Quan niệm ẩm thực Đông – Tây

Mọi người sống trên trái đất này đều phải ăn uống, nhưng do truyền thống văn hóa khác nhau nên quan niệm về ăn uống, đối tượng ăn uống và cách ăn uống giữa phương Đông và phương Tây cũng khác nhau.

Người phương Tây hằng ngy ăn uống, bất kể màu sắc, hương vị, hình thức thực phẩm ra sao, nhưng họ nhất định bảo đảm chất dinh dưỡng, mỗi ngày phải có được bao nhiêu calo, vitamin, protein v.v… Họ ít quan tâm đến mùi vị, dù không ngon mấy họ cũng tự nhủ: ăn đi bổ lắm đấy! Vì vậy có người gọi đó là “quan niệm ẩm thực lý tính”.

Trong khi đó ẩm thực của phương Đông là “quan niệm ẩm thực mang tính thẩm mỹ”. Khi thưởng thức món ăn, người ta thường khen món này ngon, món kia không ngon, nhưng nếu hỏi vì sao ngon, ngon ở chỗ nào, e khó nói được rõ ràng, người ta chỉ nói màu, hương vị, hình thức, bát đĩa đều tuyệt mà thôi. Người phương Đông xuất phát từ vị giác, thị giác, xúc giác để đánh giá thức ăn mà ít để ý đến chất dinh dưỡng phối hợp có thỏa đáng hay không, chỉ cần ngon miệng, khoái khẩu là được.

Một trong những nguyên nhân tạo nên sự hấp dẫn của món ăn phương Đông là mùi vị, do đó khi nấu nướng thường chế biến, pha trộn với nhiều hương liệu khác nhau. Ví dụ, món ba ba chẳng hạn, bao giờ cũng phối hợp với thịt gà, thịt lợn và nấm hương cùng các gia vị khác.

Kỹ thuật thái cắt thực phẩm ở phương Đông thật đa dạng: nhỏ nhất như sợi bún, mỏng nhất như tờ giấy; hơi to là miếng vuông, miếng hình quả trám, lại có viên tròn như hòn bi. Tất cả đều thể hiện cái đẹp về hình hài, nhưng quan trọng hơn là dễ ăn, dễ thưởng thức mùi vị. Có khi bày cả con gà, con vịt lên bàn, nhưng đầu bếp đã khéo léo rút hết xương, rồi nhồi mộc nhĩ, nấm hương, thịt lợn băm… vào trong đó. Món ăn phương Tây ít chú ý đến kỹ thuật cắt thái, mà thường để nguyên cả miếng to, do đấy khi ăn người phương Tây phải dùng dao nĩa.

Ẩm thực phương Đông nói chung là ẩm thực thực vật. Người phương Đông ăn tới hơn 600 loại rau, nhiều gấp 6 lần người phương Tây. Bữa ăn thường của người phương Đông xưa chỉ có rau, ngày tết ngày lễ hoặc gia đình nào có mức sống cao thì mới có cá thịt.

Người phương Tây thì trái lại. Mang huyết thống của dân du mục và hàng hải, họ sống bằng nghề đánh cá, săn thú, nuôi gia súc là chính, hái rau trồng cây là phụ, ăn mặc đều lấy nguồn từ động vật, ngay đến thuốc tân dược cũng lấy từ động vật mà ra. Người phương Tây tự hào về đặc điểm ẩm thực của họ là sự phối hợp hợp lý giữa các chất dinh dưỡng công nghiệp thực phẩm phát đạt, như đồ hộp, món ăn nhanh (fast food), tiết kiệm được thời gian lại nhiều chất dinh dưỡng, nên người họ to lớn khỏe mạnh hơn người phương Đông. Tuy nhiên, hiện nay khẩu phần ăn của người phương Đông và phương Tây đang có sự thay đổi, phương Đông tăng tỷ lệ thịt lên, hạ tỷ lệ rau xuống và phương Tây thì ngược lại.

Cách ăn của Đông – Tây cũng rất khác nhau. Ở phương Đông, khi ăn cỗ bất kể là vì mục đích gì, hình thức nào, đều cả nhà sum vầy ngồi chung một chiếu hoặc cùng một bàn, chiếc bát tròn hay cái mâm tròn tạo thành không khí ấm cúng, đoàn kết, vui vẻ. Mọi người chúc rượu, mời ăn, thể hiện lễ nghi trên kính, dưới nhường. Mặc dù về mặt vệ sinh mà nói cách ăn ấy không bằng cách ăn của phương Tây, nhưng nó gắn với truyền thống “đại đoàn kết”, nên đến nay vẫn không thay đổi được.

Yến tiệc phương Tây, tuy món ăn và thức uống rất quan trọng, nhưng trên thực tế đó chỉ là phụ mà thôi. Mục đích chính của bữa tiệc là giao du hữu hảo, ăn uống là dịp để làm quen, kết bạn. Nếu như ví việc giao lưu tình cảm trong bữa tiệc phương Đông là điệu múa tập thể, thì bữa tiệc phương Tây là điệu múa giao tình của nam nữ.

Do chú trọng mùi vị nên phương Đông có những món ăn mà phương Tây không tưởng tượng nổi. Người phương Tây không ăn lòng của động vật, nhưng người phương Đông lại rất quý. Ai đã từng ăn món vịt quay Bắc Kinh thì thấy chỉ có lông vịt là vứt đi. Chân vịt được chế biến thành một món ăn cao cấp. Có người nước ngoài cho rằng phương Đông nghèo quá không có thịt mà ăn nên phải ăn lòng, ăn chân súc vật. Đó là vì họ không hiểu hết ẩm thực phương Đông.

Người phương Tây chú trọng chất dinh dưỡng nên không có thói quen “ăn kiêng” như người phương Đông. Họ thường xuyên ăn các chất bổ rải ra hàng ngày chứ không ăn tập trung vào các ngày giỗ, ngày tết. Trong tiệc, món ăn của họ cũng đơn giản, ít món chứ không quá nhiều món ăn như người phương Đông. Người phương Tây coi trọng tính khoa học của ẩm thực nên rất tiết kiệm. Người phương Đông coi trọng tính nghệ thuật của ẩm thực nên có khi hay phô trương, lãng phí.

LÊ HUY TIÊU