Trên hữu ngạn Hội Thông (Cửa Hội, chỗ con sông Cả đổ ra biển) có một khu lòng chảo thiên nhiên nằm dọc theo bờ biển. Về phía Nam, khu lòng chảo ấy đạt đến chỉ số 2 của các vòng cao độ trên bản đồ và chạy thoai thoải thấp dần về phía cửa biển đến chỉ số dưới số 0. Vùng đất thấp này ngập nước quanh năm, không trồng trọt gì được cả. Ở đấy chỉ mọc một loại cói có tên nôm na là “cói dệt chiếu”, thực ra thì đó là loại cói thuộc họ cói có tên khoa học là cói Cypéracée mà người Việt Nam gọi là “cói lát” hay “cói trang”. Vùng đất cao ở phía Nam nhờ có những con suối chảy róc rách tưới cho nên đã biến thành những thửa ruộng màu mỡ trồng được hai vụ lúa mỗi năm. Những con suối chảy xuôi theo bờ biển đổ vào vùng đất thấp có chỉ số dưới số 0 của các bản đồ.
Làng Tiên Điền nằm giữa vùng đất phì nhiêu ấy, một vùng đất mà trong các bài khảo cứu về địa chất tôi đã gọi là “vùng Tiên Điền”. Hồi thế kỷ 16 vùng đất này đã được nhà vua ban cho một dòng họ Nguyễn nổi tiếng mà trong các bài viết về những danh nhân của đất An Tịnh tôi gọi là “dòng họ Nguyễn Tiên Điền”.
Theo gia phả của dòng họ Tiên Điền thì cụ tổ của họ là Nguyễn Thiến, nhờ có công trạng với nhà Lê hồi thế kỷ 16 nên được nhà vua phong tước bá và ban cho vùng đất Tiên Điền. Hồi ấy vùng Tiên Điền là một vùng đất đầm lầy ở ven biển. Cứ mỗi đợt thủy triều là nước biển từ Cửa Hội tràn vào gây ngập úng khắp nơi nên không trồng trọt được gì cả. Các cụ tổ trong dòng họ đã cho đắp những con đê và dần dà ngăn được sự xâm nhập của nước biển. Nhờ vậy mà các đầm lầy được biến thành nhất đẳng điền.
Vùng đất hiện nay được một mô đất thiên nhiên và nhiều cồn cát che chắn cho nên nước biển không tràn vào được nữa. Đọc kỹ gia phả của dòng họ Tiên Điền chúng ta được biết những cát đá do nước biển đưa vào bờ từ thế kỷ 16 đến nay đã tạo thành một đường viền rộng khoảng 1km dọc theo bờ biển và kể từ thế kỷ 16 trên cái đường viền ấy có nổi lên thêm nhiều cồn cát mới.
Về những người trong dòng họ Tiên Điền đã chiếm hữu và đã có công khai hoang bồi đắp cho vùng đất này, quyển gia phổ của dòng họ cũng cho chúng ta biết nhiều chi tiết khá rõ.
Trong những năm từ 1527 đến 1592, thời kỳ nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê, cụ tổ của dòng họ Nguyễn Tiên Điền là Nguyễn Thiến sinh ở Canh Hoạch - huyện Thanh Oai - tỉnh Sơn Nam (nay là huyện Thanh Oai - tỉnh Hà Đông). Năm Nhâm Thìn, tức là vào năm Đại Chính triều vua Mạc Đăng Doanh, ông vào kinh thành ứng thí và đỗ trạng nguyên. Nhưng về sau, vào năm 1555, quân của nhà Mạc bị đánh tan ở Thanh Hóa nên nhà Mạc rút lên phía Bắc, cố thủ ở Cao Bằng đến năm 1592 thì bị tiêu diệt hẳn. Từ đấy Nguyễn Thiến theo phò nhà Lê, làm quan đến chức Thượng thư, được phong tước hầu và được nhà Lê ban cho vùng đất Tiên Điền.
Nội tôn của Nguyễn Thiến là Nam Dương Hầu Nguyễn Nhiệm (lúc mất được truy tặng là Nhâm hầu) có công vỡ hoang và khai thác vùng đầm lầy nằm ven bờ biển ở Tiên Điền. Hồi ấy Tiên Điền thuộc về phủ Đức Quảng (nay là phủ Đức Thọ) huyện Nghi Xuân. Sau khi mất Nguyễn Nhiệm được tôn làm thành hoàng làng Tiên Điền. Đền thờ ông là ngôi đền cổ nhất trong vùng, xây từ cuối thế kỷ 16. Vào những dịp trọng đại, các tộc trưởng, chi trưởng của dòng họ Tiên Điền vẫn họp tại ngôi đền này để bàn về những vấn đề có tính cách lợi ích chung liên quan đến dòng họ. Đền được lợp bằng loại ngói gọi là ngói “hài” vì đầu miếng ngói cong lên như mũi hài. Trong đền, ở phía trên bàn thờ thành hoàng chỉ treo mỗi một bức hoành khắc bốn chữ “Hồng Sơn thế phả” (dòng họ thế gia ở núi Hồng).
Trong thi văn, xứ An Tịnh (hay xứ Nghệ Tĩnh) được gọi là vùng Hồng Lĩnh và bốn chữ Hồng Sơn thế phả tóm tắt ý một câu sau đây trích từ trong gia phổ: Nhà đời đời có quan sang ở dưới dãy núi Hồng Sơn. Trên bức hoành của dòng họ Tiên Điền, bên phải có dòng lạc khoản: “Ngày cát nhật [ngày lành], tháng 5 năm thứ 15 triều vua Càn Long [1750]. Hoàng Phủ Thái, Trung Hiến đại phu của Thiên triều”. Bên trái có dòng chữ: tháng 3 năm Minh Mạng thứ 15 (1834)… do Vĩnh Tường khắc (có thêm mấy chữ nữa vì mờ nên không đọc được).
Theo ông Nghè Nguyễn Mai, người đã đưa chúng tôi đi thăm ngôi đền thờ thì bức hoành này được sao lại từ bức hoành treo ở đền thờ Nguyễn Du. Nếu thế thì người ta đã “tam sao thất bản” vì năm khắc bức hoành này là năm 1790 chớ không phải là năm 1750 như đã ghi trên bức sao.
Cách con đường đưa vào ngôi đền thờ, ở giữa một thửa đất hình tròn được dọn quang trong một khu rừng nhỏ (gọi là rừng thiêng) có dựng một tấm bia rất đáng cho chúng ta để ý vì hai lẽ sau đây. Thứ nhất, là những họa tiết trang trí bia được khắc nổi nhưng không lồi cao hơn toàn bề mặt của tấm bia. Thứ hai, là những chữ khắc trên bia nhắc lại những điều khoản mà nhà vua đã ghi rõ trong các sắc dụ ban cho dòng họ là ông bà cha mẹ (còn tại thế hay đã từ trần) của một bề tôi có công với triều đình sẽ được hưởng tất cả những chức tước bổng lộc mà triều đình đã ban cho kẻ bề tôi ấy.
… Ngôi đền để thờ nhà thơ bất hủ Nguyễn Du là ngôi đền khiêm tốn nhất trong số các ngôi đền thờ của dòng họ Nguyễn Tiên Điền và được dựng lên vào năm 1823(1), năm bốc mộ cho ông. Ông mất ở Huế năm 1820, lúc đang giữ chức Thượng thư trong triều.
... Bên trong ngôi đền thờ của Nguyễn Du mọi thứ được bài trí rất giản dị. Trên một bệ thờ xây bằng gạch là bài vị của người chết, ở phía trên có treo một bức hoành phi, hai bên hông trái và phải có hai bức hoành phi khác. Thêm vào đấy là hai câu đối treo hai bên phải và trái của bệ thờ. Cách bài trí chỉ có thế, rất sơ sài.
Tấm hoành phi treo trên cây trính của gian giữa, ở phía trên bệ thờ có mang bốn chữ “Hồng Sơn thế phả” có nghĩa là “vẻ vang cho một vọng tộc của núi Hồng” (Hồng Sơn là chữ mà các nhà thơ thường dùng trong thi ca để chỉ vùng đất An Tịnh).
Bức hoành phi trên cây trính bên phải có dòng chữ: “Đáng khen thay người đã được ban tặng nhiều Bảng rồng” (tức là những bằng sắc của triều nhà Lê).
Hai dòng lạc khoản ở hai bên ghi rõ:
Bên phải: “Cát nhật tháng 5 âm lịch, tức năm thứ 55 đời vua Càn Long (1790)”.
Bên trái: “Do Trung Hiên Đại Phu Hoàng Phủ Thái của Thiên triều tặng”.
Trên các dòng lạc khoản ta có thể đọc thấy:
Bên phải: “Tháng Giêng năm Bính Thìn, năm đầu của đời vua Gia Khánh”. Vua Gia Khánh ngồi ngôi vua từ năm 1796 đến 1820. Năm đầu tiên của triều đại ông là năm 1796, năm Nguyễn Du được tặng bức hoành phi.
Bên trái: “Tri phủ phủ Tử Thành, tỉnh Quảng Tây là Chu Bảo, hậu duệ đời thứ 24 của Văn Công đã viết bài văn này”.
* * *
Điều khiến chúng ta chú ý ở những đền thờ của dòng họ Nguyễn Tiên Điền là cái vẻ trần trụi, đơn sơ, cái cách bài trí cực kỳ giản dị khác hẳn với lối trưng dọn phô trương rối mắt của những đền thờ của những dòng họ võ tướng và của những gia tộc mới phát tích gần đây.
Cũng cần bàn thêm một chút về điểm này. Những văn miếu để thờ Khổng Tử và những 400 hoặc 600 đệ tử của ngài, những vật bài trí duy nhất trên bàn thờ chỉ là những bài vị của những vị thánh được thờ. Dòng họ Nguyễn Tiên Điền vốn là một dòng họ đã cống hiến cho đất nước nhiều bậc đại Nho. Cho nên có thể nói cái nét cực kỳ đơn sơ của những đền thờ của dòng họ ấy đúng là một biểu tượng nói lên sự cao thượng tâm hồn của những con người kiệt xuất trong dòng họ.
Sự giản dị trong cách thờ cúng tổ tiên ấy đã khiến một trong những anh học trò của tôi đang học năm thứ tư ở trường trung học thành phố Vinh niên khóa 1927-1928 đã “tổng kết” như thế này trong bài Báo cáo thu hoạch qua những lớp học Khảo sát thực địa:
“Đại thi hào Nguyễn Du, người đã làm ra những câu thơ trác tuyệt để than thở cho cái định mệnh đau thương của nhân vật của mình, ngày nay, bị mọi người bỏ mặc, đang ngủ giấc ngủ thiên thu trong một nấm mồ mọc đầy cỏ dại. Đứng trước nấm mồ của ông, tôi cảm thấy vừa xúc động vừa bất bình. Nơi an nghỉ cuối cùng của một tài thơ thiên cổ mà như thế này ư! Tác giả của tập thơ Les Châtiments(2) thì được nằm trong điện Panthéon, còn ngôi mộ của cha đẻ tác phẩm Kim-Vân-Kiều thì chỉ là một nấm đất sè sè nhỏ bé” (Nguyễn Đức Bính).
Bằng những câu này anh Bính đã bày tỏ lòng thương tiếc rất đáng khen của anh đối với Nguyễn Du. Tuy nhiên còn biết nói gì hơn nữa? Xây những tượng đài tốn kém hoặc đúc những tượng đồng thô kệch mà làm gì nếu sau đấy nhà cầm quyền lấy cớ là biểu lộ sự tôn kính và khâm phục của mình đối với những bậc vĩ nhân của đất nước lại bày ra những lễ hội vừa rầm rộ vừa chướng mắt. Những trường hợp như thế thỉnh thoảng vẫn thấy xảy ra bên Âu châu. Tất cả những trò ấy đều là giả dối và phù du, trong khi công trình thi ca của Nguyễn Du, khúc Đoạn trường tân thanh là một tác phẩm đi sâu vào lòng người, vào tận bên trong những mái nhà tranh của xứ sở Việt Nam. Đấy mới là sự bất tử đích thực, một sự bất tử không phải nhờ đến những bia đá và những tượng đồng. Còn gì hơn để cho vong linh của Nguyễn Du được vui cười trong cõi vô cùng hằng cửu.
NGUYỄN MINH HOÀNG
trích dịch từ cuốn Le vieux An Tinh
_____
* Học giả người Pháp, sinh năm 1881, đã sống tại Việt Nam từ 1908 đến 1936.
(1) Các tài liệu khác ghi là 1824.
(2) Tập thơ Trừng phạt của Victor Hugo.