Bạn đọc Nguyễn Đức Trung, Thành phố Hồ Chí Minh, hỏi: Hôm đầu tháng 6 vừa qua, tôi và người bạn đi xe taxi, nói với ông tài xế cho lại đường Sương Nguyệt Anh thì người lái xe sửa lại tôi rằng “đường Sương Nguyệt Ánh”. Tôi có bảo với ông tái xế rằng: “Phải là Sương Nguyệt Anh mới đúng!”. Đối với sự sai lầm ấy, tôi mong Hồn Việt có bài viết rõ ràng để bạn đọc hiểu rõ hơn. Xin cảm ơn.
Học giả Nguyễn Quảng Tuân trả lời: Đúng như ông nhận xét: Tên đường ghi “Sương Nguyệt Ánh” là sai. Phải sửa lại là Sương Nguyệt Anh mới đúng.
Bà tên thực là Nguyễn Xuân Khuê, con của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu. Thuở nhỏ bà được cha dạy cho chữ Hán, nổi tiếng thông minh và lại có nhan sắc. Năm 1888, 24 tuổi, bà lấy ông Nguyễn Công Trình, sinh được một con gái thì chồng chết. Bà ở vậy nuôi con. Có một vài người thấy bà nhan sắc muốn tỏ ý cầu hôn, bà đều từ chối và đã thêm vào chữ Sương cho thành biệt hiệu Sương Nguyệt Anh (người phụ nữ góa chồng).
Giai thoại kể rằng: Có một người đã làm thơ gửi đến cho bà:
Ai về nhắn với Nguyệt Anh cô, Chẳng biết lòng cô tính thế mô? Không phải vãi chùa sao đóng cửa? Đây lòng gắm ghé bắc cầu ô, |
Bà đã họa đáp lại:
Chẳng phải tiên cô cũng đạo cô, Cuộc đời dâu bể biết là mô? Lọng sườn dẫu rách còn kêu lọng, Ô bịt vàng ròng tiếng vẫn ô |
Khoảng cuối năm 1917, bà được mời ra làm Chủ bút tờ Nữ Giới Chung (Tiếng chuông nữ giới) tờ báo phụ nữ đầu tiên xuất bản ở Sài Gòn năm 1918 nhưng chưa đầy năm thì báo phải đóng cửa. Biệt hiệu của bà đã được in rõ ràng trên mặt báo từ khi ấy.

Hình trang báo Nữ Giới Chung số 1 năm 1918
Nghỉ làm báo, bà cùng cháu ngoại về Ba Tri sống với người em trai là Nguyễn Đình Chiêm. Bà sau cũng bị lòa nhưng vẫn dạy học chữ Hán và làm thuốc chữa bệnh. Bà mất tại Ba Tri năm 1921.
Ngày nay ở Thành phố Hồ Chí Minh còn có một trường Trung học cũng mang tên Sương Nguyệt Anh. Tiểu sử của bà cũng đã được ghi rõ trong Tụ điển Văn học (Nhà xuất bản Thế Giới, 2004) thế mà các sách của Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, có chi nhánh ờ đường Sương Nguyệt Anh, Thành phố Hồ Chí Minh cũng ghi sai là Sương Nguyệt Ánh. Thật đáng tiếc!
Chúng tôi nghĩ việc sửa lại tên đường ấy cũng quá dễ dàng, chỉ cần cho xóa bỏ cái dấu sắc ( / ) trên chữ Ánh đi thôi. Mong cơ quan phụ trách sớm cho sửa lại, không thể để có sự sai lầm mãi như vậy được.