Đầu xuân năm ngoái, tôi có dịp đi ngang qua một làng ven sông Cái, tình cờ tôi được nghe một chú bé chăn bò ê a hát mấy câu đồng dao:
Đi đường làm cáng
Xuống nước làm thuyền
Trời mưa làm lán
Xung trận làm khiên
- Mấy câu đó nói về cái gì, cháu biết không? – Tôi hỏi. Chú bé lắc đầu “không biết”, và dẫn tôi về ra mắt ông nội chú để “ông giảng giải cho mà nghe”.
Ông nội chú bé đã từng là một thầy đồ, nay đã 97 tuổi nhưng lưng vẫn thẳng, da đỏ au, đặc biệt đầu óc còn rất minh mẫn. Sau khi mời tôi chén rượu mừng xuân, và sau khi nghe đứa cháu nội nói rõ lý do tại sao khách đến nhà, cụ già vuốt bộ râu ba chùm trắng như cước, cười đắc chí:
- Mấy câu ấy nói về chiếc cáng của quân ta thời Hoàng đế Quang Trung đó mà – Rồi cụ cất cao giọng – Tuy gọi là “cáng”, nhưng nó đâu chỉ làm mỗi việc của chiếc cáng đơn thuần, mà theo như bài đồng dao ấy, thì ít ra nó có đến bốn tác dụng, đúng không nào?
Tôi trả lời “đúng” và háo hức đặt câu hỏi:
- Thưa cụ, chiếc cáng ấy như thế nào mà làm được nhiều việc vậy?
- Theo ông bà nói lại, thì nó là biến tướng của chiếc thuyền nan quê mình mà thôi. Đại khái nó được đan bằng cật tre giống hình con thuyền, có cạp vành, dài năm thước (hai mét), rộng hai thước rưỡi (một mét). Đan xong người ta lấy dây tơ hồng giã kỹ, trộn phân trâu trát lên thuyền cả trong lẫn ngoài, rồi đem phơi khô để chống thấm nước, thế thôi.
- Trời ơi, đơn giản vậy mà làm được bao nhiêu công việc! Thứ nhất là “đi đường làm cáng” cụ nhỉ?
- Đúng thế! – Cụ đồ nở một nụ cười rất tươi, hồn nhiên giảng giải – Xưa nay trong nhiều cuốn sách lịch sử, người ta chỉ nói đến mỗi tác dụng “làm cáng” này thôi. Đại khái, dọc đường hành quân, lính tráng được phiên chế thành từng nhón, mỗi nhóm ba người chung nhau một chiếc cáng, rồi một người nằm lên cáng thì hai người khiêng, lần lượt thay nhau. Cứ thế, mặc dầu phải di chuyển suốt ngày đêm, nhưng ai nấy đều được nghỉ ngơi đúng giờ giấc, đảm bảo sức khỏe. Tuy thế, ngay cái tác dụng “làm cáng” này, người ta cũng chưa nói hết. Bởi lẽ, dọc đường đi anh em lính tráng còn có thể sử dụng chiếc cáng như một cái bếp lưu động để đun nấu, tiết kiệm bao nhiêu giờ giấc, đúng không anh?
- Dạ, đúng lắm ạ! – Tôi thán phục trả lời, rồi lại hỏi – Còn “Xuống nước làm thuyền” là thế nào, thưa cụ?
- “Xuống nước làm thuyền” là tác dụng quan trọng bậc nhất của chiếc cáng này đấy – Cụ đồ hăng hái nói tiếp – Thời trước làm gì có sẵn cầu cống như bây giờ. Mỗi bận cho quân lính vượt sông, người ta thường cho một đội tiền trạm đi trước để cánh này trưng thu toàn bộ thuyền bè dọc sông, tập kết về một nơi nhất định. Anh tính xem, trên đường thiên lý từ Nam ra Bắc, người ta phải đi qua bao nhiêu sông ngòi nên việc qua sông ngốn mất nhiều thì giờ ghê lắm. Không những thế, nó còn làm lộ bí mật, không giữ được ý đồ tác chiến để gây cho địch những chuyện bất ngờ, mà còn có thể bị địch đánh phục binh. Nhưng nếu ta dùng ngay chiếc cáng ấy theo khía cạnh “xuống nước làm thuyền” thì khác hẳn. Mỗi bận gặp sông, từng nhóm ba người như đã nói trên, ngồi cả lên thuyền. Chỉ cần dùng các binh cụ làm dầm chèo, họ cũng có thể bơi qua sông một cách nhẹ nhàng, đúng không anh?
- Dạ, rất đúng – Tôi đáp, và mạnh dạn nêu ý kiến – Còn việc “Trời mưa làm lán” theo cháu thì… dọc đường hành quân, gặp lúc mưa gió, bộ đội chỉ việc úp ngược chiếc cáng lên đầu là mỗi nhóm có một cái lán di động khỏi lo ướt át.
- Phải đó, phải đó. Bây giờ đến tiết mục “Xung trận làm khiên”, nó là thế này – cặp mắt già nua của cụ đồ Nho sáng lên long lanh – Người ta lấy rơm nhào với đất bùn nhồi vào trong cáng một lớp thật dày. Lúc xung trận, từng nhóm ba người dùng nó như một tấm khiên che phía trước. Ở cái thời mà “vũ khí tầm xa” chỉ là các loại cung nỏ, thì tấm khiên kia là một lá chắn an toàn…
Ngày còn bé, học sử, tôi cũng từng được nghe thầy giáo nói về chiếc cáng ấy. Nhưng vì thầy chỉ nhấn mạnh mỗi điểm “đi đường làm cáng” nên tôi cứ ngờ ngợ. Nếu chỉ thế thì liệu nó có giúp cho lính ta thời đó hành quân được nhanh chóng như vậy không? Nhưng sau khi được nghe cụ đồ ở đây giảng giải kỹ lưỡng tính năng của chiếc cáng qua mấy câu đồng dao nọ, tôi mới tin chắc: lính ta thời Hoàng đế Quang Trung có sử dụng loại cáng như vậy thật. Và nhờ thế, nó đã góp phần đáng kể trong cuộc tiến công thần tốc tiêu diệt mấy chục vạn quân xâm lược Mãn Thanh hồi đầu xuân năm Kỷ Dậu 1789.