Sân chơi cho trẻ em thành phố, bao giờ “cung” đủ “cầu”?

Tháng 6, tháng hành động vì trẻ em, trong các vấn đề được quan tâm ở đô thị thì sân chơi dành cho trẻ em đang được nhiều người quan tâm nhưng thực tế vẫn còn khoảng cách khá xa giữa “cung” và “cầu”. Các đô thị lớn ở nước ta, như TP. HCM, đa số công viên là nơi dành cho người lớn và công viên cũng là nơi có nhiều tệ nạn xã hội: cướp giật, hút chích ma túy... nên các bậc cha mẹ ngại dẫn con cái vào đó chơi. Ai cũng ngại và cách tốt nhất là cho con ở nhà, hoặc dẫn vào siêu thị mua sắm, hoặc ở nhà chơi điện tử…

Mặc dù, thành phố cũng có một số công viên dành khuôn viên cho thiếu nhi chơi miễn phí như công viên Tao Đàn, Lê Văn Tám,… nhưng diện tích và số lượng trò chơi rất khiêm tốn. Mỗi cuối tuần, nhiều cha mẹ dẫn con đến chơi xích đu, đùa cát, cầu bập bênh… những nơi này thường xuyên quá tải.

Các nhà văn hoá thiếu nhi thành phố thì có mặt bằng rộng, thu hút đông trẻ em, nhưng cũng đang quá tải, nhất là trong dịp hè và lễ hội. Hơn 24 nhà văn hoá thiếu nhi trong các quận, huyện ngoài việc dành chỗ cho thiếu nhi sinh hoạt, thì ban quản lý còn cho giới kinh doanh thuê mặt bằng, hoặc họ “tranh thủ” mở đủ loại dịch vụ khác.

Còn tại các khu phố, nhà chung cư, nhà cao tầng thì những dãy nhà ống mọc san sát, vì khi qui hoạch xây dựng người ta “quên” dành không gian cho các em được “thở”, được vui chơi. Có lẽ, khu dân cư duy nhất ở TP. HCM có được cảnh quan đẹp và không gian giao tiếp mở là khu đô thị Phú Mỹ Hưng ở Quận 7, tiếc là, những địa chỉ như thế rất hiếm hoi và chưa hứa hẹn có thêm nữa, mà những khu đô thị loại này chỉ có tầng lớp thượng lưu mới vào nổi.

Có lần tôi đi xem hòa nhạc tại Trường Hàn Quốc trong khu đô thị Phú Mỹ Hưng, thấy học sinh Hàn Quốc được học và vui chơi trong một ngôi trường khang trang với đầy đủ tiện nghi: sân bóng mini, nhà thi đấu thể thao, sân khấu ca nhạc, hội trường, phòng thí nghiệm… chạnh lòng khi gặp các em thiếu nhi mình thoăn thoắt đá bóng ở lề đường (vì thiếu sân chơi) trong niềm đam mê mà bất chấp hiểm nguy xe cộ.


Vì thiếu sân chơi, các em thiếu nhi đành phải đá bóng ngoài lề đường.

Sân chơi lành mạnh là nơi giúp các em giảm căng thẳng sau những ngày “bị nhốt” trong các “chiếc hộp bê-tông” nhà trường. Chúng ta hay biện minh rằng, không có đất, không có tiền hay chăng là không có thiện chí, tấm lòng… Trong khi chúng ta có đất để xây dựng cao ốc, sân golf, nhà hàng, quán bar, vũ trường, khách sạn… nhưng không có đất để xây dựng sân chơi dành cho trẻ em.

Thật sự, khi các em không có sân chơi lành mạnh, cái mất hữu hình không thấy, nhưng cái mất vô hình thì không sao đếm được. Ví như “Các nhà tội phạm học của thành phố Philadelphia (Mỹ) đã chứng minh một cách xác thực rằng, tỉ lệ phạm tội, lệch lạc xã hội trong thanh thiếu niên ở một khu phố đã giảm đi 90%, sau khi ở các khu phố đó xuất hiện một công viên”. Còn các nhà tâm lý học thì quả quyết rằng, tỉ lệ cây xanh và vườn chơi cho trẻ em tăng lên thì thuốc thần kinh giảm xuống.

Chính các nhà khoa học Trung Quốc khi xây dựng các chỉ số cho chiến lược phát triển quốc gia nhằm hướng đến một xã hội có “chất lượng sống cao” trong thế kỷ 21 cũng đã nhấn mạnh: “Nâng cấp chất lượng sống không chỉ phản ánh tiến bộ vật chất mà quan trọng hơn là phản ánh cho được tiến bộ văn hóa và đạo đức xã hội” và “mục tiêu phát triển của Trung Quốc trong thế kỷ 21 là hướng đến chất lượng sống nhân văn hơn chứ không chỉ có kinh tế”.

Hiện nay, tốc độ đô thị hóa ở nước ta nhanh chóng mặt. Dù biết rằng, đô thị là biểu tượng của sự văn minh, phát triển nhưng các đô thị lớn ở nước ta vẫn còn đó hàng loạt vấn đề bất cập, ngổn ngang. Trong đó, TP. HCM với hơn 8 triệu dân, có hơn 2 triệu trẻ em, nhưng chưa có nhiều sân chơi dành cho các em, vì thế “cung” luôn không đủ “cầu”.

THIÊN THANH