Ở đây, có một số cán bộ chính quyền xã công khai “cướp” đất làng nhưng họp dân họ lại tuyên bố chỉ ưu tiên cấp đất cho dân làm nhà, không cắt đất cho cán bộ xã. Thế nhưng Hoàng Hữu Thắng, với cương vị Chủ tịch xã đã mánh lới đổi hai sào đất trồng cây để lấy một sào đất khác rồi làm thủ tục hợp thức đất ở cho nhà mình. Anh ta cũng làm thủ tục để em trai xây chuồng trại và nhà ở kiên cố trên diện tích đất canh tác chính vụ.
Huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc có xã Tứ Yên nhưng không thấy bình yên.
Ở đây, có một số cán bộ chính quyền xã công khai “cướp” đất làng nhưng họp dân họ lại tuyên bố chỉ ưu tiên cấp đất cho dân làm nhà, không cắt đất cho cán bộ xã. Thế nhưng Hoàng Hữu Thắng, với cương vị Chủ tịch xã đã mánh lới đổi hai sào đất trồng cây để lấy một sào đất khác rồi làm thủ tục hợp thức đất ở cho nhà mình. Anh ta cũng làm thủ tục để em trai xây chuồng trại và nhà ở kiên cố trên diện tích đất canh tác chính vụ.

Ruộng chè bậc thang - Mù Cang Chải, Yên Bái.
Cán bộ địa chính xã Đỗ Văn Sáu thì lợi dụng quyền hạn để hợp thức đất ở cho nhà mình nhiều nhất xã. Các ô đất ấy được chia ra đứng tên vợ, bố đẻ và con trai chưa lập gia đình. Sau khi làm thủ tục cấp bìa đỏ xong nhà anh ta đã bán đi một số ô.
Bố cán bộ địa chính xã và trưởng ban tài chính xã “mua” đất ở thì được giảm bảy mươi phần trăm tiền lệ phí, lấy cớ họ là thương binh. Nhưng còn bao nhiêu thương binh khác thì phải nộp 100% lệ phí.
Ai lên tiếng thắc mắc thì họ dọa suốt đời không làm thủ tục cấp sổ đỏ quyền sử dụng ruộng đất cho nhà ấy. Khi một số cán bộ về hưu lên tiếng phản đối việc tham nhũng đất đai thì cán bộ ra quyết định tức thì đo lại đất vườn nhà họ. Ở làng đồi này mấy nhà không khai báo diện tích đất vườn ít đi để giảm tiền thuế. Mấy ông xã dọa đo lại để thu hồi đất thừa của họ. Không ngờ gặp phải mấy ông sĩ quan cao cấp về hưu ngay tức thì viết đơn tố cáo cán bộ xã khai man diện tích thổ cư và đất vườn. Yêu cầu phải đo lại để cùng xử lý. Anh lãnh đạo xã thấy dại liền cười hề hề xin các bác hưu trí rút đơn và xã cũng huỷ quyết định không đo lại đất.
Con trai cán bộ văn phòng uỷ ban xã mới 14 tuổi, cũng được cấp đất ở. Gia đình cán bộ này được cấp những bốn xuất đất. Trong khi nhà ông Nguyễn Văn Vy ba thế hệ có ba cặp vợ chồng cùng con cháu ở chung trong một căn nhà bốn gian, xin đất ở để tách hộ thì xã không cho. Xã cấp đất không đúng đối tượng, dung túng cho nhau sử dụng đất sai mục đích.
Nhân dân địa phương cần đất ở thì không cho. Nhưng lại “bán” cho người ngoài. Một cán bộ lấy nhiều ô đất để đem bán kiếm lời. Người ta thắc mắc thì gọi điện thoại đe doạ. Thậm chí đến tận nhà ông Khổng Trọng Hoắc dọa sẽ bị đóng cọc vào mả ông, mả cha vì tới đây chủ tịch xã Hoàng Hữu Thắng về làm Phó chủ tịch huyện, quyền hành đến tay sẽ nắn đường làng vào các khu mộ địa của nhà dân. Ai khôn hồn biết điều chớ kêu ca thắc mắc thì ông cha mới được mồ yên mả đẹp. Biết không qua mặt được ông Hoắc nên họ đèo xe máy rước ông đi thăm ba, bốn khu đất đẹp để nếu ưng lấy mảnh nào thì xã sẽ làm và cấp ngay cho bìa đỏ. Nhưng ông Hoắc không nghe.
Cán bộ xã không chỉ mất uy tín với dân, mà tôi còn được xem một văn bản của ông chi nhánh trưởng chi nhánh điện Lập Thạch, Bùi Thanh Thể ký tên đóng dấu, kết luận về Uỷ ban xã Tứ Yên như sau: “Họ dùng con dấu được nhà nước giao cho để ký các văn bản dối dân, lừa Đảng, vu khống người khác”.
Chính quyền xã Tứ Yên có biểu hiện nhom nhem tiền bán đất và tiền lệ phí thủ tục cấp bìa đỏ của dân.
Bà Nguyễn Thị Hải thôn Yên Lập “mua” 70m2 đất một lần nộp 6 triệu đồng, xã chỉ ghi vào biên lai thu 600.000 đồng. Bà đòi biên lai đủ số tiền nộp nhưng không được. Thế là cãi nhau. Mọi người xin làm thủ tục cấp bìa đỏ đất mất 4.700.000 đồng. Xã thu trước 2.700.000 đồng nhưng cũng chỉ ghi vào biên lai thu có 600.000 đồng. Ai thắc mắc thì dọa không cho sổ đỏ.
Mười bốn năm trước một gia đình đã phải nộp 12.000.000 đồng để làm lệ phí cấp hai bìa đỏ tách cho hai hộ. Nhưng rồi xã chỉ cấp gộp vào một bìa đỏ. Gia đình đòi tách ra thì họ lại đòi nộp một lần tiền nữa.
Một chị tên Huyền đã nộp cho cán bộ địa chính 2.060.000 đồng để xin cấp bìa đỏ. Xã chỉ viết biên lai thu 600.000 đồng khi chị đến hỏi bìa đỏ. Cán bộ xã đòi nộp tiếp 2.600.000 đồng. Chị không nộp tiền mà đưa ra cái đơn kiện về việc nộp tiền nhiều viết biên lai thu tiền ít và đòi trả bìa đỏ. Hai bên đang lý sự thì một ông “Thầy kiện” của làng nhảy ra bảo cho cán bộ địa chính biết chính ông ta mách nước cho chị viết đơn kiện. Nếu không giải quyết thì ông ấy sẽ gửi đơn kiện đi các cấp. Biết không xơi được của nhà chị này, họ đành phải trả ngay bìa đỏ.
Nhiều người dân Tứ Yên ngờ rằng cán bộ xã dám nhũng nhiễu làm liều vì họ được một số ông lãnh đạo huyện bao che. Không chỉ Tứ Yên mà nhiều xã nữa như Xuân Lôi, Phương Khoan, Tam Sơn, thị trấn Xuân Hoà cũng đang bức xúc vì nạn tham nhũng đất.
Từ mấy chục năm trước tôi đã thấy dân làng Tiên Lữ kiện chính quyền xã nhưng có lẽ cũng chỉ “con kiến kiện củ khoai”.
Hồi ấy, tôi được anh Cẩn, Hiệu trưởng trường cấp III Ngô Gia Tự gọi sang viết bài nghiên cứu khu rừng bạch đàn ở Tiên Lữ, đang bị chính quyền xã âm mưu triệt phá. Chủ rừng bạch đàn này là Đặng Hồng Nhật, nguyên là học sinh cũ của trường Ngô Gia Tự. Anh ta có nhiều tài vẽ vời, đàn hát. Nhà trường diễn kịch chống Mỹ - Diệm và họ giao cho anh Nhật vẽ phông cho vở diễn. Diễn kịch xong Nhật đem phông về nhà treo để khoe tài vẽ của mình. Chết nỗi trong phông có vẽ hình Ngô Đình Diệm. Thế là anh bị bắt bỏ tù mấy năm.

Ruộng bậc thang.
Trở về thấy làng có nhiều đồi núi trọc, Nhật xin một góc đồi hoang ở Hang Chăn để trồng bạch đàn. Bạch đàn non đang lên mơn mởn thì xã bắt chặt để nộp sản cho họ.
Số là nhiệm kỳ khoá uỷ ban ấy sắp hết. Nếu chờ bạch đàn già, đợt tới lại không được bầu vào ban lãnh đạo chính quyền thì không còn cơ hội để chấm mút vào hoa lợi rừng bạch đàn này. Vì thế, họ muốn âm mưu bắt chặt bạch đàn non. Biết có nhà văn, nhà báo đến rừng Hang Chăn, nhân dân Tiên Lữ ùn ùn kéo đến để cung cấp tư liệu tiêu cực của xã. Uỷ ban xã cử ra hai ba anh nhân viên công an. Họ chưa kịp bắt tôi, thì anh Cẩn gọi họ ra một chỗ bảo họ chớ dại dột động đến một nhà văn, nhà báo có thẻ hành nghề. Vì đều là học trò của anh Cẩn nên họ lui về. Buổi chiều đến trụ sở xã hỏi về lý do chặt rừng bạch đàn, chủ tịch xã Tiên Lữ đổ tại anh Nhật sử dụng diện tích trồng rừng vượt tiêu chuẩn.
Cái cớ ấy thật vô lý. Xã này đang có hàng trăm, hàng ngàn mẫu đất đồi bỏ chơ sỏi đá, bắt chặt bạch đàn để khu đất này lại trở thành đất hoang ư? Tôi bảo, tôi về đây để ca ngợi người biết phủ xanh đồi núi trọc chứ không viết chống tham nhũng. Nhưng nếu xã bắt phá khu rừng này thì không riêng tôi, mà còn nhiều nhà báo khác sẽ về đây để viết phanh phui các vụ tham nhũng...
Lần này về Tứ Yên, tôi gặp một số người dân, có giáo viên, sĩ quan cao cấp nghỉ hưu và ông Hà Minh Tuấn, một Đảng ủy viên không tham nhũng đất. Tôi hỏi về thái độ của lãnh đạo huyện Lập Thạch trước nạn bê bối tham nhũng đất ở đây. Tất cả đều lè lưỡi.
Ông Khổng Trọng Hoắc tỏ ra không tin tưởng gì vào huyện, ông viết đơn phản ánh tình hình bê bối của xã về đất đai nhưng huyện lờ đi. Ông phải về phản ánh trực tiếp với Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Đình Dũng. Có ý kiến của tỉnh, huyện mới phải lập đoàn kiểm tra. Nhưng thanh tra huyện về không gặp những người viết đơn kiện. Họ chỉ gặp cán bộ xã. Cực chẳng đã cũng phải giơ cao đánh khẽ, xét kỷ luật một vài cán bộ đảng viên sai phạm luật đất đai. Nhưng nực cười là tránh không đưa họ về chi bộ để kiểm điểm xét kỷ luật.
Thông thường mọi đảng viên phạm sai lầm khuyết điểm đều phải đưa ra chi bộ để kiểm điểm, biểu quyết mức kỷ luật trước. Trừ trường hợp đảng viên được giao nhiệm vụ đặc biệt, thuộc bí mật quốc gia như hoạt động tình báo chẳng hạn thì không phải kiểm điểm ở chi bộ.
Số cán bộ bị kỷ luật về đất đai ở Tứ Yên chỉ phải họp kiểm điểm ở Đảng uỷ nơi hầu hết đảng viên đều dính dáng đến đất đai đã làm cho quần chúng, đảng viên ở Tứ Yên bất bình. Chẳng nhẽ tham nhũng đất đai cũng được coi là bí mật quốc gia, là nhiệm vụ đặc biệt do cấp trên giao cho cấp xã thực hiện ư? Rồi Bí thư Huyện uỷ (gần đây mới nghỉ hưu) thì dư luận quần chúng coi thường vì có quan hệ tình cảm không rõ ràng với một cô gái làm nghề... khó nói ra. Hỏi như thế còn ai tin vào huyện!!! Rồi việc dân nộp tiền “mua” đất, nộp lệ phí làm bìa đỏ, quyền sử dụng đất, nộp mười ghi biên lai một, hai, số còn lại nộp vào đâu hay chia chác đút lót cho ông bà nào thì dân làm sao mà biết!
Huyện Lập Thạch với xã Tứ Yên cứ làm ăn kiểu ấy thì yên sao được.