QUA CHÍNH LỜI ĐỊCH (2)

Hỏi: Ngày 22-11-1963, Kennedy bị ám sát. Phó Tổng thống Lyndon B. Johnson lên thay.

Đáp: Chỉ hai ngày sau, trong Nhà Trắng có một cuộc họp về Việt Nam. Khi đại sứ Mỹ ở Sài GònHenry C. Lodge, Jr., báo cáotiền đồn của Mỹ “có thể mất bất cứ lúc nào nếu ta không làm gì cả”, Johnson nói: “Tôi sẽ không để mất Việt Nam”.(MIL)

Hỏi: Đây có lẽ chỉ là phản ứng lặp lại ý Kennedy…

Đáp: Chắc thế. Nhưng sau đó Johnson đã nghĩ rất lung. Một băng thu âm trong Nhà Trắng ghi lại lời nói với Cố vấn An ninh Quốc gia McGeorge Bundy: “Tôi đã thức cả đêm qua để nghĩ (…) Càng nghĩ, tôi càng thấy chuyện không đáng để chúng ta chiến đấu (…)(Nhưng) Tôi không thấy chúng ta có thể thoát ra khỏi vụ này (…) Nó là cái rắc rối tồi tệ nhất mà tôi đã gặp”.Từ một băng khác: “Đó là chuyện duy nhất họ (đảng Cộng hòa) có thể làm to”.(RS) Bầu cử Tổng thống sắp đến. Đối thủ “diều hâu” Barry M. Goldwater đang bỏ ngỏ việc dùng cả vũ khí nguyên tử ở Việt Nam, Johnson ngại tỏ ra “bồ câu” lúc này sẽ bất lợi.

Hỏi: Nhưng cuộc tranh cử cũng đòi hỏi ứng viên không làm nhân dân lo lắng sẽ phải hy sinh vì một cớ đối với họ chưa rõ ràng gì cả…

Đáp: Vì thế, ngày 21-10-1964, hai tuần trước ngày bầu cử, trong một diễn văn đọc ở Đại học Akron (bang Ohio), Johnson tuyên bố: “Chúng ta sẽ không gửi thanh niên Mỹ đi xa nhà hàng chín, mười nghìn dặm để làm cái việc mà thanh niên Á châu nên tự làm”.(OXF)

Nghĩa là, cho “lợi phiếu” nhất, Johnson một mặt vẫn tỏ quyết tâm giữ tiền đồn, mặt khác hứa hẹn “sẽ không gửi thanh niên đi”.

Tình hình Việt Nam lúc đó: Sài Gòn đảo chính liên miên, trên các chiến trường quân Giải phóng liên tiếp thắng lợi. “Đồn” đang cháy đùng đùng, đòi đông đảo quân Mỹ hỏa tốc qua “cứu hỏa”. Hẳn Johnson biết vậy, biết rằng hai cái “sẽ không” của mình mâu thuẫn với nhau vô phương thỏa hiệp. Nhưng trước mắt phải nói thế, mới may ra được tiếp tục ngồi trong Nhà Trắng.

Hỏi: Johnson rồi thắng Goldwater, phải chọn không giữ một trong hai lời đã nói. Lịch sử là ông ta đã chọn không giữ cái “sẽ không” thứ hai mà gửi rút cuộc là hơn nửa triệu thanh niên Mỹ qua Việt Nam. Để đi đến chọn lựa đó, Johnson chắc chắn đã nghe rất nhiều ý kiến cố vấn từ nội các mình…

Đáp: Dĩ nhiên. Và số ý kiến ủng hộ leo thang đã nhiều hơn hẳn số ngược lại. Ai cũng biết ủng hộ hăng hái nhất là Bộ trưởng Quốc phòng McNamara, còn khuyên Tổng thống đừng làm thế thì tích cực nhất là Thứ trưởng Ngoại giao Ball. Ball đã chống leo thang từ thời Kennedy và bây giờ tiếp tục chống, tuy rất lẻ loi mà chống cũng nhiệt tình y như McNamara ủng hộ.Trong khoảng thời gian từ tháng 10-1964 đến tháng 9-1966, Ball đã gửi đến Johnson tám bài góp ý về vấn đề này.(COL)Có hai bài về sau được đặc biệt chú ý.

“Mùa đông 1964-1965, trong khi các cố vấn đối ngoại và quốc phòng thân tín nhất của Johnson đều khuyên nên bắt đầu một cuộc đánh bom kéo dài lên Bắc Việt Nam, Ball hết sức can. Ngày 24-2-1965, ông gửi đến Tổng thống một bài viết phân tích chính xác tình hình Nam Việt Nam, ước lượng phần được mất của Mỹ ở đó, và mô tả cách tiên tri lạ lùng cái thảm họa mà hành động leo thang chiến tranh sẽ làm xảy ra (…) (Ta đang) phung phí vốn chiến lược vào việc giúp đỡ một chế độ thất bại”.(ENW-1) Có lẽ khi đọc bài của Ball thì Johnson đã quyết định xong rồi. Ngày 2-3-1965, Chiến dịch Sấm Rền bắt đầu. Không tới một tuần sau, ngày 8-3, quân Mỹ đổ bộ lên Đà Nẵng.

Ngày 1-7-1965, Ball gửi Johnson bài góp ý tỉ mỉ nhất: “Chính quyền Sài Gòn đang thua Việt Cộng. Không ai có thể bảo đảm với ngài rằng ta có thể đánh bại Việt Cộng, hay ngay cả ép họ thương nghị theo điều kiện của phía ta, bất kể ta triển khai bao nhiêu trăm nghìn quân qua bên ấy (…) Địa hình rừng rậm (…) Dân địa phương không hợp tác, thậm chí căm thù ta (…) Một khi đã tổn thất lớn, sẽ hết sức khó xoay ngược diễn tiến. Lúc ấy ta sẽ không thể ngừng cố đạt tất cả mục tiêu đã tự đề ra mà không phải chịu nhục. Giữa hai khả năng, tôi thấy rằng nhục nhã dễ xảy ra hơn là đạt mục tiêu - ngay cả sau khi ta đã trả những giá kinh khủng (…) Mặc dầu một số nước đã - đáp lại kêu gọi tha thiết của ta - lên tiếng ủng hộ ta vì lòng trung thành hay tình trạng bị phụ thuộc, ta không thể làm ngơ sự kiện cuộc chiến tranh này là vô cùng thất nhân tâm (…) Nếu chúng ta có bao giờ tiến tới một giải pháp chính trị (…) đó sẽ là do ta lặng lẽ tiến mà không cho Sài Gòn biết trước”.(NYT-2) Đúng là sáng suốt tới mức tiên tri! Giá mà Johnson đã nghe lời người này.

Hỏi: “Sáng” làm nhớ “tối”. Nhớ hai “kiến trúc sư” của chiến lược quân sự của Mỹ ở Việt Nam là Taylor và McNamara. Cả hai người về sau đều thú thực là đã không biết gì cả về cái nơi mình hăng hái khuyên Tổng thống gửi quân qua…

Đáp: Năm 1984, Taylor đáp lời phỏng vấn: “Chúng ta không biết đồng minh Nam Việt Nam của mình (…) Và chúng ta biết càng ít hơn về Bắc Việt Nam. Hồ Chí Minh là ai? Chúng ta không có ai thực sự biết cả”.(SK)

Năm 1995, McNamara viết trong hồi ký: “Chúng tôi đã sai, sai kinh khủng. Chúng tôi nợ những thế hệ tương lai một lời giải thích (…) Ta đã đánh giá sai (…) những ý định của địch thủ (…) và ta đã phóng đại độ nguy hiểm cho nước Mỹ của những hành động của họ (…) Việc đã đánh giá sai cả bạn lẫn thù phản ánh sự dốt nát uyên thâm (profound ignorance) của chúng ta về lịch sử, văn hóa (…) dân tộc ấy”.(RSM)

Hỏi: Tại sao lãnh đạo Mỹ thiếu hiểu biết về Việt Nam đến thế?

Đáp: Sự “dốt nát uyên thâm” có gốc ở sự kiện Tây phương nhờ vũ khí tối tân đã uy hiếp được Á Đông quá dễ dàng trong hàng thế kỷ nên đâm ra kiêu căng. Siêu cường như Mỹ mà lại cần thông thạo lịch sử, văn hóa một thuộc địa cũ của Pháp ư!

Vì xây trên một nền kiến thức hư vô, mặc dầu xây bằng những “phương tiện” lợi hại nhất, cái “kiến trúc” của hai “sư” mà khi thiết kế tưởng như không thể nào…, hóa ra đã đổ rất nhanh.

Hỏi: Nhận định của McNamara về cuộc chiến tranh thay đổi còn nhanh hơn…

Đáp: Vâng. Từ một “diều hâu” ngày đêm thúc giục Tổng thống hỏa tốc và kịch liệt gia tăng các hành động quân sự, McNamara đã biến thành một người khác hẳn. Ta hãy ôn lại hai lời quan trọng nhấttrong khi tại chức của nhân vật chủ chốt này.

- Ngày 19-5-1967, “McNamara viết gửi Johnson: (Ở Nam Việt Nam) Tham nhũng tràn lan. Chính quyền Sài Gòn chỉ kiểm soát được một số vùng cô lập (…) sẽ không bao giờ thắng được cuộc chiến tranh này (…) quân Mỹ sẽ phải ở lại không biết bao nhiêu chục năm nữa”.(ENW-2)Nghĩa là với Mỹ giúp vẫn không thắng nổi, còn nếu Mỹ rút thì chắc chắn thua. Cái rắc rối to cho Mỹ nếu cứ ở lại là sẽ tiếp tục bị tổn thất.

- Ngày 29-11-1967, McNamara tuyên bố sẽ từ chức. Ngày 29-2-1968, trong buổi làm việc cuối cùng, “Giữa một cuộc họp ở Nhà Trắng, khi nghe Cố vấn An ninh Quốc gia Walt W. Rostow khuyên Johnson gửi thêm 206.000 quân qua tăng cường cho nửa triệu quân đã gửi và đánh bom Bắc Việt Nam ác liệt hơn nữa, McNamara đã nổi nóng, nói với Rostow: “Thế thì được gì? Cái cuộc đánh bom chết tiệt này không đáng gì cả, không làm được gì hết, ta đã thả xuống đó nhiều bom hơn thả xuống khắp châu Âu suốt Thế chiến thứ Hai mà nó chưa làm được cái đ. gì!”. Rồi McNamara bật khóc, nói với Johnson hãy chỉ chấp nhận rằng cuộc chiến tranh ấy không thể thắng được và đừng nghe lời Rostow”. Văng tục rồi khóc! Một phụ tá của Johnson có mặt trong cuộc họp là Henry McPherson kể lại: “Chúng tôi ngồi nín thinh. Tôi há hốc miệng (…) cảm thấy chấn động”.(ENW-2)

Hỏi: Quả thực là chấn động. Trong lịch sử chiến tranh, hình như chưa từng xảy ra chuyện tương tự. Tại sao McNamara bị bức xúc cao độ đến thế nhỉ?

Đáp: Hiển nhiên, ông ta thấy bao nhiêu thanh niên Mỹ đã chết và bị thươngmột cách vô ích. Tôi không biết ông ta có nghĩ gì đến tổn thất cao hơn rất nhiều đã gây ra cho phía bên kia hay không. Tổn thất không phải chỉ gồm những người cầm súng chiến đấu mà cả vô số thường dân, trong đó có rất nhiều người già, phụ nữ, trẻ em…

Hỏi: Chỉ ba tuần sau đó, ngày 22-3-1968, Johnson quyết định thay thế Tổng chỉ huy quân Mỹ ở Việt Nam.(WW) Ngày 31-3, Johnson cho biết ý định về cuộc bầu cử Tổng thống vào cuối năm: “Tôi sẽ không tranh thủ và cũng sẽ không chấp nhận sự đề cử của đảng tôi”.Nghĩa là sẽ không ứng cử để ngồi lại Nhà Trắng thêm một nhiệm kỳ nữa. Lý do là...

Đáp: Có thể vì không muốn tiếp tục bị nhức đầu. Cũng có thể vì ước lượnggiả sử được đảng Dân chủ chọn làm ứng viên thì cũng không có hy vọng thắng đối thủ Cộng hòa. Chiến tranh Việt Nam diễn biến xấu quá, cuộc Tổng công kích Tết Mậu Thân (Đợt I từ 31-1 đến 28-3-1968) làm nhân dân Mỹ chấn động, đa số muốn thấy một khuôn mặt mới trong Nhà Trắng.

Hỏi: Trong năm 1968, quân kháng chiến mở ba đợt Tổng công kích. Kết quả là…

Đáp: Về mặt quân sự, không thành công. Làm sao thành công được khi địch đông hơn rất nhiều và có hỏa lực mạnh hơn không biết bao nhiêu! Về quân số, năm ấy quân Mỹ, Hàn, Úc v.v. và quân VNCH tổng cộng đến 1.330.000, phía ta trong đợt I chỉ có 80.000 quân, tính cả ba đợt thì từ 300.000 (ước lượng của  MACV) đến 600.000 (ước lượng của CIA).(ENW-3)Về hỏa lực, địch có vô số máy bay xe tăng trọng pháo, trong khi chỉ ở các vùng biên quân ta mới có một số trọng pháo. Đây là chưa nói địch di chuyển bằng phương tiện cơ giới, ta vẫn cuốc bộ.

Nhưng về mặt chính trị, tâm lý và ngoại giao, thì rất thành công. Chiến sự năm 1968 đưa phong trào phản chiến lên cao điểm, buộc Mỹ phải lên kế hoạch rút quân.

Hỏi: Về Johnson, có còn điều gì đáng nêu nữa không?

Đáp: Hồi năm 2000, báo Mỹ có đăng một bài nhận định lịch sử mang tựa đề gây chú ý: “Hãy đối diện nó - Cách hành xử của chúng ta trong cuộc chiến tranh ấy là tà ác”.Trong bài ấy có đoạn: “Cuộc chiến tranh ấy đã không bao giờ có ý nghĩa an ninh quốc gia đối với nước Mỹ (…) Johnson hiểu được điều đó khá lâu trước khi quyết định cho nửa triệu quân Mỹ viễn chinh (…) Vì hai đảng Dân chủ và Cộng hòa tranh giành quyền lực, chúng ta đã cố đánh bom cho Việt Nam trở về Thời đại Đá”.(RS)Nghĩa là, tác giả cho rằng việc Johnson “hành xử tà ác”là kết quả của cái lối vận hành của hệ chính trị Mỹ.

Có lẽ cũng nên ghi nhận vài điều Johnson đã làm sau khi quyết định rời bỏ chính trường. Thứ nhất, chấm dứt đánh bom Miền Bắc trên vĩ tuyến 19 (công bố cũng trong diễn văn cho biết không tái tranh cử). Thứ hai, ngày 1-11-1968, chấm dứt Chiến dịch Sấm Rền. Điều thứ ba thực ra là điều không làm, tức không gửi thêm quân qua Việt Nam. Đại khái, Johnson đã không nghe lời khuyên của Rostow.

Hỏi: Bây giờ ta bước sang thời Richard M. Nixon làm Tổng thống Mỹ.

Đáp: Nixon nhậm chức ngày 20-1-1969.Như vừa nói trên, phong trào phản chiến đang hết sức sôi động. Tổn thất lớn cho quân Mỹ, tội ác chiến tranh chấn động của quân Mỹ và quân Hàn, tệ nạn tham nhũng “lừng danh” của chính quyền Thiệu, sự kiên cường của đối phương, tất cả cùng nhau khiến việc tiếp tục giữ quân ở Việt Nam trở nên quá bất lợi về chính trị. Ngày 28-1-1969, trong một cuộc họp ở Nhà Trắng, lần đầu tiên cái ý “Việt Nam hóa” được nêu lên...

Ngày 10-6-1969, Nixon rút 25.000 quân ra khỏi Việt Nam.Ngày 25-7-1969, trong một buổi họp báo trên đảo Guam, “Chủ thuyết Nixon” được phổ biến: “Đã đến lúc (...) về việc phòng thủ quân sự (…) nước Mỹ (…) có quyền chờ đợi các nước Á châu tự đảm đương và chịu trách nhiệm”.(NIX)Ngày 3-11-1969, Nixon chính thức công bố quyết định Việt Nam hóa cuộc chiến tranh đang chia rẽ nước Mỹ.

“Tự đảm đương” nghĩa là đánh một mình, vì sẽ không còn quân Mỹ bên cạnh. Nhưng nói phải “chịu trách nhiệm” là có ý gì? Tôi cho rằng Nixon đã nghĩ đến khả năng sẽ mất Nam Việt Nam và muốn trút trách nhiệm về việc mất ấy lên đầu chính quyền Sài Gòn. Cơ bản, trong “tam thập lục kế” thì Mỹ đã chọn “thượng sách”, nhưng muốn “tẩu đào” một cách danh dự. Để được thế, Mỹ cần vừa thôi có mặt ở chiến trường vừa giúp VNCH chống đỡ được càng lâu càng tốt để đến khi rút cuộc thua thì sẽ “được” nhận 100% trách nhiệm (dĩ nhiên nếu chống được mãi thì tốt nhất).

Hỏi: Cái kế hoạch giúp VNCH của Nixon…

Đáp: Gồm ba “mặt”. Mặt thứ nhất, tăng viện ào ạt để củng cố và phát triển quân đội VNCH. Mặt thứ hai, hết sức tích cực chặn chi viện từ Miền Bắc bằng cách tăng cường đánh bom, đánh thêm Campuchia và đánh bộ qua cả Campuchia và Lào. Mặt thứ ba, thuyết phục Liên Xô và Trung Quốc cắt giảm viện trợ cho Miền Bắc.

Hỏi: Sau khi Việt Nam hóa bắt đầu, quân đội VNCH làm ăn ra sao?

Đáp: Do bị tổn thất nặng trong năm 1968, trong hai năm kế tiếp quân ta hoạt động giảm sút khiến địch bắt đầu hy vọng quân đội VNCH có thể tự đảm đương việc bảo vệ chính quyền Sài Gòn. Nhưng với chi viện từ Miền Bắc, ta nhanh chóng tiến hành xây dựng lại lực lượng vũ trangở Miền Nam. Đầu năm 1971, địch quyết định cho những đơn vị ưu tú nhất của quân đội VNCH đánh qua Hạ Lào nhằm cắt đứt Đường mòn Hồ Chí Minh và triệt phá hệ thống kho tàng của quân ta trong khu vực chiến lược này. Tuy được Mỹ không yểm tối đa, quân Dù, quân Thủy quân Lục chiến, Biệt động quân và Sư đoàn 1 Bộ binh đều bị thương vong lớn, một Lữ trưởng Dù bị bắt sống cùng toàn ban chỉ huy, rất nhiều tăng pháo bị phá hủy, còn Đường mòn Hồ Chí Minh thì sau đó vẫn tiếp tục hoạt động. Phía Mỹ đánh giá Lam Sơn 719 là một “thảm họa” cho quân đội VNCH.(LP)

Hỏi: Việt Nam hóa gặp thử thách lớn và đã thất bại lớn…

Đáp: Nó sắp gặp thử thách lớn hơn nữa. Chỉ hơn một năm sau, quân Giải phóng mở Chiến dịch Xuân Hè qui mô chưa từng có, từ các vùng biên đánh vào suốt từ Quảng Trị cho đến tận đông Nam bộ.

Về màn trình diễn của quân đội VNCH lần này, lại chính phía Mỹ nhận định: “Nếu không quân và hải quân Mỹ không can thiệp, Chiến tranh Việt Nam có lẽ đã chấm dứt trong mùa xuân năm 1972 (…) Không như Tết Mậu Thân, lần này quân đội Nam Việt Nam không có bộ binh Mỹ chiến đấu bên cạnh hay chiến đấu thay cho (…) Họ phải tự chiến đấu. Bất hạnh thay, họ không xứng tầm với công việc (…) đã chỉ tiếp tục tồn tại nhờ sự yểm trợ của không lực Mỹ”.(MP)

Hỏi: Về việc chặn chi viện bằng cách đánh bom thì kết quả thế nào?

Đáp: Ngày 3-1-1972, Nixon đọc một bài báo cáo tình hình chiến sự mà Kissinger vừa gửi rồi viết mấy câu ngay trên lề: “Chúng ta đã có mười năm làm chủ hoàn toàn không phận Lào và Việt Nam. Kết quả là con số không. Có cái gì đó hỏng với chiến lược”.(ENW-4)“Chủ không phận” đã mất vô số máy bay! “Con số không” ư? “Chúng ta” đã giết được rất nhiều địch và phá được rất nhiều của của địch đấy chứ. Nixon không để ý đến những chuyện đó. “Con số không” đây có nghĩa là chi viện Bắc - Nam vẫn không hề ngừng.

Hỏi: Bốn năm trước, McNamara cũng đã tự dằn vặt ghê gớm về kết quả của “cuộc đánh bom chết tiệt”…

Đáp: Cùng đối diện “Con số không” sau khi đã ra tay tàn bạo, McNamara và Nixon phản ứng ngược hẳn nhau. McNamara từ chức. Còn Nixon thì chực hành động tàn bạo hơn nữa.

Chiến dịch Xuân Hè 1972 là cơ hội. Ngày 4-4-1972, bốn hôm sau khi Chiến dịch bắt đầu, Nixon nói với Chánh văn phòng Nhà Trắng H.R. “Bob” Haldeman và Bộ trưởng Tư pháp John Mitchell: “Lần này bọn khốn kiếp sẽ bị đánh bom như chúng chưa từng bị”.(NYT-3)

Song song với chi viện hỏa lực tối đa cho quân đội Sài Gòn, ngày 9-5-1972, Mỹ triển khai Chiến dịch Linebacker đánh bom Miền Bắc thật dữ dội liên tục đến ngày 23-10-1972. Đồng thời, cảng Hải Phòng bị thả mìn phong tỏa.

Hỏi: Kết quả của “chưa từng” là…

Đáp: Bão bom pháo Mỹ khiến quân kháng chiến không giải phóng được An Lộc và không giữ được cổ thành Quảng Trị, nhưng vẫn giải phóng và giữ được một nửa các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Tín và các khu vực ven phía tây của Vùng II và Vùng III Chiến thuật của VNCH.

Hỏi: Kế hoạch giúp VNCH của Nixon còn một mặt nữa…

Đáp: Mặt ấy cũng không thấy kết quả tốt. Đơn giản là “bạn” của Mỹ đánh thế và ta đánh thế, làm sao Mỹ thuyết phục bạn của ta thôi cấp viện cho ta được. Phía mình đang thắng, dại gì! Lại còn chuyện Liên Xô và Trung Quốc tranh giành ảnh hưởng. Rút cuộc, cả hai đều không giảm viện cho Miền Bắc một cách đáng kể.

Hỏi: Ba mặt, mặt nào cũng diễn biến không như ý muốn. Thế mà Nixon vẫn tiếp tục Việt Nam hóa chiến tranh…

Đáp: Vì nếu không thì sẽ không có hy vọng tái đắc cử. Nhưng Nixon muốn dùng cái việc rút quân để thương lượng với ta nhằm tối ưu hóa khả năng tồn tại của chính quyền Sài Gòn khi còn lại một mình. Do tình hình thuận lợi, ta không đáp ứng một số yêu cầu của Mỹ nên hòa đàm Paris cứ nhùng nhằng mãi. Đến ngày 18-10-1972, chỉ còn hai tuần nữa dân Mỹ đi bầu Tổng thống, Nixon đành nhượng bộ cho ta chấp nhận để có thể tuyên bố với dân là đã đạt được một thỏa ước theo đó quân Mỹ sẽ mau chóng rút hết về nước.

Hỏi: Và Nixon đã thắng thật.

Đáp: Ngay sau đó, ông ta trở mặt, đòi thay đổi bản dự thảo hiệp định, sửa những điều khoản đã nhượng bộ. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không chịu. Tình hình nhanh chóng trở nên hết sức căng thẳng…

Hỏi: Mỹ sắp giở trò gì mới mẻ…

Đáp: Thì chính cái trò mà đầu năm 1968, khi đến thăm Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiên đoán: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng đưa B-52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua”.(VNG)

Chiến dịch Linebacker II, ta gọi là “Điện Biên Phủ trên không”, dẫn tới kết quả quân sự rất giới hạn, trong khi kết quả chính trị và ngoại giao cực kỳ bất lợi.

Cuối tháng 1-1973, bất chấp sự phản đối kịch liệt của Thiệu, Mỹ bằng lòng ký Hiệp định Paris y như đã thỏa thuận hồi tháng 10-1972. Mỹ đã phải hăm dọa sẽ lật Thiệu như đã lật Diệm năm 1963.(ENW-5)

Về màn cao điểm của Nixon, một phụ tá của Kissinger thốt lời nhận định tự mỉa mai rất nổi tiếng: “Ta đã bom họ để họ chấp nhận những nhượng bộ của ta (mà họ đã chấp nhận rồi)”.(ENW-4)

Hỏi: Nội dung quan trọng nhất của Hiệp định Paris là gì?

Đáp: Đó là quân Mỹ sẽ rút hết ra khỏi Miền Nam, trong khi quân Miền Bắc vẫn ở lại Miền Nam.

Hỏi: Sau đó Mỹ tiếp tục chi viện ào ạt và Thiệu lập tức tiến hành vi phạm Hiệp định.

Đáp: Vô ích. Tháng 6-1973, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 21 kiểm điểm, đánh giá tình hình: “Thế và lực của cách mạng Miền Nam lúc này mạnh hơn bất cứ lúc nào từ năm 1954 đến nay”.(VNG)

Hỏi: Nếu không có vụ Watergate, nếu Nixon cứ ngồi vững trong Nhà Trắng…

Đáp: Thì ngày “30/4” cũng chỉ đến chậm hơn bất quá một đôi năm. Năm 1972, Mỹ đánh bom thế là hết sức rồi, thỏa chí Nixon rồi, thế mà Thiệu vẫn mất rất nhiều đất và chi viện từ Miền Bắc cứ tiếp tục.Nixon còn, thì sẽ thêm chịu đựng, thương vong, nhưng kết cục sẽ không khác.Chỉ có bom nguyên tử mới cản trở được diễn tiến Việt Nam thống nhất, nhưng tình hình quốc tế làm cho Mỹ không dám sử dụng.

Hỏi: So với Johnson, Nixon đánh bom nhiều hơn hay ít hơn?

Đáp: Tổng lượng bom Mỹ đã ném xuống Đông Dương là 6,162 triệu tấn, so với 2,150 triệu tấn xuống tất cả các chiến trường trong Thế chiến thứ Hai.(BEK) Dưới thời Nixon, con số là 3 triệu tấn, khoảng một nửa tổng lượng.(IWM)

Hỏi: Về Nixon, ta tổng kết thế nào?

Đáp: Tôi xin dẫn đôi lời của Kissinger mà mọi người đều biết chắc chắn cũngchính là ý Nixon.

Lời thứ nhất phát biểu tháng 7-1969 trong một cuộc họp về nhu cầu phát triển một chiến lược quân sự mới nhằm ép Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải thương lượng theo điều kiện của Mỹ: “Tôi từ chối tin rằng một cường quốc hạng tư bé nhỏ như Việt Nam mà lại không có một giới hạn gẫy”.(NSA)Nói thế là có ý muốn đánh cho gẫy đấy! Nixon thiên về hành động tàn bạo. Ba triệu tấn bom chồng lên hơn ba triệu tấn bom Johnson đã đánh, và nếu đã ngồi vững đến hết nhiệm kỳ thì có lẽ thêm hai hay ba triệu nữa!

Lời thứ hai là trong cuộc gặp Chu Ân Lai ở Bắc Kinh ngày 22-6-1972:“Chúng tôi tôn trọng Hà Nội như một yếu tố thường trực trong khu vực (…) Chúng tôi có thể không làm gì cả khi họ chiếm Nam Việt Nam bằng vũ lực nếu việc ấy xảy ra đủ lâu sau khi quân Mỹ rút (…) Hà Nội đã làm gì chúng tôi mà sau chẳng hạn mười năm, đôi bên không thể có một quan hệ mới?”.(CW)Vừa đánh bom to chưa từng, vừa chuẩn bị cho một kết cục biết rằng khó thể tránh được, Nixon tỏ ra rất linh động.

Hỏi: Gerald R. Ford lên thay Nixon ngày 9-8-1974. Ford có phát biểu điều gì đáng nhắc không?

Đáp: Không. À, có cái lời đơn giản quá sức muộn màng này. Ngày 23-4-1975, ở Đại học Tulane, Ford tuyên bố: “Đối với nước Mỹ, Chiến tranh Việt Nam đã chấm dứt”. Nếu Nixon hay tốt hơn Johnson hay tốt hơn nữa Kennedy đã biết nói…

Hỏi: Sau khi nghe lại bao nhiêu lời của các nhân vật chủ chốt phía Mỹ, ông có ý kiến gì không?

Đáp: Tôi xin tóm tắt ý đồ, sách lược quân sự và lý do khiến Mỹ thất bại ở Việt Nam.

- Về ý đồ, đó khởi đầu là nhân Pháp thất thế mà tranh giành một vùng đất đặc biệt giá trị. Sau đó, do Chiến tranh Lạnh, hành động của Mỹ mang thêm ý nghĩa địa chính trị.

- Về sách lược quân sự: Kennedy chủ trương “Chiến tranh Đặc biệt”, viện trợ và “cố vấn” để dùng người Việt đánh người Việt. Sách lược này thất bại. Johnson chuyển sang “Chiến tranh Cục bộ”, đưa quân Mỹ qua đánh. Cũng không xong. Nixon bèn “Việt Nam hóa”, tức trở lại dùng người Việt đánh người Việt. Vẫn không xong và thế là xong!

- Tại sao Mỹ thất bại? Eisenhower từng nhận định Pháp thua vì “tình hình chính trị nội bộ ở Việt Nam (…) đại đa số dân địa phương ủng hộ kẻ địch”.(DDE) Ông ta không biết rằng đó cũng sẽ là một lý do căn bản khiến đến phiên Mỹ thua. Sự “bất hạnh” của cả hai cường quốc là cái chính quyền mà họ dựng lênhay giúp ra đời không được lòng dân. Sự kiện này năm 1968 Thủ tướng Thụy-điển Olof Palme có nhắc đến: “Một cái chế độ mà phải có hơn nửa triệu quân Mỹ giúp mới tồn tại được hiển nhiên là không được nhân dân ủng hộ”.(OP) Bởi ngụy cần có Mỹ, nên hễ “Mỹ cút (thì) ngụy nhào”!

Hỏi: Phía kháng chiến ngoài “nhân hòa”, còn có cả “địa lợi” và “thiên thời”…

Đáp: Địa lợi là nhiều rừng rậm. Thiên thời là mâu thuẫn Tư bản - Cộng sản khiến ta được Liên Xô, Trung Quốc chi viện. Nhưng có đủ cả ba mà không có “nhân kiệt” thì cũng bằng không. Vì “địa” ta “linh” nên vào thời điểm lịch sử đã xuất hiện một “lãnh tụ thiên tài” biết vận dụng tất cả cách đầy sáng tạo.

Xin nói thêm về nhân hòa. Khác với hai điều kiện kia, đây ta có thể tác động làm gia tăng cường độ. Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ vận dụng lòng yêu nước thiết thasẵn có từ bao đời của dân tộc Việt Nam mà còn nâng nó lên cao hơn nữa cho xứng với thử thách khó khăn chưa từng.

Hỏi: Mỹ “dốt nát uyên thâm” về đất nước con người Việt Nam, nhưng cái “gương” thất bại của Pháp…

Đáp: Đơn giản là Mỹ tin mình sẽ làm được giỏi hơn Pháp, vì mạnh hơn nhiều. Vị trí siêu cường làm Mỹ kiêu. Như đã nói, cái dốt cũng là do cái kiêu: thấy Việt Nam bị Pháp chiếm cai trị nên xem thường, không thèm tìm hiểu. Nghĩa là, tất cả có thể quy về chỉ đúng một chữ: “kiêu”.

Hỏi: “Biết mình (và) biết người” thì mới… Đây Mỹ chỉ biết Mỹ thôi. Ông còn câu gì muốn dẫn, điều gì muốn nói nữa không?

Đáp: Tôi xin trích dẫn lời viết về một người Tây phương đã sớm chú ý tới Việt Nam: Khi qua đời năm 1967, Bernard Fall là một người nổi tiếng biết nhiều về hai cuộc chiến tranh do Pháp rồi Mỹ gây ra ở Việt Nam. Trong mười bốn năm, ông đã viết bảy cuốn sách và khoảng hai trăm bài báo về chủ đề này (…) Vào tháng 3-1954, một tháng trước khi hội nghị Giơ-ne-vơ bắt đầu, Fall đã đưa ra đánh giá của mình về tình hình quân sự và chính trị ở Việt Nam và những giải pháp khả dĩ để chấm dứt xung đột. Ông bác bỏ chủ trương chia cắt đất nước ấy, cho rằng để một chính quyền duy nhất cai trị là hơn (…) Chỉ sau khi đã tiến hành một cuộc chiến tranh thảm họa, những người quyết định chính sách (trong chính quyền Mỹ) mới biết là Fall đã nhận định chính xác: Mục đích của cuộc cách mạng do Hồ Chí Minh lãnh đạo luôn luôn là độc lập quốc gia”.(FF)

Hỏi: Giá năm xưa Mỹ đã đáp lại cử chỉ cầu thân của Hồ Chủ tịch nhỉ. Mỹ phải giúp Pháp ở Đông Dương để được Pháp giúp ở châu Âu. Nhưng giá khi Pháp thua ở Điện Biên Phủ, phải bỏ Đông Dương, Mỹ đã không phá Tổng tuyển cử mà để nhân dân Việt Nam tự chọn lãnh đạo cho một đất nước thống nhất…

Đáp: Kết quả tất nhiên là Đảng Cộng sản Việt Nam thắng. Nếu ta tiếp tục “giá” thì lúc ấy Mỹ không căng mà lại vui vẻ bang giao ngay với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đề nghị hợp tác kinh tế. Nếu thế, Khối Cộng sản tuy thêm được trọn vẹn một nước nhưng đồng thời quan hệ Việt - Xô và Việt - Trung sẽ xuống cấp. Chắc chắn dù không chính thức, Việt Nam sẽ cơ bản là một nước trung lập, không thiên hẳn về bên nào trong Chiến tranh Lạnh. Riêng đối với Trung Quốc, quan hệ sẽ chẳng những không còn khắng khít như khi cùng chung một kẻ thù mà sẽ rạn, thậm chí nứt…

Hỏi: Rút cuộc Mỹ cũng nhận ra là trường hợp Việt Nam thì làm bạn tốt hơn và đang…

Đáp: Bạn đấy nhưng bạn này đầy ý đồ. Chống “bạn” có chỗ khó hơn chống thù. Bây giờ không có bom xuống, chỉ có đô vào, mà tình hình cực đáng lo âu. Chuyện mới xin sẽ bàn vào dịp khác, tới đây xin dứt nghe ngẫm lời “địch” những năm xưa.

Thu Tứ

Tháng 4-2023

___________

Phỏng vấn đây là hình thức trình bày. Hỏi và đáp đều là tác giả.

ALE: Trang americanwarlibrary.com và trang en.wikipedia.org (mục “1962 in the Vietnam War”).

BEK: Trang eml.berkeley.edu, bài viết của E. Miguel và G. Roland, ngày 19-10-2005.

CBS: Kênh truyền hình CBS, người phỏng vấn là Walter Cronkite.

COL: Trang universitypressscholarship.com (Đại học Columbia, Mỹ).

CW: Trang washingtonpost.com, bài viết của Calvin Woodward, ngày 26-5-2006.

DDE: Hồi ký Mandate for Change 1953-1956, nxb. Doubleday, Mỹ, 1963.

ENW-1: Trang en.wikipedia.org,mục “George Ball”.

ENW-2: Trangen.wikipedia.org, mục “Robert McNamara”.

ENW-3: Trangen.wikipedia.org, mục “The Tet Offensive”.

ENW-4: Trang en.wikipedia.org, bài viết về “The Zilch memo”.

ENW-5: Trang en.wikipedia.org, bài viết về “Operation Linebacker II”.

FF: Trang thenation.com, bài viết của Frances Fitzgerald, ngày 6-4-2015.

HCM: Hồ Chí Minh toàn tập, nxb. Chính Trị Quốc Gia, 1995, tập 11.

HIS: Trang history.com.

HSO: Trang historytoday.com.

HST: Trang cfr.org (của Council on Foreign Relations, một viện nghiên cứu đối ngoại Mỹ).

IWM: Trang iwm.org.uk (Bảo tàng viện Chiến tranh Đế quốc, Anh).

LP: Lou Pepi, hồi ký A Day in Hell on the DMZ, nxb. McFarland & Co., Mỹ, 2022.

MIL: Trang millercenter.org (Đại học Virginia, Mỹ).

MP: Trang nationalinterest.org, bài viết của Michael Peck, ngày 22-12-2017.

NSA: Trang nsarchive2.gwu.edu (Đại học George Washington, Mỹ).

NIX:Trang nixonfoundation.org.

NYT-1: Báo The New York Times, người phỏng vấn là James Reston.

NYT-2: Nhật báo The New York Times, ngày 15-6-1971.

NYT-3: Nhật báoThe New York Times, ngày 30-6-1974.

N2M: Trang nationalww2museum.org. OSS là viết tắt của Office of Strategic Services, một bộ phận tình báo Mỹ được thành lập trong Thế chiến thứ Hai với nhiệm vụ chính là phối hợp các hoạt động gián điệp trong những vùng địch hậu.

OP: Trang olofpalme.org, diễn văn đọc ngày 21-2-1968 ở thành phố Stockholm, Thụy-điển.

OXF: Trang oxfordreference.com(Đại học Oxford, Anh).

PBS: Kênh truyền hình PBS (Mỹ), phim tài liệu The Vietnam War.

QS: Trang quansuvn.net.

RS: Robert Scheer, “Face it - Our behavior in the war was evil”, nhật báo The Los Angeles Times,ngày 2-5-2000.

RSM: Hồi ký In Retrospect: The Tragedy and Lessons of Vietnam, nxb. Random House, Mỹ, 1995.

ST: Trang study.com, mục “Roosevelt and Indochina”.

SK:Trang washingtonpost.com, bài viết của Stanley Karnow, ngày 28-10-1984.

TH: Tố Hữu, hồi ký Nhớ lại một thời, nxb. Hội Nhà Văn, 2000.

TLX: Trang encyclopedia.com.

UCSB: Trang presidency.ucsb.edu (Đại học California ở Santa Barbara, Mỹ).

VNFD: Trang vietnamfulldisclosure.org.

VNG: Võ Nguyên Giáp, hồi ký Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng.

WW: William Westmoreland về Mỹ tháng 6-1968.