Đã gần một tháng nay, chúng tôi, những cán bộ ngành văn hóa Hà Tĩnh gấp rút, khẩn trương chuẩn bị cho tuần lễ văn hóa Nguyễn Du trên quê hương đại thi hào. Đây là sự kiện có vai trò điểm nhấn chốt hạ chương trình Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Thế nhưng qua hai đợt gió mưa, lụt bão phũ phàng, tất cả công sức của chúng tôi trôi xuống sông, xuống bể. Bao nhiêu pa-nô, áp-phích, băng rôn, khẩu hiệu tan tành. Nhiều chương trình văn nghệ, lễ hội đành phải bỏ dở...
Đến thời điểm hiện nay, sáng 19/10, hầu như toàn bộ quê hương núi Hồng sông Lam của Nguyễn Du đang còn ngập chìm trong biển nước trắng xóa. Ngày hôm qua, ngớt gió mưa, nước mới bắt đầu rút thì chiều tối cho đến sáng nay, do ảnh hưởng siêu bão Megi, mưa lại tuôn xối xả, nước lại bắt đầu dâng lên.
Người dân Hà Tĩnh gần một tuần qua, thậm chí có những người đã hằng tháng nay, sống trong cảnh màn mưa chiếu nước, sức kháng cự đã kiệt, lại thêm rũ liệt khi nghe tin siêu bão Megi có thể vào “thăm hỏi” tiếp. Với tình trạng hiện nay, dẫu siêu bão không vào, nó chỉ quệt cho vài ngày mưa, thì cũng đủ phá hủy hoàn toàn những điều kiện sống còn sót lại của người dân ở nhiều địa phương trong tỉnh.
Đúng là nhất thủy nhì hỏa. Không có gì mà nước không tàn phá được. Vào khoảng 4 giờ sáng ngày hôm qua (18/9/2010), trên đoạn đường quốc lộ 1A, qua Xuân Lam (Nghi Xuân) nơi mà ngày xưa Nguyễn Du qua đó để sang Trường Lưu (Can Lộc) đi hát phường vải đã xảy ra một tai nạn thảm khốc. Một chiếc xe đò chở 37 hành khách từ Đắc Nông ra đã bị hà bá sông Lam cuốn đi. Chỉ có 17 người thoát chết, còn 20 người trong đó cả người nhà xe cùng chiếc xe bị nước nhấn chìm đến giờ vẫn chưa thấy tăm tích (2). Một người bạn của tôi ở xóm gần đó gọi điện kể rằng: Trời mưa nên 4 giờ sáng rồi mà vẫn tối đen như mực, từ quốc lộ tiếng kêu cứu của những người thoát chết vọng vào xóm núi nghe sởn gai ốc. Cả xóm, mếu máo nháo nhào chạy ra nhưng biết làm gì giữa biển nước mênh mông trong đêm tối.
Dưới suối vàng hay ở trên trời, cụ Nguyễn trông thấy cảnh đó chắc đứt từng khúc ruột!

Chợ Hôm chìm trong lũ. Nguồn: vov.vn
TIẾNG LÒNG THẤU TRỜI XANH?
Hàng nghìn năm qua, người dân Hà Tĩnh sống chung với thiên tai nhưng rất ít khi gặp trận đại hồng thủy thế này. Và hơn 200 năm trước, đại thi hào Nguyễn Du, khi nói về những thiên tai đe dọa con người, ông hay nói về lũ lụt. Ông có bài thơ Lam giang tả cảnh sông Lam nước dâng rợn ngợp, dữ tợn vào mùa thu với cảm giác kinh hãi. Ông hết lòng lo sợ cho nỗi nguy hiểm của những người dân quê hương xứ Nghệ qua lại làm ăn trên sông Lam mùa nước lũ: "Ta trông đầu sông Lam/ Tấc lòng thường áy náy/ Không may lỡ sẩy chân/ Chìm lỉm sâu tận đáy/ Cớ sao người thế gian/ Nguy hiểm không sợ hãi?/ Người trước ào ào đi/ Người sau ùn ùn tới/ Lòng trời vốn thương người/ Sao nỡ để thế mãi?..."
Rồi nhà thơ ước mơ: "Muốn đem Thiên Nhẫn sơn/ Lấp bằng sông Lam lại" (Lam giang).
Ở đây tấm lòng nhà thơ rất gần gũi với tấm lòng của Đỗ Phủ (712-770), Bạch Cư Dị (772-840), các nhà thơ Trung Hoa vĩ đại rất mực thương dân, yêu thương con người.
Đi sứ sang Trung Quốc thấy cảnh sông Hoàng Hà mùa lũ lụt ông lại càng kinh sợ hơn và bài Hoàng Hà trở lạo ra đời.

Đâu là đường về nhà!
Có lẽ vì chứng kiến nhiều cảnh thủy thần đe dọa, hành hạ, tàn sát con người nên Nguyễn Du rất mặc cảm với sông nước. Trong thơ, ông nói nhiều về sông núi, sơn thủy. Nhưng sông nước đối với ông phần lớn gắn với cảnh gió mưa, lũ lụt, chia cắt, trở ngại và đau ốm, bệnh tật. Nhiều năm trời về sống ở quê, thơ ông viết nhiều về sông Lam, núi Hồng quê hương, và hình ảnh sông Lam xuất hiện trong thơ nhiều hơn hẳn núi Hồng.
Nhưng chỉ với những bài thơ có hình ảnh núi Hồng xuất hiện, ông mới có niềm vui, sự tự tin, phấn chấn, yêu đời. Trong bài Tiềm Sơn đạo trung viết khi đi qua dãy Tiềm Sơn ở tỉnh An Huy (Trung Quốc), ông thổ lộ “Bình sinh vốn thích núi”. Có lẽ ông thích núi không giống như Khổng Tử nói là “nhân giả nhạo sơn” (người nhân thích núi) mà đơn giản chỉ vì núi là chỗ dựa vững chắc cho con người trong gió mưa, lụt bão, khi bị thủy thần tấn công. Cái sự thích núi của Nguyễn Du vốn có trong tiềm thức văn hóa trị thủy hàng ngàn năm của người Việt.

Đội cứu hộ chuyền mì cho người dân. Ảnh: vov.vn
Trong tiếng thương muôn thuở, Nguyễn Du dành cho con người, đặc biệt những người nghèo khổ, chúng ta bắt gặp những hình ảnh thê thảm của họ trong Văn chiêu hồn, những nạn nhân của thủy hỏa đạo tặc “người trôi nước lũ, kẻ lây lửa thành”. Đó là những người lao động nghèo khổ: “Đòn gánh tre chín dạn hai vai/ Gặp cơn mưa nắng trở trời/ Hồn đường phách sá biết nơi nào tìm”.
Bình sinh, vì miếng cơm manh áo, họ chẳng từ cái việc “phá sơn lâm đâm hà bá” để “bóc lột” giang sơn. Nhưng “lấy của rừng rưng rưng nước mắt” nhưng của rừng họ nào được hưởng gì, còn giờ đây bị thiên tai thì đu trên cây, trèo lên nóc nhà, khóc hết nước mắt để chờ giải cứu.
Cả nước và nhiều nơi trên thế giới đang từng phút, từng giờ hồi hộp, lo sợ, đau thương dõi theo diễn biến tình hình lũ lụt miền Trung mà Hà Tĩnh là “rốn” lũ. Giống như những người thợ mỏ Chi-lê, trong tình thế cực kỳ nguy hiểm, hàng triệu người dân Hà Tĩnh, người dân bắc miền Trung vẫn tràn trề hy vọng sống với sự chia sẻ đùm bọc của đồng bào, đồng loại.
Và có lẽ, sự kiện kỷ niệm Đại thi hào, danh nhân văn hóa Nguyễn Du thiết thực nhất, ý nghĩa nhất là mong người người, nhà nhà, nơi nơi bớt vui chơi, dành thời gian hướng về miền Trung đang quằn quại trong lũ lụt, nhường cơm sẻ áo, cứu con cháu, cứu người dân trên quê hương cụ Tố Như. Sinh thời, cụ Tố Như sống rất Phật, thương hết 10 loại chúng sinh đau khổ dưới cõi trần. Khi nào Cụ cũng tâm niệm: “Dù xây bảy cấp phù đồ/ Không bằng làm phước cứu cho một người”.
Trà Sơn ngày lũ lớn, ngày 19/10/2010
(1) | Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh. |
(2) | Đến nay, 25/10/2010, đã tìm được 19 thi thể nạn nhân. |