Sendai thức dậy sau nỗi kinh hoàng

Sau hai năm xa cách, tôi trở lại thăm Nhật Bản quê chồng, một đất nước vừa chịu một thảm họa kép Động đất và Sóng thần vào ngày 11/3 năm nay đã làm cho cả thế giới bàng hoàng và kinh ngạc. Cuộc hành trình không dài cũng không ngắn đã để lại trong tôi bao dấu ấn cảm xúc và điều suy ngẫm.

Từ Tokyo chúng tôi đáp chuyến tàu muộn (tàu siêu tốc - Shinkansen) đi về phía Đông Bắc Nhật Bản, cách thủ đô Tokyo khoảng 500km. Tàu dừng lại sân ga Sendai hiện đại này sau đúng 1 tiếng 40 phút hành trình. Phút ngỡ ngàng đầu tiên của tôi là thành phố vẫn bình yên sau những đổ nát do trận động đất lớn nhất lịch sử nước Nhật gây ra mà tỉnh này là một nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất.

Nhà cửa lâu đài, đường sá, sân ga, cầu cống ở Sendai và một số vùng lân cận bị hư hại được sửa sang xây dựng lại nhanh chóng, không còn chứng tích nào còn sót lại để nhận biết đó là nơi vừa bị tan hoang đổ nát cho ta thấy sức mạnh thần kỳ của một đất nước, của một dân tộc. Nếu không chứng kiến tận mắt những gì đang diễn ra ở đây thì không thể thấy được hết tính trung thực của nó.

Sendai đang vào mùa lễ Ôbôn (Tảo mộ) từ ngày 13 tới 16 tháng 8, và lễ hội Tanabata (Lễ hội Ngưu Lang - Chức Nữ) ngày 7 tháng 8 Dương lịch. Mặc dù không được vui nhộn như mọi năm, nhưng không khí của lễ hội vẫn giữ được tính trang nghiêm đậm nét truyền thống văn hóa của người Nhật Bản.

Bên cạnh những chiếc lồng đèn hoa rực rỡ đủ màu sắc, hình dạng được trang trí đẹp mắt và tiếng nhạc êm dịu, sâu lắng chan hòa trong nắng ấm và gió thanh là những giải băng rôn với những hàng chữ “Người dân Sendai hãy cố gắng cùng nhau vượt qua đau khổ xây dựng lại quê hương”.

Những nam thanh nữ tú trong bộ trang phục truyền thống kimono lộng lẫy sánh vai bên nhau đi hội trong không khí thanh bình, yêu thương… Tuy mất mát đau thương nhưng không phải vì thế mà các lễ hội truyền thống không được tổ chức mà trái lại, người Nhật quan niệm rằng dù trong hoàn cảnh nào họ cũng vẫn duy trì và bảo tồn những nét đẹp văn hóa lâu đời của mình, nhắc nhở người dân luôn nhớ đến cội nguồn bản sắc dân tộc.

Chúng tôi có hơn 10 ngày ở Shiogama, quê hương nơi cha mẹ chồng tôi đang sống cách thành phố Sendai 13km về phía Đông. Thời gian này chúng tôi có dịp đi thăm nhiều nơi trong tỉnh Miyagi, nhất là các thành phố miền duyên hải nơi bị sóng thần quét sạch và bị xóa sổ gần như hoàn toàn, mới thấy được nỗi đau thương của người dân nơi đây .

Nơi đầu tiên chúng tôi đặt chân đến là thị trấn Yuriage thuộc thành phố Natori, cách trung tâm Sendai khoảng 25km về phía Bắc. Thành phố này trải dài trên một không gian rộng lớn từ biển nối liền với các thành phố lân cận có dân số 73.140 người. Nơi đây sóng thần ập đến sau một tiếng đồng hồ khi động đất xảy ra, đã phá tan hoang và dìm thành phố trong biển nước. Thị trấn Yuriage bị xóa sổ hoàn toàn trên mặt đất.

Ước tính có khoảng gần 1.000 người chết và 73 người mất tích. Chúng tôi đến đây vào một buổi chiều. Những cơn gió biển lồng lộng thổi vào vẫn không thể làm dịu đi cảm xúc bàng hoàng của tôi và những người cùng đồng hành. Đứng giữa trời đất mênh mông bao la nhìn cảnh hoang tàn đổ nát của một thành phố sầm uất mà lòng không sao diễn tả hết nỗi xúc cảm của mình.

Những đống đổ nát đang được các đội cứu trợ thu dọn chất cao như núi sừng sững ngổn ngang. Những ngôi nhà cao tầng vẫn đang còn nham nhở. Thỉnh thoảng có những chuyến xe chở khách đến đây mà phần lớn là những người may mắn thoát chết về thăm lại nhà xưa. Họ ngậm ngùi, lặng lẽ tiếc nuối, từng bước đi lững thững trong chiều hoang.

Ngược về phía Đông Bắc là thành phố Ishinomaki, cách trung tâm Sendai 50km, một trong những miền duyên hải chịu nặng nề nhất về người và của. Cái nắng gay gắt và những cơn gió lộng từ biển thổi vào một thành phố hoang tàn đổ nát không làm dễ chịu bước chân người lữ khách đến đây. Dân số nơi đây khoảng 160.704 người.

Những tòa lâu đài biệt thự nguy nga nằm san sát bên nhau trên các triền dốc bên bờ biển thơ mộng giờ đây trở nên như một nghĩa địa phẳng với những đổ nát ngổn ngang. Chúng tôi đi bộ qua những ngôi nhà cao tầng lở lói nham nhở đang còn đung đưa những sắt thép, gạch ngói chưa được dọn. Một mùi hôi thối bốc lên tanh nồng, có thể là mùi của những thi thể còn kẹt lại đâu đó trong đống đổ nát cộng với mùi nước biển hòa trong cái nắng gay gắt làm cho tôi cảm thấy ngột ngạt, xót xa và ớn lạnh.

Là một thành phố cảng biển, có địa hình địa thế cao thấp khá lý tưởng với hai hòn đảo núi cao sừng sững hai bên cửa biển làm nên một tư thế như một cửa ngõ dẫn lối vào thành phố được tạo hóa sắp đặt rất ngẫu nhiên, nằm lọt thỏm giữa những dãy núi cao mà phía sau lưng như một cái xương sống làm điểm tựa cho toàn thành phố dựa lưng vào đó.

Đi giữa cơn nắng chiều còn sót lại mà đầu óc tôi cứ bị chi phối bởi bao nhiêu điều ghê rợn do tưởng tượng. Các đội dọn dẹp thật dũng cảm và kiên cường. Họ vừa làm công tác thu dọn vừa làm công việc xây dựng lại đường sá. Những chiếc xe ben, xe tải, xe múc, xe ủi… chạy lui chạy tới làm nhiệm vụ chuyên chở gạch đá sắt thép và vật liệu xây dựng.

Thành phố Sendai, tỉnh Miyagy, Nhật Bản trước trận động đất lịch sử.

Tại thành phố Shiogama, nơi có cảng biển chỉ cách nhà cha mẹ chồng tôi khoảng 4km về phía Đông Bắc, nối liền với thành phố Matsushima là một khu du lịch nổi tiếng với nhiều cảnh sắc trời biển thiên nhiên kỳ thú.

Phong cảnh tuyệt mỹ nơi đây như một bức tranh thủy mặc với vẻ đẹp vừa êm đềm vừa hùng vĩ được tạo nên bởi một quần thể gồm hàng trăm cù lao lớn nhỏ nhấp nhô trên biển, và những cánh rừng thông - một thảm thực vật vô cùng phong phú xanh tươi, trầm tư và cổ kính như phủ xanh lên nền trời lồng lộng điểm xuyết cho bức tranh thiên nhiên trời biển thêm phần thơ mộng.

Chính nơi đây, cơn sóng thần hung dữ cũng đã ập vào thành phố với bán kính 4km tính từ bờ biển nhưng đã không gây thiệt hại lớn về người và nhà cửa. Chỉ có hai người chết và một số bị thương do sập nhà. Sức gió và sức sóng nơi đây không đủ mạnh để “bức tử” những thành phố nằm dọc theo bờ biển có địa hình địa thế thuận lợi của những hòn đảo như những bức bình phong che chắn.

Tuy may mắn nhiều nhưng những dư âm của nó vẫn để lại cho người dân bao nỗi kinh hãi. Cha mẹ chồng tôi cũng đã may mắn thoát khỏi cơn ác mộng mà cả đời họ chưa bao giờ chứng kiến. Nhờ ngôi nhà nằm trên một ngọn đồi cao lý tưởng nên sóng thần không đến được. Hơn nữa, sự kiên cố của ngôi biệt thự nhà vườn được thiết kế và xây dựng rất chắc chắn nên đủ sức chịu đựng cơn địa chấn mạnh, đã không làm hư hại nhiều lắm.

Trong những ngày kinh hoàng đó, cha mẹ chồng tôi đã phải chống chọi với cái lạnh cuối mùa đông Nhật Bản thật là dũng cảm trong điều kiện không nước uống, không điện, ga, không nhiên liệu sưởi ấm, không có liên lạc thông tin…

Nhờ sự chu đáo tối đa trong cuộc sống hằng ngày của mẹ chồng tôi, một phụ nữ trí thức, đảm đang và đầy nghị lực, họ đã vượt qua được cơn sang chấn tinh thần ở tuổi quá 80 một cách bản lĩnh…

Sự sống và cái chết thật mong manh. Nỗi sợ hãi thật ghê gớm! Đã 6 tháng trôi qua mà nỗi ám ảnh về cái chết và sự ra đi không trở lại của người thân, của đồng loại chưa thể làm họ nguôi ngoai nỗi đau trong tâm hồn. Những người tị nạn được tạm cư tại những ngôi trường, cơ quan, công sở, sống nhờ sự trợ giúp của chính phủ.

Chính phủ Nhật Bản đã và đang có những chính sách thích hợp để dần ổn định cuộc sống cho họ. Một vài sinh hoạt nơi đây đã trở lại có vẻ như bình thường. Nhiều trường học được dành cho những người vô gia cư tạm bợ trong khi học sinh vẫn đi học. Cả nước Nhật quan tâm đồng cam cộng khổ với họ. Cả thế giới đang hướng về họ, thông cảm và chia sẻ với họ nỗi đau quá lớn lao này.

Trong hàng trăm câu chuyện cảm động về họ, về những tấm lòng nhân ái và tinh thần sẻ chia của hàng triệu trái tim trên thế giới này còn có một câu chuyện mà tôi được nghe kể về một người làm công tác văn hóa trẻ tuổi tên là Ishiikota, người Nhật Bản, bạn của chồng tôi - giáo sư Muranushi Michimi, người cùng đồng hành trong chuyến đi này.

Sau cơn sóng thần hung dữ ập đến, với nhiệm vụ cấp bách, với sự hối thúc của lương tâm, ông Ishiikota cùng với các bác sĩ, cảnh sát và gia đình nạn nhân đã cùng nhau bắt tay vào giải quyết hậu quả. Nhóm này được gọi là đội ITAI AN CHI SHOU (Đội tìm kiếm và nhận dạng thi thể nạn nhân), làm nhiệm vụ điều tra, tìm kiếm thi thể của những người xấu số.

Công việc thật vất vả, nguy hiểm nhưng cao quý này của họ được thực hiện liên tục từ ngày này qua ngày nọ trong tinh thần miệt mài, cần mẫn. Những thi thể được lôi ra từ những đống gạch đổ nát ngổn ngang và các khối bê tông bị mắc kẹt giữa những dây nhợ sắt thép chằng chịt đã bị biến dạng, trương phồng, thối rữa. Có những thi thể khi lôi ra được thì cũng không còn nguyên vẹn nữa. Tất cả được tập trung lại một nơi để phân loại, nhận dạng.

Thành phố Sendai đang được khôi phục nhanh chóng

Ở những nơi khác, nơi không bị ảnh hưởng của sóng thần, cuộc sống của người dân vẫn trôi đi bình lặng như không có chuyện gì xảy ra. Tokyo vẫn nguy nga tráng lệ, mặc dù sau động đất, thủ đô này được xem như trong tình trạng thời Trung cổ. Không điện thắp sáng, không nước uống, mọi hoạt động đều bị tê liệt gần như hoàn toàn. Bây giờ, nếu có chăng, để ý sẽ thấy sự vắng mặt của người nước ngoài. Họ sợ nên đã di chuyển về nước chưa trở lại học hành và làm việc.

Sự cố điện hạt nhân Fukushima hình như không có ảnh hưởng gì nghiêm trọng đến cuộc sống sinh hoạt của người Nhật Bản. Điện sinh hoạt, sản xuất được khắc phục đầy đủ sau một tuần đại họa xảy ra. Không hề có sự cố cắt điện, ngưng điện giữa chừng làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Chỉ có những nơi như sân ga, bến xe, bến tàu, nơi công cộng… điện được tiết kiệm.

Mọi người dân Nhật Bản cùng nhau chia sẻ một cách bình đẳng sự khó khăn mà họ cho là nhất thời, cảm thông với chính phủ để từng bước khắc phục hậu quả. Rau quả thức ăn trong các siêu thị có phần giảm về số lượng vì do tác động xấu của thiên tai, do ảnh hưởng gián tiếp của sự kiện phóng xạ nguyên tử hạt nhân làm ảnh hưởng đến sản xuất.

Giá cả bình ổn, sinh hoạt bình thường không có sự xáo trộn xã hội, không có sự bất an trong lòng người dân. Họ vẫn an nhiên tự tại học tập lao động với hy vọng sẽ hàn gắn nhanh chóng những gì mà dân tộc họ đã mất mát trải qua.

Tôi và ông Cáp Doãn Bình, một trí thức hưu trí, là những người Việt Nam được vinh dự đến viếng thăm những nơi này với tư cách gia đình, đã trở về từ chuyến đi với bao cảm xúc ngậm ngùi, xin thắp nén hương lòng tưởng nhớ và nguyện cầu cho những nạn nhân xấu số đã vĩnh viễn ra đi về bên kia thế giới. Xin chia sẻ nỗi đau này với thân nhân của họ.

Xin kính cẩn nghiêng mình trước ý chí, lòng kiên nhẫn chịu đựng của một dân tộc. Niềm kiêu hãnh và tinh thần tự tôn dân tộc của họ thật đáng trân trọng và thán phục! Họ đã và đang vươn dậy một cách thần kỳ với ý chí và quyết tâm cao làm cho cả thế giới thán phục, để xây dựng lại đất nước, hàn gắn lại vết thương lòng đang còn rỉ máu.

Song Cầm