Quốc lễ với Quốc phục

Từ xưa, chiếc áo dài khăn đóng vẫn là quốc phục của người Việt Nam. Khi chúng tôi lớn lên, vào những năm 1930, hằng ngày đi học vẫn còn mặc áo dài. Các thầy giáo của chúng tôi cũng còn nhiều người mặc áo dài khăn đóng. Về sau, mới lần lần có sự đổi thay và ở thành thị các thanh niên lớn lên bắt đầu mặc tây. Ở tỉnh nhỏ, học trò đi học lúc đầu mặc tây còn bị các bạn chế là “đồ tây gỗ”.

Mãi về sau thành thói quen và các thanh niên coi mặc tây như là thường phục. Còn các thiếu nữ thì cũng theo “mốt” bỏ áo tứ thân mà mặc áo “tân thời”, cho nên cái “áo dài” của phụ nữ ngày nay mà gọi là áo truyền thống thì cũng không đúng hẳn. Trước những sự đổi thay ấy, chiếc áo dài khăn đóng và chiếc áo tứ thân đã trở thành xa lạ với người Việt Nam ngày nay.

Hồi trước, ngày Tết, những người lớn tuổi còn mặc áo dài khăn đóng cúng lễ tổ tiên và trong những buổi tiếp khách long trọng. Các đám cưới ngày trước, chú rể còn mặc áo dài khăn đóng và cô dâu còn mặc áo tân thời đầu vấn khăn vành dây nhưng đến nay thì hoàn toàn theo mốt như các nước phương Tây, không còn mấy ai mặc y phục
truyền thống Việt Nam nữa.

Ngày trước, khi đi lễ đình, lễ đền và lễ chùa, người ta thường mặc quốc phục cho trang nghiêm. Ở trong làng thì người dân vẫn còn mặc áo dài khăn đóng khi đi dự việc làng.

Năm 1945, sau cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công, Chính phủ đầu tiên do Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập, qua bức ảnh chụp, chúng ta thấy có cụ Huỳnh Thúc Kháng và cụ Nguyễn Văn Tố còn mặc quốc phục với khăn đóng và áo the đen. Thời đó, những người lớn tuổi còn có nhiều người mặc quốc phục.


Trang phục trong ngày lễ. Ảnh TL.

Chiếc áo the đen và cái khăn đóng tuyệt nhiên không phải là phong kiến quan liêu. Phong kiến và quan liêu là chiếc áo thụng xanh và cái mũ cánh chuồn hoặc cái áo gấm của các quan lại với thẻ ngà đeo ở ngực. Người nhà quê thì hầu hết là mặc quốc phục với áo the đen và khăn đóng.

Mạnh Phu Tứ, trong truyện Sống nhờ, có kể rằng, ông mình suốt đời chỉ có một bộ áo dài khăn đóng: “Mỗi lần đi đâu là quần cuộn tròn cắp nách, giày cắp nách, áo the vắt vai. Vào nhà ai, chờ tới cổng người ta mới xỏ giày, mặc áo, mặc quần trắng ra ngoài quần nâu. Lúc từ nhà người ta ra, lại vội vàng tụt quần ngoài gấp lại cắp nách, giày cầm tay, áo the lại khoác vai”.

Người ta coi việc ăn mặc phải có áo dài khăn đóng thì mới là đủ lễ với người mình tới thăm. Chiếc áo dài phải có khăn đóng mới thực trang nghiêm cũng như mặc com-lê phải có cà-vạt vậy. Bộ quốc phục chính là niềm tự hào của dân tộc ta.

Tôi còn nhớ, năm 1974, khi tham dự Hội thảo về Giáo dục Đông Á ở Nhật Bản từ ngày 15 đến ngày 30 tháng 10, trong các buổi họp hoặc đi thăm các trường học hoặc các cơ quan văn hóa, các phái đoàn các nước tham dự đều mặc Âu phục nhưng cuối cùng khi bế mạc Hội thảo, trong buổi tiếp tân chính thức vào tối 29 tháng 10, các phái đoàn các nước đều mặc quốc phục. Riêng phái đoàn Việt Nam chúng tôi khi ấy vẫn mặc Âu phục đến dự.

Khi trông thấy phái đoàn các nước người ta mặc quốc phục của họ, chúng tôi mới thấy ngỡ ngàng và mới thấy giá trị truyền thống của bộ quốc phục Việt Nam đâu có kém gì y phục các nước.

Tôi được nghe kể lại: Trong Hội nghị âm nhạc quốc tế tổ chức ở Tiệp Khắc năm 1977, GS Trần Văn Khê được mời biểu diễn âm nhạc Việt Nam. Thấy bạn mình quyết định mặc quốc phục, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước nói vui: “Chỉ có vua chúa ngày xưa mới mặc áo dài, ở đây tất cả đều mặc đồ tây. Mặc áo dài khăn đóng có sợ người ta nói mình còn tư tưởng phong kiến không?”.

Giáo sư Trần Văn Khê vẫn giữ lập trường, nói: “Tôi mặc chiếc áo dài, chưa cần biết tôi làm gì, nhưng thấy tôi là người ta biết tôi là người Việt Nam. Tiếng đàn bao giờ cũng hay, nhưng tôi biểu diễn nhạc dân tộc Việt Nam khi mặc áo dài thì sự diễn tả âm thanh nó càng đi sâu vào lòng người”.

Rồi GS Trần Văn Khê bước ra biểu diễn. Đại biểu các nước khi thấy ông xuất hiện trong bộ quốc phục, áo dài khăn đóng, đã hoan nghênh với những tràng pháo tay nồng nhiệt.

Lại một lần nữa, vào năm 1983, GS Trần Văn Khê được mời nói chuyện tại Trường Đại học Western Australia ở thành phố Perth (Úc). Khi nghe Giáo sư từ bên Pháp qua, mọi người cứ nghĩ Giáo sư sẽ mặc Âu phục nhưng khi thấy Giáo sư mặc áo dài khăn đóng bước ra nói chuyện về âm nhạc dân tộc, tất cả khán giả đều hoan nghênh nhiệt liệt, riêng những sinh viên Việt Nam hiện diện đã xúc động không cầm được nước mắt.


Trong giờ sinh học. Ảnh TL.

Vậy bộ quốc phục hẳn có giá trị đặc trưng của một nền văn hóa dân tộc đã trải qua mấy ngàn năm lịch sử, mà kỳ Hội nghị Thượng đỉnh APEC cuối năm 2006 diễn ra ở Việt Nam đã là một minh chứng. Tất cả các vị nguyên thủ quốc gia kể cả Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết cũng đều mặc bộ quốc phục Việt Nam nhưng tiếc rằng thiếu cái khăn đóng nên không được trang trọng.

Cũng cần nói thêm về giá trị truyền thống của bộ quốc phục. Cách đây 5 năm, Bộ Văn hóa Thông tin được Chính phủ giao cho trách nhiệm thiết kế bộ lễ phục cho các đại biểu mặc dự lễ Giỗ tổ Hùng Vương ở Đền Hùng nhưng tại buổi lễ dâng hương năm đó, bộ quốc phục chỉ được Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ và một vị Thứ trưởng mặc.

Nay sắp đến Đại lễ mừng Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, vấn đề quốc phục cũng nên được đặt ra. Chính nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã có lần mặc thử bộ khăn đóng áo the và cho rằng: “Tôi thấy mặc áo the khăn đóng cũng thoải mái”.

Vậy theo thiển ý của chúng tôi thì nếu đã gọi là quốc lễ thì cũng nên có quốc phục cho thích hợp với truyền thống dân tộc.


Bài liên quan:

NGUYỄN QUẢNG TUÂN