Sân khấu - Cuộc đối đầu giữa nghệ thuật và doanh thu

CÁT VŨ

Sự hình thành nền kinh tế thị trường lâu nay đã kéo theo một hệ lụy là tạo ra cho nền sân khấu nước nhà một cuộc đối đầu xem ra khó khoan nhượng giữa nghệ thuật và doanh thu. Điều tưởng như mâu thuẫn này đã làm tốn không biết bao nhiêu giấy mực của các nhà phê bình cũng như giới truyền thông, và cho đến nay vẫn là vấn đề làm đau đầu giới chức quản lý.

Sân khấu TP.HCM, nơi được tiếng là năng động với nhiều điểm diễn do tư nhân bỏ vốn đầu tư, luôn giữ cho sàn diễn được sáng đèn cũng chính là nơi mà sự trải nghiệm đã cho thấy nghệ thuật và doanh thu như hai bờ xa cách, họa hoằn lắm mới có được dịp hội ngộ cho dù hầu hết những người làm sân khấu đều mang theo mình nhiều tâm huyết.

Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần, “anh Hai” của loại hình sân khấu xã hội hóa hơn hai chục năm qua, tuy có lúc thăng lúc trầm song vẫn luôn được đánh giá là nơi có nhiều vở kịch “tử tế” mang tính định hướng, không chạy theo thị hiếu dễ dãi và cũng vì vậy mà mức doanh thu ở đây, ngoại trừ “siêu phẩm” Dạ cổ hoài lang, phần lớn còn lại cũng chỉ thuộc loại tầm tầm bậc trung, không bị lỗ song cũng không thu được lợi nhuận nhiều như mong ước.


Cảnh trong vở Dạ cổ hoài lang.

Những vở được dựng với mục đích thử nghiệm ở đây luôn được giới chuyên môn đánh giá cao với nhiều sáng tạo, khám phá nhưng không phù hợp với thị hiếu của công chúng đại trà nên thường diễn năm ba buổi là nghỉ.

Khi “cắn răng” bỏ ra trên 400 triệu đồng (cộng với 200 triệu đồng chi phí in sách ảnh của vở tặng kèm) để dựng vở nhạc kịch lịch sử Ngàn năm tình sử (vừa bắt đầu công diễn vào ngày 15/8/2009), đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn, giám đốc Công ty TNHH Sân khấu Nghệ thuật Thái Dương xem như đây là một vở được dựng để chào mừng Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc (diễn ra tại TP. HCM vào hạ tuần tháng 9/2009) và mừng 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Theo anh nhẩm tính, nếu bán hết vé ở Nhà hát Bến Thành thì phải diễn cả trăm suất may ra mới thu lại khoảng một phần ba vốn.

Một vở được dư luận đánh giá cao như Bí mật vườn Lệ Chi, được đầu tư khoảng 85 triệu cách đây gần 10 năm, đã diễn được 120 suất vẫn chưa hòa vốn. Ông bầu Sân khấu IDECAF cho biết tiền bán vé chỉ vừa đủ trả cho chi phí suất diễn, từ tiền mướn mặt bằng, cát sê nghệ sĩ, điện nước…

Bởi vậy, mặc dù đang được tiếng là “đại gia” trong lĩnh vực sân khấu, nắm trong tay 5 loại hình hoạt động ăn khách (sân khấu kịch IDECAF, sân khấu kịch số 7 Trần Cao Vân, Nhà hát rối nước Rồng Vàng, Nhà hát rối cạn Nụ Cười, chương trình thiếu nhi Ngày xửa ngày xưa) nhưng phải đợi một khoảng cách gần 10 năm, Công ty Sân khấu Nghệ thuật Thái Dương của Huỳnh Anh Tuấn mới dám “chơi” thêm một vở kịch lịch sử thứ hai.


Bên cạnh những vở diễn nghệ thuật,
IDECAF phải kiếm doanh thu bằng những vở diễn như thế này.

Từ kinh nghiệm “xương máu” của hai đàn anh là Nhà hát Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần và Sân khấu IDECAF, các sân khấu tư nhân khác như Sân khấu Hồng Vân, Kịch Sài Gòn, Sân khấu Nụ Cười Mới,… chỉ đứng xa tỏ lòng kính phục chứ chưa ai dám “chơi sang” bỏ hẳn một khoản tiền để làm kịch nghệ thuật.

Ông chủ Phước Sang của Kịch Sài Gòn và ông bầu Hữu Lộc của Sân khấu Nụ Cười Mới đều thẳng thắn xác định sân khấu của họ là sân khấu giải trí nhằm vào khán giả số đông, không đặt mục tiêu cao vời về nghệ thuật, đồng thời số tiền thu được từ phòng vé bắt buộc phải đủ để trang trải chi phí và tích lũy tái sản xuất. Do vậy, những sân khấu này luôn ưu tiên cho những vở hài kịch dễ xem, dễ cười, mua vui là chính.

Bà bầu Hồng Vân chọn cho mình con đường ở “cửa giữa”, không quá nghiêng về “tính định hướng” dẫn đến kén khách như Nhà hát 5B nhưng cũng đừng sa đà vào tiếng cười dễ dãi như Kịch Sài Gòn hay Nụ Cười Mới. Sân khấu Hồng Vân muốn khai thác nhiều thể loại đề tài, dàn dựng nhiều phong cách, đa dạng hóa vở diễn để đáp ứng được nhiều đối tượng khán giả khác nhau song điều mấu chốt vẫn phải đặt bài toán lời lỗ lên sàn tập.

Nhưng có lẽ không ở đâu mà sự “đối đầu” giữa nghệ thuật và doanh thu lại diễn ra quyết liệt như ở Nhà hát Kịch TP. HCM. Một mặt, nhà hát phải có những vở diễn đạt tính nghệ thuật cao để xứng “tầm” với danh xưng là đơn vị kịch nói Quốc doanh duy nhất của Thành phố, mặt khác, phải đủ thu nhập để giữ chân nghệ sĩ trong nhà hát hoặc để mời các nghệ sĩ bên ngoài về cộng tác.

Điều đáng nói ở đây là những vở “nghệ thuật” lại thường không song hành với doanh thu, vì vậy một số vở hoành tráng được hình thành từ kinh phí nhà nước trong thời gian gần đây như Người thi hành án tử, Tả quân Lê Văn Duyệt đã không thu hồi được vốn nói gì đến lợi nhuận. Để có thể tồn tại, sau khi “trả nợ” danh nghĩa bằng một vở “ít khách”, nhà hát đã liên kết với các nghệ sĩ bên ngoài làm thêm những vở kịch mang tính giải trí, ít “nghệ thuật” nhưng nhiều doanh thu.

Cũng là đơn vị nghệ thuật Quốc doanh như Nhà hát Kịch TP. HCM nhưng hầu hết các Nhà hát kịch ở phía Bắc từ lâu nay có vẻ “chịu trận” trước cơn lốc của thị trường hơn là đối đầu với nó.

Nhà hát Tuổi Trẻ có lẽ là đơn vị duy nhất năng động, bên cạnh việc thỉnh thoảng dựng vài vở kịch kinh điển từ tiền tài trợ của Nhà nước. Những năm gần đây, các nghệ sĩ lớn nhỏ của nhà hát đã trở thành những “cây chọc cười” qua các tiểu phẩm trong chương trình Đời cười để kiếm doanh thu mà họ gọi đó là “giải pháp tình thế”.


Đời cười, giải pháp tình thế của Nhà hát Tuổi Trẻ.

Những nhà hát còn lại dường như vẫn hoạt động với phong cách của những nghệ sĩ công chức, chỉ dựng vở khi được cấp kinh phí và không đặt nặng chuyện lời lỗ về tiền bạc cũng như tìm hiểu thị hiếu của công chúng.

Ở đây, khác với những sân khấu tư nhân ở phía Nam, sự sống còn của các nhà hát không tùy thuộc vào doanh thu và các nghệ sĩ cũng tự tìm cách bươn chải lo cho cuộc sống riêng của mình, không ai ngồi chờ đồng lương ít ỏi từ nhà hát. Không sống được bằng nghề tất không có sự cạnh tranh, điều đó dẫn đến việc không có chỗ cho sự sáng tạo nghệ thuật.

Những người làm sân khấu tâm huyết bao giờ cũng muốn đưa hai khái niệm nghệ thuậtdoanh thu về gần bên nhau. Hạnh phúc lớn nhất của nghệ sĩ là vừa đạt tới đỉnh cao của nghề vừa sống được bằng nghề, vừa được giới chuyên môn nhìn nhận vừa được công chúng ái mộ.

Thế nhưng, trong lĩnh vực nghệ thuật nói chung và sân khấu nói riêng, giá trị nghệ thuật và hiệu quả doanh thu không phải lúc nào cũng tỉ lệ thuận.

Trên thực tế, một vở diễn đạt tính nghệ thuật cao chưa chắc đã đông khán giả và ngược lại, một vở ăn khách không hẳn là một vở hay. Nguyên nhân có thể do những người làm nghề chưa đủ tài làm ra những tác phẩm vừa chất lượng vừa hấp dẫn và cũng có thể phần nào do sự chênh lệch về thị hiếu giữa người sáng tạo nghệ thuật và công chúng thưởng thức. Nhưng một khi sự sống còn của sân khấu phải đặt trọn vào tiền bán vé thì cuộc đối đầu giữa nghệ thuậtdoanh thu sẽ khó có hồi kết.