhạc sĩ không giấu được cảm xúc trước sự mất mát ở Huế. Riêng Phạm Thế Mỹ lại chú tâm lên án quân đội Mỹ thảm sát đồng bào vô tội ở Mỹ Lai (Quảng Ngãi). Đó là bài hát: Đâu phải một người đâu phải một làng với lời ca tràn đầy sự phẫn nộ: “Cả khắp mọi nơi xót xa vô cùng. Cả nước Việt Nam đớn đau vô cùng. Chuyện Calley bắn mẹ giữa ngọn đồi. Mẹ van xin, cúi lạy người từng người. Tội tình gì đâu, mẹ già lạy xin mà họ vẫn giết. Nhưng đâu phải chỉ một người. Đâu phải một làng. Đâu phải mình anh là kẻ sát nhân. Đâu phải một làng bị anh giết sạch, mà là rất nhiều. Nhiều kẻ sát nhân đã giết rất nhiều, nhiều người Việt Nam, trẻ nhỏ Việt Nam, mẹ già Việt Nam. Tội tình gì đâu trẻ nhỏ Việt Nam. Tội tình gì đâu mẹ già Việt Nam. Hỡi Calley? Hỡi Johnson? Hỡi Nixon?” Trước ngày giải phóng (cuối năm 1974) ông cho ra đời bài Nhớ chứ em ơi Tổ quốc mình.
Sau ngày 30/4/1975, mừng đất nước hòa bình, độc lập, thống nhất, Phạm Thế Mỹ không ngại khó khăn, ông nhận công tác tại Phòng Văn hóa - Thông tin Quận 4, TP. Hồ Chí Minh. Ông vẫn tiếp tục viết bài hát như: Nhớ ơn Bác, nhớ ơn Đảng (Giải nhì Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh), Thắm đượm duyên quê, Lêna Belicova, Thành phố trăng tròn…
Sau khi nghỉ hưu, ông sống tại 11P, cư xá Hãng Phân, Q.4, TP. Hồ Chí Minh. Không may ông bị tai biến nên ít có dịp ra khỏi nhà. Khi nghe tin TP. Hồ Chí Minh xây dựng khu di tích cách mạng ở Củ Chi, ông viết Trường ca Gió Củ Chi (dài 30 phút). Và, đọc báo thấy đất nước mở đường Hồ Chí Minh dọc Trường Sơn, ông viết Con đường thế kỷ (dài 15 phút).

Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ điều khiển Đoàn sinh viên ĐH Vạn Hạnh
hợp xướng nhạc phẩm Bông hồng cài áo (1967).
Ảnh do gia đình nhạc sĩ cung cấp
Viết xong hai trường ca này, ông kiệt sức, ba lần bị tai biến mạch máu não, ông đã qua đời vào lúc 3 giờ sáng, ngày 16/01/2009 tại TP. Hồ Chí Minh, hưởng thọ 79 tuổi. Được tin ông mất, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân đã đến viếng.
Phạm Thế Mỹ đã ra đi lặng lẽ, nhưng những bài hát thấm đẫm tình yêu quê hương của ông vẫn còn sống mãi trong lòng công chúng. Bài hát Bông hồng cài áo của ông vẫn vang lên trầm ấm, ngợi ca tình mẹ thiết tha trong mỗi mùa vu lan báo hiếu. Đó là tất cả những hương hoa, mật ngọt mà Phạm Thế Mỹ đã chắt chiu để lại cho đời, cho những người đã yêu quý ông, hiểu tấm lòng của ông đối với cuộc sống này…