Phạm Thanh Tâm, người họa sĩ đi qua chiến tranh

Đại tá, họa sĩ Phạm Thanh Tâm từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ với tư cách là phóng viên trung đoàn sau đó là đại đoàn. Hành trang bước vào cuộc chiến của chiến sĩ - hoạ sĩ tuổi 20 Phạm Thanh Tâm không phải là súng đạn mà là cọ, chì, bút sắt...

Chính bầu nhiệt huyết hừng hực trong người lính trẻ đã thôi thúc ông có mặt tại hầu hết chiến dịch lớn như Khe Sanh, Quảng Trị, chiến dịch Hồ Chí Minh… để rồi giờ đây ông trở thành nhân chứng của những sự kiện lịch sử trọng đại ấy bằng những bức ký hoạ chiến tranh.

Gần 400 bức tranh được giới thiệu trong tập Tranh ký họa kháng chiến chống thực dân Pháp của họa sĩ Phạm Thanh Tâm là một trường cảm xúc của người lính trẻ. Cái đáng trân trọng ở ông là nhìn chiến tranh với một trái tim yêu thương. Hình tượng người lính qua nét cọ của ông là tình đồng đội, đồng chí dung dị mà tình cảm...

Là họa sĩ, phóng viên chiến trường nên hầu hết ông lấy bối cảnh tranh là những trận địa, người lính… dù vậy ở đó vẫn thấp thoáng hình ảnh của những cô gái Tây Bắc đẹp mềm mại, trữ tình, nên thơ bằng những gam màu giản dị.

Ấn tượng nhất là bức tranh Xuân trong hầm pháo Điện Biên Phủ (sơn dầu) được tác giả vẽ theo đúng những gì “mắt thấy tai nghe” về phong trào “Tiếng hát át tiếng bom”: Hầm pháo vốn là nơi ầm ào tiếng pháo nổ, mịt mùng khói lửa và thương vong vậy mà chính nơi đây lại trở thành sân khấu cho đoàn văn công vui tươi biểu diễn phục vụ bộ đội. Bức tranh này đã đem đến cho ông giải 3 trong cuộc Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc năm 1954 tại Hà Nội. Hay trong bức tranh Tiễn biệt (bột màu) vẽ người lính mặc áo xanh xám, bừng sáng bởi ngôi sao vàng trên mũ cối, đưa mắt ngoái nhìn người yêu đứng xa xa đằng sau lần cuối trước khi ra mặt trận…

Ngoài ra, ông còn dành những trang cuối tập tranh cho những tranh châm biếm, tranh vui, tranh cổ động,… Chính những bức tranh này một phần nào đó đã nói lên được tính cách vui tươi, dí dỏm “rất lính” của ông.

BÍCH ĐÀO