Rèn đức

L.T.S: Trong Hồn Việt số 37 đã giới thiệu anh Lê Mạnh Đức và những lời anh “Nói với con” qua những bức thư điện tử gửi cho con trai đang du học ở Singapore… Kỳ này Hồn Việt tiếp tục trích đăng những bài viết của anh…

Khi con đi học, nhà trường thường dạy “Tiên học lễ, hậu học văn”. Người đời thường có câu “Có đức thả sức mà ăn”.

Thực ra rèn luyện đạo đức không phải chỉ là thứ tự công việc của đời người, cũng không phải cốt để “thả sức mà ăn”, mà nó là công việc phải coi như ưu tiên số một suốt cuộc đời, biến nó thành một nhu cầu của cuộc sống, ví như cần không khí trong lành để thở. Số phận con người cũng có thể từ đó đã nhận ra là sẽ tốt hay xấu.

Đạo đức là một khái niệm khá trừu tượng, lắm khi chỉ có mình mới biết là ta sống đã cố giữ được đức độ không. Tất nhiên, cái kim trong bọc rồi cũng có lúc ló ra, người thiếu đạo đức rồi có lúc cũng không giấu đi được, người sống có nhân nghĩa trước sau rồi cũng sẽ được người đời xác nhận.

Một điều cũng cần nói thêm, rèn đức cốt ở nơi tâm, chứ không vì mục đích ích lợi cá nhân, cũng không cốt để mọi người ghi nhận. Mục đích rèn luyện đạo đức quả cũng không đơn giản.

Con có biết rèn luyện đạo đức trước hết là gì không? Và học điều gì không? Ồ, không phải chỉ là đọc sách với những danh ngôn, với những lời lẽ trong sách giáo khoa hoặc gương người này người nọ. Con hãy nhìn ngay gương trong gia đình mình. Người ta thường khen: Người đó để phúc đức cho con, chính là điều đó. Vì thế, đời này qua đời khác, các thế hệ cha mẹ cần thiết ghi nhớ điều này, và bố mẹ con cũng luôn tự nhắc nhở mình điều này.

Phải hiếu thảo với cha mẹ, ghi nhớ công lao nuôi dưỡng to lớn không gì sánh nổi của cha mẹ. Phải hết lòng yêu thương anh chị em ruột thịt, sẵn lòng chia sẻ và đó phải là những người bạn thân thiết của mình.

Phải rất mực thủy chung với vợ, chồng vì là người bạn đời có cùng trách nhiệm với con cái gia đình mình, đã tự nguyện yêu thương mình suốt đời. Phải hết lòng tử tế với bạn bè (nhất là đối với những người bạn thân) thận trọng khi kết bạn (vì gần mực thì đen, gần đèn thì rạng) và khi đã là những người bạn thân thì hãy cột họ vào mình bằng một vòng gai thép.

Con nên ghi nhớ: “Thà chết chứ không bất nghĩa”. Trong hoạn nạn, mình phải biết cưu mang, trong khó khăn, mình phải biết chia sẻ, nhưng cũng không dại dột để bị ai lạm dụng lòng tốt của mình.

Có câu: “Giàu vì bạn” nghĩa là cuộc sống phải có bạn bè tử tế để hỗ trợ nhau tiến tới. Bố có thói quen là không lợi dụng vay mượn bạn bè. Con cũng nên xem có nên bắt chước không? (Vì bố bị ảnh hưởng câu cách ngôn của người Ấn Độ “Ơn huệ là con rắn độc”).

Nhưng trong đời bố, vượt qua rất nhiều khó khăn là nhờ bạn bè giúp đỡ. Giúp đỡ ở đây không lần nào là tiền là vật chất cụ thể, mà là cơ hội để tự lập, là bênh vực cho khi mình là lẽ phải, và con cũng thấy đó, gia đình mình cũng “giàu có” đấy chứ, trước hết là tình yêu…

Nói về đạo đức còn liên quan đến nhiều khái niệm khác cần tu dưỡng, ví dụ nếp sống có văn hóa. Đó là phải học và luôn bổ sung cách ăn nói cư xử lịch sự, có trên có dưới, có trước có sau. Đó là thái độ hòa nhã, vui vẻ với mọi người, sự khiêm tốn không bao giờ thừa vì thực ra mình có thể mạnh điều này thì người khác có cái hay điều khác. Lạc quan cười vui cũng là thái độ sống có văn hóa, thể hiện sự tôn trọng và hòa nhập mình với xung quanh.

Không bao giờ sa đà vào ăn chơi cờ bạc. Không tặc lưỡi trước một quyến rũ vật chất tầm thường. Luôn tiết kiệm, lo xa để không bao giờ mất tự trọng phải đi vay mượn, dẫn tới lừa lọc…

Cuối cùng, bố muốn nói đến lòng vị tha, rộng lượng trước mỗi người. Không thù ghét ai quá lâu, nhất là khi họ đã biết lỗi. Mình chỉ nên nghiêm khắc với bản thân chứ không quá khó tính với mọi người. Làm được như vậy, con sẽ thấy cuộc sống thật thoải mái và đáng yêu biết chừng nào.

Viết đã dài rồi, bố tin là con sẽ bổ sung thêm những điều con thấy trong đời liên quan đến khái niệm đạo đức vì điều này rộng đến vô tận, khiến con người tu dưỡng mãi không bao giờ xong!


Bài liên quan:
LÊ MẠNH ĐỨC