SINH NHẬT LẦN THỨ 70 NSND TRÀ GIANG : Trà Giang - Nét đẹp vĩnh cửu...

Chưa bao giờ chị nhận mình xinh đẹp. Chị nói rất thật lòng, không chút màu mè. Chị bảo suốt thời thiếu nữ chưa từng có ai khen chị đẹp. Nếu quả đúng như chị nói thì điện ảnh thực sự  là phép mầu  đã biến một chú vịt con xấu xí thành con thiên nga vút bay trên đỉnh hào quang của nghệ thuật. Gần nửa thế kỷ nay, khoảng trời ấy vẫn là của riêng chị, dù chị đã dừng lại 20 năm.

Chị là con gái thứ hai của người mở đường cho điện ảnh Khu 6, bác Nguyễn Văn Khánh. Lúc ấy chị chỉ mới 5-6 tuổi, có biết điện ảnh là gì. Nhưng ba làm cách mạng, ở đoàn văn công thường đi khắp nơi, mỗi lần đi ông mang cả gia đình theo. Có lần đi trong rừng giữa đêm, ba rọi đèn pin vào mắt chị, nhưng chị vẫn không chớp mắt, ba cười bảo: “Con Giang lớn lên làm tài tử xi nê được”. Đó là những tháng ngày gian khổ nhất, những ngày chạy Tây ruồng bố, ngày cha bị chúng ruồng bắt, rồi mẹ cũng bị bắt khi đứa em nhỏ đang còn bú. Làm sao mà chị quên được cái cảm giác nghẹn ngào khi đứng bên ngoài bờ rào trại giam mỗi ngày đến thăm mẹ, ngọai phải bồng em đến bên giếng nước để mẹ cho em bú… Chị đã lớn lên như thế, suốt cuộc gian lao kháng chiến của ba, sự kiên trinh gan góc của mẹ, rày đây mai đó dọc theo những nẻo đường miền Trung…

pic
Chân dung NSND Trà Giang

12 tuổi, chị tập kết cùng gia đình, là cô bé học sinh miền Nam  gầy đét, xanh xao. Chị đã bước vào trường điện ảnh với thứ hạng cao, 17 tuổi, nhan sắc chị chìm lẫn giữa rừng hương sắc. Bao nhiêu là người đẹp rực rỡ xung quanh chị, chị tự nhận là mình xí gái nhất lớp, chị không tự tin về ngoại hình của mình, nhưng chị biết nét đẹp của mình là dành cho điện ảnh. Năm 1962, chị vào vai chị Tư Hậu. Nét đẹp dịu dàng ấy đã chinh phục đạo diễn Phạm Kỳ Nam và nhà văn Bùi Đức Ái... Bộ phim hoàn thành, và sau đó được giải bạc Liên hoan phim Mátxcơva.

Cô gái 20 tuổi  Trà Giang lúc ấy chưa có người yêu, nhưng cô đã bước vào nhân vật người mẹ bằng sự trải nghiệm của chính mẹ cô. Khi chị Tư Hậu ẵm bé Thủy  trên tay, Trà Giang đã rơi nước mắt với hình ảnh người mẹ ngồi cho con bú bên giếng nước trong trại giam năm nào. Cô sống cùng với chị Tư Hậu bằng cả tuổi thơ phải đối mặt với những ngày tháng chạy Tây ruồng bố, bằng nỗi xúc cảm trào lên  trong sự căm giận nghẹn ngào khi nhớ đến  hình ảnh các chị, các mẹ bị hãm hiếp, bị cướp bóc ở những nơi cô từng đi qua trên những làng quê miền Nam xơ xác. Ký ức đau thương ấy đã in đậm trong đôi mắt cô gái 20 tuổi, và đôi mắt ấy đã nói được hết bằng trái tim rất đau của người mẹ.

Cảnh chị Tư Hậu bị hiếp trong chòi lá, cảnh chị chạy băng băng ra biển định trầm mình rồi đứng sựng lại khi nghe tiếng khóc của con gái hay cảnh chị Tư Hậu hay tin con gái bị bọn giặc bắt trên đường đi công tác… đó là những cảnh cao trào nhất của phim, nhưng Trà Giang không xử lý bằng nước mắt ồn ào, bởi  trong tình huống này, tiếng khóc sẽ chỉ làm nhẹ đi nỗi đau… Chỉ có ánh mắt mới nói hết sự tê lạnh và đau xé của trái tim. Và ánh mắt của chị đã thực sự làm rơi nước mắt hàng triệu khán giả suốt gần nửa thế kỷ nay.

Từ chị Tư Hậu đến chị Dịu của Vĩ tuyến 17 ngày và đêm là cả một hành trình dài 10 năm. Cô gái 20 tuổi năm xưa đã là một thiếu phụ nền nã, đằm thắm, đã có người bạn đời là nghệ sĩ violon Nguyễn Bích Ngọc. Chị Dịu của Trà Giang đã có độ chín của tuổi đời và độ rung của cảm xúc từ những mảnh đời rất thực. Đó là hình ảnh của chính chị Diệu, Bí thư Chi bộ xã Gio Linh, người đã phải lấy một người câm để che mắt địch, người đã từng sinh con trong tù và tìm mọi cách để mang con sang bờ Bắc trao lại cho chồng và trở về tiếp tục hoạt động trong lòng địch... Chính nhân vật ấy đã mang lại cho chị Giải nữ diễn viên xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Mátxcơva 1973, cùng năm đó chị cũng có một tác phẩm quý giá nhất của riêng mình, đó là Bích Trà, con gái đầu lòng của chị.

Cô con gái chị đã hoài thai trong những tháng ngày phải dầm mình gian lao cùng chị Dịu nơi cửa Tùng. Nhân vật Dịu được thể hiện bằng hết cả sức lực và máu thịt của chính chị, với những tháng ngày cực kỳ gian khổ giữa bom đạn, vừa quay vừa tránh bom như đang ở chiến trường thì kỳ diệu thay, Bích Trà cũng đã được kết tinh từ những ngày tháng gian lao ấy của bố mẹ. Khi quay xong những cảnh cuối cùng, chị đã ngã bệnh vì quá đuối sức, cũng là lúc chị biết mình có Bích Trà… Cô con gái yêu của anh chị đã cùng hứng chịu những gian lao nhất trong cuộc đời làm nghệ thuật của me và năm cô cất tiếng khóc chào đời cũng là năm mẹ cô bước lên bục vinh quang nhất ở Liên hoan phim Mátxcơva…

Chị đã có một mối tình đẹp, một cuộc sống hạnh phúc trọn vẹn trong tình yêu đầy bao dung, che chở của anh. Ngay từ bé, chị đã rất yêu nhạc, chị yêu anh vì cảm phục ý chí và tài năng của anh… Khi lấy nhau, chị đã là một diễn viên nổi tiếng, chị Tư Hậu vẫn là hình ảnh trong mộng của biết bao người, nhưng chị vẫn sống bình dị, không có gì thay đổi. Thời ấy, không có từ ngôi sao, và chị chưa từng bao giờ nghĩ mình là sao. Chị vẫn sống khiêm nhường trong căn phòng nhỏ như mọi người, vẫn mỗi ngày đến xưởng phim làm việc khi chưa có vai diễn. Thời của chị, mọi người chỉ sống với nhau bằng nghĩa tình, và tất cả đều có một mục tiêu duy nhất là chiến trường, là sự réo gọi tha thiết của miền Nam. 

Chị đã ba lần bước lên bục vinh quang nhận giải diễn viên xuất sắc nhất, sau chị Dịu là chị Nhân trong Ngày lễ thánh và chị Hương trong Huyền thoại Mẹ. Nếu như chị Tư Hậu và chị Dịu, hai người phụ nữ trong thời chiến phải biết nén lại nỗi đau riêng vì đại cuộc thì hai người phụ nữ trong thời bình là sự  dằn xé khổ đau, là sự hy sinh cao cả trong trái tim người mẹ…

Nhưng có một nỗi đau mà hơn 10 năm nay chị vẫn cảm thấy quá sức mình. Đó chính là nỗi đau trong đời thực của chị. Ngày anh ra đi, chị thất thần như lạc ở đâu trong cõi mê. Chị vẫn tiếp chuyện cùng mọi người trong đám tang anh, nhưng đôi mắt chị, tâm hồn chị không có ở đó, nó lặng im, tối sầm đến se thắt lòng người. Chị không khóc nhiều trước mặt mọi người, nhưng tôi biết chị đau đến tê lịm. Sau này, khi bình tĩnh trở lại, chị đã tâm sự rằng nhân vật của chị cũng đã trải qua nỗi đau mất chồng và chị đã diễn bằng dòng nước mắt. Nhưng bây giờ, khi mất anh chị mới thấy mình diễn như thế là chưa đạt, dòng nước mắt không thể chứa hết cái tê dại của trái tim, không thể chở chuyên hết nỗi trống rỗng của tâm hồn… Nhưng cũng may mắn sao trong nỗi cô đơn tột cùng ấy, chị đã tìm đến với hội họa, đầu tiên chỉ là muốn lấp đầy mình bằng công việc, để không phải khóc, không phải đau mãi một mình.

Chị muốn tự đứng dậy bằng cách hòa mình vào thế giới của sắc màu, lúc đầu là để quên, nhưng dần dần chị cảm thấy như bị hút vào với nỗi đam mê mãnh liệt. Chị vẽ tranh bằng cả niềm vui và cả nỗi buồn của riêng chị. Từ những năm đầu mới tập cầm cọ, bức tĩnh vật Lẻ loi đã như một lời đề từ đầu tiên với chính mình bằng hình ảnh đôi chén trên mâm, một đã úp xuống, một còn trơ trọi với đôi đũa nằm nghiêng chếch về phía cái chén úp im lìm. Chị bảo cái chén còn lại ấy là chị, đôi đũa chính là trái tim chị, nó đã đi theo cùng người đã nằm xuống. Đó là tâm sự riêng, nên chị chưa từng mang bức tranh này ra triển lãm, bởi chị muốn giữ nó lại cho chính mình. 

pic
"Lẻ loi", tranh sơn dầu của NSND Trà Giang

Bây giờ, đã hơn 10 năm cầm cọ, tranh chị bán ra hàng mấy trăm bức, có bức lên đến mấy ngàn đô la… Chị cười bảo, tưởng chỉ để quên buồn, dè đâu nó cũng nuôi được mình đấy.  Nhiều người bảo chị bán được tranh vì cái tên Trà Giang, điều đó cũng có thể, vì người ái mộ chị quá nhiều. Nhưng thực ra, chẳng ai điên đến mức chỉ vì  một cái tên mà đem thượng giữa phòng khách nhà mình một bức vẽ không ra sao...

Chị thích vẽ hoa và tĩnh vật với màu sắc dịu nhẹ, đặc biệt gam màu tím lạnh tràn đầy trong những bức vẽ của chị, từ cảnh trí đến hoa, đâu đâu cũng lãng đãng một sắc tím dịu dàng… Xem tranh chị, có thể hình dung được tâm hồn chị, nhẹ nhàng, thư thái nhưng vời vợi buồn… Với chị, hội họa là cứu cánh sống, là một khám phá tuyệt vời, đã tiềm ẩn trong chị suốt bao năm nay; bên cạnh ánh hào quang của điện ảnh, năng khiếu ấy dường như đã ngủ quên nhiều năm, bây giờ mới bộc lộ. Và chị hạnh phúc với  niềm vui đã bắt gặp lại chính mình…

pic
"Hoa đào miền cao", tranh sơn dầu của NSND Trà Giang

Dễ thường đã hơn 20 năm chị xa rời điện ảnh, dù trái tim vẫn đau đáu cùng vầng sáng của phim trường. Tôi hiểu lắm nỗi niềm của chị, ở cái tuổi mà tài năng đã chín, người diễn viên hoàn toàn có thể tự tin với  chính mình thì cũng là lúc không còn chỗ cho mình nữa. Cái khắc nghiệt ấy không phải là mẫu số chung của điện ảnh, mà dường như chỉ có ở điện ảnh Việt Nam. Bởi ở cái tuổi mà chị buộc phải dừng lại thì Meryl Streep vừa nhận giải Quả cầu vàng Diễn viên chính xuất sắc nhất. Chị dừng lại vì không thể gượng gạo vào những vai diễn không hồn trên màn ảnh nhỏ, dù có lắm lời mời.

pic
Chân dung NSND Trà Giang

Thực sự, chị đã làm đúng với sự kỳ vọng và tình yêu của khán giả. Chị bảo vệ hình ảnh của mình  không phải chỉ vì mình mà còn vì  sự kính trọng khán giả. Nhưng tôi biết trái tim chị chưa bao giờ rời xa điện ảnh. Chị vẫn luôn luôn muốn biết, muốn xem tất cả những phim do các diễn viên trẻ bây giờ đóng và luôn hết lòng khích lệ các em.  Nhớ mãi nụ cười tươi hết cỡ của chị trong ngày Mai Hoa và Hồng Ánh cùng đoạt hai giải chính và phụ trong Liên hoan phim Châu Á-Thái Bình Dương năm 2000, chị ôm hôn các em như cố truyền chút nồng nàn của trái tim mình cho điện ảnh. Năm 2009, Hồng Ánh đoạt giải xuất sắc ở Liên hoan phim Dubai, cô bảo, cô cảm động rơi nước mắt vì vừa về đến sân bay Tân Sơn Nhất, cú điện thoại đầu tiên cô nhận được là lời chúc mừng nồng nhiệt  của cô Trà Giang.

Trà Giang là dòng sông uốn khúc nơi quê hương sinh ra chị, tên chị cũng như tâm hồn chị, dịu dàng, đằm thắm và lắng sâu. Có lẽ chị  là người diễn viên duy nhất vắng mặt trên màn ảnh hơn 20 năm nhưng vẫn còn sức hút đặc biệt đối với nhiều thế hệ người Việt Nam. Thời của chị là thời của thập niên 60-70, những người ở lứa tuổi chị ngưỡng mộ chị đã đành, nhưng cả thế hệ trẻ sinh ra ở thập niên 70-80 cũng vô cùng yêu quý chị.

Nhớ một lần cùng đi Hàn Quốc dự Liên hoan phim Pusan cùng chị, khi chị xuất hiện trong buổi trình diễn do những người bạn Hàn Quốc tổ chức, họ đã vô cùng ngạc nhiên khi nhìn thấy các em du học sinh Việt Nam ở Hàn Quốc bâu lấy chị đến nỗi làm náo loạn cả một góc hội trường chỉ vì muốn được trò chuyện và được chụp hình chung với cô Trà Giang. Cô sinh viên phiên dịch đã giải thích cho họ hiểu rằng dù cô Trà Giang không còn đóng phim đã lâu, nhưng những bộ phim cô đóng chúng em đều được xem và đều rất ngưỡng mộ cô. Ở nước Việt Nam, nếu có người không biết đến tên cô Trà Giang thì đó là một chuyện lạ. Chắc có lẽ em hơi nói quá lên một chút, nhưng nhìn ánh mắt em khi khẳng định một câu chắc nịch như thế, tôi mới thấy hết tình cảm của giới trẻ dành cho chị nồng nhiệt biết chừng nào…

Chị hạnh phúc, rất hạnh phúc khi đón nhận mối thâm tình của khán giả đối với chị. Chị chưa từng tự nhận mình là ngôi sao, chị sống bình dị hơn cả sự bình dị của một người bình thường. Khi chị ốm nặng phải vào viện, chị không hề đòi hỏi gì cho riêng mình, không hề thấy vì mình là Trà Giang nên phải được phục vụ tận tình hơn người khác. Chị cảm ơn tất cả những bác sĩ, y tá đã điều trị cho chị một cách chân tình, chị xin lỗi cô y tá khó tính trách mắng chị một cách vô lý và vẫn cười dịu dàng. Tôi đã từng nghĩ giá như một Nghệ sĩ Nhân dân nào khác mà gặp tình huống như chị thì sẽ ra sao? Chắc chắn cô y tá sẽ bị khiển trách và bệnh viện sẽ phải xin lỗi chị. Nhưng chị bảo, chắc do em ấy cực vì chị nhiều, cáu gắt một chút, nên thông cảm cho em…

10 năm mất anh, 10 năm ấy chị vẫn chỉ có một bóng hình duy nhất là anh. Mỗi chủ nhật hàng tuần chị lại ra nghĩa trang trò chuyện cùng anh, kể cho anh nghe những thành công của con gái nơi xứ người. Chị hạnh phúc vì đã không làm vướng bước chân con... Chị  từng nói chị cảm ơn hội họa không phải chỉ cho bản thân chị, mà chính hội họa đã làm yên lòng con gái nơi xa khi nghĩ về mẹ. Đó là chị: Nghệ sĩ Nhân dân Trà Giang. Một nét đẹp vĩnh cửu cùng thời gian. Nét đẹp đằm thắm, dịu dàng và chung thủy…

NGÔ NGỌC NGŨ LONG