Suy ngẫm đầu năm mới

Tại kỳ họp cuối năm 2012, Quốc hội đã thông qua 9 dự án Luật và 10 nghị quyết, một kỷ lục về công tác lập pháp trong một kỳ họp của nhiều nhiệm kỳ Quốc hội. Trong những dự án Luật và nghị quyết được thông qua tại kỳ họp này có những dự luật được cử tri cả nước trông chờ và hy vọng như Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật phòng chống tham nhũng, Nghị quyết về lấy phiếu và bỏ phiếu tín nhiệm những người được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, Nghị quyết về Giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quy định hành chính về đất đai... Trong năm 2012, tại các kỳ họp thứ 5 và thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra nhiều nghị quyết quan trọng, đặc biệt tại kỳ họp thứ 6, Trung ương đã tiến hành xem xét việc kiểm điểm Bộ Chính trị theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 và đã có Thông báo công khai kết quả đến toàn Đảng, toàn dân. Những hoạt động đó đã thể hiện rõ sự năng động, tích cực trong việc thực hiện nhiệm vụ của cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng và cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân.

Tuy nhiên, kết quả việc thực hiện các nghị quyết, các dự án Luật đã được thông qua vẫn còn ở phía trước. Năm 2012 đã đi qua và niềm hy vọng từ đầu năm (được coi là năm Rồng theo âm lịch) của nhân dân cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài đã không được như mong ước. Những khó khăn, bất cập trong quản lý kinh tế, tài chính, những bức xúc trong xã hội, những tiêu cực, vô cảm, tham nhũng trong bộ máy công quyền từ trung ương đến địa phương đã không giảm đi mà còn tăng thêm một cách đáng lo ngại. Việc thực hiện Nghị quyết 4 của Ban Chấp hành Trung ương mới đạt được kết quả bước đầu, chưa đáp ứng được nguyện vọng của đảng viên và nhân dân vì vẫn còn đó những nhóm lợi ích, những cán bộ các cấp suy thoái lý tưởng, đạo đức, phẩm chất... chưa được chỉ ra một cách cụ thể mặc dù việc kiểm điểm đã được thực hiện từ cấp trung ương đến các tỉnh ủy, thành ủy...

Nhưng năm 2012 không phải không có những kết quả đáng ghi nhận trong phát triển kinh tế, giải quyết an sinh xã hội, củng cố an ninh quốc phòng và công tác đối ngoại. Tỷ lệ lạm phát đã giảm xuống một con số, xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng hơn năm trước, bội chi ngân sách đạt 4,8% GDP như dự kiến; công tác phòng và khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ đã chủ động hơn và không để xảy ra những hậu quả nghiêm trọng; công trình thủy điện Sơn La,  công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á với công suất 2.400 MW đã được hoàn thành trước thời hạn 3  năm; địa vị quốc tế của Việt Nam trên thế giới tiếp tục được khẳng định qua hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể chính trị, xã hội...

pic

Kỳ họp Quốc hội khóa XII lần 5 năm 2012

Năm 2013 đã bước vào những ngày đầu, tháng đầu. Thế giới vẫn còn nằm trong tình trạng suy thoái kinh tế, tài chính, chưa có dấu hiệu phục hồi. Bất ổn chính trị ở các nước Bắc Phi và Trung Đông vẫn còn diễn biến phức tạp. Sự thay đổi lãnh đạo ở các nước lớn: Nga, Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản từ cuối năm 2012 vẫn còn đang trong quá trình điều chỉnh và thực thi chiến lược đối nội, đối ngoại trong tình hình mới. Đối với nước ta, năm 2012 là năm bản lề của kế hoạch 5 năm 2011-2015, là năm tạo đà cho những năm tiếp theo phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu chủ yếu trong nhiệm vụ kế hoạch 5 năm mà Quốc hội đã thông qua. Nhưng rõ ràng là khi nền kinh tế thế giới đang biến động theo chiều hướng xấu, mặt khác những hệ quả tiêu cực, yếu kém trong quản lý kinh tế, tài chính, xã hội ở nước ta nhất là từ năm 2008 đến nay là rất lớn, không dễ khắc phục trong năm nay. Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2013 của Quốc hội đã đề ra mục tiêu, các chỉ tiêu chủ yếu và những giải pháp thực hiện rất cụ thể. Trước mắt, để đưa nền kinh tế nước ta vượt qua khó khăn, phải giải quyết nợ công, nợ xấu, tình trạng tồn kho sản phẩm; tái cấu trúc các ngân hàng, các tập đoàn kinh tế nhà nước; tăng tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chú trọng giải quyết khó khăn cho các đối tượng sản xuất nông lâm ngư nghiệp... Phải tổ chức thực hiện một cách quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đó thì mới mong tạo được sự chuyển biến tích cực trong năm nay.

Vấn đề mà đảng viên và nhân dân rất quan tâm là Nghị quyết 4 của Ban Chấp hành Trung ương sẽ được tiếp tục chỉ đạo thực hiện ra sao để đạt được những kết quả cụ thể, toàn diện tiếp theo những “kết quả bước đầu”. Có chỉ ra được đích danh những nhóm lợi ích, những cán bộ các cấp suy thoái đạo đức, phẩm chất, phai nhạt lý tưởng hay không? Việc chống tham nhũng sẽ được đẩy mạnh ra sao khi Ban Phòng chống tham nhũng đã được thành lập do Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đẩng đứng đầu. Và mới đây việc tái lập Ban Nội chính Trung ương có vai trò thường trực Ban Phòng chống tham nhũng. Hy vọng là công tác phòng chống tham nhũng sẽ không còn trong tình trạng “đánh bùn sang ao” và “vừa đá bóng vừa thổi còi” như trước đây ở cả cấp Trung ương và địa phương.

Năm 2013 cũng là năm đầu tiên Quốc hội thực hiện việc lấy phiếu và bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn theo định kỳ như Nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua. Tin tưởng là các đại biểu Quốc hội với tinh thần trách nhiệm cao trong việc thực hiện nhiệm vụ này như lời Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu trong cuộc tiếp xúc với cử tri TP Hồ Chí Minh sau kỳ họp Quốc hội năm 2012: ...“những người cầm lá phiếu phải có trách nhiệm hết sức đầy đủ, khách quan, công tâm, vô tư chứ không vì sự nghiệp cá nhân, vì cái ghế mình đang ngồi. Nếu vì ghế mình đang ngồi, chế độ sẽ suy vong”.

Có thể nói là Luật, Nghị quyết, Nghị định trong năm 2012 từ Trung ương Đảng đến Quốc hội, Chính phủ là không ít. Và các cuộc hội nghị, hội thảo trong cả nước cũng diễn ra dồn dập không kể xiết. Chỉ mong là những nội dung trong các văn bản Luật, Nghị quyết và những ý kiến hay trong các cuộc hội nghị, hội thảo sẽ được chỉ đạo thực hiện đi vào cuộc sống, có kết quả cụ thể, thiết thực đáp ứng nguyện vọng của nhân dân chứ không phải chỉ là trên văn bản, ngôn từ.     

Tháng 1/2013

*Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó chủ tịch Quốc hội (H.V)

Mai Thúc Lân