Rằm giêng hát bội Phò An

Thi sĩ Tản Đà đeo túi thơ đi khắp ba kỳ để làm thơ, làm báo, giao lưu và cũng để thưởng thức món ngon vật lạ. Vào Bình Định ông chịu ngay: “Tuồng Bình Định, rạp Phú Phong” (thơ Tản Đà).

Xem hát bội ở đình làng thì năm được vài lần theo lệ “Xuân kỳ Thu tế”, do làng tổ chức. Những năm đình xây dựng mới hoặc trùng tu, tôn tạo, có hát lạc thành. Hát đình ít khi hát 1 đêm mà thường tới 2-3 đêm. Hát đình là hát “công”, cho nên người trong làng phải “cúng” tiền cho đám hát bằng hảo tâm. Người nghèo quá thì được miễn. Nói hát đình là hát theo lệ “nhị kỳ” nhưng cũng đến mấy năm làng mới tổ chức hát một lần, cho đỡ tốn kém tiền bạc của dân. Người quê tôi vẫn thuộc lòng “lịch hát” ở các đình làng:

Rằm giêng hát bội Phò An
Đến ngày mười bảy hát sang chùa Bà
Hai mươi, hăm mốt, hăm ba
Muốn gần Chợ Rượu, muốn xa Cảnh Hàng
Chim kêu trên núi Chà Rang
Em đi xem hát giần sàn mốc meo

Lịch ấy cho thấy, tháng giêng có nhiều lễ hội, đám hát và còn rộ lên ở tháng ba Âm lịch có tiết Thanh minh. Có một vài kỷ niệm hát đình làng, tôi còn nhớ. Đó là trận lụt năm Dần với đám hát cúng Thành Hoàng trong dịp thu sang. Mới bắt đầu hát thì trời mưa to, người ta mang tơi đội nón mà ngồi, đứng xem. Hát ba ngày ba đêm cho hết ba lớp Giang Sơn (San Hậu thành), trời cũng mưa ba ngày đêm. Lũ xuống, lúa chín ngoài đồng ngâm tôm, nứt mộng hết. Hát xong, người ta ra đồng vớt lúa mộng đem về, bảo nhau “Hát bội hành tội người ta”. Năm đó, nhà nhà đói giáp hạt, ăn tết mất vui, lũ nhỏ chúng tôi không có quần áo mới tung tăng dịp Tết.

“Hát đám” do tư nhân tổ chức, như hát mừng thi đỗ, sinh quý tử, nhà mới, rước sắc phong... Hát đám thường tổ chức trong mùa hè có trăng thanh gió mát, ruộng đã gặt xong, đất để ải để dựng sân khấu giữa đồng cho đủ sức chứa khán giả. Người ta thích xem hát đám còn hơn hát đình, bởi được xem hát “miễn phí”, xem bạn hát hay, do chủ nhân có nhiều tiền kén chọn rước về hát để Thần thiêng, để lấy tiếng.

Vùng An Nhơn có nhiều trường hát. Ở thị trấn Bình Định có các trường hát Thanh Châu, Sao Mai, đều do tư nhân lập, ở Đập Đá có trường hát Phương Danh do làng lập... Trong xã tôi, có trường hát Long Đa ở thôn Tân Long của ông Cửu Ba. Các ông chủ trường hát, ít ai cầu lợi theo kiểu kinh doanh thời nay mà thường là do yêu hát bội, cũng nghe nói có ông do yêu cô đào hát nữa. Cứ chiều đến, khoảng 4-5 giờ, tiếng kèn trống rao đêm hát đã nổi lên, thôi thúc người ta lắm. Người xem hát trường đã chín đêm, đến đêm thứ mười ''tôn vương'', trung thần cử binh về triều trừ gian diệt nịnh, lập ấu chúa lên ngôi vua mà không xem là không hả dạ.


Một cảnh trong vở Tam hạ Nam đường do các nghệ sĩ không chuyên
biểu diễn. Ảnh: Đào Tiến Đạt

Thời gian chờ đợi xem hát, người ta tính từng ngày và nôn nao trong lòng. Người ta kháo nhau:

Cửu Vị đóng Lý Phụng Đình
Dù chồng có đánh thì mình cũng đi
Nói ra thì chuyện cũng kỳ
Hoàng Chinh đóng kép mình thì mê ngay

Từ mê hát đến đòi theo nghiệp xướng ca không có gì lạ: “Mẹ ơi đừng đánh con đau/ Để con theo hát làm đào mẹ coi”.

Xã Nhơn An có 7 thôn, hồi 9 năm kháng chiến khoảng bảy ngàn dân mà “gánh” hát bội thì nhiều. Chẳng biết có đâu hơn? Đầu xã - thôn Thanh Liêm có gánh Bầu Sáo (sau ông Bầu Sáo qua đời, con là Bầu Hùng kế nghiệp), giữa xã - thôn Trung Định có gánh Bầu Chẩm, cuối thôn Tân Dân có gánh Thông Cừu (chủ gánh là người Quy Nhơn tản cư lên ở trong xã rồi lập gánh). Bạn Thông Cừu nổi tiếng không kém bạn Bình An Ban, vì các danh ca Hoàng Chinh, Tư Cá, Long Trọng, Ngọc Cầm, Lệ Suyền... vẫn chia nhau hát cho hai gánh.

Đoàn hát, Bạn hát gọi bằng “Gánh” là vì đồ dùng cho hát bội: áo mão, xiêm y, màn trướng, trống kèn... đựng hết trong bầu; gươm giáo, cung thương... bó thành bó, khi đi hát thì Bạn hát gánh, vác đi theo, hát xong gánh về nhà ông Bầu (tức chủ Gánh) cất. Đào kép hát, phần lớn là người địa phương, thường cha truyền con nối. Có con theo hát, do thành kiến cũ “xướng ca vô loại” không ít người làm cha mẹ không bằng lòng. Bà Hai Đẩu buồn cô con gái xinh, môi thắm má hồng đi theo hát. Mỗi khi ra đường gặp con gái nhà ai xinh như con mình, bà chặn lại mắng bằng câu ca: “Trồng trầu thả lộn dây tiêu/ Con theo hát bội mẹ liều con hư”.

Làng Tân Dương có ông Xã Chu, làng Trung Định có ông Biện Bính, ông Cửu Nại là những người biết chữ Nho, chữ Nôm, có mấy bản tuồng Ngũ Hổ Bình Tây, Sơn Hậu, Phụng Nghi Đình... được các ông giữ như bảo vật, nhất thiết không cho ai mượn. Các ông đã biến nhà mình thành “trường hát”, mời các ông bạn hay hát, hay nghe hát tới nhà hát chơi cho đỡ ghiền, cho các ông có dịp nhắc tuồng, thổi kèn, đánh trống bằng miệng. Vợ con các ông thì lo nấu cơm đãi “đào kép” mà không có lời than, vì mê hát và cũng vì không dám trái ý chồng.

Dù sao, đám hát chơi kiểu mấy ông Xã Chu, Biện Bính, Cửu Nại cũng là đám hát có tổ chức, còn có kiểu đám hát hứng cũng vẫn thường gặp. Đêm hè nóng nực, muỗi kêu vo ve, không ngủ được, mấy ông hàng xóm rủ nhau tới nhà một ông hàng xóm chơi. Gặp chủ nhà là người có máu mê hát, liền ngả nong, trải chiếu ra giữa sân làm sân khấu, bày cuộc hát đột xuất. Họ chơi luật: “Tới đây chẳng hát thì hò/ Há phải con cò ngóng cổ mà nghe” để buộc ai cũng phải hát. Thế là nam, khách, tẩu, lý mọi có điệu bộ, không trống kèn mũ mão cất lên, hết trích đoạn này đến trích đoạn khác. Đêm dần khuya, đèn cạn dầu, trăng lặn, hết hứng thì ai về nhà nấy ngủ.

Lũ nhỏ lên chín lên mười chúng tôi, tối xem tuồng gì ở đám hát, sáng ngày rủ nhau diễn lại tuồng nấy. Tự chằm áo mão, cân đai, hia giày bằng lá chuối, lá mít, mo cau, đeo râu ngô làm bạn hát. Khi phân vai rất khó, đứa nào cũng đòi làm ông trung thần mặt đỏ râu dài, không chịu làm lão gian thần mặt mốc râu rìa.

Xung quanh đám hát là hàng dãy hàng quán bán các thứ thịt bò nướng, nem, chả, rượu gạo Bàu Đá... và la liệt kẻ ăn người uống. Rồi các gò đống là chỗ cho con trai con gái tư tình, các tình địch đánh nhau để giành giựt người tình.

Hát đình hát đám mà hay
Xem hát mười ngày con gái chửa hoang
Hát đình hát đám vui hơn
Trai tơ gặp vợ gái ngoan được chồng.

Từ mê hát, người quê tôi mê truyện Tàu, mê những truyện có tuồng tích. Năm ngày một phiên, các bà đi chợ mua mắm về ăn, chứ tiền đâu mua cá thịt, nhưng nhiều bà không quên mua về mấy cuốn truyện do Nhà Tiến Đức Thư Xã ấn hành. Khi thì Tam Quốc diễn nghĩa, Ngũ Hổ Bình Tây, khi thì Thuyết Đường, Mạnh Lệ Quân, khi Đồi thông hai mộ, cả truyện thơ Lục Vân Tiên, Thạch Sanh nữa... Tội nghiệp, vì không biết chữ, mua sách về rồi, các bà bắt con cháu là những học trò lớp nhì, lớp nhất tiểu học đọc cho nghe. Tôi là đứa nhỏ chuyên đọc cho bà Tám Nầy hàng xóm nghe. Mỗi lần đọc xong một cuốn truyện, bà Tám Nầy cho ăn một ly chè hay uống một bát nước dừa để cho thanh giọng đọc tiếp cuốn khác. Đọc hết một bộ, được thưởng mấy đồng bạc để mua đồ dùng học tập như tập vở học sinh, cây bút chì... Tôi còn đọc truyện cho nhiều người khác và không bao giờ thiếu thích thú khi được đọc cho người làng tôi nghe.

Những người quê tôi mê hát đến nay đã vào cuộc “sinh ký tử quy” mấy lớp rồi. Nhìn lại, lòng sao khỏi bùi ngùi. Mấy năm gần đây, ở vùng quê đó vẫn thường tổ chức hát bội trong dịp Tết Nguyên Đán hay trong tiết Thanh minh. Đêm hát nào cũng đông người xem đủ cả nam, phụ, lão, ấu. Nhiều người tuổi năm mươi cầm chầu đánh tiếng trống trúng câu, điểm khuyên đúng động tác. Mong sao, đó là một dấu hiệu thực sự của một cuộc trở về với nền nếp cũ, với cội nguồn văn hóa dân tộc.

HUỲNH KIM BỬU