Sự cần thiết phải có Luật Ngôn ngữ

Trong cuộc sống hằng ngày, người ta thường quan tâm đến sự ô nhiễm thức ăn, không khí vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của con người. Nhưng còn thứ ô nhiễm khác có khả năng di hại nặng nề cho nền văn hóa dân tộc thì chưa được quan tâm. Đó là ô nhiễm tiếng nói và chữ viết. Nó đã và đang làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt, mất đi lòng tự hào về một nền văn hóa của dân tộc Việt Nam.

Thực trạng

Hằng ngày, chúng ta xem báo chí và truyền hình thì gặp nhan nhản các từ tiếng nước ngoài mà lẽ ra nên dịch ra tiếng Việt như: thường nhật, thường niên…; người dẫn chương trình thì gọi là MC, mà MC là chữ viết tắt của Master of Ceremonies (người dẫn chương trình) cũng là viết tắt của Military Cross (bội tinh chiến công); hai bên thì thành song phương; dịch thì thành chuyển ngữ.

Rõ ràng là người ta đã Hán hóa và Tây hóa tiếng Việt. Người ta quên rằng Bác Hồ từng nói với những người làm báo: “... luôn suy nghĩ là ta viết cho ai đọc, nói cho ai nghe, vì thế viết và nói phải giản dị, trong sáng, dễ hiểu...”.

Ngoài đường phố ở Hà Nội và nhiều thành phố lớn khác nhan nhản các biển hiệu mang tên nước ngoài mà nhiều người chẳng hiểu gì như: Công ty I shop, thiếu sở hữu cách, nếu như hàm nghĩa “cửa hàng tôi” thì phải là My shop. Rồi sexy shop, sex shop (sex là giới tính, nhưng sexy có nghĩa gợi dục, khiêu dâm), showroom, showbiz, galery, gala...

Trên báo hình: VTV2 ngày 22/6/2011 lúc 4 giờ chiều có nói chữ “bác sĩ cao cấp”. Vậy là có bác sĩ trung cấp và bác sĩ sơ cấp?! Ở buổi phát hình khác có cuộc thi “Sáng tạo học trò”, “Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng”(?). Cả hai mệnh đề trên đều sai ngữ pháp. Có lẽ người ta muốn nói là: Sáng tạo của học trò, của thanh thiếu niên, nhi đồng.

Để chỉ sự ngạc nhiên, thán phục, tiếng Việt có thán từ: A!, Ô!, Chà!... nhưng nhà đài cứ bắt các cháu thiếu nhi thốt tiếng Anh là Wow! Khi chào nhau, người ta hê lô (hello), bái bai (bye bye). Rồi thì Vinapearl luxary Đà Nẵng, Bà Nà Hills, Festival Huế, Festival hoa Đà Lạt và còn rất nhiều festival khác. Cứ kiểu này thì không khéo sẽ có Festival Đền Hùng, Festival Đống Đa, Festival Chọi trâu...

Ai cũng thường phải nghe và đọc cụm từ “thầy cô giáo”, đúng ra phải là “thầy, cô giáo”, chính xác thì phải là “thầy giáo, cô giáo”. Còn “mục sở thị” thì phải là “thực mục sở thị” (tận mắt nhìn thấy). Rồi những từ: hotline, hotboy, playboy, PR, fans hâm mộ (fans là những người hâm mộ rồi!) cũng thi nhau được nói và viết.

Thực ra, đây là kiểu học mót, thiếu lòng tự tôn dân tộc, nên cứ đưa vào bài để chứng tỏ ta đây cũng biết tiếng Tây, tiếng Tàu. Trong khi tất cả các từ trên đều có thể dịch ra tiếng Việt.

Thật là buồn khi đi giữa đất nước Việt Nam mà cứ ngỡ mình đang ở nước ngoài.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Nguyên nhân

Có nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng ô nhiễm nói và viết tiếng Việt. Song nguyên nhân cơ bản là giáo dục. Giáo dục không chỉ dạy chữ mà còn dạy cho người ta lòng tự tôn dân tộc, biết tự hào với những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của tổ tiên để lại, dạy cách nói, cách viết sao cho câu văn trong sáng, dễ hiểu, dễ nghe.

Với vốn văn hóa ít ỏi và hời hợt nên khi hội nhập, nhiều người bị “quáng”, vơ quàng để khoe mẽ, chắp vá và làm ô nhiễm ngôn ngữ Việt.

Hội nhập nhưng không hòa tan, đó là bản lĩnh dân tộc và cũng là nghị quyết của Đảng ta.

Hơn ngàn năm Bắc thuộc, ta vẫn giữ được bản sắc văn hóa Việt Nam. Việc giao thoa văn hóa và tích hợp văn hóa Đông-Tây trong thế giới phẳng ngày nay là tất yếu. Nhưng làm thế nào để gạn đục khơi trong, học hỏi những điều hay, tốt trong văn hóa của bạn, làm phong phú cho bản sắc văn hóa Việt. Như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã từng nói: “Hội nhập càng rộng, càng sâu thì nền tảng văn hóa phải càng vững vàng hơn bao giờ hết...”.

Một nguyên nhân không kém phần quan trọng, đó là việc thẩm định những bài viết, bài đọc trước khi đăng tải hoặc phát sóng chưa được quan tâm. Người viết, người nói còn có tâm lý sính ngoại.

Cũng có thể có sự chi phối của đồng tiền tài trợ của các công ty, tổng công ty, tập đoàn nước ngoài đang ào ạt vào Việt Nam muốn quảng bá sản phẩm và xâm lấn văn hóa.

Cần phải có Luật Ngôn ngữ

Để chấm dứt tình trạng trên nhằm góp phần bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt, nên có Luật Ngôn ngữ để điều chỉnh hành vi nói và viết. Mà Luật Ngôn ngữ cũng chẳng cần lắm điều, nhiều lời, chỉ cần có những quy định tất cả văn nói và văn viết ở các thể loại báo, đài, biển hiệu (cả quảng cáo) phải là 100% chữ Việt. Nếu cần thì có thể thêm tiếng Tàu, tiếng Tây nhưng chỉ được phép ở bên dưới chữ Việt và phải nhỏ hơn chữ Việt. Kèm theo chế tài xử lý nghiêm.

Điều này, ở Nga, ngay từ năm 1991 và 1996, các tổng thống Elsin và Putin đã ký Luật Ngôn ngữ.

Mà tại sao lại không? Một người đi đường (sính chữ thì gọi là người “tham gia giao thông”) chỉ vượt đèn đỏ, phóng quá tốc độ, chưa gây tai nạn đã bị thổi còi, nộp phạt, giữ xe. Vậy tại sao nói bừa, viết bừa, gây lủng củng, tối nghĩa, làm ô nhiễm ngôn từ, di hại đến bản sắc nền văn hóa dân tộc, làm hại nhiều thế hệ lại không có luật và không có người thổi còi?

Đề xuất trên chỉ là một biện pháp nhỏ, để góp phần bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt, là vấn đề bàn thảo của hơn 300 đại biểu tại cuộc họp ở Hà Nội từ ngày 26 tới 30/10/1979 mà cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến dự đã phát biểu: “Hãy giữ gìn cho tiếng Việt mãi mãi trong sáng...”. Thủ tướng còn khẳng định rằng: “... Tổ quốc ta đẹp lắm, tiếng nói của dân tộc ta đẹp lắm!”.

Nguyễn Ngọc Bảo