"Tô Ánh Nguyệt" giữa ruộng Gò Quao…

Cuối những năm 1940, trong kháng chiến chống Pháp, tôi đang làm chủ tịch huyện Gò Quao. Một hôm, có tiếng ồn ào trước văn phòng Ủy ban huyện, giọng một người Hoa nói tiếng Việt không sõi lắm.

Tôi từ trong bước ra xem có chuyện gì. Trông thấy tôi, anh em du kích hơi lúng túng, chỉ vào ông khách:

"Ông này cứ đòi gặp chủ tịch huyện, tụi tôi…"

Tôi hỏi:

"Muốn gặp tôi có chuyện gì?"

Ông khách chợt sáng mắt lên:

"A, dạ thưa ông chủ tịch, ngộ mới mua cái máy hát đem về hát nghe chơi, mấy chú này nói ngộ phạm pháp, lấy cái máy của ngộ… Lấy luôn dĩa hát hết chơn hết chọi…" .

Tôi suýt bật cười nhưng phải làm nghiêm vì lúc đó, có cái chuyện cấm ca vọng cổ, có lẽ nó "bi lụy, làm mất tinh thần kháng chiến của chiến sĩ, đồng bào"… Tôi cầm mấy dĩa hát lên coi, thấy nào “Tô Ánh Nguyệt”, “Tôn Tẫn giả điên”, “Sầu vương biên ải”… Tôi hơi lúng túng vì biết có chuyện cấm vọng cổ nhưng không biết cấp nào cấm và cấm tại văn bản nào.

Tôi dùng kế hoãn binh:

"Được rồi. Bây giờ mấy chú mời ông khách đây nghỉ tạm lại, lo cơm nước đàng hoàng?" Tôi nhấn mạnh chữ khách cho anh em hiểu tôi chưa coi ông ta như người phạm pháp.

Anh em nói:

"Dạ hiểu".

Lục lại bao loại giấy tờ, chưa thấy văn bản nào cấm vọng cổ. Tôi tặc lưỡi: mình chưa nhận được văn bản… sợ gì…

Lúc đó vào khoảng tháng tám, tháng chín, lúa đã cấy xong, nhưng nước vẫn ngập tràn đồng. Tối hôm ấy, tôi “bấm” mấy ông trong Ủy ban và Chi ủy đi "duyệt văn nghệ bị cấm"… để có phán xử cho chính xác.

Nói thật thì trong bụng, tôi cũng mê cải lương, lâu ngày không được nghe cũng thèm. Tôi giấu sẵn một lít rượu đế dưới xuồng, mang theo để khi cần thì "diệt" (duyệt) luôn.

Lấy một cái xuồng có cà-rèm của chủ tịch huyện đi cho kín đáo. Chống xuồng thật sâu vô trong hậu, xung quanh chỉ có lúa xanh nổi trên đồng nước trắng cho chắc ăn, không ai biết.

Trăng mờ mờ, thỉnh thoảng mưa rúc rắc… vặn máy hát lên. Trước hết nghe “Tôn Tẫn giả điên”, “Sầu vương biên ải” (dĩa hát có hai mặt, một bên bài này một bên bài kia, nhưng bà con quen miệng gọi gộp Tôn Tẫn với sầu vương). Nghe đã quá, chưa thấy "phản động" chỗ nào. Tiếp theo, tới “Tô Ánh Nguyệt”, vừa nghe vừa lai rai, mê mẩn…

Tới khuya, hết dĩa, đi ra định chống xuồng về mới tá hỏa: xung quanh, mấy chục chiếc xuồng của bà con nông dân bu đen, quần nát cả một đám lúa. Mà có cả ông chủ đám ruộng trong đó! Tôi nói thôi nát lúa sẽ đền, ổng nói nghe đã quá mà đền cái gì!

Tôi bàn với anh em: chẳng biết có phải trình độ mình kém, chưa nghe ra chỗ "phản động" chăng, nhưng tôi chưa nhận được văn bản cấm nên tôi trả máy và dĩa hát cho ông khách mang về, bao giờ nhận được văn bản, tôi sẽ cấm tiệt! Ai cũng "nhất trí".

Và cho tới bây giờ không biết là có ai đó và văn bản nào đó cấm vọng cổ hay không? Có điều là từ 1952 về sau, cải lương và vọng cổ được chính quyền cách mạng tổ chức diễn cho bà con vùng giải phóng xem và bà con rất thích thú.

(Theo lời kể của đ/c Phạm Sơn Khai,
nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ)

THANH GIAO