Rùa Hồ Gươm – huyền thoại và hiện thực

ANH CHI

Rùa là loài động vật đoạt hai kỷ lục: tuổi thọ và sức sống. Theo huyền thoại về Hồ Gươm, Hà Nội thì những cụ rùa ở đây đã nhận gươm của vua Lê Thái Tổ hồi thế kỷ XV. Những ngày trở trời, một số cụ rùa nổi lên mặt hồ, trông thật cổ kính. Chưa nhà khoa học nào xác định được tuổi những cụ rùa ở Hồ Gươm. Còn ở Mỹ, năm 1938, một số nhà khoa học bắt được con rùa mang trên mai vết đạn bắn từ thời nội chiến Nam - Bắc (1861-1865). Lần khác, năm 1960, người ta bắt được con rùa trên mai khắc chữ năm 1844. Những con rùa này đều khỏe mạnh bình thường. Nhiều người ở châu Âu còn biết việc nữ hoàng Eugenie của Pháp được tặng một món quà là con rùa đã 140 tuổi. Năm 1869, bà mang theo con rùa đó tới dự lễ khánh thành kênh đào Suez. Không may con rùa đó bị xổng mất. Sau nhiều năm, người ta tìm thấy con rùa đó ở gần các Kim Tự Tháp, vua Ai Cập là Farouk cho đem về nuôi trong hoàng cung. Rồi con rùa đó được đưa về vườn bách thú Cairo, nay nó đã gần 280 tuổi.

Ở nhiều nơi trên trái đất, cảnh rùa sinh sản được du khách quan tâm như một hiện tượng kỳ thú. Mùa xuân, vào cữ trăng tròn, có triều cường, rùa biển cái đào hố cát rộng từ 1-1,5m, sâu hơn nửa mét, để đẻ trứng. Vào ổ, rùa dùng hai chân trước đào một vũng lõm chừng 40cm, và đẻ vào đó chừng 150 trứng tròn như quả bóng bàn, trắng nõn. Trong khi đẻ trứng, rùa vươn thẳng mình lên, đầu ngóc cao, và từ đôi mắt hiền hậu tia ra chan chứa những dòng lệ. Cảnh tượng vô cùng xúc động lòng người. Đẻ hết trứng, rùa mẹ khỏa cát, lấp kín ổ trứng, như muốn xóa mọi dấu vết. Và rùa mẹ không gặp lại những con đẻ của mình nữa, kể cả những quả trứng hay lũ rùa sẽ nở sau này. Có phải vì khi sinh đẻ cũng là lúc bắt đầu chia ly giữa mẹ với các con, nên rùa đã khóc giàn giụa?!…


Một cụ Rùa đang phơi nắng dưới chân tháp ở Hồ Gươm

Rùa Hồ Gươm danh tiếng, là giống rùa nước ngọt. Có một sự nhầm lẫn: đôi khi, người ta bắt được quanh Hồ Gươm những chú rùa mai cứng cao gồ lên với hoa văn hình lục giác khá đẹp, da cổ, da chân của chúng màu xanh rêu có những ngấn màu vàng ngà, và họ nhầm tưởng đó là rùa Hồ Gươm. Những chú rùa đó chủ yếu là rùa núi, người ta mua được ở khắp nơi rồi đem đến đền Ngọc Sơn, hoặc các đền, chùa quanh Hồ Gươm cúng lễ, và thả xuống hồ phóng sinh lấy phúc. Các chú rùa này còn rất bé, thân mai rộng chưa bằng gang tay, theo chúng tôi, không phải là cư dân gốc của Hồ Gươm. Rùa Hồ Gươm đích thực là giống rùa mai mềm, vào loại hiếm trên thế giới, dân gian hay gọi là con dải, con vẹm, con míp… Nửa đầu thế kỷ XX, ở các vùng đầm hồ miền Bắc nước ta, cả ở Hà Nội, có bài đồng dao trẻ con hay hát đối nhau về giống rùa mai mềm này:

Da, da trâu
Đầu, đầu rắn
Chân, chân vịt
Thịt, thịt gà…

Bài đồng dao tả hình dạng từ da đến đầu, chân và thớ thịt của giống rùa này khá chính xác. Chỉ có tầm vóc của rùa là không được nhắc tới. Rùa này, ở Hồ Gươm, bậc “cụ” thì thân mai to rộng bằng cái nong phơi thóc. Ba, bốn chục năm trước, trẻ nhỏ quanh Hồ Gươm và những tay câu cá trộm, do kiêng kỵ rùa thần nên gọi chệch đi là ông ba biêu. Danh từ ba biêu khiến chúng tôi nhớ việc ở nhiều vùng sông, hồ khác, và ở khu vực Hồ Tây, có một giống rùa mai mềm được sinh ra gọi là ba ba. Một giống rùa nữa, cũng mai mềm, nhưng lớp da trên mai nổi lên những núm sụn, dân gian gọi là ba ba gai.

Theo nhà văn Nguyễn Dậu, người từng sống ở khu vực Ngọc Sơn, Hồ Gươm gần 20 năm thì cách đây ba bốn mươi năm, những cụ rùa to lớn của Hồ Gươm thường nổi lưng trên mặt hồ hoặc phơi mình trên bãi đất chân Tháp Rùa. Các cụ rùa hồi đó to như cái nong phơi thóc. “Có một con to nhất, từ đầu đến cuối dài bằng chín lần bề ngang của những phiến xi-măng cạp ven bờ hồ. Mỗi phiến rộng 30cm, vậy là nó dài 2,7m…”. Thế nhưng, 20 năm trở lại đây, Hồ Gươm bị ô nhiễm nhiều. Bờ đất ven hồ bị bê tông hóa là việc bất lợi cho cuộc sống của rùa. Thực tế là, mỗi ngày càng ít thấy rùa nổi lưng hoặc phơi mình ở chân tháp rùa. Những ngày động trời trong 20 năm trở lại đây, chỉ thấy đôi ba cụ rùa nổi đầu lên mặt nước mà cũng không phải các cụ rùa huyền thoại của Hồ Gươm với thân mai dài 2,7m! Các nhà khoa học đã lên tiếng báo động về sự suy giảm rùa Hồ Gươm. Các cơ quan có trách nhiệm đã bắt đầu lo lắng cho một kế sách khắc phục…

Theo một bản đồ thời Hồng Đức nhà Lê, cách đây 5 thế kỷ thì sông Tô Lịch, một nhánh phụ của sông Hồng, chảy vào Thăng Long ở chỗ gần chợ Gạo và đầu phố Hàng Buồm ngày nay. Tô Lịch chảy qua nhiều quãng, nay gọi là nội đô Hà Nội, như các phố Ngõ Gạch, Hàng Đường, Hàng Cá, Cống Chéo, Hàng Lược, Cầu Gỗ, Hàng Rươi… thông với Hồ Tây, và có nhánh chảy vào Hồ Gươm, từ đây có một ngòi chảy ra sông Hồng. Hồ Tây và Hồ Gươm, thông thương với nhau và cùng là dòng cũ của sông Hồng. Do vậy, các giống thủy sản của hai hồ này không phải là dị biệt. Điều đáng lưu ý nữa là, cuối thế kỷ XIX, cụ thể vào năm Thành Thái thứ I (1889), chính quyền bảo hộ mới triển khai cuộc đấu thầu rất lớn để lấp dòng Tô Lịch ở trong nội thành Hà Nội. Sự kiện này khiến nhân dân bất bình. Phạm vi bài này chúng tôi không đi sâu vào nội dung đó, chỉ nêu sự kiện để lưu ý bạn đọc rằng: chỉ hơn trăm năm trước, còn có dòng nước chảy thông thương giữa Hồ Gươm và Hồ Tây, thuyền có thể đi lại. Như vậy, những con rùa có tuổi thọ hơn trăm năm đã từng có cơ hội từ Hồ Gươm ra dạo chơi Hồ Tây và ngược lại. Và cũng có thể đặt vấn đề: giống rùa ở Hồ Gươm cũng có thể sinh sống, phát triển ở Hồ Tây chứ! Về đời sống loài rùa nói chung, các nhà khoa học đã cho biết, hàng trăm triệu năm qua vẫn không hề suy thoái, không hề biến đổi về cơ thể cũng như tập tính. Vậy, chắc là rùa Hồ Gươm ra chơi Hồ Tây có bị kẹt lại đó còn sống và phát triển bầy đàn mà vẫn nguyên phẩm chất giống rùa Hồ Gươm chứ!

Nói gở một chút: cứ cái đà bê tông hóa quanh Hồ Gươm như những năm gần đây, những cụ rùa huyền thoại ở đây có thể “tịch” hết mất! Nếu xảy ra điều đó, mà dân thủ đô nói riêng và cả nước nói chung vẫn muốn có rùa Hồ Gươm huyền thoại để tự hào, thì cũng còn có một cơ hội. Đó là làm sạch Hồ Gươm, thay các bờ bê tông thành những bờ đất, tạo nên những bãi mềm để rùa có thể sinh nở được, rồi đi rước các cụ rùa Hồ Tây có họ hàng đích hệ với các cụ rùa Hồ Gươm về để kế vị. Biết đâu, có thể tìm được ở Hồ Tây cụ rùa vài trăm tuổi, cùng vai với những cụ rùa huyền thoại Hồ Gươm. So với Hồ Gươm, thì Hồ Tây rộng lớn hơn rất nhiều lần, điều kiện sinh trưởng cho các loài thủy sản nhất là cho giống rùa nước ngọt có thể nói là lý tưởng hơn nhiều…

Một vài giống rùa mai mềm ở Hồ Tây dân gian hay gọi là ba ba. Không thể xác định ba ba cư ngụ ở đây đã mấy vạn năm, mấy chục vạn năm. Khi Thăng Long trở thành đất đế đô, những vùng làng ven Hồ Tây đã có cư dân nông nghiệp và nghề chài lưới với trình độ cao. Trong các nghề chài lưới, có nghề đánh bắt ba ba. Đến thời đại chúng ta sống, nghề này đã đạt tới trình độ rất điêu luyện. Những tay săn bắt ba ba rất hiểu tập tính sinh sống của loài rùa mai mềm này. Dưới lòng Hồ Tây mênh mông, những vùng có các mô đất không bị nhão thành bùn là nơi rùa mai mềm đào hang cư ngụ. Rùa to, hang to. Rùa nhỏ, hang bé. Tay thợ săn ba ba có thể lặn xuống, tới sát tổ ba ba, nhìn rõ con vật.

Không hiểu là do huyền thoại vua Lê Thái Tổ trả lại gươm cho rùa thần ở Hồ Gươm mà những cụ rùa ở đây trở nên nổi tiếng thiên hạ; hay là do ở Hồ Gươm có những cụ rùa khổng lồ về vóc dáng và già nua về tuổi tác mà có thiên huyền thoại lịch sử kia?! Còn rùa Hồ Tây, cho đến nay chưa có danh tiếng gì. Những loại rùa mai mềm ở đây mới được quan tâm ở mức độ một loại thực phẩm thôi. Và tất thảy chúng đều được gọi là ba ba. Có chăng, những con ba ba gai đắt giá hơn, bởi thịt của chúng thơm ngon hơn và huyết của chúng uống tươi cùng với rượu được. Hồ Tây lớn mênh mông, nhưng rùa mai mềm ở đây cũng không phải nhiều vô tận!… Và nhiều người trong chúng ta đã biết, chính Hồ Tây cũng bị đe dọa vì ô nhiễm…

Vô cùng yêu quý rùa Hồ Gươm, giống rùa vô cùng quý hiếm không chỉ ở Việt Nam ta, mà là loại quý hiếm của hành tinh. Vậy mà đến nay, chúng ta còn chưa hiểu thấu đáo tập tính sinh trưởng của nó, để tìm cách tạo điều kiện sống cho chúng. Thậm chí, người ta còn chưa biết ở Hồ Gươm còn bao nhiêu con rùa để mà tự hào. Người ta lại càng chưa biết rùa mai mềm Hồ Tây có giống nào cùng tộc với rùa Hồ Gươm…? Nói chung, còn có một khoảng trống vô cùng lớn trong hiểu biết và trách nhiệm của chúng ta trước loài rùa ở Hồ Gươm, Hà Nội. Bằng cách nào để lấp khoảng trống đó, còn là một câu hỏi lớn. Vậy mà nghề săn ba ba ở Hồ Tây ngày một thêm điệu nghệ!…

Khép lại bài viết này, dù không muốn chúng tôi cũng đã gieo vào lòng người đọc một nỗi trăn trở về rùa Hồ Gươm, rùa ở thủ đô Hà Nội. Và chúng tôi cũng muốn người đời hiểu rằng, để hành tinh của chúng ta có được loài rùa, những rùa mẹ đã khóc giàn giụa khi sinh nở!…