Quê hương trong trái tim người xa xứ

MAI THẾ PHÚ

Nhân chuyến đi châu Âu vừa qua, tôi có dịp gặp một số bà con người Việt. Đó là các anh chị từng tốt nghiệp Đại học Y, Bách khoa Hà Nội… đi hợp tác lao động thập niên 1980, nay định cư ở Đức, Hà Lan, Luxembourg… Tôi còn gặp cụ Vân, U90, sang Pháp từ 1940 trong diện lính thợ (ONS - Ouvriers non spécialisés) hay bà Hoa, U80, du học năm 1950, nay đã có đến đời chắt… Ở những nơi có cộng đồng người Việt đông đảo, khi vào các trung tâm thương mại Đồng Xuân (Berlin), Sapa (Praha), siêu thị châu Á Tang Frères ở đại lộ Ivry, quận 13, Paris hay viếng chùa Viên Giác trong một khuôn viên rất rộng ở Hannover (Đức), tôi có cảm giác như mình đang ở đâu đó tại Việt Nam vậy. Dù ra đi trong hoàn cảnh nào, tất cả từ thế hệ đầu đến thế hệ hai mà tôi gặp đều giữ một nếp sống cần cù, chăm học, chăm làm, hòa nhập với xã hội sở tại.

TIẾT KIÊM THỜI KHỦNG HOẢNG KINH TẾ

Anh Hải ở Fürth (CHLB Đức) đi làm ở nhà máy Herbert Zippel Werk tại Altdorf, cách nhà đến 43 kilômét. Mấy năm trước, anh vẫn chạy xe riêng. Nhưng từ mấy tháng nay, anh và một người bạn ở gần nhau cùng làm chung nhà máy, sử dụng luân phiên chung một xe để mỗi người tiết kiệm được một nửa tiền xăng.

Hoặc anh Kỳ ở Diekirch (Luxem-bourg) dù trong nhà có hai xe (anh chạy xe Mercedes version Elegance và chị Hương, vợ anh, sử dụng chiếc Nissan Micra), nay hàng ngày anh đạp xe đến ga nơi gia đình anh cư trú rồi ngồi xe lửa đến Mersch để vào làm việc ở nhà máy in Faber. Những hôm đưa tôi từ Diekirch qua Hà Lan, Bỉ, Pháp… trước khi qua biên giới, anh đều kiểm tra lại mức xăng trong thùng và đổ đầy tại một trạm xăng trong lãnh thổ Luxem-bourg.


Cầu Mirabeau trên sông Seine – Paris

Lý do là vào thời điểm đó, giá xăng ở nước này (1,26 Euro) là rẻ nhất so với các nước láng giềng (Đức 1,56 Euro, Hà Lan 1,6 Euro). Tôi nhận thấy, hầu như tất cả các xe hơi lớn nhỏ, trong đó có những xe container mang bảng số Ba Lan, Cộng hòa Séc… chạy qua biên giới Luxembourg đều áp dụng giải pháp tiết kiệm này.

Khi gia đình anh chị Thành – Nga từ Hannover đưa tôi đi thăm Berlin hoặc gia đình anh chị Sơn – Yến từ Halle bang Sachsen - Anhalt thuộc miền Đông nước Đức đưa tôi đi Praha và gia đình anh chị Hải – Dung từ Fürth bang Bayern đưa tôi đi München và Innsbruck (Tyrol, Áo), các anh chị đều chịu khó mang theo mỳ, gạo, đồ ăn, đồ uống và tìm đặt trước trên mạng một căn hộ đầy đủ tiện nghi với giá rất mềm, khoảng 45 - 50 Euro/ngày cho cả nhà, không ở khách sạn như những năm trước khi các anh chị đưa các cháu đi du lịch xa.

GIA ĐÌNH BỐN THẾ HỆ

Bà Hoa, nay đã 75 tuổi, ngụ tại Bourg-la-Reine, một thị xã thuộc vành đai nhỏ (petite couronne) của Paris, chỉ cách Nhà thờ Đức Bà, nơi có viên đá ghi dấu Km 0 (Le point zéro des routes de France) đúng 9km và từ nhà bà chạy xe chỉ dăm phút là tới quận 14 hoặc quận 13.

Mặc dù, người Việt đã có mặt ở Paris từ cuối thế kỷ XIX, nhưng cho đến đầu thập niên 1950, khi bà Hoa sang du học năm 16 tuổi, số người Việt ở đây vẫn còn rất ít. Được xem là tổ chức chính thức có đăng ký lâu đời nhất của người Việt ở nước ngoài, Tổng hội Sinh viên Việt Nam tại Paris cũng chỉ được thành lập vào năm 1964. Sau khi tốt nghiệp đại học ngành Hóa học, bà lập gia đình và đến nay đã có đến thế hệ thứ tư, gọi bà là cụ (bà cố).


Tác giả (bên phải, hàng ngồi đầu tiên) cùng một gia đình bốn thế hệ người Việt tại Pháp

Khi đến thăm bà, tôi được biết một câu chuyện thú vị. Bà chính là nhân vật xuyên suốt trong cuốn phim tài liệu dài 52 phút Retour au pays natal (Trở về quê hương) của cặp đạo diễn nổi tiếng Thierry Fournet và Patrick Schmitt do đài RF1 (Radio Television France 1) thực hiện và trình chiếu trên truyền hình năm 1991. Phim kể về một phụ nữ Việt Nam xa Tổ quốc lâu năm, trở về thăm nhà với rất nhiều cảnh đẹp của thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và vịnh Hạ Long…

HƯỚNG VỀ QUÊ HƯƠNG

Chị Khanh là một trường hợp gây cho tôi một cảm xúc khó quên. Chị thuộc thế hệ thứ hai, sinh tại Pháp cách nay hơn nửa thế kỷ. Lớn lên trong môi trường xã hội và các trường học Pháp từ bé, với tâm hồn và trái tim dễ rung cảm, chị tư duy, nói, viết và… làm thơ bằng tiếng Pháp nhưng một trái tim và tâm hồn Việt Nam hầu như còn tiềm ẩn nguyên vẹn ở chị.

Từ tiểu học cho đến khi lấy được bằng tú tài và thi đậu vào trường Bách khoa (École Polytechnique) danh tiếng của Paris, ra làm chuyên viên tại một tập đoàn viễn thông, rồi lập gia đình, lâu lâu chị mới thấy cảnh làng mạc và thành thị Việt Nam trên sách báo hoặc truyền hình.


Làng gốm thủ công Phù Lãng - huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh

Cho đến một ngày cuối năm 2002, vợ chồng chị sắp xếp được chuyến về thăm Việt Nam đầu tiên vỏn vẹn đúng 12 ngày. Trong thời gian ngắn ngủi đáng nhớ ấy, chị đã viết mấy bài thơ bằng tiếng Pháp thật cảm động. Xin mạn phép tác giả trích giới thiệu lại cùng bạn đọc.

Bài Re-Naissance (Tái sinh) chị Khanh cảm tác ngay đêm đầu tiên trên quê nhà với mở đầu thật xúc động:

Enfin, me voici enfin / Sur la terre de mes ancêtres, / Où j’aurais toujours dư être, / Mais au loin fut mon destin / …

(Về đây ta đã về đây / Về nơi quê cha đất tổ / Là nơi đất ở của ta / Bấy lâu ta mải bôn ba xứ người).

Bài thứ hai với hình ảnh êm đềm, nên thơ của một làng quê vùng Kinh Bắc, quê nội của chị, trong bài Bắc Ninh sous la pluie (Bắc Ninh trong mưa):

Et dans l’eau d’émeraude / Se mirent les aréquiers; / Tout en at-tendant l’aube, / Au temple je vais prier / …

(Nước trong xanh, cau già soi bóng / Trong bình minh nhẹ bước thăm chùa).


Bánh giầy Quán Gánh - xã Nhị Khê - huyện Thường Tín

Và một ngày trước khi trở lại Pháp, sau khi thăm mộ ông bà ngoại ở làng Nhị Khê, Thường Tín, Hà Đông, chị viết bài Verte Nhị Khê (Nhị Khê xanh):

Aujourd’hui s’achève / Le magique voyage; / Ce fưt comme un rêve / A travers les âges;

Et dans les rizières / De la verte Nhị Khê / Emue j’ai marché / Offrant ma prière / Au père et la mere / De ma tendre maman / Qui m’a dit souvent / Combien elle espère / Que j’aille aux tombeaux / Des parents chéris / Trop vite repartis.

Et rien n’est si beau, / Que ce vert pays / Où buffles et chevaux / Côtoient les fourmis, / Oui, rien n’est si beau / Je sais aujourd’hui / Qu’ici est ma vie.

(Hôm nay là ngày cuối / Của chuyến đi diệu kỳ / Chuyến đi xuyên thế kỷ/ Như là một giấc mơ.

Trên đồng xanh ruộng lúa / Xanh xanh Nhị Khê xanh / Bước đi lòng cảm xúc / Tôi dâng lễ tâm thành / Khấn ông bà minh anh / Lời mẹ hiền thân yêu / Đã bao lần nhắc nhở / Và mong sẽ có ngày / Tôi được về thăm viếng / Mộ địa tổ nơi đây.

Không có gì đẹp hơn / Nơi quê hương xứ mình / Nơi trâu-bò-kiến-cỏ / Cùng chung sống yên bình / Nơi đây là quê hương / Nơi đây là cuộc sống / Có gì đẹp hơn thế / Nơi đây là tình thương).