Phóng viên ảnh Nhật Bản Nakamura Goro - sứ giả của những con người tật nguyền

Đã hơn 30 lần đi khắp Việt Nam (1976 đến 1997), Nakamura chụp trên 35.000 tấm ảnh, trong đó ống kính đầy tâm huyết của anh đã dành cho các cháu bé bị tật nguyền, nỗi đau xé lòng của những bà mẹ bị nhiễm độc từ Cà Mâu, Ban Mê Thuột, TP Hồ Chí Minh, đến các gia đình cựu chiến binh. Những tập ảnh của Nakamura đã được trưng bày tại Hàn Quốc (1993), Hoa Kỳ (1994) và nhiều đợt khắp đất nước Nhật Bản...

Nakamura là người bạn thân thiết của Takano Isao, phóng viên báo Akahata (1), người đã ngã xuống tại Lạng Sơn vào tháng 3-1979 trong trận chiến với quân phía bắc tràn sang. "Chính Takano đã chết thay cho tôi", khi Nakamura nhường bước cho chiếc com-măng-ca chở Takano vượt lên và trúng đạn. "Suốt 28 năm gắn bó với đất nước và con người Việt Nam, Nakamura Goro cho ra đời tác phẩm "Những bà mẹ tắm gội bằng chất độc khai quang" (tái bản 16 lần với số lượng 250.000 cuốn) và gần đây là "Chiến trường của chất độc hoá học".

pic

Anh đã dành hơn nửa đời mình để theo dõi vấn đề chất độc màu da cam ở Việt Nam, và hầu hết những sách báo đề cập đến nạn ô nhiễm dioxin hiện nay ở Nhật Bản đều sử dụng những bức ảnh mà anh đã chụp khi đi làm phóng sự, đặc biệt là tấm ảnh người mẹ bồng con bị tai biến anh đã chụp tại Tây Ninh và cảnh khu rừng đước bị tàn phá trơ trọi ở Cà Mau. Trong sách giáo khoa về lịch sở thế giới cho học sinh cấp 3 tại Nhật Bản, nhiều tác giả cũng đã dựa lên những hình ảnh ấy khi nói về cuộc chiến tranh ở Việt Nam.

*Anh có thể cho biết lý do nào lôi cuốn anh sâu đậm đến như thế?

NAKAMURA GORO: Cuộc chiến tranh ở Việt Nam là một sự kiện vô cùng quan trọng trong lịch sử con người ở thế kỷ 20. Việc ghi lại những gì đã xảy ra trong khoảnh khắc bằng hình ảnh mang tính tố cáo mạnh mẽ sẽ trở thành nguồn tư liệu và chứng tích vì bản thân những thực tế ấy không thể tạo dựng trở lại.

Các bài phóng sự chiến trường, bức ảnh chụp được tại Việt Nam trong những thời điểm sôi động, nhất là những hành động tàn ác và dã man mà quân đội Mỹ đã gây ra lúc bấy giờ là một trong những nguyên nhân làm xoay chiều xu thế của công luận trên thế giới; hàng chục triệu con người trên quả đấtt đã đứng về phía nhân dân Việt Nam, trở thành một sức ép buộc Chính phủ Hoa Kỳ phải chấp nhận ngừng bắn, đàm phán và cuối cùng là rút quân ra khỏi miền Nam vô điều kiện.

Vì thế, chiến thắng của người Việt Nam còn là niềm tự hào của những con người yêu chuộng hoà bình và công lý trên thế giới, trong đó có cả những nhà báo, phóng viên nhiếp ảnh ở chiến trường như chúng tôi. 

pic
Nhận hoa từ Bà Nguyễn Thế Thanh, PGD Sở Văn Hóa Thông Tin TPHCM

Tháng 4 - 1975 mong ước ấy thực sự đã đến, chiến tranh đang lùi vào quá khứ, hoà bình đã trở lại, cuộc sống được hồi sinh nhưng còn một điều phải nêu lên là những vết thương chiến tranh hằn lên đất nước và con người Việt Nam còn quá lớn, trong đó việc quân đội Mỹ sử dụng chất độc màu da cam có chứa dioxin - là một độc tố mang tính huỷ diệt khủng khiếp nhất - đã và đang gây ra biết bao đau thương. Điều đó tôi đã chứng kiến lần đầu tiên khi đặt chân đến Năm Căn (Cà Nam) vào năm 1976, ngữ ngàng đến tột độ khi thấy cánh rừng đước ở đây trở về thời tiền sử, trơ trọi và hoang vu đến ghê rợn, vì một chất độc mà người Mỹ thường gọi là "thuốc khai quang".

Thời gian qua nhanh, mười chín năm sau, vào năm 1995, khi về thăm trở lại khu rừng đước ngày ấy, nay đã trở thành vùng nuôi tôm phát triển; gió mưa dần dà đẩy những độc tố dioxin ra biển khơi, khảo sát địa chất khẳng định thổ nhưỡng ở đây đã lành lặn an toàn. Còn những con người mà tôi đã gặp hồi đó như cháu bé tên Hùng thì bây giờ đã được 25 tuổi, nhưng trí tuệ chỉ bằng một đứa trẻ lên 10, không nói được và ngớ ngẩn lạ thường; nhiều cháu bị nhiễm độc nặng nề khác thì qqar qua đời hoặc âm thầm sống trong giày vò đau đớn của tật bệnh thật đáng thương. Vết thương do độc tố ngày càng ăn sâu vào cơ thể, chưa thể xoá đi một cách dễ dàng như những cánh rừng ở Cà Mau. 

* Anh muốn nói rằng những hậu quả mà chất độc màu da cam trên đồng ruộng, cỏ cây có thể được thiên nhiên hồi phục qua thời gian, nhưng đối với con người bị nhiễm độc thì vấn đề vẫn còn đó, thậm chí đang tiếp tục tàn phá nặng nề và nguy hại hơn vì dioxin không thể xoá đi khi đã ăn sâu vào cơ thể con người, gây ra những dị biến di truyền mà y học hiện đại ngày nay chưa có phương cách cứu chữa ? 

 - Rõ ràng là như vậy. Kết quả nghiên cứu những dị biến do dioxin gây ra đã đượpc các nhà khoa học của Mỹ công bố khá nhiều và có giá trị học thuật rất cao. Ngay các tập đoàn công nghệp sản xuất hoá chất khai quang, thuốc trừ sâu, diệt cỏ như Dow Chemicals hay Monsanto (Mỹ) đều rất rõ hệ quả của chúng trên cơ thể con người.

Quân đội Mỹ đã buộc phải ngưng sử dụng tại chiến trường Việt Nam khi phát hiện nhiều người lính của họ đã bị nhiễm độc mặc dù những người này chỉ ở lại Việt Nam làm "nghĩa vụ quân sự" từ chín tháng đến một năm. Cuối cùng những công ty nêu trên đã "tự nguyện" bồi thường 180 triệu đo la để ngăn chận việc xử án buộc tội và sau đó là Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ chấp nhận chăm sóc vô điều kiện cho những người Mỹ bị nhiễm độc trong thời gian ở Việt Nam.      

Trong khi đó, máy bay của quân đội Mỹ đã dội hơn 91 triệu lít chất độc khai quang vào miền Nam, chà xát ruộng vườn, gừng già trong suốt 10 năm thì thử hỏi những con người đã sống và chiến đấu ở đấy đã gánh chịu bao nhiêu lần hơn. Theo tôi trong những con người này đang có sẵn một quả bom độc tố có thể nổ tung bất cứ lúc nào, và còn tiếp tục di truyền đến nhiều thế hệ kế tiếp mà chưa ai có thể lường trước được.

pic
Hai cháu bé Việt - Đức trước khi mổ tách đôi

* Chị Kuroyamagi Tetsuko(2) nói trong phần mở đầu cuốn sách "Những bà mẹ tắm gội bằng chất độc khai quang" do anh viết, rằng "không một ai có thể nặng im và làm ngơ khi được nhìn tận mắt và biết rõ rằng những thai nhi, cháu bé dị dạng tật nguyền suốt đời bất hạnh ấy đang và còn sẽ tiếp tục ra đời " ...

Suốt ba năm từ 1993 đến 1995, tôi và một số bạn đồng nghiệp ở Hoa Kỳ đã thực hiện nhiều đợt trưng bày những hình ảnh này tại một số tiểu bang ở Mỹ, Hàn Quốc và khắp đất nước Nhật Bản, Trung tâm Nhiếp ảnh gia Hoa Kỳ (Houston - bang Texas) đã dành cho cuộc trưng bày một tình cảm trân trọng rất đáng quý.

Có rất nhiều người Mỹ trẻ tuổi đến xem, kể cả các cựu chiến binh người Mỹ ở chiến trường Việt Nam ngày trước, và điều đáng mừng là đợt triển lãm ở Hoa Kỳ đã góp phần vào phong trào đòi hỏi Chính phủ Mỹ phải có trách nhiệm trước những hậu quả của chất độc màu da cam không chỉ với những người lính Mỹ mà còn cả với quân đội "đồng minh da màu" khác như lính Hàn Quốc, Philippines vì họ cũng là những nạn nhân của chất độc trong khi tham gia chiến đấu bên cạnh lính Mỹ.

Có một số người Mỹ cố tình quên đi rằng độc tố dioxin đây giết phân loại màu da của con người để đối xử sai biệt ! Điều này cũng được thể hiện rất rõ khi chúng tôi tổ chức trưng bày tại Seoul.      

* Xin cho biết thêm những dự kiến sắp tới của anh ?    

- Đầu tháng 1-99, tôi dự kiến sẽ trở lại Việt Nam. Tháng 3 năm này cũng là 20 năm ngày giỗ anh Takano Isao, chúng tôi sẽ gặp lại tất cả bạn bè của Takano, chuẩn bị cùng nhau làm một việc gì đó có ích hơn nữa để tưởng niệm anh. Mặt khác, hy vọng sẽ có dịp nói chuyện với các bạn trẻ Việt Nam, nhất là những người yêu thích nhiếp ảnh để họ biết thêm những kinh nghiệm mà chúng tôi đã tích luỹ được vì các bạn ấy có nhiều điều kiện thuận lợi hơn chúng tôi trong việc ghi lại những gì đã xảy ra quá độc ác trên đất nước và con người Việt Nam. 

Hồng Lê Thọ

Thực hiện tại Tokyo

tháng 10-98

_________________

(1) Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Nhật Bản.

(2) Nhà văn Nhật Bản nổi tiếng, nguyên Đại sứ lưu động của UNICEF
(Tổ chức Nhi đồng quốc tế thuộc Liên hợp quốc).

(Theo Báo Sài Gòn Giải Phóng)