Với dân số hơn 20 ngàn người, cư trú chủ yếu ở các tỉnh Lai Châu, Lào Cai và Điện Biên, người Hà Nhì là một trong sáu tộc người thuộc nhóm ngôn ngữ Tạng Miến ở Việt Nam.
Họ không chỉ có đời sống văn hóa vật chất và tinh thần phong phú như: nhà nấm trình tường và tục trùm chăn tìm bạn tình của nhóm Hà Nhì Ca Đu (Lào Cai), các trường ca Xa Nhà Ca, Phùy Ca Na Ca và các bài dân ca Gia Mi trsu mượt mà, đằm thắm của nhóm Hà Nhì Lạ Mí, Hà Nhì Cồ Chồ (Lai Châu, Điện Biên)… mà trong lao động và sinh hoạt xã hội, họ cũng có nhiều sắc thái độc đáo, hấp dẫn làm nên một nét văn hóa Hà Nhì rất riêng biệt.Trong đó, đáng kể có Soóng khừ – bảng tính giờ tốt xấu được sử dụng phổ biến mỗi khi cần tính toán chọn giờ lành, tránh giờ dữ trong ngày.
Soóng khừ trong tiếng Hà Nhì có nghĩa là Tính toán. Cơ sở hình thành Soóng khừ dựa trên tri thức dân gian của người Hà Nhì về lịch pháp và những kinh nghiệm được đúc kết qua hàng ngàn đời. Phần 6, trường ca Xa Nhà Ca (Tìm năm đủ tháng đầy) đã phản ánh quan niệm của người Hà Nhì về sự hình thành lịch vốn bắt nguồn từ một cây thần thân có 4 cạnh, ứng với 4 mùa. Trên thân cây mọc ra 12 cành ứng với 12 tháng trong năm. Các cành cây có 365 lá ứng với 365 ngày. Ngày cuối cùng của tuần trước (ngày Dần) cũng là ngày khởi đầu của tuần sau.
Thời gian trong một ngày được người Hà Nhì chia thành 12 canh giờ. Mỗi canh giờ ứng với một chi giống lịch pháp Trung Hoa. Nhưng khác ở chỗ giờ đầu tiên trong ngày được tính bắt đầu từ giờ Dần (3 giờ sáng) và kết thúc vào giờ Sửu (2 giờ sáng hôm sau).
Người Hà Nhì chỉ tính giờ tốt xấu để xuất hành thực hiện những việc liên quan đến tính mạng như đi xa, đi săn; những việc liên quan đến thành bại như đi buôn bán, gieo hạt, làm nhà mới. Theo tập quán sinh hoạt và lao động cổ truyền, những việc ấy bao giờ cũng được bắt đầu từ 6 giờ sáng cho đến 4 giờ chiều. Cách tính dựa trên bảng tính Soóng khừ như sau:
Bảng tính Soóng khừ có bố cục cân đối 5 ô dọc và 5 ô ngang. Mỗi ô dọc ứng với một múi giờ làm việc trong một ngày, hướng xem từ dưới lên trên. Mỗi ô ngang lại ứng với một ngày bắt đầu từ ngày mùng 1 tháng giêng của năm và quay vòng tuần tự theo chu kỳ 5 ngày, ngày thứ sáu, ngày thứ mười một… quay lại trùng với ngày thứ nhất. Hướng xem hàng ngang tuần tự từ trái qua phải.
Trong bảng tính có 5 ký hiệu là hình bốn chấm, tiếng Hà Nhì gọi là Sứ dè, có nghĩa là Bốn chân. Hình dấu nhân gọi là Pẹ tá, có nghĩa là Đòn gánh. Hình dấu tròn gọi là Á nhẹ có nghĩa là Không. Hình hai chấm, gọi là Lấu dè, có nghĩa là Hai chân. Hình một chấm gọi là Tùng dè, có nghĩa là Một chân. Mỗi ký hiệu đều ngầm chứa một thông điệp lành hay dữ với mỗi việc hệ trọng. Cụ thể như sau:
- Hình bốn chấm rất tốt cho việc đi xa, nhất là đi buôn bán. Vì vậy, những người buôn bán thường chọn giờ có hình này để xuất hành.
- Hình dấu nhân tượng trưng cho gánh thịt. Rất xấu cho việc đi buôn bán hoặc đi xa nhưng tốt cho việc đi săn.
- Hình dấu tròn, ý nghĩa đầy đủ là không có gì tốt nhưng cũng không có gì xấu nên những ai có việc hệ trọng liên quan đến tính mạng, thành bại thì không chọn xuất hành vào múi giờ ứng với ký hiệu này. Nhưng những ai đi chơi hoặc đi việc không quan trọng thì có thể xuất hành vào giờ đó cũng được.
- Hình hai chấm tốt cho việc đi xa, nhất là đi buôn bán. Những người có việc như trên nếu không chọn được giờ trùng với ký hiệu bốn chấm thì sẽ chọn giờ trùng với ký hiệu này.
- Hình một chấm là dấu hiệu không tốt vì nó tượng trưng cho sự đơn lẻ, không có đôi. Những ai đi xa, đi buôn bán hay đi săn bắt không chọn giờ ứng với ký hiệu này để xuất hành.
Mỗi ký hiệu trong bảng tính đều được bố trí hoán đổi tuần tự theo từng ngày, từng giờ. Khi xem, người ta ghép hàng ngang ứng vào ngày muốn chọn với hàng dọc để xem trong ngày đó giờ nào tốt, giờ nào xấu để quyết định giờ xuất hành.
|
Người Hà Nhì hát dân ca mừng Tết |
Việc xem Soóng khừ chọn ngày xuất hành thường do những người đàn ông chủ gia đình đảm nhiệm. Vì vậy trước đây, những người đàn ông Hà Nhì, nhất là những người trẻ tuổi chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc này thường khắc bảng tính Soóng khừ trên bao dao của mình để tiện việc theo dõi, chọn giờ. Ngày nay, tục lệ này vẫn còn được duy trì ở một số bản Hà Nhì nằm sâu trong các cánh rừng vùng biên giới Việt - Trung thuộc các tỉnh Lai Châu và Điện Biên. Ở các bản nằm ven đường cái và đô thị, tục khắc Soóng khừ lên bao dao đã mai một nhưng những người đàn ông cao tuổi vẫn có thể bấm đốt ngón tay để tính toán chọn ngày theo nguyên tắc của Soóng khừ.