Siết chặt quản lý tàu du lịch

Nhiều giải pháp lâu dài nhằm hạn chế các vụ TNGT liên quan đến tàu khách du lịch vừa được các Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và Bộ GTVT đưa ra tại Hội nghị trực tuyến về công tác quản lý hoạt động du lịch đường thủy diễn ra chiều 1/6/2011 tại Hà Nội.

Hội nghị được Bộ GTVT phối hợp với Bộ VH - TT và DL tổ chức dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Mạnh Hùng và Thứ trưởng Bộ Bộ VH - TT và DL Hồ Anh Tuấn. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh thời gian gần đây liên tiếp xảy ra nhiều vụ TNGT đường thủy gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

Năm 2010, tại Tuyên Quang xảy ra vụ đắm đò khiến 8 người thiệt mạng. Gần đây nhất là vụ TNGT nghiêm trọng trên sông Sài Gòn làm chết 16 người, trong đó có nhiều trẻ em, mà nguyên nhân được đánh giá chủ yếu là do người điều khiển phương tiện và nhân viên phục vụ trên tàu kém hiểu biết khi xảy ra sự cố bất ngờ.


Tàu Dìn Ký gặp nạn trên sông Sài Gòn.

Hoạt động du lịch đường thủy bao gồm vận chuyển khách du lịch, lưu trú, nhà hàng... đòi hỏi những quy định riêng, tiêu chuẩn cao về đăng kiểm và tiêu chuẩn phục vụ. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có những quy định cụ thể trên phạm vi cả nước. Theo bà Nguyễn Thị Điệp - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, công tác quản lý các điểm dịch vụ trên vịnh, sông hồ cũng chưa được quan tâm đúng mức, vẫn còn hiện tượng ép giá, ép khách, tự ý tăng giá cước vận tải trong các dịp cao điểm. Chất lượng nhân viên phục vụ trên tàu mới chỉ ở mức phổ cập.

Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng thiếu chặt chẽ, việc ai nấy làm đã dẫn đến lỗ hổng lớn trong công tác quản lý. Các vụ TNGT nghiêm trọng trong thời gian gần đây cũng xuất phát từ chính những nguyên nhân này. Thêm nữa là sự cẩu thả trong tổ chức kinh doanh, sự thiếu nghiêm minh, kiên quyết trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATGT đường thủy.

Hoạt động kinh doanh vận tải khách du lịch bằng phương tiện thủy thực sự phát triển trong vài năm gần đây. Đến nay, số lượng tàu thuyền du lịch đã tăng lên 10.000 chiếc, cùng với đó là tình trạng một số bến bãi bị quá tải như Bãi Cháy (Quảng Ninh), Ninh Kiều (Cần Thơ)... Lượng phương tiện tăng nhanh chóng kéo theo nhu cầu về nhân viên phục vụ trên tàu tăng cao.

Tuy nhiên cũng chính vì thế mà chất lượng nhân viên phục vụ trên tàu du lịch hiện nay rất thấp. Thậm chí theo Đại tá Nguyễn Anh Thắng - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Đường thủy, trong đợt kiểm tra gần đây nhất, đoàn kiểm tra phát hiện nhiều nhân viên trên tàu không biết bơi. Như vậy nếu xảy ra sự cố, nhân viên nhà tàu không thể tham gia cứu hộ.


Tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh).

Để sớm khắc phục những tồn tại trên, UBND các tỉnh, thành sẽ tổ chức những đoàn kiểm tra liên ngành gồm GTVT, VH - TT và DL, kiên quyết loại bỏ phương tiện thủy không đủ tiêu chuẩn. Tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo cán bộ công nhân viên trên tàu du lịch.

Công tác đăng kiểm cũng sẽ được nghiên cứu điều chỉnh theo hướng tăng lên cả về định tính và định lượng. Định kỳ tổ chức kiểm tra điều kiện kinh doanh, điều kiện hoạt động cả về phương tiện và con người, điều kiện an ninh, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống cháy nổ...

Về lâu dài, cùng với Bộ tiêu chuẩn Việt Nam về xếp hạng tàu lưu trú du lịch sắp được ban hành, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng xây dựng Bộ Tiêu chuẩn xếp hạng phân loại tàu, thuyền vận chuyển khách du lịch, nhà hàng nổi; Quy định thiết kế, vật liệu đóng tàu du lịch, trong đó lưu ý đóng mới tàu, hạn chế chuyển đổi, hoán cải tàu cá, tàu hàng thành tàu chở khách du lịch

Ông Phạm Minh Nghĩa - Phó Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN Tổng kiểm tra tàu du lịch từ 2/6

Hiện nay đã có các quy định cụ thể về kinh doanh vận tải khách, nghĩa vụ của người kinh doanh vận tải, nghĩa vụ mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự, điều kiện người lái... Tuy nhiên vẫn còn nhiều tồn tại trong quản lý hoạt động phương tiện này. Bộ GTVT sẽ tổng kiểm tra toàn bộ tàu thuyền du lịch từ 2/6 và phối hợp với các cơ quan liên quan sớm ra tiêu chuẩn đối với thuyền viên phục vụ trên tàu du lịch.

Đại tá Nguyễn Anh Thắng - Phó Cục trưởng Cục CS Đường thủy Lực lượng TTKS rất mỏng

Đơn cử cả tuyến sông Sài Gòn chỉ có 5 chiến sỹ CS đường thủy nên tuần tra kiểm soát yếu. Thêm nữa, nhiều quy định xử phạt hiện không thực hiện được do thiếu phương tiện và bến bãi như việc buộc hạ tải và tạm giữ phương tiện. Tôi cho rằng rất cần quy định độ tuổi đối với thuyền trưởng (trên 35 tuổi). Bên cạnh đó, phải tăng cường tuyên truyền các quy định ATGT đường thủy đối với hành khách và cả người điều khiển tàu, chủ tàu. Khách phải có quyền được phát áo phao khi đi tàu.

Giám đốc Sở GTVT Bình Dương Phải lắp hộp đen

Nên quy định tàu chở khách du lịch phải được lắp đặt hộp đen như vậy sẽ tốt cho công tác quản lý và giảm bớt nguy cơ tai nạn. Việc làm rõ khái niệm thế nào là tàu du lịch cũng cần sớm được tiến hành.

Phạm Anh Thắng - Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh Tàu gỗ rất dễ xảy ra tai nạn, cháy nổ

Hiện nay hoán cải phương tiện thủy du lịch chưa buộc phải có thiết kế kỹ thuật. Cần sớm bổ sung quy định này. Hơn nữa cần nâng cao tiêu chuẩn hệ số phòng cháy chữa cháy, tự động dập cháy. Hệ thống máy bơm chữa cháy phải tách rời buồng máy, đặt trên mặt boong. Phải có xuồng cứu hộ, cứu nạn, có thể độc lập cứu hộ và có thể hỗ trơ thuyền khác khi chữa cháy. Tàu phải có những khoang độc lập để tránh chìm tàu như vụ tai nạn vừa xảy ra ở Quảng Ninh.

(Nguồn: http://www.giaothongvantai.com.vn)

THIỆN ANH