Năm 1010, Lý Thái Tổ phán truyền: Đại La ở giữa đồng bằng, vị trí trung tâm đất nước, giao thông thủy bộ đều thuận tiện. Nơi đó, sẽ trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, tiện cho việc công thủ, xứng đáng là kinh đô của một quốc gia độc lập.
Năm 1972, Rồng bay lên lần này, không phải là một mà cả đàn hàng trăm con. Rồng bay lên lần này, không phải do trời làm, mà do con cháu Bác Hồ tạo dựng. Đàn rồng bay làm quân thù bàng hoàng, sửng sốt, bạn bè khắp năm châu khâm phục, reo vui.
Rồng vàng Thăng Long…
Lên làm vua năm 1010, sau khi đi kinh lý, thị sát thành Đại La, Lý Thái Tổ phán truyền: Hoa Lư núi non hiểm trở, chỉ tiện cho việc phòng ngự một khu vực nhỏ bé, không phải là nơi lập đế đô. Đại La ở giữa đồng bằng, vị trí trung tâm đất nước, giao thông thủy bộ đều thuận tiện. Nơi đó, sẽ trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, tiện cho việc công thủ, xứng đáng là kinh đô của một quốc gia độc lập.
Chiếu dời đô của Lý Thái Tổ có đoạn viết: “…Thành Đại La ở vào nơi trung tâm trời đất; độc thế rồng cuộn, hổ ngồi. Đã đúng ngôi Nam, Bắc, Đông, Tây, lại tiện hướng nhìn sông, dựa núi. Địa thế rộng mà bằng, đất đai cao mà thoáng… Xem khắp nước Việt ta chỉ nơi này là thắng địa. Thật là chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước…”.
Đoàn thuyền của Thái Tổ dời kinh đô cũ, qua sông Hoàng Long, đổ vào sông Đáy, đến Phủ Lý vượt dòng Đại Hà, qua cửa Tuần Vường ngược sông Hồng về Đại La. Chưa bước lên bờ, nhà vua cùng quần thần nhìn thấy rồng vàng bay lên (có thể đây là xoáy lốc, dân gian thường gọi là rồng lấy nước). Thái Tổ đổi tên thành Đại La thành thành Thăng Long (rồng bay).

Thăng Long được đặt tên từ dáng rồng bay…
Từ đó Thăng Long với hình ảnh rồng bay (con vật đứng đầu tứ linh) kiêu hãnh trong khí thế vươn lên của dân tộc, là trung tâm đất nước ngàn năm văn vật, là trái tim của Việt Nam.
Đế đô Thăng Long từ triều Lý đến triều Lê gần 800 năm lịch sử oai hùng, oanh liệt đã để lại dấu ấn trong lòng dân tộc. Sau này, Gia Long lên ngôi (1802) lấy Huế làm kinh đô, tiếp đến Minh Mệnh lên ngôi đổi tên Thăng Long thành Hà Nội.
Rồng lửa Hà Nội…
962 năm sau (1010-1972) con cháu Lý Thái Tổ lại được thấy rồng xuất hiện trên bầu trời Thăng Long. Rồng bay lên lần này, không phải là một mà cả đàn hàng trăm con. Rồng bay lên lần này, không phải do trời làm, mà do con cháu Bác Hồ tạo dựng. Đàn rồng bay làm quân thù bàng hoàng, sửng sốt, bạn bè khắp năm châu khâm phục, reo vui.
Để có được không khí hào hùng như vậy trong 12 ngày đêm tháng 12/1972 thật không đơn giản.
Quả thật khó khăn, trên đất nước nghèo, chưa thoát khỏi cái xiềng ba sào đã phải chiến đấu với một đế quốc khổng lồ, trình độ khoa học, quân sự tiên tiến. Các nhà quân sự Liên Xô giúp ta huấn luyện, trang bị những dàn tên lửa đối không hiện đại, điều khiển bằng sóng điện tử. Những người thầy dạy ta, nhiều người cũng chưa được va chạm với thực tế, trừ một số chuyên gia đã chiến đấu ở Cu Ba, Ai Cập.
Sau khóa học, các trung đoàn Tên lửa phòng không (TLPK) triển khai, vừa đánh vừa rút kinh nghiệm, vừa học tập. TLPK triển khai quanh Hà Nội. Tên lửa vươn tới khu 4, Vĩnh Linh, rồi vượt giới tuyến. Song, TLPK mới chỉ là chạm trán với các loại tiêm kích, cường kích: F4, F105, F111… đó chưa phải là đối tượng tác chiến của bộ đội TLPK.
Ngày 17/9/1967 TLPK lần đầu tiên bắn rơi “Chiến lược cơ” B52 ở Vĩnh Linh.
Biết bao xương máu đã đổ, biết bao cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh, biết bao mái đầu sớm bạc mới có thắng lợi này. Vì vậy, trận bắn rơi B52 ngày 17/9 là bài học quý báu cho bộ đội TLPK. Nhận được báo cáo, Bác Hồ rất vui. Người gửi điện biểu dương quân và dân Vĩnh Linh.
Từ nhiều năm trước, Người đã dự báo số phận của “con ngáo ộp” B52. Ngay từ năm 1965 khi tới thăm một đơn vị Phòng không không quân (PKKQ) Bác đã dạy: “…Dù đế quốc Mỹ có lắm súng nhiều tiền, dù chúng có B57, B52 hay “bê” gì đi chăng ta cũng đánh! Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ, chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh, mà đã đánh là nhất định thắng!” (Hồ Chí Minh tuyển tập, tập 2, tr.372, NXB Sự Thật, Hà Nội).
Đầu năm 1968, Người lại nói với đồng chí Phùng Thế Tài khi đó là Phó Tổng tham mưu trưởng: “Sớm muộn đế quốc Mỹ cũng đưa B52 ném bom Hà Nội rồi có thua mới chịu thua. Chú nên nhớ trước khi đến Bàn Môn Điếm ký hiệp định đình chiến ở Triều Tiên, Mỹ đã cho không quân hủy diệt Bình Nhưỡng. Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.
Ngoài các loại máy thô mang ký hiệu ALR-20, APR-25, APS-54 dùng để phát hiện ra-đa đối phương, thu được tầng số các loại ra-đa cảnh giới, dẫn đường, độ cao, ra-đa tên lửa, cao xạ… để gây nhiễu ngược, làm ra-đa đối phương “mù mắt”. Mỗi chiếc B52 còn được trang bị 15 máy gây nhiễu, làm tê liệt các loại khí tài, điện tử. Chưa hết, B52 còn trang bị thêm 2 máy gây nhiễu tiêu cực. Vì vậy, tổ bay của chúng đông tới 6 người. Trong đó có những phi công có trình độ kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ điện tử.
Mỗi chiếc máy bay đi cùng đều trang bị máy gây nhiễu. Bầu trời lúc này là một trận “bão” nhiễu. Kẻ địch đã tạo nên bức tường nhiễu dày đặc che mắt các chiến sĩ PKKQ ta. Vì vậy, để phân biệt B52 thật, B52 giả trong lúc này trở thành vấn đề hết sức cấp bách.

Tên lửa của bộ đội PKKQ tạo thành những con rồng lửa truy kích B52 trên bầu trời Hà Nội tháng 12-1972. Ảnh TL.
Ngày 1/12/1972 hội nghị Paris bế tắc. Ngày 13/12 hội nghị đình chỉ. Lập trường hai bên không điều hòa được, chiến tranh đứng trước sự bùng nổ ác liệt. Tập đoàn Nixon ráo riết chuẩn bị hành động phiêu lưu quân sự mới, bí mật chuẩn bị cuộc tập kích đường không bằng B52 vào Hà Nội. Mục đích của đế quốc Mỹ là mong kết thúc chiến tranh trên thế mạnh.
Trước tình hình đó, Bộ Tư Lệnh PKKQ chỉ thị cho các đơn vị theo sát mọi diễn biến chuẩn bị cho trận đánh sắp tới. Và, trận đánh xảy ra ngay trên bầu trời Hà Nội.
Đêm mở màn chiến dịch, Lầu Năm Góc sử dụng máy bay ở hai căn cứ Anderson (trên đảo Guam) và U Tapao (ở Thái Lan), phối hợp với không quân chiến thuật tập đoàn không quân số 7. Tướng Vốt, tư lệnh Mỹ ở Thái Bình Dương trực tiếp chỉ huy chiến dịch. Đây là trận đánh phá Hà Nội của không quân Mỹ lớn nhất từ trước tới nay.
Ở trận địa TLPK tiểu đoàn 59 đóng quân ở Uy Nỗ, tiểu đoàn trưởng Nguyễn Thăng quyết định “bồi” tiếp. Hai con rồng xòe đuôi lửa, từ dưới đất chui lên. Tổ trắc thủ Tứ, Linh, Độ hiệp đồng rất đẹp. Sĩ quan điều khiển vê tay quay điệu nghệ. Trùm lửa như trái núi bùng lên, sáng rực bầu trời Phủ Lỗ. Tiểu đoàn 59 “thiêu cháy” một B52. Tiếp đó, 4 giờ 30 ngày 19 tháng 12, tiểu đoàn 77 bắn rơi tại chỗ chiếc B52 thứ hai ở xã Tân Hưng, Thanh Oai, Hà Tây.
Đêm 18 rạng ngày 19 tháng 12/1972, mở đầu chiến dịch, Mỹ đã huy động 90 lần chiếc B52, 205 lần chiếc máy bay chiến thuật vào đánh phá Hà Nội. Đêm đầu tiên dùng B52 đánh phá Hà Nội ba chiếc bị bắn rơi (hai chiếc rơi tại chỗ).
Liên tiếp trong những đêm sau đó, đêm nào B52 cũng bị bắn rơi. Riêng đêm 26 tháng 12 theo báo đài phương Tây, 9 chiếc B52 không thấy trở về.
23 giờ 16 phút đêm 19 tháng 12/1972 tiểu đoàn 79 ở Yên Nghĩa bắn rơi chiếc B52 cuối cùng của chiến dịch.
Cuộc tập kích chiến lược quy mô bằng “chiến lược cơ” B52 của đế quốc Mỹ đánh phá Hà Nội, Hải Phòng kéo dài 12 ngày đêm bị thất bại hoàn toàn.
Lịch sử luôn luôn được lặp lại hoành tráng hơn, hào hùng hơn. Lý Thái Tổ dời đô ra Đại La chỉ thấy có một con rồng bay lên. Con cháu Người, thời đại Hồ Chí Minh tạo nên hàng chục, hàng trăm “rồng lửa” bay lên thiêu cháy quân thù.