“Tả Quân Lê Văn Duyệt” - có cần đầu tư tiền tỷ?

NGÔ NGỌC NGŨ LONG

Hiện nay, sân khấu kịch nói đang bắt đầu manh nha khuynh hướng dùng tiền tỷ để dựng vở lịch sử… Khuynh hướng này có lẽ ảnh hưởng từ những vở cải lương cách tân “Kim Vân Kiều” rồi đến “Chiếc áo thiên nga” đầu tư từ 2-4 tỷ và đã gây được tiếng vang đáng kể trong 2 năm qua. Với sân khấu hoành tráng và số lượng diễn viên tham gia đông đảo hơn 500 người, dù có nhiều ý kiến khen chê, nhiều điều phải bàn lại, nhưng ai cũng công nhận đó là một cách làm mới và chuyện phải tiêu tiền tỷ là hợp lý, hơn nữa đó là tiền huy động từ các doanh nghiệp. Nhưng gần đây vở kịch nói “Tả Quân Lê văn Duyệt” đã tiêu tốn cả tỷ đồng của nhà nước mới là chuyện phải bàn về cả hai mặt nội dung và cả hình thức…

Về nội dung: Đây là một kịch bản yếu, yếu từ lời thoại đến tình huống kịch. Người xem hiểu chủ ý của tác giả là muốn nhân chuyện xưa để nhắc nhở chuyện nay, và chuyện Tả Quân Lê văn Duyệt xử tử Huỳnh Công Lý như một lời cảnh tỉnh với các quan tham ô hiện tại. Nhưng ý đồ ấy lộ quá rõ, nên nó chỉ giống như một bản tuyên ngôn về chống tham nhũng mà không hề quan tâm đến nội tâm nhân vật.


Tả quân Lê Văn Duyệt tiếp xúc với dân đen

Suốt vở, Tả Quân Lê văn Duyệt (Quyền Linh) đi tiếp xúc với dân đen lặp đi lặp lại nhiều lần trên sân khấu, không trách diễn viên chỉ có một cách diễn đơn điệu. Nhiều ý kiến chê Quyền Linh vào vai Tả Quân chưa nhuyễn, nhưng thực sự đó là một vai diễn cực khó, bởi nội tâm nhân vật không được khai thác, mọi tình huống kịch cứ trơn tuột bởi những lời thoại rất lên gân: “Cha vợ vua mà ta chém còn được, huống chi nhãi nhép như ngươi”…

Vở “Nhân danh công lý” do đạo diễn Doãn Hoàng Giang dàn dựng đến bây giờ vẫn để lại dấu ấn trong lòng người xem bởi những dằn vặt đau đớn của hai người mẹ, bởi những lời thoại cháy lòng của những nỗi oan khuất. Còn Tả Quân Lê Văn Duyệt được tác giả tung hô như vị thánh sống, nên không có một độ rung lắng lại trong lòng người xem những dư vị đắng cay, ngang trái của bản thân ông. Tâm lý nhân vật giản đơn đến nỗi hạ lệnh chém cha vợ của vua không trình tấu về kinh thành mà nhẹ hẫng như người ta chém chuối? Không có chút dằn vặt, suy tư, không cần đấu tranh với chính mình, bởi thực sự đó chính là một cuộc đấu tranh sinh tử. Như vậy trách sao bản tuyên ngôn chống tham nhũng của vở trở nên quá sống sít…

Về hình thức: Cảnh trí chính của vở là 9 cây cột đỏ tượng trưng cho 9 án tử mà vua Minh Mạng đã kết tội Lê Văn Duyệt. Với cảnh trí khá đơn giản ấy chắc là không ngốn nhiều tiền bằng trang phục của vở, bởi người thiết kế là Sĩ Hoàng, giá cao là điều đương nhiên.


Một cảnh trong vở kịch

Một kiểu thiết kế trang phục đầy tính ước lệ: Màu đỏ cho người ngay, màu đen cho kẻ gian. Và ước lệ đến nỗi quan Tả Quân mà mặc trang phục như vua còn vua thì xám xịt một màu đen. Thực ra, chính cái ước lệ tưởng là sâu sắc ấy đã làm đơn giản hóa nhân vật. Cứ thấy đen là biết người xấu, đỏ là biết người tốt, ngay gian đã lộ ra ngay từ đầu vở, không cần gây bất ngờ, không cần nút thắt, nút mở nên mọi tình huống kịch cứ thế mà trôi giống như một vở hoạt cảnh…

Cũng cần nói thêm đôi chút về chính sử mặc dù đạo diễn đã tuyên bố mình không hề bị ràng buộc bởi các sử liệu. Rất đồng ý, nhưng không bị ràng buộc không có nghĩa là làm sai lệch. Vua Minh Mạng lúc lên ngôi (1820) mới 29 tuổi còn Lê Văn Duyệt lúc ấy đã 57 tuổi là một trong hai đại công thần được vua Gia Long vời về kinh đô để giao phó Hoàng Thái tử Nguyễn Phúc Đãm (vua Minh Mạng) trước khi băng hà. Đặt Thế Anh vào vai vua Minh Mạng già cỗi và Quyền Linh vào vai Lê Văn Duyệt trẻ tuổi thực sự đạo diễn đã làm mất đi chất uy nghiêm của vị đại công thần trụ cột của nhà Nguyễn.

Về vụ án, sử đã ghi lại chính vua Minh Mạng sau khi được Lê Văn Duyệt tấu trình về tội trạng của Huỳnh Công Lý đã sai Thiêm sự Hình Bộ là Nguyễn Đình Thinh vào Gia Định thu thập chứng cứ.

Khi hồ sơ trình lên, vua Minh Mạng dụ rằng: “Trẫm nuôi dân như con, thực không kể phí tổn. Nhưng bọn quan lại tham lam giảo quyệt ngấm ngầm chứa túi riêng… Gần đây Huỳnh Công Lý làm Phó Tổng Trấn Gia Định bóc lột của dân trên 3 vạn. Nếu các viên mục thú đều như y cả thì dân ta còn nhờ cậy vào đâu…” (Đại Nam thực lục Chính Biên, đệ nhị kỷ, quyển V trang 170). Cuộc điều tra vụ án Huỳnh Công Lý kết thúc… Vua ra lệnh cho quan phụ trách đòi lại số tiền đó cho dân. Khi thành án, vua ra lệnh trao hết hồ sơ cho triều đình bàn xét. Triều đình kết luận “đáng tội chết”. Án được thi hành tại Gia Định… Huỳnh Công Lý bị xử tử, tịch thu tài sản để trả lại cho binh lính và dân chúng.

Nhân đó, vua ra lời dụ cho các quan và dân chúng như sau: “Gia Định là nơi đất rộng, dân nhiều…Từ trước đến nay vẫn thận trọng lựa chọn những trọng thần công lao danh vọng sai trấn thủ cho muôn dân yên ổn. Không may có Huỳnh Công Lý tư cách đê hèn, chứa chất thói tham bạo, ăn lót kể đến muôn vàn, bắt người làm việc (riêng) mỗi lần hàng mấy nghìn, mọt nước hại dân đến thế là cùng. Nghĩ những người vô tội mà gặp nỗi độc hại này, dù của cải đền được, nhưng nỗi khổ lâu dài khó mà hồi được. Nay tội nhân như thế, pháp luật phải thi hành, để cho nhân dân uất ức một phương đều rõ cái ý trừ bạo an dân của triều đình” (Sđd, đệ nhị kỷ, quyển IX, trang 223). Như vậy, chính sử nhà Nguyễn đã ghi lại đầy đủ sự kiện xử án Huỳnh Công Lý, Lê Văn Duyệt là người khởi tố, nhưng do triều đình nghị tội và vua ban án tử. Cha bị tội nên Huệ Phi cũng bị giáng chức.


Vua Minh Mạng và Huệ Phi trong vở kịch

Vì vậy, việc cố ý khoác cho vua Minh Mạng chiếc áo đen trong vụ án Huỳnh Công Lý là cố tình làm lệch chính sử. Dù có Thượng Phương bảo kiếm, nhưng Lê Văn Duyệt luôn làm việc theo đúng phép nước, nhất là đối với cha vợ vua, không bao giờ để thất thố như vậy, vì trong thâm tâm, ông cũng hiểu rõ vua dùng ông chỉ là bất đắc dĩ. Một người mưu lược và có tầm nhìn như ông, không bao giờ để lộ chỗ hở nào cho bọn gian nịnh xàm tấu. Từ vụ án Huỳnh Công Lý đến khi ông mất là 12 năm, phải 3 năm sau nữa khi triều đình dẹp được quân Lê văn Khôi, đó mới chính là cơ hội cho quần thần xúc xiểm để vua kết tội ông 9 án tử.

Lâu nay, việc làm phim lịch sử luôn là vấn đề đau đầu đối với các đơn vị sản xuất. Bởi vấn đề kinh phí luôn phải được đặt ra hàng đầu. Do chúng ta chưa có phim trường như các nước có nền điện ảnh tiên tiến khác, nên khi làm phim lịch sử dù ở thời đại nào: Đinh, Lê, Lý, Trần… các đoàn phim đều cứ phải dựa vào kinh thành Huế làm bối cảnh cung đình. Nên việc phải tiêu tốn nhiều tiền để dựng cảnh đúng với bối cảnh lich sử còn có lẽ hợp lý của nó… Bởi với điện ảnh, tính chân thực chính là yếu tố sống còn của một bộ phim… Nhưng sân khấu kịch nói với đặc trưng ước lệ về cảnh trí, việc bỏ ra cả tỷ đồng cho một vở kịch như thế, liệu có đáng không?

________________

  • Kịch bản: Phạm Văn Quý

  • Đạo diễn: Doãn Hoàng Giang