"Phút giây thiêng anh gọi Bác ba lần"

Đó là 9 phút cuối cùng của Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi trước pháp trường!

Tối thứ bảy ngày 9-5-1964, cách đây 50 năm, khi đang đặt mìn dưới cầu Công Lý, “đón” Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamara từ sân bay Tân Sơn Nhất về Đại sứ quán Mỹ trên đường Thống Nhất (nay là đường Lê Duẩn), anh bị bắt. 9 giờ sáng hôm sau, chúng giải anh về nhà, trước mặt Phan Thị Quyên, người vợ mới cưới 20 ngày, lung lạc tinh thần: “Chăn gối mới tinh, êm ấm thế này mà không hưởng, nghe lời Việt Cộng xui, bây giờ bị còng tay”. Anh gay gắt đáp trả: “Tao không thể cúi đầu sống yên thân trong khi bọn Mỹ mang bom đạn sang giết hại nhân dân tao. Tao muốn giết hết bọn Mỹ. Tao muốn miền Nam được giải phóng”. Bọn chúng dồn dập hỏi anh giấu chất nổ ở đâu, anh tức giận trả lời: “Hôm qua tao đã trả lời tao không biết. Còn nếu chúng mày cố tình muốn biết thì cứ đến nơi nào có bọn Mỹ ở tìm thì sẽ thấy chất nổ”.

Chúng giải anh về khám Chí Hòa, sau đó bắt vợ anh và một số bạn anh vào tù tra xét. Anh nhảy lầu vượt ngục, bị ngã gãy chân. Chuyển anh đến Bệnh viện Chợ Quán bó bột (nay là Bệnh viện Bệnh nhiệt đới), chúng dụ dỗ anh. Anh đòi đập bể cái máy ghi âm rỉ rả bên tai giọng điệu của một thanh niên vượt tuyến đang nói xấu miền Bắc. Trong khi đó vợ anh bị giam chung phòng với các nữ tù. Chị X (Nguyễn Thị Châu, vợ tử tù Lê Hồng Tư), chị Y (bà Trương Mỹ Hoa) động viên. Khi thăm chồng, chị Quyên kể chuyện được các chị săn sóc động viên. Anh Trỗi vui lắm: “Các đồng chí của anh không bao giờ để em đơn độc đâu. Em ráng cố gắng hoạt động. Lúc nào anh cũng mong em không những là vợ anh mà còn là người đồng chí của anh”.

Mặc cho cái chân còn bó bột, 9 giờ ngày 5-8-1964, chúng đưa anh ra tòa. Bọn chúng lại dụ dỗ anh, hăm dọa anh. Anh trả lời thẳng: “Tôi nói với mấy người, tôi làm việc phải, tôi giết bọn cướp nước thì dù nguy hiểm, dù thương tật hay hy sinh, tôi cũng vui lòng”. Anh hiên ngang bước ra khỏi phòng xử. Phiên tòa mở lại ngày 11-8, tuyên án tử hình anh Nguyễn Văn Trỗi. Tin tức truyền nhanh. Cả Sài Gòn biểu tình phản đối, lên án Mỹ, Ngụy. 57 ngày sau, ngày 8-10-1964, báo chí Sài Gòn đồng loạt đăng tin sẽ xử bắn anh Trỗi trong tuần lễ tới. Báo Hành Động đăng trang nhất đầu đề: Hành hình công khai kẻ đặt mìn tại cầu Công Lý trên lộ trình của ông McNamara hồi tháng 5 vừa qua. Chiều 10-8, chị Quyên “chạy “luật sư” hết 5.000 đồng, mặc dù khi vào thăm ở khám tử hình, anh Trỗi đã dặn: “Không cần luật sư, tốn tiền vô ích!”. Giữa lúc đó, báo chí Sài Gòn rộ lên tin đổi mạng. Báo Thiện Chí đăng ảnh anh Trỗi đứng trước cái bàn có đặt quả mìn và cuộn dây điện, chạy đầu đề lớn: Một cú điện thoại đòi đổi mạng một đại tá Mỹ với Việt Cộng Nguyễn Văn Trỗi với nội dung: “Du kích Venezuela bên Nam Mỹ bắt cóc được một đại tá Mỹ và đòi đổi mạng của tên Việt Cộng Nguyễn Văn Trỗi với điều kiện ‘Nếu ở Việt Nam xử bắn Nguyễn Văn Trỗi thì ở Venezuela một giờ sau họ sẽ xử bắn đại tá Smolen’”.

Cả Sài Gòn thở phào. Mọi người chúc mừng chị Quyên, chúc mừng anh Trỗi và mừng cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân Việt Nam được nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới sát cánh ủng hộ. Nhân dân cả hai miền muốn biết những người du kích châu Mỹ latinh kia là ai mà gần gũi, thân thiết thế! Nhưng phải hơn 40 năm sau, mùa hè 2005, một nhà báo Việt Nam tham dự Festival Thanh niên - sinh viên thế giới lần thứ 16 tổ chức tại Venezuela đã cất công tìm kiếm và được ông Guillermo Garcia Ponce, người chỉ huy bắt cóc đại tá Mỹ để đòi đổi mạng cho anh Trỗi. Một cuộc gặp gỡ hi hữu, cảm động. Năm 2005, ông đã 80 tuổi, làm Tổng Biên tập nhật báo VEA, một tờ báo ra đời tháng 9-2003 nhưng có số phát hành tới 80.000 tờ/ngày. Phòng khách tòa soạn báo VEA treo trang trọng ảnh chân dung Hồ Chủ tịch. Ông kể: “Để ủng hộ nhân dân Việt Nam, chúng tôi quyết định bắt một sĩ quan Mỹ làm con tin, yêu cầu trao đổi. Sau hơn 2 tuần chuẩn bị, tối ngày 10-10-1964, 25 chiến sĩ du kích được trang bị súng ngắn và súng trường, đột nhập vào trại lính ở thủ đô Caracas. Khi vào trong, đại tá Henry Lee Choate chạy thoát. Chúng tôi chuyển sang bắt trung tá Michael Smolen. Sau đó, chúng tôi bị bắt, bị tù đày, một số bị sát hại. Tôi bị tuyên 30 năm tù giam!”. Nhưng năm 1968, ông Guillermo cùng đồng đội tổ chức vượt ngục thành công. Ông tự hào: “Chúng tôi có một trái tim thép! Tôi cứ nhớ mãi và rất ngưỡng mộ cuộc đấu tranh anh hùng của nhân dân Việt Nam”.

Trở lại vụ xử anh Trỗi. Ngày 12-10-1964, các báo ở Sài Gòn lại đưa tin đậm: Hoãn xử tử Nguyễn Văn Trỗi.

Hoảng sợ trước phong trào ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân trong nước và thế giới, kẻ thù càng muốn giết anh nhanh hơn. Và chúng đã hành động một cách mờ ám. Pháp trường được mở ngay trong nhà lao Chí Hòa. Sáng 15-10-1964, cổng nhà lao căng biểu ngữ “Toàn thể trung tâm cải huấn chào mừng Thượng hội đồng quốc gia”. Xung quanh đầy hiến binh với không khí căng thẳng khác thường. Chỉ có những người tin vào việc hoãn xử tử anh Trỗi mà báo đưa tin là không biết, trong đó có vợ anh và ông luật sư. Người dân sống quanh nhà lao biết rất rõ bên trong đang là pháp trường “xử kín” người đặt mìn ở cầu Công Lý. Vì vậy chị Quyên vẫn khấp khởi xách giỏ quà vào thăm chồng. Không cho vào. Đi ra, chị được bà con dọc đường Hòa Hưng báo hung tin, chị buông thõng giỏ quà, hốt hoảng về nhà cùng ba chồng mới ở Quảng Nam vô Sài Gòn, đến gặp luật sư. Vị luật sư khả kính cũng bàng hoàng, bốc điện thoại gọi vào nhà lao, mới biết tin anh Trỗi đã bị xử bắn lúc 11 giờ. Chị Quyên gục xuống, chết lặng!

Hôm sau, báo chí Sài Gòn chạy các hàng tít lớn, trẻ bán báo chạy khắp đường lớn, hẻm nhỏ rao bán tin nóng. Các báo tường thuật tỉ mỉ 9 phút cuối cùng của tử tù Nguyễn Văn Trỗi. Anh Trỗi bước ra trường bắn mới dựng trong bộ quần áo trắng tinh khiết mà chị Quyên đã may cho anh trước đó. Anh trả lời linh mục rửa tội: “Ta có tội gì đâu! Chính Mỹ kia là giặc!”. Anh giật mảnh băng đen bịt mắt: “Hãy để tôi nhìn lần cuối mảnh đất thân yêu của Tổ quốc tôi!”. Trước 5 khẩu súng lên đạn rôm rốp, mắt anh sáng rực, tư thế hiên ngang, dõng dạc hô lớn: “Hãy nhớ lấy lời tôi: “Đả đảo đế quốc Mỹ! Đả đảo Nguyễn Khánh!” và “Hồ Chí Minh muôn năm! Hồ Chí Minh muôn năm! Hồ Chí Minh muôn năm!”. 10 viên đạn từ 5 khẩu súng đã trút lên người anh. Anh dồn sức hô vang: “Việt Nam muôn năm” rồi gục xuống.

Trái tim người thanh niên quê Quảng Nam, người thợ điện Sài Gòn, chiến sĩ biệt động Sài Gòn ngưng đập ở tuổi 24 (anh sinh năm 1940) nhưng lại truyền nhịp đập hối hả sang hàng triệu trái tim yêu nước khác.

Buổi sáng 16-10-1964, cả chợ Bến Thành và một số chợ khác, không ai hào hứng với việc mua bán, đến nỗi một viên cảnh sát Ngụy phải thốt lên: “Tên Việt Cộng ấy chết lại hóa ra cái tang lớn thế này à?!”.

Chúng chôn anh trong nghĩa trang Đô thành ở Thủ Thiêm. Chị Quyên và cả nhà tìm đến, làm bia ghi tên anh. Tối đó, một tốp thanh niên dũng cảm lọt vào sân nhà lao Chí Hòa, dựng một đài kỷ niệm ngay tại cọc trói xử bắn anh, còn đọng máu anh, và chụp ảnh. Một nhóm học sinh tìm cắt trên báo được gần 100 tấm ảnh anh Trỗi, xếp thành một phim tư liệu về người anh hùng từ lúc anh bị bắt đến giờ phút cuối.

Anh Nguyễn Văn Trỗi là người được truy tặng danh hiệu Anh hùng nhanh nhất. Ngày 22-10-1964, đúng một tuần sau khi bị giặc giết, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam thông báo quyết định tuyên dương anh Trỗi là Anh hùng toàn miền Nam và tặng thưởng Huân chương Thành đồng Tổ quốc. Giáp Tết 1965, chị Phan Thị Quyên bí mật rời Sài Gòn vào chiến khu; sau đó ra Bắc, được gặp Bác Hồ và Phidel Castro. Thanh niên Cuba và nhiều nước khác rất cảm phục anh Trỗi. Chị Quyên được về thăm quê cha đất tổ ở Hà Đông. Từ thợ dệt, chị đi học, ra làm việc ở Hà Nội, rồi về tiếp quản Sài Gòn. Nay chị nghỉ hưu ở TP Hồ Chí Minh.

Anh Nguyễn Văn Trỗi như có mặt khắp nơi trên đất nước Việt Nam. Bấy giờ ở miền Bắc có phong trào làm việc với tinh thần Nguyễn Văn Trỗi. Từ nhà máy, đồng ruộng, các đơn vị bộ đội, các trường học đều có danh hiệu: chiến sĩ Nguyễn Văn Trỗi, xã viên Nguyễn Văn Trỗi, công nhân Nguyễn Văn Trỗi. Những học sinh, sinh viên học giỏi được ngồi vào chiếc ghế danh dự của anh Trỗi. Cả miền Nam chiến đấu với tinh thần xốc tới mạnh mẽ, đầy khí thế quyết chiến quyết thắng. Diễn viên điện ảnh Mỹ Jane Fonda, hai giải Oscar, người thường có mặt trong các cuộc biểu tình phản đối Mỹ gây chiến tranh xâm lược Việt Nam, đã lấy tên anh Trỗi đặt tên cho con trai mình.

Tại chiến khu R, nhà văn Trần Đình Vân nghe chị Quyên kể về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng ngắn ngủi mà oai hùng của chồng, đã viết tác phẩm Sống như Anh. Bác Hồ đã trang trọng viết lên trang đầu cuốn sách lời khen tặng:

“Vì Tổ quốc, vì nhân dân, liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi đã anh dũng đấu tranh chống đế quốc Mỹ đến hơi thở cuối cùng.

Chí khí lẫm liệt của anh hùng Trỗi là một tấm gương cách mạng sáng ngời cho mọi người yêu nước, nhất là cho các cháu thanh niên học tập”.

PHAN THU HƯƠNG