Tể tướng vẫn phải quỳ gối bên giường thầy

Sử sách cũ nói nhiều đến “học vấn tinh thuần” của Chu Văn An, song uy tín của thầy Chu không chỉ ở tài học, mà chủ yếu còn ở tiết tháo làm người. Ông dạy học rất nghiêm, coi trọng đạo làm người, vì thế, không những học trò mà nhân dân và cả giới trí thức đương thời đều kính mến, ngưỡng mộ ông, coi ông như núi Thái Sơn, sao Bắc Đẩu của kẻ sĩ.

Phạm Sư Mạnh(1), Lê Quát(2) làm quan to trong triều mà vẫn lấy làm vinh dự được quỳ gối bên giường mỗi khi về thăm thầy Chu. Song ngay cả với những học trò đã thành đạt mà có lỗi lầm, thầy Chu vẫn nghiêm khắc răn dạy. Tương truyền có lần Phạm Sư Mạnh - bấy giờ đang làm Nhập nội Hành khiển, tức là chức quan tương tự như Tể tướng - về thăm thầy Chu. Gặp ngày phiên chợ quê, người mua kẻ bán đi lại đông vui tấp nập, chợt quân lính thét loa, vung roi mở đường cho kiệu quan Hành khiển đi, làm huyên náo, ồn ào như vỡ chợ. Việc đến tai thầy Chu, lúc Phạm vào nhà, thầy đã chỉ thẳng vào Phạm mà trách rằng:

- Về thăm thầy mà làm náo động cả bàn dân thiên hạ, thì ta còn mặt mũi nào ngẩng nhìn mọi người!

Rồi thầy Chu phủi áo bỏ vào nhà trong. Phạm Sư Mạnh vừa sợ thầy vừa hối hận, cứ quỳ gối bên giường chờ thầy tha lỗi rồi mới dám về. Từ đó, mỗi khi về làng thăm thầy Chu, quan Hành khiển họ Phạm chỉ mặc áo vải thâm, đi một mình như người dân thường để giữ đúng lễ thầy trò.

 

____

(1) Phạm Sư Mạnh tên thật là Phạm Độ, là danh sĩ và làm quan nhà Trần.

(2) Lê Quát tự là Bá Đạt, là danh sĩ và làm quan nhà Trần.

KIỀU THU HOẠCH biên soạn