Nhà thơ Tạ Hữu Yên còn có các bút danh là Lê Hữu, Xuân Hữu, Ðông Xuân, Cử Tạ. Ông sinh tháng 7-1927, tại thôn Ðông Hội, xã Ninh An, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.
Ông phục vụ trong quân đội hơn 40 năm, mang quân hàm tới cấp đại tá, từng làm đủ các công việc: Chiến đấu viên, tuyên truyền viên, cán bộ địch vận, phóng viên báo viết, báo nói, biên tập viên rồi cán bộ quản lý xuất bản sách... nhưng nói tới ông, ai cũng nghĩ ông là một nhà thơ, đồng tác giả của nhiều bài ca bất hủ.
Ông nghỉ hưu đã hơn 20 năm, nhưng tên tuổi ông vẫn xuất hiện đều đều trên sách báo, nhiều hơn cả là các báo: Cựu Chiến binh Việt Nam, Quân đội nhân dân, Ninh Bình... những tờ báo mà sinh thời ông rất gắn bó. Và, với thơ, tình yêu, niềm say mê vẫn nguyên vẹn như những thuở nào.
Căn hộ “lắp ghép” của ông nằm sâu trong một ngõ nhỏ đường Nguyễn An Ninh (Hà Nội), những ngày chưa xa lúc nào cũng đượm không khí thi ca. Ấy có thể là một ngày cuối tuần, bạn bè, thi hữu và cả những bạn đọc trẻ yêu mến thơ ông tới thăm ông. Ấy có thể là một đêm khuya thanh vắng, chỉ có ông ngồi bên ngọn đèn bàn, trước tờ giấy trắng... Và, ấy cũng có thể là những thời khắc, những phút lặng im của nhà thơ trên chiếc ban công nhỏ với một mầm cây, một nụ hoa đang hé...
Thơ Tạ Hữu Yên dù là Tiếng ca xanh, là Ngọn súng biên phòng, là Sấm dậy trưa hè hay là Lửa và hoa... (tên những tập thơ và trường ca của ông) đều là thơ viết về người lính với tất cả niềm yêu thương, trân trọng vô cùng! Dù đã in tới cả trăm đầu sách, cả ngàn bài báo viết về họ, ông vẫn xem là chưa đủ. Có lần ông tâm sự: “Mang quân hàm đại tá, nhưng tôi vẫn cảm thấy như một binh nhì, rất thích gần gũi với các chiến sĩ, mong được thăm gặp những Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Tôi luôn luôn muốn tới được các vùng đất lạ và không thể quên nguôi những đồng chí đồng đội đã hy sinh... Vì thế đề tài bộ đội, đề tài chiến tranh cách mạng với tôi không bao giờ cũ...”.
Đề tài bộ đội, đề tài chiến tranh cách mạng không bao giờ cũ như hồn thơ của ông còn vẫn rất thanh xuân. Năm 1997, khi tròn tuổi 70, ông viết:
Tự mừng tuổi 70 tròn
Hồn thơ thi sĩ vẫn còn thanh xuân
Một đời mải miết việc quân
Bạc màu áo lính, tình dân thêm nồng
Và ông ao ước:
Nhặt tia nắng sớm vắt vai!
Ta cùng bạn trẻ “một, hai...” lên đường!
Viết về người lính, viết cùng người lính và viết cho nguời lính cũng là cách Tạ Hữu Yên thổ lộ, giãi bày tình yêu của mình với con người, với quê hương, đất nước-một tình yêu mộc mạc đấy mà thật nồng nàn, trĩu nặng đấy mà thật tha thiết.
Tình yêu ấy của Tạ Hữu Yên được thể hiện trong thơ nói riêng và trong các trang viết khác nói chung của ông nổi bật lên là tấm lòng đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh-vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam, người Cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Ông có tập thơ Nhớ Bác (NXB Hội Nhà văn, 2001) với 49 bài trong đó có những bài như: Với Người, Đôi dép Bác Hồ, Mùa sen vàng, Tên Bác, Nét đẹp của Người, Về nguồn, Nói sao cho hết... đạt hiệu quả nghệ thuật rất cao. Tôi rất thích bài Với Người có 4 câu:
Với Người sắc cỏ cũng là hoa
Trăng nơi đất khách vẫn trăng nhà
Dân tộc với Người chung số phận
Bác của nhân quần, Bác của ta
Trong đó có câu kết: Bác của nhân quần, Bác của ta như lời ăn tiếng nói dân gian, thật tự nhiên, thật giản dị mà xiết bao sâu sắc! Ông còn có những tập sách, những bộ sưu tập, biên soạn về đề tài Bác Hồ được bạn đọc yêu thích như: Mênh mông tình thương Hồ Chí Minh (NXB Thanh niên, 2002), Bao la nhân ái Hồ Chí Minh (cùng soạn với Trần Cao Nguyên, Thu Giang - NXB Thanh niên, 1994), Sáng ngời đạo đức Hồ Chí Minh (NXB Thanh niên, 1996), Đẹp nhất tên Người (ca dao, NXB Quân đội nhân dân, 2001)...
Tình yêu ấy của Tạ Hữu Yên còn được thể hiện qua hàng chục cuốn sách khác, trong đó có những cuốn sách viết về quê hương Hoa Lư, quê hương Ninh Bình yêu dấu của ông, trong đó giá trị nhất là tập biên khảo Hoa Lư xưa và nay (viết cùng với Vũ Bão, Lữ Giang - Huyện ủy Hoa Lư xuất bản, 1995). Nói về tình yêu của ông với quê hương, nhà thơ Thanh Thản, đồng hương Ninh Bình với ông, viết:
Với quê hương, bàn chân anh thân thuộc
Thơ không đủ lời ca, anh viết báo trăm bài
Một mái đền xưa, một danh lam thắng cảnh
Anh giới thiệu quê mình đẹp chẳng kém quê ai
(Một nhà thơ, nhà báo quê hương - Báo Ninh Bình, 6 - 2002)
Nét nổi bật không thể không nói tới mỗi khi nói về Tạ Hữu Yên và thơ Tạ Hữu Yên, ấy là mối quan hệ giữa thơ và nhạc hay nói cụ thể hơn là những bài thơ của ông được phổ nhạc đã đạt đến con số kỷ lục, vượt mốc 130 bài! Có người viết: “Tạ Hữu Yên là nhà thơ có duyên với nhạc”, tôi thì cho rằng, đó là một “hiện tượng” hiếm thấy trong gia đình nhà văn Việt Nam hôm nay, bởi trước ông, chưa có một trường hợp nào như vậy hoặc tương tự như vậy.
Nói về những bài thơ được phổ nhạc của ông, hay nói khác đi là nói về cái “duyên” giữa thơ ông và nhạc, có lần ông nói: “Tôi làm thơ không phải để phổ nhạc. Sở dĩ được các nhạc sĩ “để mắt” tới có thể do đó là thứ thơ có đôi chút dân ca, ca dao chăng, hoặc là nó là thơ “lục bát phá thể” nên ai đọc cũng cảm giác như... hát ngay được?”
Và nói về những bài thơ phổ nhạc của Tạ Hữu Yên, người ta không thể không nhắc đến những bài ca “đi cùng năm tháng” như: Đất nước (Phạm Minh Tuấn phổ nhạc), Đôi dép Bác Hồ (Văn An phổ nhạc), Cảm xúc tháng Mười (Nguyễn Thành phổ nhạc), và bài Bàn tay mẹ (do Minh Châu, Nguyễn Thuỵ Kha, Bùi Đình Thảo phổ nhạc) - một trong những bài hát viết cho thiếu nhi được bình chọn là hay nhất thế kỷ XX…
Về bài Đất nước, Tạ Hữu Yên kể: Bài thơ được viết sau lần ông đến thăm một trại an dưỡng dành cho các bà mẹ có con là liệt sĩ ở tỉnh Thái Bình. Nghĩ đến các mẹ, ông vô cùng xúc động, nước mắt tự nhiên ứa ra. Các mẹ là biểu tượng của đất nước tươi đẹp, đau thương và anh hùng của chúng ta- đất nước của đàn bầu, của dân ca, nhưng cũng là đất nước “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa”, “chặn bước quân thù phía Nam, phía Bắc”, đất nước của những người mẹ “ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ”...
Về bài Đôi dép Bác Hồ, ông kể, bài thơ được sáng tác năm 1969. Năm ấy, Bác qua đời, trong đoàn chiến sĩ Tổng cục Chính trị đi viếng Bác ông vô cùng xúc động khi nhìn thấy đôi dép cao su của Người-đôi dép đã mở đường cho cách mạng Việt Nam, đã dẫn dắt quân và dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác mà sao thật giản dị, gần gũi và rất đỗi đời thường! Hình ảnh đôi dép cao su của Bác cùng những bước chân chiến sĩ cứ ám ảnh ông như không thể dứt ra được. Và bài thơ đã ra đời với những câu thật tự nhiên như không hề có sự sắp đặt, bài trí: Đôi dép đơn sơ/ Đôi dép Bác Hồ/ Bác đi từ ở chiến khu Bác về... Bài thơ được viết vào tháng 10 năm 1969, chỉ mấy tuần sau đó nhạc sĩ Văn An đã phổ nhạc và trở thành bài thơ được nhiều người ưa thích.
Cùng với các bài hát Đất nước, Cảm xúc tháng Mười, bài hát Đôi dép Bác Hồ đã trở thành những bài tiêu biểu của ca khúc cách mạng Việt Nam.
Tạ Hữu Yên sống nhân hậu và luôn luôn lao động hết mình cho nghệ thuật nên có lắm bạn bè. Đông hơn cả là các bạn chiến đấu, bạn viết, bạn thơ, và các nhạc sĩ.
Sẽ là thiếu sót nếu như viết về Tạ Hữu Yên mà không nói tới hàng ngàn bài báo của ông. Có những năm trong khi con trai thì ở xa, vợ ông lại phải vào cấp cứu trong bệnh viện vậy mà ông vẫn viết được hàng chục bài báo, hàng chục câu thơ, câu đối mừng xuân. Vẫn biết ông xuất thân từ nghề báo, từng làm thư ký tòa soạn báo Quân khu Tả ngạn, từng phụ trách cả một chương trình phát thanh quân đội trong những năm chiến tranh, vậy mà có lần đến thăm ông, đứng trước cả chồng báo biếu dành cho tác giả tôi vẫn bị bất ngờ. Tạ Hữu Yên thật đúng là “tuổi tuy hưu trí, chí không hưu” như câu nói năm nào của nhà thơ Thanh Tịnh... Cứ ngỡ con người ấy, hồn thơ ấy sẽ như những “tiếng ca xanh” xanh mãi, còn mãi không ngờ nhà thơ đã lặng lẽ ra đi vào sáng 30-5-2013 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Lão nhà thơ Tạ Hữu Yên đã mãi xa Hà Nội, sẽ về lại vĩnh viễn với đất “địa linh nhân kiệt” Hoa Lư quê hương, nhưng trong tôi, trong nhiều bạn viết, bạn đọc và đồng chí đồng đội của ông như còn vương mãi một bóng hình, một tấm gương lao động, một tấm lòng tha thiết với quê hương đất nước cùng giai điệu của những bài ca bất hủ mà nhà thơ đã để lại cho đời, cho riêng những người viết văn làm báo áo lính thế hệ hôm nay!
Thập Tam trại, tối 31-5-2013