Chào mừng ánh sáng
Người đời thường nói tết và xuân là của tuổi trẻ. Nhưng tôi thì năm nay hơn 70 tuổi, mới thật có tết và xuân.
Tôi sinh năm Ất Dậu 1884, đời tôi bắt đầu từ năm “thất thủ kinh đô”, triều đình Huế ký giấy đầu hàng cuối cùng hoàn thành việc dâng nước ta cho Pháp. Suốt thời vong quốc, còn gì là tết với xuân. Nhờ Cách mạng tháng Tám, đồng bào ta thoát vòng đen tối. Song riêng tôi thì vẫn chưa được thấy ánh sáng.
Tôi mù cả hai mắt ngót 20 năm qua. Năm 1941 tôi ra Hà Nội, vào nhà thương mắt của Pháp để chữa, nhưng không chữa được mà càng mù thêm, đến nỗi ngọn đèn và ánh nắng cũng hoàn toàn không nhận thấy. Sau Cách mạng tháng Tám, tôi chưa có điều kiện để ra chữa ở nhà thương của ta thì tình hình gay go, rồi kháng chiến bùng nổ.
Đằng đẵng tám, chín năm trời, cả hai con trai tôi đều ở Việt Bắc xa xăm, tôi ở với con dâu thứ hai và ba đứa cháu nội còn nhỏ dại tại một vùng nông thôn Thanh Hóa, nhà cửa ruộng vườn không có, nương náu nơi này nơi khác, dưa muối qua ngày.
Hằng ngày, tôi vẫn nghe những cái hay cái đẹp của cuộc đời mới, nhưng mắt tôi trước kia chỉ từng trông thấy cái dở cái xấu của xã hội cũ, nên đối với sự thật tươi sáng đang lên, tôi vẫn mơ hồ như trong mộng mị hay trong tiểu thuyết.
Mấy năm qua, tôi lại thường hay đau ốm. Những khi chiến sự lan đến, tôi rất hoảng hốt. Tôi nhớ mãi khi có tin địch đánh từ Rịa vào Phố Cát, đầu óc tôi thật là giằng co giữa bên tử và bên sinh. Theo bên tử thì già hưởng thọ đã bảy tuần, đạo tam tòng đã trọn, nay thời loạn lạc nên yên giấc trăm năm, trước là khỏe cho già, sau là khỏi phiền lụy cho trẻ, như thế cũng là hy sinh cho con cháu an tâm làm nhiệm vụ. Bên sinh không đồng ý, nói: suốt đời bị kìm hãm, ngày nay trong lúc non sông gột rửa oán thù, toàn dân vùng lên đuổi giặc, mình tuy già yếu, mù lòa cũng góp phần được, cần phải tin tưởng vào cố gắng không ngừng. Con đi kháng chiến, làm bổn phận với Tổ quốc cũng là làm bổn phận với gia đình, không phải sớm viếng chiều thăm mới là hiếu thảo.
Được nhân dân chung quanh hết lòng chăm sóc, từ các cụ già đến các trẻ em, kẻ rau sắn người ngô khoai, khi tản cư lúc trú ẩn luôn luôn đỡ đần mọi việc, tôi đã vượt qua bao cơn khủng hoảng tinh thần. Ngày lại tháng qua, trừ những lúc xuống hầm tránh máy bay, tôi lại quay tơ, dệt vải, tay vê sợi chỉ hoặc đưa con thoi mà lòng đợi chờ, mong mỏi...
Bỗng tin chiến thắng Điện Biên Phủ, rồi tin đình chiến chưa đưa về. Bao nhiêu hy vọng rụt rè, dè dặt trong lòng tôi vụt bừng lên như trăm nghìn ngọn đèn đủ mọi màu sắc.
Con trai thứ hai của tôi, xa tôi từ đầu kháng chiến, về đưa tôi ra Hà Nội. Lần đầu tiên, gặp lại con đầu sau 15 năm xa cách, tôi mừng lịm đi hồi lâu, nước mắt tràn ra, mãi mới nói được: “Mẹ thật không ngờ còn có ngày nay...”.
Nhờ sự chiếu cố hết lòng của Đảng và Chính phủ đối với gia đình cán bộ, tôi được chăm sóc sức khỏe rất chu đáo, rồi được đưa vào nhà thương chữa mắt.
Cũng nhà thương này, bây giờ với 15 năm trước sao mà khác nhau một vực một trời. Hồi xưa, đây là nơi hất hủi phũ phàng, tha hồ cho tên giám đốc người Pháp lợi dụng bệnh tật của người ta để làm tiền. Ngày nay, đây là nơi an ủi, vỗ về, cố gắng phục vụ nhân dân.
Thật tình, tôi còn lo ngại rằng tuổi tôi già quá, sức tôi yếu quá, bệnh tôi lâu quá, chưa chắc đã chữa được. Nhưng sự săn sóc ân cần của các bác sĩ, y sĩ, y tá, nhân viên, tình thân ái đoàn kết của các bạn cùng đến chữa bệnh, và những kết quả tốt mà nhà thương đã nhiều lần thu được nhờ có thuốc men, dụng cụ và kinh nghiệm của Liên Xô giúp đỡ, ngày càng làm cho tôi thêm tin tưởng.
Đầu tháng 11-1955, bác sĩ Nguyễn Xuân Nguyên mổ mắt cho tôi. Mười ngày sau, tôi hé băng nhìn trộm và, lần thứ nhất, sau gần 20 năm dằng dặc, tôi đã thấy ánh sáng, một thứ ánh sáng mờ mờ như ánh bình minh của một ngày xuân. Tôi suýt quên cả lời bác sĩ dặn phải nằm yên... Mấy hôm liền, tôi không ngủ, hình như thấy ánh sáng cả trong đêm tối.
Tôi nhìn mặt con, mặt dâu, mặt con cháu và mọi người quen biết đến thăm. Những gương mặt đã thuộc làu ngày xưa cũng như những gương mặt nay thấy lần đầu đều có cái gì khác trí tưởng tượng, đều sáng sủa, đẹp đẽ mười phần đáng yêu. Hồi hộp nhất là hôm về đến nhà, tôi giở một tờ họa báo ra xem ảnh Cụ Hồ và những quốc kỳ Việt Nam, Liên Xô, Trung Quốc. Lòng vô cùng thấm thía, tôi thành kính cảm ơn Cụ Hồ và Đảng, cảm tạ y học tiên tiến thắm đậm tinh thần nhân đạo đã đem lại ánh sáng cho tôi.
Thấy bức chân dung rõ Cụ Hồ
Lá cờ tươi thắm Việt - Trung - Xô
Hòa bình vui khắp trời dân chủ
Không khí tưng bừng ngập thủ đô
Tôi đã được hoàn toàn giải phóng, tay không phải mò mẫm, chân không vương vấn những ý nghĩ lo buồn. Tôi thấy tôi trẻ lại và muốn học. Hàng ngày tôi thích đọc báo Nhân Dân, và nhân có biết từ trước một ít văn cổ của Trung Quốc, tôi đang học văn bạch thoại từ báo Tân Việt Hoa(*).
Mấy hôm nay, vui hơn ai cả, tôi sửa soạn chào mừng những ngày tết những ngày xuân đầu tiên của mình, chào mừng ánh sáng của mình, một phần nhỏ trong ánh sáng huy hoàng bao la đang tràn ngập miền Bắc và còn lan tỏa ở miền Nam.
SẦM PHỐ
(Bài đăng báo Nhân Dân số đặc biệt Xuân Bính Thân 1956)
_____
(*) Nhật báo tiếng Trung xuất bản tại Hà Nội sau tháng 10 năm 1954.
***
Đọc bài báo ngắn gọn viết cách đây 60 năm, đăng báo Nhân Dân số đặc biệt Tết Bính Thân 1956 Chào mừng ánh sáng, chắc bạn đọc đặt câu hỏi: Tác giả Sầm Phố là ai?
Xin thưa: Sầm Phố, thời trước hay gọi Sầm Phố nữ sĩ, là thân mẫu hai nhà trí thức lỗi lạc thời đại Hồ Chí Minh: Giáo sư Tạ Quang Bửu (1910-1986) và nhà báo Quang Đạm, tên khai sinh là Tạ Quang Đệ (1913-1998).
Giáo sư Tạ Quang Bửu từng làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, là người thay mặt Đoàn Việt Nam do Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Trưởng đoàn ký Hiệp định Genève lập lại hòa bình tại Đông Dương năm 1954. Ông là nhà khoa học đặt nền móng cho công nghệ quốc phòng và có nhiều công lao xây dựng sự nghiệp giáo dục, đào tạo nước ta. Em trai ông, nhà báo Quang Đạm lúc mới lên 13 tuổi đã được làm học trò và thư ký cụ Phan Bội Châu, giúp cụ viết những bài tiếng Việt đăng báo Tiếng Dân thời cụ bị Pháp bắt kết án tù, đưa về giam lỏng tại Huế (1926). Cậu học trò của cụ Sào Nam tham gia Cách mạng tháng Tám từ đầu. Tại chiến khu Việt Bắc, ông là cây bút sắc sảo của báo Sự Thật do Tổng Bí thư Trường Chinh trực tiếp điều hành, và từ ngày báo Nhân Dân xuất bản số đầu, tháng 3-1951, Quang Đạm là một trong những cán bộ nòng cốt của tờ báo cho đến khi tới tuổi nghỉ hưu. Ông đã xuất bản nhiều công trình nghiên cứu khoa học xã hội được đánh giá cao.
Sầm Phố nữ sĩ tên thật là Nguyễn Thị Đào (1884-1975) xuất thân từ một dòng tộc danh sĩ nổi tiếng, quê ở làng Hoành Sơn nay thuộc xã Khánh Sơn - huyện Nam Đàn - tỉnh Nghệ An nức tiếng địa linh nhân kiệt. Ông nội bà là cụ Thám hoa Nguyễn Đức Đạt (1824-1887), được triều đình cử làm Đốc học nhưng mấy lần đều tìm cớ từ quan về quê mở trường dạy học. Trong số học trò của cụ, có nhiều danh nhân, chí sĩ như cụ Phan Bội Châu và người cộng sự thân cận, ông Cử Đầu xứ Đặng Thái Thân - tự sát ở tuổi 37 để khỏi sa vào tay địch khi bị quân Pháp vây bắt, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ Phó bảng Đặng Nguyên Cẩn - thân sinh giáo sư Đặng Thai Mai, cụ Tiến sĩ Ngô Đức Kế sau khi ra tù làm Chủ nhiệm tạp chí Hữu Thanh, nổi tiếng với loạt bài luận chiến phản bác quan điểm sai trái của Phạm Quỳnh về học thuật đăng tạp chí Nam Phong, cụ Cử nhân Đặng Văn Bá - một trong những người sáng lập phong trào Duy Tân, tổ chức Triêu Dương thương điếm tại Vinh (Nghệ An), và rồi cũng bị Pháp bắt đày ra Côn Đảo cùng một chuyến với các chí sĩ Ngô Đức Kế, Đặng Nguyên Cẩn v.v...
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình, dòng họ lừng lẫy về khí tiết và học vấn như vậy(1), bà Nguyễn Thị Đào sớm thông thạo Hán văn, làm nhiều thơ phú được biết rộng rãi qua bút hiệu Sầm Phố nữ sĩ. Bà là người cùng thời với Đạm Phương nữ sử, thân mẫu nhà văn Hải Triều (bà Sầm Phố kém bà Đạm Phương 4 tuổi), cùng ra đời và lớn lên trong cảnh nước mất nhà tan. Tuy xuất thân khác nhau, một người thuộc hoàng tộc sống ở kinh đô, một người con nhà Nho nghèo Xứ Nghệ, hai bà đều là những phụ nữ tài năng trước sau một lòng vì nước vì dân. Bà Sầm Phố không viết báo, vì vậy sinh thời, ngoài vùng Nghệ Tĩnh, ít người biết tiếng như bà Đạm Phương.
Bà Nguyễn Thị Đào kết hôn với Cử nhân Tạ Quang Diệm. Họ Tạ Quang ở huyện Nam Đàn là dòng họ có truyền thống học giỏi, đỗ đạt cao nhưng không ra làm quan mà chỉ dạy học. Cụ Tạ Quang Diệm có làm Huấn đạo, Giáo thụ một vài nơi, nhà rất nghèo. Cử nhân Tạ Quang Diệm và phu nhân Nguyễn Thị Đào là hai đấng sinh thành Giáo sư Tạ Quang Bửu và nhà báo Quang Đạm, mà trong bài Chào mừng ánh sáng tác giả không nhắc tên, chỉ gọi “hai đứa con trai đều ở Việt Bắc xa xăm”, trong khi bà đau yếu, mù lòa, sống tại vùng quê Thanh Hóa cùng con dâu và các cháu nội.
Sầm Phố nữ sĩ làm khá nhiều thơ, tiếc là do hoàn cảnh chiến tranh, gia đình không lưu giữ được. Năm 1926, khi cụ Phan Bội Châu bị Pháp mới đưa về tại Huế, bà Sầm Phố có làm bài thơ tặng cụ, ý nói muốn thành công phải có sức, con hùm phải có nhiều nanh vuốt sắc nhọn. Đọc bài thơ, cụ Phan ngạc nhiên và hứng thú(2).
Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, mùa xuân đến, mọi người hớn hở mừng vui, bà Sầm Phố cũng vậy, tuy nhiên bà chỉ được nghe những cái hay cái đẹp của cuộc đời mới còn đôi mắt không nhìn thấy gì. Quang Đạm làm bài thơ tặng mẹ:
Mông lung vũ trụ cảnh đêm trường
Theo dõi cơ trời lắng bốn phương
Rón rén xuân sang chim mách lẻo
Chùm hoa nở trộm gió đưa hương.
Trong bài đăng báo Nhân Dân, Sầm Phố nữ sĩ bày tỏ lòng biết ơn cách mạng và kháng chiến đã mang lại ánh sáng cho mình. Bà kể mạch lạc cảm nghĩ những ngày sống gian nan trong kháng chiến, “được nhân dân chung quanh hết lòng chăm sóc, từ các cụ già đến các trẻ em, kẻ rau sắn người ngô khoai… luôn luôn đỡ đần mọi việc”, tuy vậy trừ những lúc xuống hầm tránh may bay địch, thời gian còn lại bà vẫn mò mẫm quay tơ dệt vải đỡ đần con cháu. Người duy nhất được tác giả nhắc tên nhằm tri ân trong bài viết, sau Cụ Hồ, là bác sĩ Nguyễn Xuân Nguyên, Giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Nội hồi bấy giờ. Bà tuyệt nhiên không hé lộ các con trai lúc này đã rất nổi tiếng là ai, thân thế gia đình, dòng họ bên nội bên ngoại mình ra sao.
Kẻ viết mấy dòng này được cái vui làm hàng xóm của nhà báo Quang Đạm tại một ngõ phố ở Hà Nội. Gia đình anh Quang Đạm sáu người, ba thế hệ, được cơ quan cấp hai phòng nhỏ trên gác, không có công trình phụ, như thế đã là “ưu ái” lắm. Sau khi được chữa khỏi mắt, ánh sáng trở lại, Sầm Phố nữ sĩ tuổi đã ngoại bảy mươi. Bà dáng người thanh mảnh, gương mặt phúc hậu, nói năng từ tốn, nhã nhặn với mọi người kể những người tuổi tác thuộc thuộc hàng cháu chắt. Bà cũng muốn tham gia vài việc nội trợ giúp cháu con nhưng các anh chị không đồng ý. Vì vậy bà hầu như không ở trên gác, suốt ngày xuống sân, đúng hơn là lối đi của khu nhà tập thể, mắc võng lên gốc cây sấu già, nằm đu đưa đọc báo, làm thơ. Vợ chồng tôi hay qua lại thăm bà và được bà coi như con, dạy bảo tận tình. Bà còn làm tặng nhà tôi một bài thơ Đường.
Gần Tết năm nay, nhân trở lại trụ sở báo Nhân Dân bên “Cây đa Hàng Trống”, lật các tập báo cũ tìm kỷ niệm tuổi thanh xuân, tôi tình cờ gặp bài Chào mừng ánh sáng của bà Sầm Phố. Xúc động, tôi gọi điện đến anh Tạ Quang Ngọc, cháu nội bà, xin gia đình cho phép đăng lại trên báo Tết năm nay, tưởng niệm bậc tiền bối, một người phụ nữ bình dị mà biểu trưng bản lĩnh, tính chất, nếp sống, nhất là tấm lòng - những nhân tố làm nên cái hồn người Việt chúng ta.
_____
(1) Nhiều người thân trong gia đình Thám hoa Nguyễn Đức Đạt, như cụ thân sinh, em trai, em họ, con, cháu bà đều học hành thành đạt, đỗ cử nhân, phó bảng, tiến sĩ, hoàng giáp, thám hoa…
(2) Theo hồi ký Quang Đạm, Một cuộc đời làm báo, in tại Thời gian và nhân chứng do GS Hà Minh Đức chủ biên, 1994.