Tạ Quang Bửu: Bậc thầy khoa học – văn hóa mãi mãi được kính trọng

Rất khó mà tóm tắt về GS Tạ Quang Bửu trong một số dòng. Sinh ra trong một gia đình Nho học lâu đời ở Nam Đàn - Nghệ An. Tạ Quang Bửu học rất giỏi, đỗ đầu Tú tài bản xứ và Tú tài Tây, được học bổng sang Paris du học. Sau đó, ông học tại Đại học Oxford - Anh. Dạy học ở Huế. Là huynh trưởng hướng đạo sinh Trung kỳ. Tham gia Cách mạng Tháng Tám: làm Tham nghị trưởng Bộ Ngoại Giao (9/1945-1/1946), làm Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng (từ 3/1946). Tham gia Hội nghị Đà Lạt (4/1946), hội nghị Fontainebleau (6/1946). Từ tháng 8/1947 – 8/1948 ông là Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng, từ tháng 9/1948 đến 1961 là Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng, kiêm nhiệm nhiều chức vụ khác. Năm 1954 tham gia Hội nghị Genève và thay mặt chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký kết Hiệp định. Giám đốc Đại Học Bách khoa, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp (1965-1976). Huân chương Độc lập hạng Nhất, giải thưởng Hồ Chí Minh và nhiều huân chương cao quí khác… Giáo sư Tạ Quang Bửu là người có kiến thức bách khoa hiếm có về các ngành khoa học. Là người thầy đã dẫn dắt hàng ngàn nhà khoa học lỗi lạc khác đi vào khoa học. Là một nhà trí thức đã sống hết mình với Cách mạng, Kháng chiến và đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lịch sử văn hóa nước nhà. Đó là một con người cao cả và nhân hậu, một tấm gương trung thực của một nhà quản lí cấp cao, một bậc thầy mãi mãi được người đương thời và người mai sau ngưỡng mộ.

Đã có hàng trăm bài viết của các nhà khoa học, văn hóa viết về ông, sinh động, phong phú, chân tình. Nhân dịp kỷ niệm Cách Mạng tháng Tám, trong chủ đề Trí thức và Cách mạng, Hồn Việt xin giới thiệu một vài hồi ức về GS Tạ Quang Bửu.

“Bố tôi mất ngày mồng 6 tháng Tư âm lịch, lúc bấy giờ tôi đang trọ tại nhà cụ phó bảng Nguyễn Thúc Dinh (lúc ấy cũng đang ở Huế) để đi học trường Quốc học được gần hơn. Bỗng có người đến gọi tôi trở về nhà vì sáng hôm ấy bố tôi thổ huyết ngã ngay giữa đường, may mà có người đi qua vực dậy. Bố chết, nhưng tôi chưa hiểu gì cả, chưa biết thương bố một cách sâu sắc.


Hội đồng Chính phủ tại chiến khu Việt bắc 1949.
Tạ Quang Bửu ngồi bên trái Bác Hồ.

Bố tôi mắc bệnh lao vì cảnh nhà túng bấn, khi qua đời, chẳng còn gì để lại cho mẹ tôi ngoài… vài trăm đồng bạc nợ! Các chủ nợ có ý đợi tôi sau này đỗ đạt ra làm quan, rồi thì họ sẽ đòi nợ, hoặc sẽ “bắt” tôi phải “cưới” con gái họ! Bà con dân phố bảo tôi phải mặc áo xô, chít khăn trắng, nằm xuống đất đợi người ta khiêng quan tài bố tôi đi qua, mới được đứng lên. Sau đó, quan tài được đưa xuống thuyền, chở luồng qua phía dưới cầu Thanh Long, rồi đưa lên chôn ở bến Ngự… Tôi biết từ nay mình sẽ khổ…

Một vài người bạn của bố tôi bày cho tôi cách xin học bổng. Khăn áo chỉnh tề, tôi mang đơn đến Tòa Khâm. Người giúp tôi lúc đó là ông Lê Thanh Cảnh. Theo sự chỉ dẫn rất ân cần của ông, tôi đi tới một căn phòng ở đấy có một anh Tây trẻ có lẽ chưa đến hăm lăm tuổi đang ngồi. Tôi khúm núm bước lại gần với lá đơn trong tay. Không thấy anh Tây này làm gì cả ngoài việc lấy tay nhổ râu. Bỗng một cái bạt tai mạnh như trời giáng! Đau quá, tôi chỉ còn nhớ láng máng là có một người Việt Nam nào đó bước vào phòng, nói tiếng Pháp với anh Tây kia: “Sao ông lại đánh nó? Nó không cất khăn tang, chứ đâu phải không chịu bỏ mũ!”.

Nỗi uất hận ấy của người dân mất nước, anh Bửu ghi lòng tạc dạ từ tuổi mười lăm.

(Theo Hàm Châu:
Người thầy công tâm và thông thái
Sách Tạ Quang Bửu – Nhà trí thức yêu nước và cách mạng,
Hà Nội – 1996, tr. 24-25
)


GS Tạ Quang Bửu cùng Đồng chí Trường Chinh và Phạm Văn Đồng
xem mô hình.

“…Vào kháng chiến chống Pháp, anh Bửu được cử giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; tôi cũng gặp anh nhiều trong công tác, vì lúc đó tôi là Thứ trưởng, Tổng thư ký hội đồng Chính phủ. Có những lần đi họp hội đồng Chính phủ thì anh Võ Nguyên Giáp (Tổng tư lệnh quân đội), anh Bửu (Bộ trưởng Bộ Quốc phòng) và tôi cùng đi một đường. Ba người đều đi ngựa, và lúc qua đình Tân Trào (nơi đã họp Quốc dân Đại hội tháng 8/1945) thì ba người cao hứng làm một bài thơ thất ngôn bát cú mà tôi còn nhớ mấy câu:

Trở lại Tân Trào trở lại đây
Quốc dân đại hội đã bao ngày
Ngựa ơi bước chậm cho lòng nhớ
Gió hỡi đừng nhanh cuốn lá bay…

(Huy Cận
Vài kỷ niệm về GS Tạ Quang Bửu
Ba nhà khoa học kiệt xuất, tr.33)

“…Điều này còn quý hơn là sự khiêm tốn, giấu mình, tấm lòng nhân ái, luôn khuyến khích nâng đỡ các tài năng trẻ, thông cảm chia sẻ ngọt bùi với các bước thăng trầm của nhà trường. Giáo sư theo gương sáng của Bác Hồ sống cuộc đời trung thực, giản dị, chí công vô tư, cần kiệm liêm chính.


GS Tạ Quang Bửu tại lễ kí kết Hiệp định Genève 1954.

Sau năm 1976, khi không còn là Bộ trưởng nữa, mỗi khi vào TP.HCM, GS và vợ ăn ở tại cư xá Thanh Đa một cách đạm bạc. Giáo sư đúng thực là một con người Việt Nam yêu nước chân chính, một nhà khoa học uyên bác, một nhà quản lí chuyên môn tài năng, một nhà lãnh đạo đức độ, xứng đáng hai lần được cử làm Bộ trưởng (Quốc phòng và Đại học), xứng đáng được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh, nêu một tấm gương sáng về tự học suốt đời, để lại cho hậu thế một hình ảnh cao đẹp, tiêu biểu cho nền văn hiến Việt Nam…

(Phan Hữu Dật
Vài kỷ niệm về cố Bộ trưởng Tạ Quang Bửu
Ba nhà khoa học kiệt xuất, tr.61)

“…Cuối năm 1962, tôi được sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh tại khoa Toán – Cơ, ĐH Tổng hợp Mạc Tư Khoa. Hồi đó, tôi “mê” toán học kiến thiết, một hướng toán học theo các quan điểm phê phán các phái “trực giác” nhưng được xây dựng trên cơ sở lý thuyết hiện đại về thuật toán đang bắt đầu phát triển khá mạnh ở Liên Xô. Mê thì học thôi, chứ ý thức phục vụ xem chừng còn mơ hồ lắm. Rồi một lần, tôi nhận được thư anh. Xúc động và bất ngờ, thư anh viết thân tình như một người anh lớn, chứ không như một cán bộ lãnh đạo. Tôi nhớ mãi câu “Cảm ơn các anh đang thực hiện những ước mơ của bản thân tôi”… Tôi hiểu trong đó vừa có sự gửi gắm, vừa có sự nhắc nhở. Và tôi dần có ý thức nhiều hơn về trách nhiệm đối với nơi đã gửi mình ra đi.


Vợ chồng GS Tạ Quang Bửu năm 1968 tại vườn hoa nhà Quốc hội.

Cũng vào thời gian đó, thầy giáo tôi, GS Markov, trước niềm đam mê hơi thái quá của đám học trò đối với cái toán học kiến thiết của ông, đã có một lời căn dặn hóm hỉnh mà tôi còn nhớ mãi “Chúng ta có thể để cho trí tưởng tượng bay cao bao nhiêu cũng được, nhưng bao giờ cũng cần nhớ tìm con đường từ nơi cao ấy trở về mặt đất”. “Mặt đất” ấy của tôi là ở nơi đâu, tôi cũng bắt đầu nghĩ đến và càng nghĩ càng thêm gắn bó…

Tôi chép nắn nót những lời thơ mộc mạc lên giấy, mang đến nhà anh đặt lên bàn thờ, rồi kính cẩn đọc dâng anh!

Viếng Anh

Một khối nghĩ suy, một khối tình
Nước non là đó, nọ là mình
Đã tròn một cuộc, bầu tâm huyết
Chưa thỏa đôi bề, lẽ tử sinh
Nghĩa nặng nhân tình còn quyến luyến
Ánh ngời tài trí vẫn lung linh
Nỗi đời chất chứa lòng ưu ái
Một khối nghĩ suy, một khối tình

(Phan Đình Diệu
Một bài học khó
Ba nhà khoa học kiệt xuất, tr. 65 & 69)


(*)  Hồn Việt

Bài liên quan: