TS. LÊ TỰ HỶ (Atlanta - Hoa Kỳ)
Nếu có người nước ngoài tình cờ hỏi: Quốc phục Việt Nam của anh như thế nào thì chắc hiện nay hầu hết thanh niên Việt Nam lúng túng, chẳng lẽ lại nói là bộ Âu phục: bộ com-lê và cà-vạt của người Pháp, còn bộ Quốc phục mà cha ông ngày xưa dùng trong những dịp long trọng như cúng giỗ, lễ lạt, cưới xin,... gồm cái quần ta rộng ống, màu trắng với cái áo dài màu đen và cái khăn đóng thì không đủ hiểu biết để tự hào mà giới thiệu với người ta!
Ngày nay, nước ta đã có vị trí xứng đáng trong khu vực và trên trường quốc tế thì cũng phải có những thứ riêng thuộc loại quốc hồn, quốc túy để sống với thiên hạ chứ. Chính vì thế mà áo dài đàn ông Việt Nam đã được may cho các nguyên thủ quốc gia để họ mặc chụp hình trong dịp hội nghị APEC 2006 tại Hà Nội.
Nhưng chỉ như thế thì cũng không có ý nghĩa gì, nhiều khi thanh niên Việt Nam không hề biết bộ quốc phục Việt Nam như thế nào hay có biết chút ít mà chê hay không dám mặc bộ quốc phục Việt Nam trong những dịp đáng phải mặc.
Vậy có nên tìm cách giáo dục (chứ không phải buộc) cho thanh niên tự ý thức và hãnh diện khi mặc bộ Quốc Phục trong những dịp cần phải mặc? Đã có những bài viết nói về bộ quốc phục như: Quốc phục trong Hồn Việt số 14 (8/2008) của Trần Nghĩa và bài: Tơ vương hồn Đại Việt trong Hồn Việt số 20 (2/2009) của Nguyễn Quảng Tuân.
Những dịp nào nên mặc quốc phục là điều các nhà văn hóa, nhà giáo dục, các chuyên gia lễ tân cần suy nghĩ để xác định.
Người viết xin kể dịp chứng kiến việc mặc quốc phục Việt Nam đã tôn vinh văn hóa Việt Nam và tạo niềm cảm mến của bạn bè quốc tế với Việt Nam.
Hồi đang học ở nước ngoài, vào dịp ngày “Tình huynh đệ quốc tế” (International Brotherhood), sinh viên mỗi nước đều tổ chức một quầy triển lãm những đặc trưng của dân tộc mình, có thể bao gồm từ tranh ảnh, tư liệu sách báo, sản phẩm độc đáo, món ăn đặc sản và một vài tiết mục văn nghệ, võ thuật... trên sân khấu để giới thiệu vài nét văn hóa đặc trưng của dân tộc, đất nước mình cho bạn bè thế giới biết.
Nhóm Việt Nam chúng tôi năm đó tương đối ít so với sinh viên các nước khác, nhưng chẳng lẽ làm lơ không tổ chức! Chúng tôi liên lạc với Sứ quán Việt Nam để mượn “công cụ trưng bày” và cũng để tham khảo ý kiến về kinh nghiệm nên làm thế nào.
Trường chúng tôi theo học là trường chuyên về Khoa học - Công nghệ cho cấp Cao học - Tiến sĩ, không có Khoa học Nhân văn. Mà những sinh viên Việt Nam khá giỏi về Khoa học - Công nghệ lại thường yếu về văn nghệ lẫn võ thuật! Nhưng cuối cùng thì cũng có được một quầy Việt Nam với một số tranh ảnh, hiện vật trưng bày, còn “văn gừng” thì chúng tôi cố gắng lắm mới có thể trình làng hai bài hát tập thể, trong đó có bài Quốc Ca!

Thí sinh Việt Nam trong trang phục áo tứ thân và áo dài khăn đóng
trong chuyến du khảo tại Đức. Ảnh do BTC cuộc thi Đại sứ môi trường
Bayer 2009 cung cấp.
Nhưng năm đó quầy Việt Nam lại được nhiều bạn bè quốc tế tới thăm, tán thưởng và chụp ảnh làm kỷ niệm! Chỉ đơn giản là nhờ bộ Quốc phục Việt Nam.
Quả vậy, may mắn là trong đám sinh viên chúng tôi có một anh cao ráo, mặt mày sáng sủa, khá điển trai, vui tính, ăn nói chân thành, rất có duyên của thanh niên vùng Nam Bộ. Chúng tôi về Sứ quán mượn một bộ Quốc phục rất đẹp gồm áo dài gấm xanh, một quần ta màu trắng và một khăn đóng màu đen cho anh ấy diện! Và cũng may là trong đám sinh viên chúng tôi có một anh dẫn theo vợ. Vợ anh này là một phụ nữ Việt Nam vào hạng đẹp: cao ráo, da trắng hồng, khuôn mặt thanh tú. Chị diện vào bộ quần trắng, áo dài truyền thống màu vàng và một cái khăn đóng màu vàng ngự trên vầng trán cộng với khuôn mặt đẹp khiến chị như nàng tiên giáng trần!
Thế là, đôi nam thanh nữ tú Việt Nam với bộ Quốc phục đẹp rực rỡ, đứng tiếp khách khiến cho quầy Việt Nam nổi bật hẳn so với những quầy quốc tế khác; cũng vì thế mà họ khá vất vả vì phải nói chuyện, giải thích những đặc trưng văn hóa Việt Nam cho khá nhiều bạn bè quốc tế, và bị chụp ảnh khá nhiều lần theo yêu cầu của bạn bè quốc tế để làm kỷ niệm!
Phải chăng, chính những ấn tượng đẹp về văn hóa Việt Nam hôm ấy mà chẳng bao lâu sau, Tiến sĩ B. đã lọt vào mắt xanh của một số nữ sinh viên nước ngoài! Và dù ở đâu hay trong hoàn cảnh nào, khi trong lòng mình đã sẵn có cái chất từ cội nguồn dân tộc Việt thì vẫn luôn hướng về quê cha đất tổ, có lẽ vì vậy mà gần 20 năm sau, từ nước Úc, anh đã lập một trang mạng góp phần phổ biến và phát huy Phật giáo Việt Nam và hàng năm anh đều về nước góp phần xây dựng quê hương qua công tác từ thiện giúp người nghèo, các cụ già nghèo neo đơn và các em mồ côi có thêm điều kiện để học tập.
Quả là bộ Quốc phục Việt Nam do cha ông để lại đã chứng tỏ khả năng đại sứ tuyệt vời cho dân tộc ta. Thế thì ngày nay chúng ta nên giữ gìn và phát huy tác dụng của nó. Giả sử ông Chủ tịch nước Việt Nam hay ông Thủ tướng Chính phủ mặc Quốc phục tiếp các vị nguyên thủ quốc gia nước ngoài hay khi công du thì hẳn phía bạn sẽ thích thú và nể trọng dân tộc ta hơn chứ!
Hiện nay đã có khá nhiều sinh viên Việt Nam du học tại nước ngoài. Đặc biệt tại Mỹ, ngoài những sinh viên du học tự túc cấp cử nhân, còn có những sinh viên cấp cao học - tiến sĩ nhận học bổng VEF, Fulbright,... Những sinh viên cao học - tiến sĩ này thuộc thành phần ưu tú và có thể được vào các trường Đại học thuộc hạng từ khá trở lên. Những trường đó cũng có khá nhiều sinh viên khắp nơi trên thế giới theo học. Cho nên, mỗi sinh viên Việt Nam có thể là một sứ giả của dân tộc và đất nước trong con mắt bè bạn khắp năm châu.
Vậy chúng ta nên khuyến khích mỗi sinh viên khi đi du học thì trong hành trang nên có một bộ Quốc phục và có thể có một “món quà nho nhỏ” đặc trưng của văn hóa Việt Nam để trưng diện cho bạn bè quốc tế năm châu trong dịp ngày Tình huynh đệ quốc tế thường được tổ chức hàng năm tại các trường Đại học này.
Bài liên quan: