Sự kiện người Trung Đông di cư ồ ạt, một điềm không hay?

Làn sóng di cư từ các nước Trung Đông hiện nay đã lên đến mức báo động về một cuộc “khủng hoảng nhân loại và nhân đạo” tại châu Âu.

Mỗi ngày có hàng ngàn người cập bờ biển Hy Lạp để vào châu Âu, có hàng ngàn người đã vượt qua biên giới Hy Lạp - Macedonia để tiến về phía bắc châu Âu. Nguồn tin cả trăm ngàn người từ Afghanistan sẽ chuyển động di cư về hướng châu Âu khiến cho sự lo lắng, bất an càng lớn thêm.

Sau 9 ngày mở cửa biên giới cho người di cư Trung Đông, ngày 13-9-2015 nước Đức đã tuyên bố đóng mọi cửa biên giới phía Nam, và sẽ kiểm soát tất cả mọi hộ chiếu để hạn chế dòng người di cư ồ ạt đổ vào Đức. Tính ra đã có 63.000 người di cư vào lọt được nước Đức. Sau khi Đức tuyên bố đóng cửa biên giới, Áo cũng ra lệnh đóng cửa biên giới của họ. Nước Hungary nay đã được bao bọc bởi một hàng rào dây kẽm gai cao 3m, dài 175km ở biên giới phía Nam, đóng kín biên giới Hungary và Serbia bằng một toa tàu cũ có chăng kẽm gai chặn đường xe lửa từ Serbia qua Hungary. Nước này cũng ban bố luật di cư mới vào ngày 15-9-2015 quyết định việc di cư xâm nhập Hungary là tội phạm hình sự. Những người di cư chạy đi đâu? Một con đường sống mới đã mở ra cho họ, họ chạy về hướng Croatia. Đoạn đường của họ không phải là không nguy hiểm, vì bom mìn của thời chiến tranh cũ vẫn còn nằm trong mặt đất, ước tính còn khoảng 700.000 quả mìn chưa nổ, nhất là trong khu vực biên giới giữa Serbia và Croatia. Thế nhưng, mới đây, Croatia cũng chọn giải pháp đóng cửa biên giới để đối phó với dòng người di cư.

Hội nghị Bộ trưởng Nội vụ của khối Liên minh châu Âu dời phiên họp đến ngày 8-10-2015, vì trong phiên họp ngày 14-9-2015 tại Bruxelles họ đã không đồng ý với tỷ lệ phân chia cho tổng số 160.000 người di cư đã vào đất châu Âu.

Liên hiệp quốc cho rằng, từ đây đến cuối năm 2015 sẽ còn có khoảng 1 triệu người Trung Đông đi di cư.

Vì sao dân chúng Trung Đông kéo nhau ồ ạt di cư? Động lực nào, yếu tố nào đã khiến cho nhiều người dân, chấp nhận cả việc hy sinh tính mạng trên đường di cư, cùng quyết định ồ ạt kéo nhau lên đường? Ai tổ chức, thiết lập những đường dây, bán thuyền bè, áo phao, thu tiền của người di cư?

Quan điểm của các nước Đông Âu trong vấn đề người di cư, từ chối không nhận người di cư Hồi giáo mà họ cho là không có khả năng hội nhập vào xã hội của họ, còn có một nguyên nhân khác không kém quan trọng, đó là việc các nước Đông Âu cho rằng họ không phải là những kẻ gây ra tình trạng bất ổn ở Trung Đông.

Vậy thì những ai đã gây ra tình trạng bất ổn ở Trung Đông, mà làn sóng di cư hiện nay, trầm trọng chưa từng thấy trong lịch sử châu Âu và Trung Đông, là hậu quả tất yếu và những người gây ra phải chịu trách nhiệm?

Tại sao người dân Syria, đặc biệt là hàng chục ngàn người trai trẻ, khỏe mạnh, tráng kiện, chiếm số đông trong con số người di cư, lại không ở lại đất nước họ để chiến đấu giữ nước, mà bỏ chạy? Họ là một đạo quân “ngầm” xâm nhập vào châu Âu để chờ thời cơ như người ta đã đưa tin?

Người ta đặt câu hỏi, nước Đức mở cửa đón nhận làn sóng người di cư chỉ vì lòng nhân đạo, đặc biệt là quyết định của nữ Thủ tướng Angela Merkel vào ngày 5-9-2015, hay còn vì những toan tính chính trị, chiến lược quân sự khác? Nếu quyết định của thủ tướng Đức có một mục đích chiến lược phối hợp chung với đồng minh, thì quyết định này cũng là một quyết định can đảm, vì xã hội Đức hiện nay cũng có nhiều mâu thuẫn trong vấn đề khác biệt dân tộc, văn hóa và tôn giáo. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2015 con số tấn công người di cư, đốt nhà người di cư đã lên đến 200 vụ được cảnh sát ghi nhận. Các con số khác về số lượng đơn xin tị nạn chính trị được chấp thuận, số lượng người di cư bị trục xuất và thời gian trục xuất giảm từ 6 tháng còn 3 tháng… cũng nói lên tình trạng mâu thuẫn. Tình hình trước mắt trông thấy là chính phủ Đức và người dân Đức còn cần có nhiều cố gắng để bảo đảm an ninh xã hội.

Tin tức báo chí châu Âu cho biết, Syria chỉ có khoảng 22,265 triệu dân, thì từ bốn năm nay đã có 250.000 người chết vì bom đạn và hơn 11 triệu người đi di cư. Sự kiện này có nghĩa là nhân lực chiến đấu và hậu cần để bảo vệ đất nước quê hương của Syria đã bị giảm hơn một nửa dân số!

Ngày 7-9-2015, Tổng thống Pháp François Hollande tuyên bố rằng ông đã yêu cầu Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Le Drian gửi máy bay thám thính đến Syria để sửa soạn một cuộc tấn công bằng máy bay tại các căn cứ, cơ sở của Nhà nước Hồi giáo IS. Tuy nhiên, tổng thống Pháp từ chối không gửi quân đội chiến đấu đến Syria. Quyết định mới này đã chứng tỏ Pháp đã thay đổi thái độ chiến lược đối với lực lượng Hồi giáo đang hoành hành tại Syria, nhưng Pháp cũng nhấn mạnh là sự tham chiến của Pháp không phải để ủng hộ chính phủ Baschar al-Assad đương nhiệm của Syria. Bộ trưởng Ngoại giao Pháp, ông Laurent Fabius, tuyên bố rõ hơn, là Pháp muốn có một chính phủ lâm thời tại Syria.

Đồng thời, Thủ tướng Anh David Cameron cũng tuyên bố với tờ Sunday Times là đầu tháng 10 ông sẽ yêu cầu quốc hội Anh chấp thuận một cuộc oanh tạc Nhà nước Hồi giáo IS tại Syria. Hai năm trước đây các dân biểu quốc hội Anh đã từ chối một cuộc tham chiến chống lại IS.

Bộ Ngoại giao Syria đã có công văn gửi Liên hiệp quốc phản đối sự can thiệp của Anh và Pháp trên lãnh thổ của Syria. Chính quyền của ông Baschar al-Assad chỉ công nhận nước Nga là đồng minh giúp đỡ.

Đồng thời, Mỹ lên tiếng cảnh báo Nga về những động thái quân sự tiếp viện cho Syria về trang bị vũ khí cũng như nhân lực.

Trong cuộc chiến tại Syria, Thổ Nhĩ Kỳ cũng theo đuổi một chiến lược “nước đôi”. Một mặt Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ Mỹ và thay mặt Mỹ trong cuộc chiến chống lại IS tại Syria. Nhưng mặt khác, quan trọng không kém đối với Thổ Nhĩ Kỳ là lợi dụng tình thế để tiêu diệt luôn thể thành phần PKK (đảng Lao động của người Kurde). Vấn đề mâu thuẫn giữa người Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurde đã kéo dài từ quá khứ. Một nhánh của PKK định cư tại phía bắc của Syria mang tên YPG (Tự vệ dân tộc của người Kurde), hiện đang chiến đấu chống lại lực lượng Nhà nước Hồi giáo IS.

Sự kiện lực lượng IS tàn phá các di tích văn hóa vô giá của chung cả nhân loại tại Palmyra cũng như việc hành quyết ông Khaled Asaad, 82 tuổi, giám đốc bảo tồn văn hóa của Palmyra, đã làm cho dư luận rất bức xúc.

Một số chính khách châu Âu, từ tả sang hữu, đã có can đảm để nói ra nhận định là ba sự kiện quan trọng tại Trung Đông - đó là sự tiêu diệt Saddam, Khadafi và cuộc chiến chống lại IS đang diễn ra tại Syria - là ba mồi lửa châm đốt khu vực này, hiện đang gây biến loạn cho châu Âu, cụ thể là các sự kiện khủng bố và sự kiện người di cư. Thêm vào đó, vấn đề Ukraina vẫn còn là một câu hỏi thời sự trước một tình hình bất an còn bỏ ngỏ.

Hai chính khách cánh tả Đức, bà Sahra Wagenknecht và ông Dietmar Bartsch, đã thẳng thắn tuyên bố trước quốc hội liên bang Đức ngày 7-9-2015 là trách nhiệm về tình hình di cư hiện nay tại Trung Đông và châu Âu là thuộc về nước Mỹ và đồng minh của Mỹ, tức là một số nước Tây Âu, đã gây bất ổn tại khu vực Trung Đông, cung cấp vũ khí và tài chính cho Nhà nước Hồi giáo để sử dụng thế lực này, châm một vành đai lửa về phía đông và nam châu Âu trong một chiến lược địa lý chính trị, quân sự và kinh tế thâm độc và lâu dài.

Đất nước Syria trở thành một bãi chiến trường, có một kẻ thù là lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo, nhưng có hai phe, một phe là nước Nga ủng hộ chính phủ Baschar al-Assad, phe kia là Anh, Mỹ, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Đức… và các quân đội đồng minh khác vừa chống IS vừa chống Al-Assad.

Mục đích chính của khối Tây Âu là vừa chiếm lại tài nguyên thiên nhiên đang bị Nhà nước Hồi giáo khai thác, đồng thời chiếm đóng chính trị và hành chánh Syria bằng một chính quyền khác không thân Nga? Rồi họ sẽ đưa những người hiện nay đang di cư, tạm trú tại các nước Tây Âu trở về cố quận? Một ván cờ chứa đựng nhiều tốn kém về nhân mạng! Nhưng sự leo thang chiến tranh tại Syria sẽ không dễ dàng vì nước Nga cũng bảo vệ quyền lợi của mình tại Syria.

Các sự kiện trên, cùng với những sự leo thang mua bán vũ khí của nhiều nước trên thế giới vừa qua, khiến cho người dân lo ngại một chiến sự lớn, có tầm ảnh hưởng thế giới, sắp xảy ra trên đất Syria.

Nhưng, sự lo lắng hiện nay của người dân về tình hình chiến sự leo thang tại Syria tất nhiên không ngăn chặn được bàn cờ chiến lược của các quốc gia muốn tham chiến. Người dân chỉ nuôi hy vọng rằng, sự kiện Syria không trở thành mồi lửa cho một cuộc đại chiến thế giới lần thứ ba, để giải quyết mọi bế tắc kinh tế của giai đoạn toàn cầu hóa và xã hội tiêu thụ hiện nay.

17-9-2015

MATHILDE TUYẾT TRẦN (Paris - Pháp)