Phùng Khắc Khoan tặng thơ sứ thần Nhật Bản

LÝ XUÂN CHUNG
Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

Năm 1597 (Đinh Dậu), vào dịp tiết Đông chí, nhà Minh (Trung Quốc) tổ chức đại tiệc mừng thọ vua Minh Thần Tông tròn 80 tuổi. Nhân dịp này, sứ giả các nước láng giềng đều tới chúc mừng. Sứ đoàn Việt Nam do Phùng Khắc Khoan (1528-1613) làm Chánh sứ, tới Bắc Kinh trước đó khá lâu, bởi ngoài việc chúc thọ, việc quan trọng thứ hai là nối lại quan hệ bang giao với nhà Minh, “xin phong” cho vua nhà Lê mới trung hưng. Nhà Minh vốn vẫn còn “luyến tiếc” triều Mạc (1527-1592) nên công việc của Phùng Khắc Khoan không được thuận buồm xuôi gió.

Tuy sứ đoàn Nhật Bản không ở chung một sứ quán nhưng những khi triều hội hoặc cùng tham quan thắng cảnh đền đài, hai đoàn đã có những cuộc bút đàm, có thơ văn gửi tặng nhau, bày tỏ tình cảm gắn bó. Hiện chúng tôi mới sưu tầm được một bài thơ chữ Hán do Phùng Khắc Khoan sáng tác, gửi tặng sứ thần Nhật Bản khi chia tay về nước ở Thư viện Viện Nghiên cứu Hán - Nôm(*).

Bài thơ làm theo lối thất ngôn bát cú, thể thơ Đường luật, câu chữ đúng cách hợp vần, đạt độ chuẩn mực cao theo luật bằng - trắc, trong thơ có nét họa sinh động, có âm thanh nhịp điệu hài hòa. Bút pháp tinh diệu đó đã chuyển tải một cách hoàn hảo nội dung mà tác giả muốn bày tỏ khi phải chia tay với sứ thần nước bạn.

Bài thơ như sau:

Phiên âm:

Tống lưu cầu quốc sứ

Nhật chiếu giang quang chiếu nhật ngung,
Hải thiên Nam tiếp hải thiên Đông.
Sơn xuyên phong vực tuy vân dị,
Lễ nhạc y quan lược tắc đồng.
Ngẫu hợp dần duyên thiên lý ngoại,
Tương kỳ ý khí lưỡng tình trung.
Thử hồi huề mãn thiên hương tụ,
Hòa khí huân vi vạn trạch phong.

Tạm dịch:

Mặt trời rọi sáng khắp non sông,
Biển trời Nam nối biển trời Đông.
Núi sông phong vực tuy nói khác,
Mũ áo lễ nhạc lại tương đồng.
Muôn dặm hải ngoại duyên tao ngộ,
Thân tình trong dạ một chữ đồng.
Ngày về hương sắc còn thơm mãi,
Hòa khí muôn nhà cùng hưởng chung.

Tác giả miêu tả quang cảnh ánh dương buổi sáng, ca ngợi cảnh thanh bình, thịnh vượng ở đất nước vạn đảo, khẳng định hai nước sớm đã có sự tiếp xúc, giao lưu văn hóa, hiểu biết lẫn nhau.


Nhật Tiên Kiều (bên trái chùa Thầy - theo hướng của chùa)
do Trạng Bùng cung tiến xây dựng năm 1602.

Tuy núi sông cương vực khác nhau nhưng phong tục, lễ nghi, nhã nhạc có nhiều nét tương đồng. Sứ giả hai nước ngẫu nhiên gặp gỡ ở nước ngoài là do có duyên tao ngộ, cùng nhau bày tỏ tình cảm thân thiện.

Và cuối cùng sự lưu luyến khi phải chia tay về nước, khẳng định rõ tình cảm tốt đẹp mà sứ giả hai nước vun đắp cho tình hữu hảo lâu bền giữa hai dân tộc.

Đây là một trong những bài thơ chữ Hán còn lưu lại trong thư tịch cổ, không chỉ phản ánh tình cảm chân thành của riêng Sứ giả Phùng Khắc Khoan mà còn khái quát những vấn đề hữu nghị lớn lao của hai quốc gia, khẳng định sự tương đồng về văn hóa, nền tảng vững chắc tạo dựng quan hệ hữu hảo Việt Nam - Nhật Bản.


(*)

Bài thơ này hiện có trong Sứ hoa bút thủ trạch thi, ký hiệu VHv.2156, (tr.24-25) và Ngôn chí thi tập, ký hiệu VHv.1442 (tr.83-84).