Ai cũng biết, tham nhũng hiện nay không chỉ là “quốc nạn” mà còn là “thế giới nạn”, trở thành mối quan tâm và lo ngại sâu sắc trên phạm vi toàn cầu. Đã có nhiều hội nghị quốc tế bàn về sự phối hợp chống tham nhũng giữa các quốc gia. Đã có nhiều cách làm, biện pháp, luật pháp khác nhau về phòng chống tham nhũng ở nhiều quốc gia và đã có những điển hình làm tốt.
Ở nước ta hiện nay, phòng chống tham nhũng cũng là một vấn đề nóng bỏng. Rõ ràng vụ Vinashin, cùng hàng loạt vụ tham nhũng lớn khác vừa được phanh phui mấy năm gần đây chỉ là phần nổi của một tảng băng lớn, nếu không chặn đứng sẽ gây những hậu quả khôn lường. Đảng và Nhà nước, Quốc hội ta đã đặc biệt coi trọng vấn đề này, đã đưa thành luật, hình thành tổ chức chống tham nhũng cùng nhiều biện pháp khác để ngăn ngừa, xử lý tệ nạn này. Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta thấy Người đã có sự quan tâm rất sớm, rất kiên quyết về phòng, chống tham nhũng ngay từ những ngày đầu thành lập chính quyền.
Ngày 27/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh ấn định hình phạt tội đưa và nhận hối lộ sẽ bị phạt từ 5 đến 20 năm khổ sai và phải nộp phạt gấp đôi số tiền nhận hối lộ.
Ngày 26/1/1946, Người lại ký “Quốc lệnh”, khép tội trộm cắp của công vào tội tử hình và nói rõ “phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”. Không chỉ đề ra luật pháp rất nghiêm, Người còn rất mong mỏi, quan tâm đặc biệt đến vai trò làm chủ của dân “Làm sao cho dân biết hưởng quyền làm chủ, biết dùng quyền làm chủ của mình, dám nói, dám làm”. Người cũng có tầm nhìn xa, thấy rõ khi để xảy ra tham nhũng là có phần trách nhiệm thuộc về lãnh đạo, về chính sách dùng người. Sau khi phê chuẩn vụ xử tử hình đầu tiên về tội tham nhũng với nguyên Đại tá - Giám đốc Nha Quân nhu Trần Dụ Châu, Người đã đưa ra nhận xét rất thấm thía: “Về vụ án Trần Dụ Châu, chúng ta cũng phải chịu một phần trách nhiệm. Chúng ta chưa có chính sách sử dụng cán bộ cho đúng”.
Vậy là cùng với việc xử lý thật nghiêm với những kẻ tham nhũng, muốn phòng chống tham nhũng có hiệu quả, mang tính bền vững, lâu dài, đồng bộ, chúng ta cần làm hàng loạt các công việc khác nhau mang tính xã hội về nâng cao giác ngộ, về quyền làm chủ của nhân dân, về chế độ, chính sách, về tổ chức bộ máy, trong đó có việc dùng người, khâu có tính quyết định đầu tiên và cuối cùng với kết quả công việc.
Bài học dùng người của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng có những điều rất đặc biệt, cần được tìm hiểu, suy nghĩ và vận dụng. Vì sao những ngày đầu của cách mạng, đất nước ta còn rất nghèo khó, lại đang phải đứng trước thử thách một mất, một còn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thu hút, tập hợp được biết bao người tài để cùng chung lo việc nước, trong đó có cả những trí thức, nhà khoa học lớn là Việt kiều đang sống và làm việc ở nước ngoài với mức sống và con đường phát triển cao hơn rất nhiều khi làm việc trong nước?
Chúng ta đều biết, trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam cũng như ở bất cứ dân tộc nào, thời kỳ thịnh trị hay suy vong, trước hết đều tùy thuộc vào tài, đức của người nắm giữ vận mệnh của đất nước và cách dùng người, “Minh quân chuộng hiền tài; bạo chúa dụng trảo nha”. Vua hiền mới dùng được tướng giỏi; còn hôn phu bạo chúa chỉ có thể dùng nanh vuốt để trị thiên hạ. Hồ Chí Minh không phải là một ông vua. Người tự nhận chỉ là “Người lính vâng mệnh quốc dân ra gánh vác việc nước”, là “công bộc của dân” nhưng lại được cả dân tộc và cả thế giới tôn vinh là “anh hùng dân tộc”, “nhà văn hóa lớn”.
Những gì Người mang lại cho đất nước, cho dân tộc quả thật lớn lao, không chỉ làm nên một mốc son chói lọi trong lịch sử Việt Nam mà còn mang tầm vóc khu vực và thế giới. Nhưng trong sự nghiệp cách mạng của Người, điểm mấu chốt cần được nhắc tới là cách dùng người, là sự nghiệp trồng người mà Người luôn coi là “Vì lợi ích trăm năm”, cần quan tâm trước hết. Nhận thức được điều này nên trong dịp lễ tang của Người, năm 1969, một chính khách nổi tiếng người nước ngoài đã nói lên cảm nhận của mình: “Hồ Chí Minh đã để lại cho nhân loại một gia tài quý vô cùng: Đó là nhân dân Việt Nam, thế hệ của Người”.
Như vậy, thành quả lớn lao nhất của cách mạng Việt Nam suốt hơn nửa thế kỷ qua là cùng với Độc lập, Tự do, mở ra con đường phát triển phồn vinh cho đất nước là những thành quả về con người mới Việt Nam, thế hệ Hồ Chí Minh. Thắng lợi của hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và những thành quả của chặng đường hơn 20 năm đổi mới hiện nay, yếu tố quyết định nhất vẫn là từ con người. Nhưng mỗi giai đoạn lịch sử có những yêu cầu mới đặt ra cần được đáp ứng kịp thời.
Hậu quả nặng nề nhất của 30 năm chiến tranh để lại không chỉ là cơ sở vật chất của nền kinh tế, xã hội bị tàn phá, mà chính là chúng ta đã mất đi hàng triệu con người, trong đó có rất nhiều tinh hoa của đất nước trên nhiều lĩnh vực. Khi bước vào hòa bình xây dựng đất nước trong thời kỳ mới, chúng ta rất thiếu những nhà chuyên môn giỏi. Việc “gánh vác giang sơn” trong thời kỳ tiếp nối lại đặt lên đôi vai của những người đã góp phần xương máu để bảo vệ đất nước nhưng hành trang để họ làm tốt nhiệm vụ với yêu cầu mới là quá ít ỏi. Nhưng chiến tranh đã lùi xa hơn 30 năm, công việc đổi mới cũng đã được tiến hành trên 20 năm. Lớp người mới với nhiều tài năng mới trên nhiều lĩnh vực đã xuất hiện với nhiều tín hiệu rất đáng mừng.
Đã đến lúc chúng ta cần thay đổi căn bản về tổ chức với chính sách dùng người sao cho có lợi nhất cho sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, kiên quyết xóa bỏ cách làm trước đây có quá nhiều hạn chế mà do chủ quan và điều kiện lịch sử, chúng ta chưa làm được. Thực ra, tư tưởng Hồ Chí Minh trong việc dùng người, chúng ta đã nói khá nhiều nhưng vận dụng vào thực tại lại quá ít ỏi, chậm chạp và có nhiều sai lầm đến mức cần báo động ở không ít nghành, địa phương và cả ở tầm vĩ mô, chưa được khắc phục.
Học tập tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh bao gồm nhiều nội dung lớn nhưng về cách dùng người, chiến lược đào tạo bồi dưỡng con người có vị trí và tầm quan trọng đặc biệt. Làm tốt hay không việc này, chính là một trong những điều kiện tồn vong, phát triển của đất nước hôm nay và mai sau.