Quà Tết ngày xưa

BÙI VŨ LIÊM (st)
 

Thời nhà Trần, vào dịp lễ, Tết không có chuyện quan dưới biếu quan trên, quan trên dâng biếu Vua, càng không có chuyện dùng của công để biếu xén lẫn nhau.

Thời Lê, trong Bộ Luật Hồng Đức có những quy định rất cụ thể, nghiêm cấm những việc hối lộ, lãng phí công quỹ, nhất là trong dịp hội hè, lễ, Tết… Điều 44 của chương Hình Luật quy định:

- Những người đưa hối lộ mà xét ra việc của họ là sai trái, thì định tội hối lộ theo việc cụ thể đó.

- Người không phải việc của mình mà đi hối lộ thay người khác thì tội nhẹ hơn người hối lộ hai bậc.

- Của hối lộ phải đem sung công, theo quy định này thì hành vi hối lộ dưới bất kỳ hình thức nào cũng đều bị coi là có tội. Người đi hối lộ và kẻ nhận hối lộ đều bị nghiêm trị.

Điều 8 của chương Tạp Luật quy định:

- Lãng phí của công thì bị xử biếm (tức là bị giáng chức…).

- Trong lễ tân, khánh tiết, cấp dưới không được lấy của công để dâng biếu cấp trên.

- Không được dùng công quỹ biếu xén lẫn nhau. Bất cứ ai sai phạm đều bị nghiêm trị.

Từ xa xưa, những việc sau đây trong dịp lễ, Tết được coi là thuần phong mỹ tục:

- Học trò biếu thầy rượu, mứt, trà… để tỏ lòng biết ơn.

- Con cái biếu bố mẹ gồm cả: Tiền bạc để tỏ lòng biết ơn sinh dưỡng.

- Bạn bè thân tặng nhau tranh, ảnh, thơ, phú…

- Làng xã tổ chức yến lão mừng thọ người già.

Xem ra người xưa thật nghiêm minh trong phép tắc và thật rạch ròi trong ứng xử.