Phát biểu của GS. TS Mai Quốc Liên khi nhận giải thưởng Balaban

Kính thưa GS J. Balaban,

Kính thưa quý vị khách Mỹ,

Thưa các đồng nghiệp và các vị khách Việt Nam,

Tôi rất vui khi nhận Giải thưởng J. Balaban của Hội Bảo trợ chữ Nôm – Hoa Kỳ. Đó gần như là một sự kỳ diệu. Tôi đã từng được nhận giải thưởng Nhà nước cao quý của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam. Nhưng giải của các bạn Hoa Kỳ lại có một ý vị khác: ý vị xứ lạ (exotizme).

Khi học Đại học Hán Nôm từ năm 1965 – 1970, với các vị khoa bảng Việt Nam, lớp học phải thiết kế dưới lòng đất để tránh bom, tôi không bao giờ nghĩ rằng có ngày mình sẽ được các vị ở Hoa Kỳ trao cho 1 giải thưởng. Cũng không bao giờ ngờ rằng mình sẽ đến Hoa Kỳ, gặp gỡ và nắm bàn tay thân mật từ nay đã trở thành bạn bè của các vị… Thế nhưng tất cả những điều ấy đã xảy ra.

Giải thưởng J. Balaban là một sự khích lệ to lớn đối với những người làm công việc nghiên cứu cổ học Việt Nam, nghiên cứu chữ Nôm. Chính là UNESCO đã khuyến cáo về việc tập trung nghiên cứu chữ Nôm của Việt Nam. Vì rằng sau mặt chữ dạng chữ mượn âm chữ Hán, là tiếng Việt, là tiếng mẹ đẻ của chúng tôi, cái gia tài vô cùng lâu đời quý báu, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói. Nền văn học tiếng mẹ đẻ - ghi âm  bằng chữ Nôm của chúng tôi ấy, bắt đầu từ Trần Nhân Tông (1258 - 1308), một nhà văn hóa lớn, một Giáo chủ thiền học, một đại anh hùng dân tộc; truyền sang Nguyễn Trãi (1380 – 1442) cũng là một đại anh hùng dân tộc, một nhà tư tưởng và văn hóa lớn, một nhà thơ lớn đã để lại hơn hai trăm bài thơ tiếng Việt (Nôm). Đến Nguyễn Du (1775 – 1820) thì tiếng Việt, tiếng nôm na ấy đã trở thành tuyệt diệu: “thiên thu tuyệt diệu từ” – Nguyễn Du mà tháng 11 này UNESCO sẽ thông qua nghị quyết vinh danh ông là Danh nhân văn hóa thế giới.

Thưa quý vị, công việc nghiên cứu chữ Nôm là rất khó, khó còn hơn cả chữ Hán, nó phải đi vào tiếng Việt cổ với ngữ âm, từ vựng cổ rất đặc thù, vì vậy đây là một sự tri âm. Tri âm khó vậy thay! (Lưu Hiệp – Văn tâm điêu long). Có được một người tri kỷ, tri âm như GS J. Balaban Hoa Kỳ đối với công việc nghiên cứu đó, là một điều vô cùng thú vị và hạnh phúc.

Vì rằng GS Balaban là một nhà thơ, một GS đại  học, một nhà dịch ca dao, dịch Hồ Xuân Hương của Việt Nam ra tiếng Anh. Các công trình dịch của ông được đánh giá cao ở Hoa Kỳ, ở Việt Nam, bán hàng vạn cuốn và được nhắc đến trong diễn từ của Tổng thống B.Clinton khi thăm Việt Nam như là một chiếc cầu hữu nghị nối giữa hai bờ văn hóa Việt – Mỹ.

Thực ra công việc ở phía trước còn rất nhiều, còn cần phải gấp đôi sự cố gắng. Giải thưởng này  tuy trao cho một cá nhân, nhưng nó là công sức của cả tập thể gồm nhiều vị lão thành như cụ Vũ Tuân Sán đã trăm tuổi, cụ Vũ Khiêu, cụ Hữu Ngọc đều gần trăm tuổi, cụ Nguyễn Quảng Tuân gần 90 tuổi… Tập thể trong 20 năm qua đã dốc trọn tâm huyết vào lòng yêu tiếng Việt, chữ Nôm, chữ Hán Việt và đã làm nên 125 công trình nghiên cứu văn hóa trên tất cả các bộ môn cổ học. Không có sức của một cá nhân nào có thể làm nên một số lượng công trình, có chất lượng cao – bên cạnh tờ Hồn Việt ra hàng tháng tới nay đã 74 số - nếu không có một tập thể đoàn kết, thấu hiểu nhau và nhất là vì một mục tiêu chung cao quý là bảo tồn và phát huy vốn cổ của ông cha. Và hôm nay tại đây có mặt đông đảo các bạn đồng nghiệp, các nhà văn nhà báo… nói lên sự quan tâm của các bạn đối với văn hóa dân tộc thân yêu của chúng ta. Do đó, giải thưởng Balaban này sẽ làm cho công việc của chúng tôi, thường là âm thầm, kiên trì, cô đơn… trở nên có một ý nghĩa mới.

Một lần nữa xin cảm ơn!

Hồn Việt cung cấp